Huy Đức
Cuộc Chiến tranh Biên giới thường được nhớ đến như là chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn: 17-2-1979 đến 5-3-1979. Nhưng, trên thực tế, phần căng thẳng nhất mà quân xâm lược Trung Quốc gây ra trên Biên giới nước ta là trong khoảng 1984 -1987, rồi kéo dài tới 1989. Nơi khốc liệt nhất trong khoảng thời gian ấy là Mặt trận Vị Xuyên.
Không còn nửa chủ lực, nửa dân binh như thời 17-2, năm 1984, quân xâm lược Trung Quốc trở lại trong chiến dịch “Kỵ tuyến, bạt điểm” đã mang dáng dấp của một đội quân được “chính quy” hơn.
Chiến dịch của địch bắt đầu lúc 5:00 sáng ngày 28-4-1984. Trong buổi sáng hôm ấy, ta mất những cao điểm quan trọng nhất, trong đó có 1509 (Trung Quốc gọi là Lão Sơn). Cao điểm 1509 phân chia biên giới Việt – Trung, nơi, ai chiếm được sẽ khống chế toàn bộ khu vực tới bắc suối Thanh Thủy. Từ 1509 cũng có thể dùng ống nhòm nhìn thấy xe cộ ở thị xã Hà Giang.
10:45 cùng ngày, bộ đội ta dũng cảm phản kích nhưng tới 3:30 phút chiều hôm đó, ta phải rời 1509 rồi mất luôn cao điểm thứ hai, 1450. Gần ba tháng sau, 12-7-1984, ta mở chiến dịch MB84, nhằm lấy lại những gì đã mất nhưng thất bại. MB84 thành ngày “Giỗ Trận” của hơn 800 bộ đội. Binh sỹ hoang mang, “địch đánh đâu, ta mất đó…”
Từ Quân đoàn II, tướng trận Nguyễn Hữu An được điều sang làm Phó tư lệnh tham mưu trưởng Quân khu II, kiêm Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên. Các tướng Nguyễn Hữu An và Hoàng Đan đã đưa một sỹ quan trận mạc khác, đại tá Nguyễn Đức Huy, lên làm Phó tư lệnh Mặt trận. Tướng An chỉ ra lệnh cho Đại tá Huy, “Cần có một trận, đánh được, giữ được” để củng cố tinh thần quân sỹ. Trận đánh lấy lại cao điểm A6B diễn ra vào sáng 31-5-1985 do đại tá Huy lên kế hoạch đã làm thay đổi cục diện chiến trường Vị Xuyên.
Cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn cuối cùng vào Vị Xuyên của quân Trung Quốc bắt đầu từ 5:00 sáng ngày 5-1-1987. Chiến sự kéo dài 3 ngày (tới 7-1-1987), Trung Quốc dùng hỏa lực mạnh, quân đông nhưng đều thất bại. Trung Quốc vẫn kéo dài “cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt” tới thêm hai năm nhưng ở quy mô nhỏ.
Năm 1989, chúng không còn bắn pháo vào Mặt trận Vị Xuyên, 7:00 sáng ngày 15-5-1989, chúng cho nổ mìn, đồng loạt phá bỏ các công sự kiên cố xây trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng từ 15-5-1989, hai bên ngừng bắn. Tháng 10-1989, Trung Quốc rút hết quân. Chiến tranh kết thúc (1979-1989).
Tác giả cuốn sách này, thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, khi về hưu (1996) là Phó tư lệnh Quân khu II, nói rằng, vẫn còn 3.000 người lính Vị Xuyên chết mà chưa tìm thấy hài cốt. “Sống bám đá chiến đấu, chết hóa thành đất đá”. Và, trong số 1.700 ngôi mộ quy tập ở Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên, vẫn còn 700 mộ chưa danh tính. Các liệt sỹ khi được đưa từ chốt trở về đều có tên tuổi ghi trên các mảnh gỗ hoặc các miếng tôn nắp hòm đạn… trong quá trình di chuyển, đã không được ghi chép cẩn thận lại còn bị thất lạc…
Vì sao hàng nghìn bộ hài cốt chưa tìm thấy? Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy rất không hài lòng khi, theo ông: “Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Quân khu II đã không được giao tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ mà lại giao cho Công ty 239 – đơn vị làm kinh tế – gỡ mìn và ‘kết hợp’ tìm hài cốt”. Trong 30 năm qua, Công ty này chỉ tìm thấy 20-30 bộ hai cốt trong số hàng nghìn liệt sỹ “xương đã thành núi đá”.
Những người Việt sống trong thập niên 1980s hẳn đã biết như thế nào là khốn khổ. Nhưng, lịch sử có thể cũng không thể tưởng tượng được rằng, một vị tướng xông pha lửa đạn như Tư lệnh Nguyễn Đức Huy, trong những năm ông đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, vợ và 4 người con của ông phải ở nhờ trong một căn hộ… 15m2, về sau, khi ông lên Vị Xuyên, mới được cấp một căn hộ 40m2 và được xét đặc cách cấp hộ khẩu cho vợ con ông vào Hà Nội.
Khi ông chiến đấu ở Vị Xuyên, vợ ông, một giáo viên, hằng ngày phải đi giao bánh mì cho các cửa hàng ăn uống và về sau, “may mắn hơn”, được một người bạn công tác ở Ban tổ chức Thành ủy xin cho một suất… bán vé xổ số kiến thiết Thủ đô để nuôi con vì lương chồng, một tướng trận, không thể nào trang trải đủ.
H.Đ.
Nguồn: FB Osin Huy Đức