Giải pháp nào cho không khí Hà Nội?

Anh Khoa

Từ đầu năm đến nay mặc cho dịch bệnh và chính sách giãn cách xã hội được áp dụng, Hà Nội tiếp tục được gọi tên trong nhóm nước có nguồn không khí được xếp hạng ô nhiễm nhất trên thế giới.

Theo báo nhà nước, ghi nhận lúc 7h sáng ngày 28 tháng 4, hơn 50 điểm đo của Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng xấu với chỉ số chất lượng không khí từ 150-200. Theo phân tích chỉ số, mức ô nhiễm này bắt đầu có hại cho sức khỏe mọi người.

Nhà máy nhiệt điện than đang được cho là nguyên nhân chính. Mặc dù trong một nội dung được EVN phát hành ngày 18 tháng 12 năm 2019, EVN khẳng định ô nhiễm không khí tại Hà Nội được cho do các nhà máy nhiệt điện nằm ở phía đông thủ đô là không chính xác.

Một nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10 năm 2018. Nghiên cứu cho thấy phát thải đến từ riêng ngành điện vào năm 2015 đóng góp dưới 10% ô nhiễm không khí Hà Nội. Và mô phỏng vào năm 2030, ngành điện có thể đóng góp tới 20% mức ô nhiễm PM2.5 tại Hà Nội.

“Mức tăng lớn nhất về nồng độ PM2.5 sẽ đến từ phát thải trong ngành điện”, nghiên cứu viết.

Các nhà máy điện than nằm trong chương trình của chính phủ để đáp ứng nhu cầu 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE được các tổ chức môi trường nghi ngờ, đánh giá sự phát triển là chưa chú ý đến các khía cạnh bền vững môi trường. (http://www.greenidvietnam.org.vn/tuyen-bo-ha-noi-cua-cac-lien-minh-kien-nghi-dung-trien-khai-xay-dung-cac-nha-may-nhiet-dien-than-moi-tren-lanh-tho-viet-nam.html)

Trong Hội nghị tổng kết hoạt động năm của ngành Công Thương, ngày 27 tháng 12 năm 2019, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ”cần tiếp tục đẩy mạnh các dự án đang làm, nhưng nếu tiếp tục phát triển các dự án điện than mới, dư luận không đồng tình. Phát triển mới phải theo hướng năng lượng xanh”.

“Nhà máy điện than tạo ra một số chất gây ô nhiễm nguy hiểm, một trong số đó là PM 2.5. Kích thước của nó rất nhỏ, nhưng nó có thể xâm nhập vào máu của chúng ta. Vì vậy, không chỉ khói xe cơ giới, ô nhiễm lớn nhất hóa ra là từ các nhà máy nhiệt điện than”, thành viên “Nhóm Công lý, Môi trường và sức khỏe” cho biết.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực cho biết, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong cơ cấu nguồn điện mới có công suất nhiệt điện than sẽ giảm 8.760 MW vào năm 2025 và giảm 6.340 MW vào năm 2030, chủ yếu do các dự án chậm tiến độ và một số địa phương không đồng thuận phát triển nhiệt điện than (Long An).

Kết quả nghiên cứu mô hình khí quyển tính toán phát thải nhà máy nhiệt điện than của Đại học Harvard cho thấy ô nhiễm được cho là gây ra cái chết sớm của 6.500 người mỗi năm. (https://issuu.com/greenpeacesea-indonesia/docs/full-report-human-cost-of-coal-powe)

“Các chất ô nhiễm có thể xâm nhập vào máu của chúng ta, xâm nhập vào hệ thống tim gây ra các bệnh về đường hô hấp khác nhau. Không gây ho thông thường, mà là ung thư phổi, bệnh tim, thiếu máu cơ tim, cũng như hen suyễn.”

Không chỉ PM2.5, còn có các chất gây ô nhiễm như SO2, NOx và các chất nguy hiểm khác. Các chất ô nhiễm cũng có thể ảnh hưởng trong bán kính 500 km từ nguồn gây ô nhiễm.

Khi chính quyền địa phương như Long An kiến quyết từ chối nhiệt điện than và quyết sách chính phủ nghiêng về năng lượng tái tạo đã hé mở cánh cửa cải thiện chất lượng cải thiện không khí tại Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, khoảng 200 nhà máy nhiệt điện than đóng cửa. Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục sửa đổi các chính sách phát triển năng lượng.

“Ấn Độ và Trung Quốc đã nhận ra, nhiệt điện than không phải là hướng phát triển đúng đắn, nó khiến chất lượng không khí rất kém”, thành viên “Nhóm Công lý, Môi trường và sức khỏe” cho biết.

Đo đạc lượng không khí, quan trắc khi thải từ các nhà máy, giảm và đi đến xoá sổ dần các nhà máy nhiệt điện than tại Miền Bắc, tăng đầu tư điện gió và điện mặt trời là những giải pháp chiến lược giúp cải thiện được chất lượng không khí tại thủ đô, điều này cần sự vào cuộc của các tổ chức phi chính phủ, chính quyền địa phương, sự lắng nghe của trung ương.

A.K.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Hà Nội, Ô nhiễm, Ô nhiễm không khí. Bookmark the permalink.