Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi trật tự thế giới mãi mãi

Henry A. Kissinger

Phạm T. Sơn dịch

Trong bài viết dưới đây, chưa thấy ngài Kissinger dành ra một ít thời gian để tự mình ngẫm nghĩ nhằm rút kinh nghiệm về sai lầm tệ hại của chính mình trong việc gần nửa thế kỷ trước đã để sổng chuồng cho một con sói khủng, biết “quàng khăn đỏ” và biết thủ cả những thỏi kẹo socola để nhử các em bé ngây thơ khờ dại theo nó vào rừng sâu. Con sói “được giải phóng” ấy chẳng hề quan tâm đến con đường đưa nhân loại đến một thế giới dân chủ tự do như “em bé Kiss” hằng mơ tưởng, mà ngày đêm dựa vào sự vỗ béo của nước Mỹ và khối các nước giàu có văn minh khác, chỉ lo tìm mưu sâu kế hiểm đưa cả nhân loại vào tròng.

Đại dịch tồi tệ vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ 21 này biết đâu chính là cái tròng mà nó giăng ra cho cả thế giới, trước hết là “trả ơn” cho những nước có nền công nghiệp hùng hậu và có thể chế tự do tốt đẹp nhất, đã chuyển giao công nghệ cho nó trong suốt bao nhiêu năm.

Nếu ngài Kiss. chịu khó nghiền ngẫm về những thất bại đắng cay của chính mình trong vai trò một chính khách có tầm chiến lược toàn cầu thuở ấy thì có lẽ sẽ có ích cho nhân loại nhiều hơn.

Bauxite Việt Nam

Nước Mỹ phải bảo vệ công dân tránh khỏi bệnh tật đồng thời ngay lập tức lên kế hoạch cho một kỷ nguyên mới.

Bầu không khí kỳ dị của đại dịch Covid-19 khiến tôi nhớ lại cảm giác khi còn là anh lính trẻ trong Sư đoàn bộ binh 84 trong Trận Ardennes (Thế chiến II). Giờ đây, cũng như khi đó là cuối năm 1944, có một cảm giác nguy hiểm mơ hồ, không nhắm vào bất kỳ ai cụ thể, mà hoàn toàn ngẫu nhiên và mang tính tàn phá vô cùng. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa thời điểm xa xôi đó và thời gian này của chúng ta. Nước Mỹ khi đó, đương đầu với hiểm nguy, có một mục đích quốc gia tối thượng. Giờ đây, trong một đất nước bị chia rẽ, cần có một Chính phủ hiệu quả và có tầm nhìn xa để có thể vượt qua những trở ngại lớn chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Duy trì niềm tin của công chúng là điều tối quan trọng đối với đoàn kết xã hội, đối với mối quan hệ của các xã hội với nhau, và đối với hòa bình và ổn định quốc tế.

Các quốc gia cố kết và phát triển dựa trên niềm tin rằng thể chế của họ có thể thấy trước tai họa, kiềm chế tác động của nó và khôi phục sự ổn định. Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, thể chế của nhiều quốc gia sẽ bị coi là đã thất bại. Nhận xét này có khách quan công bằng hay không không liên quan. Thực tế là thế giới sẽ không bao giờ còn như cũ sau dịch Covid-19. Nếu lúc này tranh cãi về quá khứ thì chỉ khiến việc thực hiện những gì cần phải làm càng khó khăn hơn.

Dịch Covid-19 đã tấn công với quy mô và sự tàn bạo chưa từng thấy. Nó lây lan theo cấp số nhân: Các ca nhiễm ở Mỹ cứ năm ngày lại tăng gấp đôi. Khi những dòng này đang được viết, thế giới vẫn chưa có cách chữa trị. Vật tư y tế không đủ để đối phó với làn sóng ngày càng tăng các ca nhiễm. Các khu hồi sức tích cực đang trên bờ vực bị quá tải. Xét nghiệm không kịp để xác định mức độ lây nhiễm, chứ chưa nói đến việc đảo ngược sự lây lan. Vắc-xin chữa trị có khi phải từ 12 đến 18 tháng nữa mới có.

Chính quyền Mỹ đã triển khai một cách đáng tin cậy để tránh một thảm họa ngay lập tức. Thử thách cao nhất sẽ là liệu sự lây lan của virus có thể bị kiềm chế và sau đó đảo ngược theo cách thức và ở quy mô có thể duy trì niềm tin của công chúng vào khả năng tự kiểm soát của người Mỹ hay không. Nỗ lực trong khủng hoảng, dù lớn và cấp thiết đến như thế nào, cũng không được cao hơn nhiệm vụ cấp bách là bắt đầu công cuộc “thời kỳ quá độ” lên trật tự mới sau dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo đang đối phó với cuộc khủng hoảng chủ yếu trên cơ sở quốc gia, nhưng những tác động làm tan rã xã hội của virus không có biên giới. Dù cuộc tấn công vào sức khỏe con người sẽ chỉ là tạm thời (hy vọng vậy), nhưng biến động chính trị và kinh tế mà nó mang lại có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Không một đất nước nào, kể cả Mỹ, trong nỗ lực chỉ thuần túy mang tính quốc nội có thể vượt qua virus. Những nỗ lực nhằm đối phó với tính cấp thiết của thời điểm này cần phải kết hợp với tầm nhìn và chương trình hợp tác trên toàn cầu. Nếu chúng ta không thể đồng thời làm cả hai việc, chúng ta sẽ phải đối mặt với điều tồi tệ nhất của từng việc đó.

Trên cơ sở rút ra các bài học từ việc hình thành và triển khai Kế hoạch Marshall và Dự án Manhattan, nước Mỹ phải thực thi một nỗ lực lớn trên ba lĩnh vực.

Đầu tiên, nâng cao khả năng phục hồi toàn cầu đối với bệnh truyền nhiễm. Những chiến thắng của khoa học y tế như vắc-xin bại liệt và loại trừ bệnh đậu mùa, hay sự kỳ diệu về kỹ thuật thống kê mới nổi của chẩn đoán y học thông qua trí thông minh nhân tạo, đã đưa chúng ta vào một sự tự mãn nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển các kỹ thuật và công nghệ mới để kiểm soát lây nhiễm và tiêm phòng vắc-xin trên lượng lớn dân số. Các thành phố, quốc gia và khu vực phải luôn chuẩn bị để bảo vệ người dân khỏi đại dịch thông qua việc dự trữ, lập kế hoạch hợp tác và khám phá vượt qua các giới hạn về khoa học.

Thứ hai, nỗ lực hàn gắn vết thương cho nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã học được những bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phức tạp hơn nhiều: Sự co lại của nền kinh tế gây ra bởi dịch Covid-19, ở tốc độ và quy mô toàn cầu, là “vô tiền khoáng hậu”. Và các biện pháp y tế công cộng cần thiết như giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và doanh nghiệp đang góp phần vào nỗi đau kinh tế này. Các chương trình cứu trợ cần tìm cách cải thiện những tác động bởi sự hỗn loạn sắp tới gây ra đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Thứ ba, bảo vệ các nguyên tắc của trật tự thế giới tự do. Cơ sở nền tảng của chính phủ hiện đại là một thành phố có tường bao được bảo vệ bởi những người cai trị hùng mạnh, đôi khi độc tài, đôi khi nhân từ, nhưng luôn đủ mạnh mẽ để bảo vệ người dân khỏi một kẻ thù bên ngoài. Các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng đã xét lại khái niệm này, lập luận rằng mục đích của nhà nước có chính danh là cung cấp cho các nhu cầu cơ bản của người dân: an ninh, trật tự, phúc lợi kinh tế và công lý. Các cá nhân không thể tự bảo đảm những điều này. Đại dịch đã cho thấy sự lỗi thời, khi “làm sống lại” khái niệm “thành phố có tường bao” trong một thời đại mà sự thịnh vượng phụ thuộc vào thương mại và sự di chuyển của người dân trên toàn cầu.

Các nền dân chủ trên thế giới cần bảo vệ và duy trì các giá trị thời kỳ Khai sáng. Một sự rút lui toàn cầu khỏi việc cân bằng quyền lực với tính chính danh sẽ khiến khế ước xã hội tan rã cả trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề tính chính danh và quyền lực hàng ngàn năm này không thể được giải quyết đồng thời với nỗ lực khắc phục bệnh dịch Covid-19. Cần có sự kiềm chế đối với tất cả các bên trong cả chính trị đối nội và ngoại giao quốc tế. Các ưu tiên phải được thiết lập.

Từ Trận Ardennes, chúng ta đã tiến vào một thế giới thịnh vượng ngày càng gia tăng và nâng cao phẩm giá con người. Giờ đây, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mang tính thời đại. Thách thức mang tính lịch sử đối với các nhà lãnh đạo hiện nay là quản lý khủng hoảng đồng thời xây dựng tương lai. Thất bại có thể khiến thế giới “chìm trong biển lửa”.

Henry Kissinger từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Nixon và Tổng thống Ford.

H.K.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2020/04/08/dai-dich-covid-19-se-thay-doi-trat-tu-the-gioi-mai-mai/

This entry was posted in H. Kissinger, Virus Trung Quốc, Virus Vũ Hán. Bookmark the permalink.