Bảy mươi năm vẫn không đọc nổi một bài báo

Nguyễn Khắc Mai

Bảy mươi năm là tuổi thọ của cái Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay. Họ còn được mệnh danh là báo chí cách mạng, báo chí lề đảng.

Không đọc nổi vì họ bị bịt mắt và tự bịt mắt chứ không phải họ mù chữ. Có lẽ là họ vô học. Người xưa nói “bất học diện tường”. Nghĩa là kẻ không học chỉ như người úp mặt vào tường, không biết gì cả. Bởi nếu mở mắt ra và có học nhất định sẽ đọc được. Đây quả là sự khôi hài, bi kịch của hàng ngàn, vạn Giáo sư Tiến sĩ của ngành báo chí cách mệnh của Việt Nam hôm nay. Điều nghịch lý này sẽ còn gây tội vạ nhiều nữa. Nếu…

Một bài báo, đó là bài “Những cuộc tranh luận về tự do báo chí” của Các Mác đăng trên tờ Reinisch Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh) của Đức vào đầu Tk XIX. Hiện bài báo này đã được in trong Tập I Toàn tập Mác-Ăngghen do NXB Sự thật – CTQG phát hành. Tôi mạo muội trích ít câu mà tôi thấy thích thú.

1/. “Báo chí nói chung là sự thực hiện tự do của con người. Do đó ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí” Sdd T.I trg 84.

2/. “Bản chất của báo chí tự do – đó là bản chất dũng cảm, có lý tính, có đạo đức của tự do.” Sdd trg 89.

3/. “Báo chí tự do đó là con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân đối với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói, gắn liền các cá nhân với nhà nước và với toàn thế giới. Nó là hiện thân nền văn hóa đang biến cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh tinh thần và lý tưởng hóa hình thức vật chất thô bạo của cuộc đấu tranh đó” Sdd trg100.

4/. “Báo chí tự do đó là sự sám hối công khai của nhân dân trước bản thân mình, mà lời thú tội thật tâm, như mọi người biết, thì có khả năng cứu rỗi” Sdd trg 100

5/. “Báo chí tự do đó là tấm gương tinh thần, trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình, còn sự tự nhận thức là điều kiện đầu tiên của sự sáng suốt. Báo chí tự do đó là tinh thần quốc gia mà mọi túp lều tranh đều có thể có được với những chi phí thấp hơn phương tiện thắp sáng” Sdd trg 100.

6/. “Báo chí tự do là toàn diện, nơi nào cũng có mặt, cái gì cũng biết. Báo chí tự do là cái thế giới ý tưởng không ngừng trào ra từ thực tế hiện thực, và lại chảy về hiện thực như một dòng thác đầy sinh khí dưới hình thức của cái tinh thần ngày càng dồi dào” Sdd trg 100.

7/. “Báo chí tự do đem tình trạng (bần cùng) của nhân dân dưới hình thái trực tiếp của nó, không bị khúc xạ qua bất kỳ giới quan liêu nào cả, tới ngưỡng cửa của nhà vua, tới trước quyền lực của nhà nước” Sdd trg 237.

8/. “Trong hy vọng và lo lắng, có điều gì báo chí nghe được ở cuộc sống, báo chí sẽ lớn tiếng loan tin cho mọi người đều biết, báo chí tuyên bố sự phán xét của mình đối với những tin tức đó một cách gay gắt hăng say, phiến diện, như những tình cảm và tư tưởng bị xúc động thầm bảo nó vào lúc đó” Sdd trg 237.

9/. “Luật báo chí là luật sự thật, bởi vì nó biểu hiện sự tồn tại khẳng định của tự do. Nó coi tự do là tình trạng bình thường của báo chí, coi báo chí là tồn tại của tự do…” Sdd trg 91.

10/. “Tính cách của báo chí bị kiểm duyệt – đó là sự quái dị không có tính cách của sự thiếu tự do, đó là con quái vật được văn minh hóa, cái quái thai được tẩm nước hoa” Sdd trg 89.

11/. “Kiểm duyệt là sự phê bình với tư cách là độc quyền của chính phủ” Sdd trg 91.

12/. “Khi sự phê bình không phải công khai, mà là bí mật, không phải về mặt lý luận mà là về thực tiễn, khi sự phê bình không đứng trên các đảng phái mà bản thân trở thành đảng phái, khi sự phê bình tác động không phải bằng lưỡi dao sắc bén của lý tính, mà bằng cái kéo cùn của sự tùy tiện, khi sự phê bình chỉ muốn lên tiếng phê bình mà không muốn chịu sự phê bình, khi sự phê bình phủ nhận bản thân mình bằng sự thực hiện của chính mình, cuối cùng khi sự phê bình không có tính chất phê bình đến mức coi một cách sai lầm cá nhân riêng lẻ là hiện thân của trí tuệ phổ biến, coi mệnh lệnh của sức mạnh là mệnh lệnh của lý tính,… coi việc dùng sức mạnh thô bạo là luận cứ mạnh mẽ – khi đó lẽ nào sự phê bình lại không mất tính chất hợp lý của mình?” Sdd trg 91.

13/. “Luật kiểm duyệt không phải là luật, mà là biện pháp cảnh sát, và thậm chí còn là biện pháp cảnh sát tồi, bởi vì nó không đạt được điều nó muốn và nó không muốn điều nó đạt được” Sdd trg 98.

14/. “Ở nước có chế độ kiểm duyệt bất cứ sách nào bị cấm, tức là không qua kiểm duyệt mà xuất bản, là một sự biến. Sách ấy được coi là kẻ tử vì đạo, mà tử vì đạo thì không thể không có vầng hào quang và những tín đồ…” Sdd trg 99.

15/. “Tệ lớn nhất – tệ giả dối, gắn liền với báo chí bị kiểm duyệt. Tệ xấu căn bản này của nó là nguồn gốc của tất cả những thiêu sót khác của nó, thậm chí cả mầm mống của mỹ đức cũng không có. Tệ đó là nguồn gốc của tệ đáng ghét nhất… Điều đó dẫn đến cái gì? Chính phủ chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối, và cũng đòi nhân dân phải ủng hộ sự lừa dối đó. Còn nhân dân hoặc sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị, hoặc  hoàn toàn quay lưng với cuộc sống quốc gia, biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư… Chế độ kiểm duyệt bóp chết tinh thần quốc gia như thế đó” Sdd trg 105.

16/. “Trong lĩnh vực báo chí, những người cai trị và những người bị cai trị có khả năng như nhau để phê bình những nguyên tắc và yêu cầu của nhau, nhưng không phải trong khuôn khổ những quan hệ lệ thuộc, mà trên cơ sở ngang quyền với nhau, với tư cách là những công dân của nhà nước – không phải với tư cách là những cá nhân riêng lẻ, mà với tư cách là những sức mạnh của trí tuệ, với tư cách là những người thể hiện những quan điểm hợp lý” Sdd trg 290.

Như thế là đã có những quan niệm về Tự do Báo chí, về nền báo chí kiểm duyệt, về quan hệ bình đẳng giữa chính quyền và báo chí. Chỉ thiếu là Đọc, Hiểu và Làm cho đúng để đạt tới Mỹ Đức, một phạm trù minh triết tuyệt vời cần có của chính trị Việt Nam.

Ôi! Chữ Nếu. Chữ nếu là sự khát vọng cháy bỏng cùng hiện ra trong nỗi thất vọng cũng khôn cùng. Nếu những người lãnh đạo cộng sản qua các thời kỳ của xứ ta mà biết đọc, họ sẽ hiểu ra, và chúng ta đã có một nền báo chí thứ thiệt. Nếu người dân không biến thành mê tín chính trị, thành những kẻ chỉ biết sống riêng tư, biết nắm lấy quyền sai khiến những “công bộc” phải đọc phải hiểu chứ không được làm cái việc “cướp đêm cướp ngày” như đã xảy ra. Thì chúng ta sẽ có một tinh thần quốc gia, làm cho Việt Nam trở nên siêu việt và vượt lên trong một thời đại mới hậu – Covid.

Nếu bảy mươi năm qua, chúng ta có một nền Báo chí Tự do!

Tôi viết bài này riêng tặng cựu nhà báo Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo báo chí cách mệnh Võ Văn Thưởng, cùng các vị công bộc đáng kính trong Chính phủ, Quốc hội, Tòa án và Cảnh sát.

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in báo chí, Báo chí lề phải, Báo chí quốc doanh, Tự do báo chí. Bookmark the permalink.