Từ Dân Trí đến Dân Khí (Ý nghĩa của bản Kiến nghị Bauxite 12-4-2009)

Mai Thái Lĩnh

Bắt nguồn từ bản Kiến nghị xin ngừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên gửi lên Quốc hội, Chính phủ và Trung ương ĐCSVN với 6 đợt, hơn 3000 người từ khắp nơi, trong nước ngoài nước đồng ký tên, trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời ngày 12-4-2009 đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam cách đây 11 năm, làm thức dậy ý thức về quyền được công khai lên tiếng của người dân trước các việc làm không (hay chưa) chuẩn mực của các cơ quan công quyền, vì lợi ích lâu dài của một dân tộc đang trên đường gia nhập vào thế giới văn minh, phát triển, vì một môi trường bền vững cũng như vì yêu cầu độc lập tự chủ thiêng liêng của đất nước. Có thể nói đây là một trong những tiếng nói sớm nhất góp phần khơi động mạnh mẽ khí thế phấn chấn của một thế hệ người Việt đông đảo quyết dấn thân cho mục tiêu bình đẳng và nhân văn, tự do và dân chủ, nhờ đó xã hội dân sự ở Việt Nam cũng từng bước nhanh chóng hình thành.

Bên trong khẩu hiệu “tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức” ghi ở trên tiêu đề trang mạng, mọi hoạt động của Bauxite Việt Nam gần như lúc nào cũng hướng tới tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, coi trọng dân sinh) của nhà tư tưởng bậc thầy Phan Châu Trinh. Và đúng 4 tháng sau, học giả Mai Thái Lĩnh, một cộng tác viên gần gũi, trong một bài viết nhằm nhắc lại “cái thuở ban đầu nao nức ấy”, đã có dịp giải thích sáng rõ hơn con đường mà Bauxite Việt Nam theo đuổi đã cố gắng thể hiện sát đúng các phương châm của Phan tiên sinh như thế nào.

Nhằm ôn lại một vài kỷ niệm về những ngày son trẻ của mình, mà cũng là nhằm hâm nóng lại vấn đề “khai dân trí” (bao hàm trong đó cả “khai quan trí”) vốn lúc nào cũng là vấn đề cấp bách hàng đầu trong tình thế ngổn ngang nhiều mặt của xã hội chúng ta hiện nay, nhân dịp cả nước vừa tạm bước qua đợt đầu cách ly chống đại dịch virus Corona bắt nguồn từ Vũ Hán, chúng tôi xin trân trọng đăng lại bài viết của học giả Mai Thái Lĩnh viết ngày 12-8-2009 để quý bạn đọc xa gần thưởng lãm.

Bauxite Việt Nam

Dân trí là gì?

Trí 智 trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là hiểu rõ sự lý, thông minh[1]. Khai dân trí thuờng được các học giả giải thích là mở mang sự hiểu biết của người dân. Giải nghĩa như thế tuy không sai, nhưng không thấu đáo. Cách giải thích phiến diện đó có thể làm cho người ta lầm tưởng chủ trương khai dân trí của Phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ XX chỉ nhằm phát triển giáo dục, truyền bá kiến thức để nâng cao trình độ học vấn hoặc trình độ khoa học-kỹ thuật cho người dân, hoặc nói rộng hơn nữa là làm thay đổi nếp sống văn hóa, vận động người dân xây dựng nền văn hóa mới.

Đành rằng trong con người của Phan Châu Trinh, ta có thể tìm thấy bóng dáng của một nhà giáo dục hoặc một nhà văn hóa. Ông đã từng tham gia giảng dạy tại Đông kinh Nghĩa thục và trong Phong trào Duy tân ở Quảng Nam, ông và các đồng chí đã cổ động đồng bào học chữ  quốc ngữ, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, xây dựng đời sống văn hóa mới. Thế nhưng, nếu chỉ giới hạn công tác khai dân trí trong phạm vi của giáo dục hay văn hóa thì chúng ta không thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của phong trào đổi mới mà Phan Châu Trinh đã khởi xướng.

Trong Thư ngỏ gửi Toàn quyền Đông Dương (Đầu Pháp chính phủ thư), ông viết:

“Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Á, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường”[2].

Dân trí nước ta còn mờ tối, do đó trách nhiệm của các trí thức tiến bộ đương thời là phải làm sáng rõ trí tuệ của dân ta. Xét theo khía cạnh đó, khai trí phải được hiểu là mở cửa trí tuệ, khai dân trí là đưa dân trí từ chỗ tối đến chỗ sáng, là vạch ra con đường sáng trong cảnh tối tăm. Chữ khai trí có ý nghĩa tương tự chữ Enlightenment trong tiếng Anh dùng để chỉ Phong trào Khai sáng ở châu Âu trong các thế kỷ XVII, XVIII.

Cũng tương tự như Enlightenment, khai trí còn bao hàm một một ý nghĩa mạnh mẽ hơn. Theo cách nhìn của Phan Châu Trinh, kể từ đời Nhà Tần, Nho giáo ở Trung Quốc đã bị nhiễm cái nọc độc chuyên chế. Nọc độc chuyên chế biến triết lý Khổng Mạnh mang tính nhân bản, khai phóng trở thành Nho giáo mang tính giáo điều – một loại công cụ lợi hại để làm ngu dân. Nhà Lê sau khi giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của nhà Minh, đã du nhập hệ thống chính trị rập khuôn theo kiểu mẫu của Trung Quốc, đồng thời đưa Nho giáo lên địa vị chính thống trong học thuật và giáo dục. Kể từ đó, tầng lớp trí thức Việt Nam thời trung cổ nghiên cứu học hỏi Nho giáo, say mê với những bài học đạo đức, triết lý nhân sinh hay vũ trụ quan rút ra từ Tứ thư và Ngũ kinh, nhưng lại quên mất một điều: xét về cốt lõi, Nho giáo là một ý thức hệ nhằm biện minh cho quyền lực tập trung của nhà vua, tư tưởng chính trị trung tâm của nó nhằm bảo vệ quân quyền chuyên chế. Trong một bài diễn thuyết tại Sài Gòn vào năm 1925, Phan Châu Trinh nói:

“Thương hại thay, trong hai ngàn năm các nhà vua chẳng ngó chi tới cái lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán mà đè nén cái trí dân để mà giữ chắc cái chìa khóa tủ sắt ngôi thiên tử cho con cháu mình”[3].

Do đó, khai trí còn có ý nghĩa thứ hai là giải phóng trí tuệ. Khai dân trí chính là một cuộc cách mạng về mặt tư tưởng và văn hóa, giải phóng trí tuệ cho người dân khỏi sự mê muội gây ra bởi một thứ  ý thức hệ mang tính nô dịch.

Từ dân trí đến dân khí

Về khái niệm dân khí, cần lưu ý một điều: mặc dù Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông đều theo học cái học cử  nghiệp của nền học thuật Nho giáo bắt nguồn từ Trình Di (1033-1108) và Chu Hy (1130-1200), nhưng chữ khí mà các ông sử dụng ở đây không liên quan đến quan niệm về lý và khí trong triết học của Trình-Chu. Theo Chu Hy, lý 理 là một quy luật, một nguyên tắc của vũ trụ phi vật chất khác với khí 氣 – một thứ hơi (éther) tạo thành mọi sự vật vật chất. Nói cách khác, khí là một thứ nguyên liệu ban đầu (matière primordiale) làm nên mọi sự vật. Trong một đoạn văn thường được trích dẫn, Chu Hy viết: “Người nhận được khí trong là những hiền nhân, với bản chất giống như một viên ngọc nằm dưới đáy một dòng nước lạnh và trong suốt. Nhưng những người nhận được khí đục sẽ là kẻ ngu đần hay kẻ bất lương với bản chất giống như một viên ngọc nằm dưới đáy một dòng nước đục ngầu”[4].

Chữ khí 氣 mà Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông sử  dụng không giống với chữ  khí của siêu hình học Trình-Chu nhưng lại có ý nghĩa tương tự như chữ khí trong quan niệm của Mạnh Tử về khí hạo nhiên (khí lớn lao). Trong cuốn Lịch sử ngắn gọn về triết học Trung Hoa của nhà triết học sử Phùng Hữu Lan (xuất bản năm 1948), khí hạo nhiên được dịch là Great Morale. Chữ morale trong tiếng Anh dùng để chỉ một mức độ của sự tin cậy và tình cảm tích cực mà con người có được khi làm việc cùng với nhau hoặc cùng sống trong một tập thể. Chữ khí ở đây có ý nghĩa tương tự như chữ khí trong dũng khí hay sĩ khí (tinh thần của kẻ sĩ, tinh thần của chiến sĩ)[5].

Như vậy dân khí dùng để chỉ một sức mạnh tinh thần không chỉ dựa trên lý trí mà còn bao gồm cả tình cảm, ý chí và gắn liền với hành động. Chấn dân khí chính là khôi phục, tăng cường, bồi bổ sức mạnh tinh thần, nhuệ khí của dân tộc. Một khi dân trí mờ tối, dân khí yếu hèn thì nhiệm vụ của sĩ phu yêu nước là phải mở cửa trí tuệ cho người dân, vạch đường đi cho nhân dân, giúp nhân dân nhìn thấy hướng đi tiến bộ của nhân loại, và từ đó chấn hưng sức mạnh tinh thần, nâng cao ý chí của nhân dân để nhân dân có thể tự  giải phóng, giành lấy địa vị làm chủ.

Trong bản thảo “Pháp-Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam”, thay vì nêu phương châm khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, Phan Châu Trinh chỉ nêu bốn chữ khai trí, trị sinh:

“Đã lợi trí, lợi có đường sống, cho nên không thể không nói khai trí trị sinh; cho nên cái thế là không thể không lập nhiều hội học, hội diễn thuyết, hội buôn”[6].

Trị sinh là điều hành đời sống vật chất, tưong đương với hậu dân sinh (làm giàu đời sống vật chất của người dân). Trong câu nói này, khai trí thay thế cho cả hai vế khai dân trí (mở cửa trí tuệ) lẫn chấn dân khí (chấn hưng sức mạnh tinh thần và ý chí của người dân).

Như vậy, trong ngôn ngữ chính trị của Phan Châu Trinh, chữ trí có một ý nghĩa rất rộng, không chỉ là sự hiểu biết mà còn bao gồm cả tình cảm, ý chí hướng đến hành động. Khai dân trí bao hàm cả chấn dân khí: mở cửa trí tuệ là để giải phóng trí tuệ, đồng thời bồi bổ, tăng cường ý chí, tình cảm cho người dân. Nói tóm lại, đó là việc khôi phục và tăng cường sức mạnh tinh thần của dân tộc, sức mạnh đã bị hao mòn hay đánh mất do bị nô dịch bởi một nền văn hóa – giáo dục giáo điều, ngu dân.

Giới trí thức và trách nhiệm khai dân trí, chấn dân khí

Để khai trí, trước hết phải đánh thức giới trí thức, bởi lẽ cần có sự hợp tác của toàn bộ giới trí thức để khai sáng và giải phóng trí tuệ cho cả dân tộc.

Vào đầu thế kỷ XX, nền giáo dục chính thống vẫn còn dựa trên nền tảng của Tống Nho (Nho giáo đời Tống) – một thứ Nho giáo đã biến thành giáo điều và được các vương triều ở Trung Quốc và Việt Nam sử  dụng với mục đích làm ngu dân. Trong các kỳ thi chính thức, thí sinh phải làm bài thi kinh nghĩa, tức là bài văn giải thích ý nghĩa các chủ đề trong Tứ thư  và Ngũ kinh – những cuốn sách kinh điển của Nho giáo. Lối văn kinh nghĩa thông dụng là bài văn có tám đoạn, do đó văn chương bát cổ (tám đoạn, tám vế) là một thuật ngữ  được dùng để ám chỉ nền văn hóa – giáo dục đương thời. Trong khi nhân dân đang chịu thống khổ dưới ách của cường quyền thì trí thức vẫn còn mộng mị ngủ yên trong nền văn chương “tám vế”, ngụp lặn trong văn chương và nghệ thuật diễm lệ của “phương Đông” kiêu hãnh và cao đạo để quên đi thân phận của người dân mất nước. Đánh thức giới sĩ phu ra khỏi cơn mộng mị của ý thức hệ Nho giáo là để trí thức thời đó tỉnh giấc, can đảm nhìn thẳng vào thực tại và dấn thân vào cuộc đấu tranh để giành lại quyền làm chủ cho nhân dân, đòi quyền tự  trị cho dân tộc, tiến đến giành độc lập hoàn toàn. Vào năm 1903,  Phan Châu Trinh cùng hai người bạn là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng vào Bình Định. Lúc ấy đang kỳ thi khảo hạch. Cả ba người cải trang và mạo danh vào ứng thí để làm một bài phú có tên là Lương ngọc danh sơn và một bài thơ có tên là Chí thành thông thánh, với nội dung lên án nền giáo dục ngu dân.

Trong bài thơ Chí thành thông thánh mà cả Hùynh Thúc Kháng lẫn hầu hết các nhà nghiên cứu đều xác định là tác phẩm của Phan Châu Trinh, có hai câu thơ sau đây:

Vạn gia nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương thụy mộng trung.

Có nghĩa là : [Trong khi] muôn nhà làm nô lệ dưới ách của cường quyền [thì các nhà nho vẫn đang] ngủ say trong giấc mộng của nền văn chương “tám vế”.

Điều trớ trêu là ngày nay, mặc dù Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, có chủ quyền, thế mà chúng ta cũng đang ở vào một tình trạng tương tự. Học sinh, sinh viên và giới trí thức chính thống cũng đang say sưa với giấc mộng “con rồng nhỏ” được nuôi dưỡng bằng ảo tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin cộng với giấc mơ làm giàu theo con đường tư bản chủ nghĩa (ngôn ngữ  chính thống thường gọi đó là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”).

Ngoài việc bơm vào đầu óc thanh thiếu niên những ảo mộng về một thứ chủ nghĩa xã hội trên đầu lưỡi và trên giấy tờ nhiều hơn là trong đời thực, nhà trường và các phương tiện truyền bá văn hóa còn nhồi nhét vào đầu óc họ tình cảm thù ghét vô cớ đối với thế giới phương Tây văn minh, tiếp tục nuôi ác cảm đối với những quốc gia tuy đã có một thời đụng độ với Việt Nam trong chiến tranh nhưng nay đã và đang sẵn sàng xây dựng mối quan hệ hữu hảo để giúp dân tộc ta tiến lên trên con đường văn minh, hiện đại hóa.

Đã nhiều thập niên trôi qua sau chiến tranh, nhưng hình ảnh của “thực dân Pháp”, “đế quốc Mỹ” vẫn còn ám ảnh trong đời sống văn hóa của người dân; mặt khác, các văn nghệ sĩ và nhà báo, nhà lý luận chính thống vẫn còn bám vào “truyền thống cách mạng”, vào “quá khứ hào hùng” theo một kiểu cách mà nhà văn Phạm Đình Trọng gọi là “ăn mày dĩ vãng”.

Ngược lại, từ các nhà trường cho đến các phương tiện truyền thông đại chúng được trang bị phương tiện hiện đại “cho đến tận răng” lại ra sức nuôi dưỡng một thứ tình hữu nghị mộng mị, một lòng tin mù quáng vào một nước láng giềng hùng mạnh cùng mang danh xưng là “xã hội chủ nghĩa”, cùng sinh ra từ một nguồn gốc “cộng sản quốc tế”, và ngày nay đang hợp tác toàn diện với Việt Nam theo phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Nền văn hóa – giáo dục đó đã và đang tìm cách che giấu một sự thật đau đớn là nước bạn láng giềng đó thật ra là một “đế quốc xã hội chủ nghĩa” có tham vọng bành trướng lãnh thổ và không hề giấu diếm dã tâm lấn đất, lấn biển. Những người biết tiếng Anh hay tiếng Hoa có thể lên các trang web của “nước bạn” Trung Quốc để thấy rõ dã tâm ấy là như thế nào.

Trước mắt và trong một tương lai rất gần, đế quốc kiểu mới đó đang rắp tâm làm chủ toàn bộ Biển Đông, coi đó là cái ao nhà của họ, bất chấp sự phản ứng yếu ớt đến kỳ lạ của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong khi tàu đánh cá của Việt Nam bị “tàu lạ” đâm chìm, trong khi ngư dân miền Trung hoạt động trong vùng biển quen thuộc của mình bị tàu tuần tra của Trung Quốc bắt giam, thậm chí giữ con tin để đòi tiền chuộc theo kiểu hải tặc thì giới trẻ Việt Nam vẫn ngủ yên trong tương lai hóa rồng mà các nhà trí thức chính thống đang ra sức rao giảng, còn trong nhà trường thì các thầy cô giáo vẫn đàng hoàng lên lớp về một nước Việt Nam anh hùng đã từng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và nhất định trong tương lai sẽ xóa nỗi nhục nghèo hèn cho đất nước. Bên ngoài nhà trường, thanh thiếu niên được tha hồ vui chơi bằng đủ thứ trò chơi hiện đại, được phép say sưa với những diễn viên điện ảnh tài danh, những ca sĩ quốc tế, những trận đấu bóng đá, những kỳ thi đố vui kiến thức, những màn trình diễn thời trang và các cuộc thi hoa hậu, v.v… chỉ với điều kiện phải quên đi, đừng quan tâm gì đến những vấn đề được xếp vào diện “nhạy cảm”[7].

Hậu quả của chính sách văn hóa – giáo dục “chỉ được phép chạy theo lề bên phải” đó là: trong khi ngư dân đang khốn khổ ngay trên vùng biển của đất nước mình, sì sụp vái lạy các ông “phú-lít biển” của nước bạn, thậm chí phơi thây vì những “tàu lạ” thì thanh thiếu niên của nước Việt anh hùng chỉ biết quỳ lạy, khóc thương Micheal Jackson như vừa mất đi một người thân trong gia đình.

Dẫu biết rằng tiếp thu văn hóa, khoa học của thế giới là điều bình thường trong thế giới ngày nay, nhưng điều đáng chê trách là tại sao các em, các cháu lại không hề biết nền độc lập, tự chủ của đất nước mình đang bị quốc gia khác đe dọa, người dân nước mình đang phơi thây trên biển hoặc đang sống cơ cực hàng ngày trong khi bọn tham nhũng nhởn nhơ khắp chốn, luật pháp nằm trong tay kẻ mạnh, tình hình quản lý kinh tế – xã hội ngày càng bê bối nhưng người chịu trách nhiệm cụ thể thì tìm đỏ mắt cũng không thấy ai! Làm văn hóa, giáo dục như thế có khác gì cung cấp một thứ “thuốc phiện” để tuổi trẻ đi tìm sự quên lãng, tự tha hóa để quên đi thân phận tủi nhục của đất nước mình?

Chính trong hoàn cảnh giới trí thức “say sưa trong giấc mộng” đó, sự ra đời của bản Kiến nghị bauxite có ý nghĩa như một tiếng chuông cảnh tỉnh – tương tự như hai bài thơ nói trên của các nhà lãnh đạo Phong trào Duy tân, hay như lá thư ngỏ nổi tiếng Đầu Pháp chính phủ thư mà Phan Châu Trinh đã viết vào năm 1906. Trong một thế giới hiện đại – khi mà Internet giúp người ta đến gần với nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn, bản Kiến nghị 12-4-2009 không còn là một tiếng vỗ tay đơn độc của một cá nhân hay một nhóm người, mà là một tiếng vỗ vang dội của hàng ngàn “đôi tay”, như nhà yêu nước họ Phan đã từng mơ ước qua một bài thơ làm trong nhà tù La Santé ở Paris:

Trăm việc hai tay khó nỗi trông,
Làm cho nên bộp phải tay đông.
Nhiều bàn xúm lại cho chung rập,
Một tiếng kêu lên đã lạnh lùng.
Sảng vía hùm beo kinh chạy tản,
Giựt mình cò quạ hoảng bay bùng.
Xưa nay góp gió làm nên bão,
Muôn vạn xin ghi một chữ đồng[8].

Sự thức tỉnh của giới trí thức là tiền đề của sự thức tỉnh của cả dân tộc. Và khi dân tộc thức tỉnh thì đó cũng là bước đầu hình thành một xã hội dân sự lành mạnh, tiền đề của một chế độ dân chủ trong tương lai. Trí tuệ của dân tộc được khai mở thì nguyên khí của dân tộc sẽ hồi sinh. Đó mới là lúc lòng yêu nước thật sự được trỗi dậy, bởi vì lòng yêu nước không thể chỉ là tài sản của một người – dù người đó là một cá nhân vĩ đại, cũng không chỉ là của riêng của một dòng họ hay một đảng phái – dù dòng họ đó hay đảng phái đó có công lớn đến mức nào đối với dân tộc, mà chỉ có thể là tài sản chung của cả xã hội, cả cộng đồng, cả dân tộc.

Chỉ khi nào cả dân tộc cùng nhau yêu nước thì bờ cõi của đất nước mới có thể được giữ vững, vùng biển của Tổ quốc mới được vẹn toàn. Chỉ khi nào lòng yêu nước không còn là độc quyền của bất cứ cá nhân, tập đoàn hay phe phái nào, thì lòng yêu nước mới biến thành một sức mạnh thật sự làm cho “hùm beo sảng vía”, “cò quạ hoảng bay”.

Đó là bài học rút ra từ quá khứ đau thương của dân tộc Việt Nam chúng ta. Bài học của một nước nhỏ sống bên cạnh một nước lớn, bài học của kẻ yếu biết hợp quần để chống lại kẻ mạnh, bài học của sự thương yêu chống lại sự bạo tàn, bài học của những người dựa vào chân lý để chiến thắng sự dối trá – cho dù sự dối trá đó là sự dối trá của kẻ mạnh.

Đà Lạt, nhân kỷ niệm 4 tháng ngày ra đời bản Kiến nghị Bauxite,

12.4.2009 – 12.8.2009

M.T.L.

________

Tài liệu tham khảo:

1.  Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, In lần thứ 2, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2006.

2.  Fung Yu-Lan, A short history of Chinese Philosophy, Edited by Derk Bodde, The MacMillan Company, 1948, Collier-Macmillan Canada, Ltd., Toronto, Ontario, First Free Press Paperback  Edition, 1966.

3.  Đào Duy Anh, Hán-Việt Từ-Điển, Trường thi, In lần thứ 3, Sài gòn 1957.

Chú thích

[1] Đào Duy Anh, Hán-Việt Từ điển .

[2] Phan Châu Trinh, “Đầu Pháp chính phủ thư”, 1906; Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 406.

[3] Phan Châu Trinh, “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”, 1925, Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 974.

[4] Trích theo Phùng Hữu Lan: Fung Yu-Lan, op.cit., p. 301.

[5] Fung Yu-Lan, op.cit, p. 78.

[6] Phan Châu Trinh, “Pháp-Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam”; Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 596.

[7] ”Nhạy cảm” là tính từ mà ngôn ngữ báo chí hiện nay hay dùng để chỉ những vấn đề nóng bỏng, bức thiết có liên quan đến đời sống của người dân hay vận mệnh của Tổ quốc, đáng lẽ phải được đưa ra bàn bạc công khai nhưng lại bị xếp vào “vùng cấm”. Nói theo ngôn ngữ của thời quân chủ, đó là những vấn đề “húy” (kiêng không được nói đến), nói đến là “phạm húy”!

[8] Phan Châu Trinh, “Đông tay vỗ nên bộp”, Santé thi tập, Nguyễn Văn Dương, sđd, tr. 281.

Nguồn: http://hasiphu.com/nhomdalat_MTL22.html

Tác giả gửi đến Bauxite Việt Nam tháng 8-2009, HC biên tập và đăng tải lần đầu tại http://bauxitevietnam.info/c/5177.html Tuy nhiên hiện nay tên miền này đã bị hỏng.

This entry was posted in Dân khí, Dân sinh, Dân trí. Bookmark the permalink.