Trần Doãn Nho
Với tôi, đại dịch Coronavirus cấp cho tôi hai điều lợi: “được” ở nhà vô hạn định và được đọc. Chả thế mà tôi có thời gian tò mò tìm hiểu hành trạng của con siêu vi qua tài liệu đó đây trên các trang mạng; đồng thời tìm cách sống trong một cơn dịch khác qua La Peste (Dịch hạch) của Albert Camus. Tôi ghi nhận một số điều khá lý thú, xin được chia sẻ cùng độc giả.
Nghịch lý con siêu vi
Vỏ Coronavirus giữ chất liệu di truyền. (Hình: Andriy Onufriyenko/Getty Images, lấy từ https://newspaw.com/products/view/MzY5LTExNg/thecoronav)
Một tấm hình đẹp của siêu vi mới Coronavirus (COVID-19). Đúng là cái đẹp chết người!
Siêu vi, dịch từ chữ “virus” có gốc la-tinh là “poison” (chất độc), tuy là một thực thể lan truyền rất nhanh và gây bệnh cho sinh vật nhưng điều lý thú (và khôi hài) là nó lại không được xem là sinh vật (living creature). Vì sao? Nó có mặt hàng tỷ năm trên trái đất với một cách tồn tại khác thường và nghịch lý: sinh sôi, phát triển không ngừng mà không hề “sống” (alive), như một “zombie” (xác chết cử động). Chẳng thế mà nó đã trở thành một đề tài tranh cãi không ngừng kể từ lúc được khám phá và đặt tên vào cuối thế kỷ thứ 19: sinh vật (living) hay phi-sinh vật (non-living)?
Để là sinh vật, theo các nhà sinh vật học, một thực thể phải có ba yếu tố:
– có một bộ máy sinh học riêng để tái sản xuất.
– sinh sôi nẩy nở xuyên qua phân chia tế bào.
– có sự trao đổi chất (metabolism).
Siêu vi hoàn toàn không có ba đặc tính trên. Hoạt dộng của nó rất đơn giản: tước đoạt “trang thiết bị” của tế bào chủ, sử dụng tế bào đó để sao chép mã di truyền của chính mình, và từ đó tạo ra những siêu vi mới. Nói một cách lý thuyết, một siêu vi có thể trôi dạt một cách vô định đâu đó cho đến khi nó gặp một tế bào, bám vào rồi nhiễm độc tế bào đó, tạo ra nhiều bản sao của chính nó và phát tán đi khắp nơi. Và cứ thế, cứ thế…, siêu vi tự tồn tại mà chẳng cần cái gì cả. Nhưng mặt khác, siêu vi trực tiếp trao đổi thông tin di truyền với sinh vật, và có sinh sản, tức là phải nằm trong mạng lưới đời sống. Theo Gary Whittaker, Giáo sư siêu vi học tại Cornell University, thì siêu vi nằm giữa sinh vật và phi sinh vật, nằm giữa hóa học (chemistry) và sinh học (biology). Giữa “sống” và “không sống”.
Vậy thì siêu vi có tiến hóa không? Theo thuyết tiến hóa, “Sự biến thể xảy ra thường xuyên trong thiên nhiên giữa thế hệ cha mẹ và con cháu. Mọi sinh vật trong một môi trường sống đều tranh đấu không ngừng để sinh tồn. Sự tranh đấu để sống còn dẫn đến sự chọn lọc tự nhiên: chỉ có những biến thể có ích lợi sẽ được bảo tồn và di truyền xuống các thế hệ tương lai. Những biến thể nầy tích tụ chồng chất dần dần tạo ra những chủng loại mới. Những chủng loại mới nầy càng lúc càng tiến hóa phức tạp và thích ứng hơn với môi trường sống của chúng.” (Nguyễn Nhân Trí, Da Màu). Trong lúc đó, theo các nhà sinh vật học, siêu vi đã có mặt trên hành tinh chúng ta từ hàng tỷ năm, kể từ khi có tế bào sống nhưng chỉ là những “gien” (gene) phiêu dạt của tế bào chủ, suy đồi thành những vật ký sinh. Dẫu vậy, sự tồn tại của rất nhiều loại siêu vi khác nhau cũng như tốc độ phát triển vô cùng nhanh chóng của chúng, siêu vi là nguồn suối hàng đầu của sự đổi mới “gien” di truyền, nghĩa là chúng luôn luôn “phát minh” ra những “gien” mới, khiến cho họ không thể phủ nhận vai trò của siêu vi trong sự tiến hóa. Nhưng vì không phải hoặc không hẳn là sinh vật, cho nên, đối với hầu hết các nhà sinh vật học, siêu vi không đáng được xem xét một cách nghiêm túc dưới lý thuyết tiến hóa. Rốt cuộc, họ đành phải xếp chúng vào loại “có ảnh hưởng vào sự tiến hóa” (như khí hậu chẳng hạn) mà thôi.
Các nhà sinh vật học lắm chuyện, chứ thực ra, sinh vật hay không-sinh vật, tiến hóa hay không tiến hóa thì đã sao!? Siêu vi vẫn cứ là siêu vi. Và tiếp tục làm phiền nhân loại bằng một chủng loại mới kinh hoàng: Coronavirus.
Coronavirus, kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn những vi khuẩn nhỏ nhất, cỡ bằng một phần ngàn chiều dày của một sợi lông mi, là một bộ “gien” chứa thông tin di truyền, bên ngoài là một vỏ chất đạm (protein) gồm những gai có dạng bông (spike proteins = protein gai) nhô lên trên một màng nhầy bọc quanh một cái lõi tròn. Theo Jan Carette, giáo sư vi sinh học và miễn dịch học (microbiology and immunology) tại đại học Y Khoa Stanford, khi còn ở bên ngoài, các Coronavirus nằm bất động một thời gian nào đó trong trạng thái “không sống” (non-living), nghĩa là không có một quá trình sinh học nào diễn ra bên trong: không vận động, không trao đổi chất dinh dưỡng, không bài tiết chất thải, vân vân. Các nghiên cứu cho thấy mặc dù chúng suy đồi trong vòng vài phút cho đến một vài giờ khi nằm chơi vơi ở ngoài, một số phần tử của chúng có thể sống còn trên bề mặt các tấm cạc tông đến 24 tiếng, trên các bề mặt các tấm plastic và đồ kim loại đến ba ngày, chờ đợi. Khi tiếp xúc được với những tế bào vật chủ (host’s cells), chúng sử dụng các gai có dạng bông trên vỏ ngoài của chúng như những cái “chân”, móc vào các tế bào đó, mở khóa và đột nhập vào bên trong. Các chất đạm trương nở từ trong ra ngoài, đưa đến sự sát nhập giữa siêu vi và tế bào vật chủ, cho phép siêu vi phóng thích và sao chép mã di truyền của chính mình, chiếm đoạt hẳn bộ máy hoạt động bên trong của tế bào. Sau đó, chúng vứt bỏ lớp khoác ngoài, chuyển tế bào thành một nhà máy, bắt đầu sản sinh ra triệu triệu phiên bản của chính nó; đó là những siêu vi mới, sẵn sàng lây lan khắp nơi.
Coronavirus rất tài năng: bám vào nơi dễ bám nhất ở trên cơ thể mà chủ nhân không hề nhận biết, vì chẳng gây ra triệu chứng gì hết. Đến khi những triệu chứng đầu tiên xuất hiện và được nhận biết thì chúng đã truyền phiên bản của chúng khắp nơi trong cơ thể rồi và bắt đầu chuyển sang người kế tiếp qua các tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ranh ma (hơn các siêu vi đàn anh như SARS chẳng hạn): ở người này thì chúng gây nên chết chóc vì chúng trú ẩn sâu trong phổi, phá hỏng hoạt động hô hấp, nhưng ở người khác thì chỉ tạo nên những triệu chứng nhẹ vì chúng trú ẩn ở phần trên của hệ thống hô hấp như mũi, cổ họng, nơi dễ lây lan sang người khác. Đúng là xảo quyệt: “biết” giấu kỹ khả năng gây chết người của chúng đủ để tạo thành cơn đại dịch trên toàn thế giới trước khi con người tìm ra cách chận đứng. Nhờ sự đánh lừa tinh vi đó mà chỉ trong vài tháng, chúng đã có mặt trên toàn cầu, thay đổi hẳn mọi mặt hoạt động của con người.
Tóm lại, siêu vi nói chung và Coronavirus nói riêng hoạt động xuyên qua cơ thể chúng ta. Vì không có bộ máy riêng của chúng như tế bào, nên chúng tồn tại bằng cách đan bện vào và hóa thân thành các tế bào trong cơ thể con người. Chất đạm của chúng cũng là chất đạm của cơ thể. Nhược điểm của chúng cũng là nhược điểm của cơ thể. Và vì thế, thuốc dùng để hại chúng thì đồng thời cũng hại chính cơ thể. Đó là vấn đề nan giải trong nỗ lực đối phó với cơn dịch Coronavirus hiện nay.
Nhân loại đành chịu thua chăng? Chắc chắn là không. Hiện nay các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm ra cách trị loại siêu vi ngổ ngáo này, chặn đứng tầm lây lan của nó. Trong lúc chờ đợi, các tác giả Sarah Kaplan, William Wan and Joel Achenbach, trong bài “The Coronavirus Isn’t Alive. That’s Why It’s so Hard to Kill” (Washingtonpost.com), đưa ra một cái nhìn lạc quan. Đúng hơn, đó là một hy vọng; hy vọng này không nằm ở đâu xa mà trong chính con siêu vi. Tại sao? Dù mang trong nó một tài năng quỷ quái và hiệu quả trong việc lây lan và giết người, nhà siêu vi học Karla Kirkegaard (đại học Stanford) tin rằng, “loại siêu vi này thực sự không muốn giết hết chúng ta. Vì nếu chúng ta được hoàn toàn khỏe mạnh thì có lợi cho chúng và cho dân số của chúng hơn.” Nói theo lẽ tiến hóa, nếu mục đích cuối cùng của siêu vi là lây lan thì đồng thời chúng cũng phải nhẹ tay với tế bào chủ của nó, bớt đi hành vi chiếm đoạt có tính phá hoại mà thay vào đó, đóng vai trò của một người khách lịch sự khi trú ẩn ở trong cơ thể con người.
Xuyên qua cái nhìn này, thì Coronavirus hiện nay đang ở chặng đầu trong cuộc xâm lăng của chúng. Chúng đang tìm cách sao chép và tái tạo bằng một quá trình phá hủy cái mà chúng cần. Nếu cứ tiếp tục như thế thì có nghĩa là đến một lúc nào đó, chúng cũng sẽ phải bị tiêu diệt vì mất đi môi trường tồn tại. Đó là lý do đã khiến các siêu vi SARS và Ebola đi đến chỗ tự tiêu hủy trước đây. Với chúng, chỉ còn có một cách tốt hơn để tiếp tục sống còn: ngừng tiêu diệt các tế bào chủ. Dần dà, theo thời gian, mã di truyền của chúng sẽ thay đổi. Cho đến một lúc nào đó, chúng sẽ trở lại hàng năm và chỉ mang lại cho con người một cơn cảm lạnh bình thường mà thôi.
Đúng là lạc quan, một lạc quan đầy… thụ động! Nhưng biết làm sao hơn.
Dịch hạch
Albert Camus (1913-1960). (Hình: Pinterest)
Trong cơn sốt ruột trước sự hoành hành của dịch Coronavirus, tôi tìm đến một cơn đại dịch hư cấu nhưng không kém hiện thực trong La Peste (Dịch hạch) của Albert Camus,[1] một trong những nhà văn hàng đầu của Pháp. Cùng với hai tác phẩm khác vừa xuất hiện thời gian qua, một của Stephen King, The Stand (Kháng cự) và một của Dean Koontz, The Eyes of Darkness (Những đôi mắt bóng tối), trong đó, tác giả tạo ra một con siêu vi hư cấu mang tên “Wuhan-400”), phiên bản tiếng Anh của La Peste, The Plague, do nhà xuất bản Penguin tái bản đã bán sạch trên Amazon vào cuối tháng 2/2020. Khác với đại dịch Coronavirus, dịch hạch là do vi khuẩn tạo ra, trước hết, trong con chuột, sau đó lây lan sang người. Để viết truyện, tác giả hẳn đã phải tìm hiểu cặn kẽ lịch sử của các trận dịch trong lịch sử: Black Death giết 50 triệu người ở Âu châu vào thế kỷ 14, trận dịch Ý 1630, giết 280 ngàn, vân vân.
Bối cảnh của câu chuyện xảy ra ở Oran, một thành phố ở xứ Algeria, thuộc địa của Pháp, vào đầu thập niên 1940. Vào tháng Tư, đột nhiên, người ta thấy có những con chuột chết rải rác đó đây trong thành phố, lúc đầu chỉ một, hai con rồi dần dà, mỗi ngày mỗi nhiều, nhưng chẳng mấy ai lưu tâm, kể cả Bác sĩ Bernard Rieux, nhân vật chính của câu chuyện. Thậm chí, có người còn xem đó là một trò chơi khăm (không khác gì với Tổng thống Trump khi ông chỉ trích truyền thông Hoa Kỳ là “hão” vì cố tình thổi phồng tai họa của Conronavirus). Nhưng khi người gác cổng nơi ông làm việc đột ngột đau và chết với một cơn sốt lạ thường, thì Rieux biết rằng thành phố đang có bệnh dịch hạch. Ấy thế mà phải một thời gian sau, khi có nhiều bằng chứng không thể phủ nhận về cơn dịch thì nhà cầm quyền mới bắt đầu ra lệnh đặt toàn thành phố dưới sự cách ly để kiểm dịch.
Từ đó, mọi cửa ra vào thành phố bị đóng chặt, nội bất xuất ngoại bất nhập. Mọi người được lệnh phải ở trong nhà, chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay cả người chết cũng phải có nhân viên hữu trách giám sát. Mọi dịch vụ công cộng ngưng trệ, ngay cả các trạm thư tín cũng đóng cửa vì sợ lây lan. Nếu có gặp nhau đâu đó, người ta quay lưng lại với nhau, tránh mọi tiếp xúc, đụng chạm. Dân thành phố sống những ngày vô mục đích, chán nản, tuyệt vọng; một số người đâm ra hoảng loạn, sinh ra làm càn. “Vào thời kỳ này, thời gian như dừng hẳn lại (…) Chỉ trong vòng bốn ngày, cơn sốt tạo ra bốn bước nhảy kinh hoàng: mười sáu người chết, hai mươi bốn, hai mươi tám và ba mươi hai. Đến ngày thứ tư, người ta thông báo việc mở bệnh viện phụ trong một trường mẫu giáo. Đồng bào chúng tôi vốn vẫn ngụy trang nỗi lo âu của mình dưới những lời bông đùa, giờ đây, tỏ ra chán nản hơn và lặng lẽ hơn.” (tr. 75).[2] Dân thành phố cảm thấy đột nhiên bị nhốt vào trong tù với nỗi đau khổ vì xa cách bạn bè, người thân. “Một trong những hậu quả đáng kể nhất của việc đóng cửa thành phố là sự chia cách bỗng nhiên rơi vào những con người không hề được chuẩn bị” (79). Kẻ ở lại thoát ra ngoài không được mà những người đi xa cũng chẳng thể nào về. Không ai có thể cứu giúp ai, không ai làm gì được cho ai. Những chữ vốn vẫn thường được dùng một cách bình thường như “dàn xếp” (transiger), “ân huệ” (faveur) hay “ngoại lệ” (exception) bỗng trở thành vô nghĩa” (80).
Giữa cái không khí chết chóc và tuyệt vọng đó, trong lúc chính quyền thành phố không đảm đương nổi vì quá tải, Bác sĩ Barnard Rieux, dù có vợ ốm đau được gửi đi dưỡng bệnh ở một thành phố khác từ trước đó, bất chấp mối hiểm nguy lây bệnh, đứng ra tổ chức cuộc chiến đấu chống cơn dịch bệnh: lập ra những nhóm thiện nguyện, tự làm bệnh viện dã chiến, tự điều chế thuốc, làm vệ sinh thành phố, chuyên chở và chữa trị người bệnh, lo mai táng người chết, vân vân. Sự tận tụy của Rieux đã thuyết phục nhiều người khác cùng tham gia. Họ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh, nghề nghiệp, cá tính và xu hướng rất khác nhau. Chẳng hạn ký giả trẻ Raymond Lambert. Anh đến từ Paris, bị kẹt vì lệnh phong tỏa, nên tìm mọi cách để ra khỏi thành phố, kể cả bằng con đường đi chui, nhưng đến khi nguyện vọng được thỏa mãn thì anh ta thay đổi thái độ, tình nguyện ở lại. Chẳng hạn cha Paneloux. Vào lúc cao điểm của cơn dịch, khi có đến 500 người chết một tuần, vị linh mục dòng Tên này, qua một bài thuyết giảng hùng hồn, giải thích rằng cơn dịch là một cách Thượng đế trừng phạt những kẻ có tội và khuyên họ chấp nhận sự trừng phạt đó. “Hỡi các anh chị em, cuối cùng, chính ở đây thể hiện lòng Chúa nhân từ, ngài đã mang vào mọi vật cái thiện và cái ác, sự giận dữ và lòng xót thương, bệnh dịch hạch và sự giải thoát. Chính cái tai họa đã làm các anh chị em tổn thương, nó nâng anh chị em lên và chỉ đường cho anh chị em.” (115) Nhưng về sau, chứng kiến cái chết thương tâm của một đứa bé vô tội, cha Paneloux thay đổi hoàn toàn thái độ, tình nguyện vào nhóm thiện nguyện, cuối cùng, nhiễm bệnh và chết.
Rõ ràng là Dịch hạch mang rất nhiều nét khá tương tự với cơn đại dịch XXXX hiện nay. Tuy nhiên, Dịch Hạch không chỉ viết về một trận dịch như nó là, mà chứa đựng nhiều ẩn dụ: ẩn dụ về cuộc xâm lăng tàn bạo của chủ nghĩa Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2, ẩn dụ về sự lan truyền độc hại của các ý thức hệ đối chọi nhau làm nhiễm độc xã hội. Nhưng sâu xa hơn hết, đó là ẩn dụ về con người như một thân phận. Con người, trong cái nhìn của Camus, là một cái gì mong manh, rất dễ tổn thương, có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào, bởi một thiên tai đột ngột xảy ra, hay bởi hành vi lầm lỗi của chính con người, hay thậm chí bởi một thứ vô cùng nhỏ nhoi: con vi khuẩn. Nhưng dân thành phố Oran không thừa nhận điều này. Ngay cái chữ “dịch hạch” để gọi cho đúng tên của cơn dịch mà người ta cũng không muốn chấp nhận. Nhân vật Rieux dứt khoát ngay từ đầu cơn dịch: nói gì thì nói, điều trước tiên là “Phải gọi sự vật đúng như tên của chúng” (Il faut appeler les choses par leur nom) trước khi nói đến chuyện đối phó với nó (51).
Khi những dấu hiệu đầu tiên của cơn dịch xuất hiện, ai cũng cho rằng đó là trách nhiệm của một ai đó, chẳng dính dáng gì đến mình. Thậm chí ngay cả khi chứng kiến một phần tư (1/4) cư dân lăn ra chết, những người còn sống vẫn tin rằng tai họa sẽ không xảy ra cho bản thân họ. Ai cũng muốn giữ cho mình sự bình an, không muốn thay đổi thói quen và những gì mình đang hưởng, nên chẳng hề quan tâm đến người khác, đến cộng đồng. Trong suốt cơn dịch, Camus nhấn mạnh đến sự hờ hững và phủ nhận của cư dân Oran đối với tai họa như là một ẩn dụ siêu hình. Tai họa, theo ông, là một cái gì rất chung, nhưng không mấy ai chấp nhận chúng, cho chúng là phi thực, cho đó là một cơn ác mộng sẽ chóng qua đi, cho đến khi chúng rơi ngay trên đầu mình. Chính vì thế, phải lâu lắm về sau, trải qua nhiều tháng sống như bị lưu đày, nhiều cư dân thành phố mới dần dà hiểu ra rằng tai ương không phải là của riêng ai mà liên quan đến tất cả mọi người. Nỗi đau cơn dịch là nỗi đau chung cần được được chia xẻ với nhau, nên mọi người đành quên đi nỗi đau cá nhân và cùng tham gia vào công cuộc chiến đấu chống dịch.
Nhân vật chính, Bác sĩ Rieux, làm việc hết mình để giảm bớt sự đau khổ quanh mình, trông giống như những anh hùng nào đó trong truyện cổ, thực ra, là hình ảnh khác của một nhân vật thần thoại Hy lạp, Sisyphe, được Camus bàn đến trong tiểu luận “Le Mythe de Sisyphe”. Sisyphe phạm tội, bị các thiên thần phạt phải làm một công việc vô cùng vô ích: lăn một tảng đá lên đỉnh núi, chờ cho nó rớt xuống, lại lăn lên, cứ như thế cho đến vĩnh cửu. Thay vì than thở và nguyền rủa, Sisyphe quyết định sống hình phạt của mình một cách đầy ý thức. Hắn biến hình phạt thành chọn lựa, chọn lựa làm cái công việc hoàn toàn vô ích đó để làm chủ số mệnh của mình. Thái độ đó khiến Camus xem Sisyphe là người anh hùng phi lý (Sisyphe est le héros absurde) trong chủ thuyết phi lý của mình, vốn đã được triển khai qua nhiều tác phẩm khác nhau của ông: L’Étranger, Caligula, Le Malentendu. Nói phi lý, nghe nó …phi lý, nghĩa là tiêu cực. Thực ra, theo Camus, phi lý ở đây không phải là vô lý, ngược với cái có lý. Phi lý là để chỉ một tình trạng như-nó-là, một cái gì có sẵn đó, không thể thay đổi. Trong trường hợp Sisyphe, hình phạt mà hắn chịu đựng là sự đã rồi, là điều hiển nhiên; nó không đúng hay sai, tốt hay xấu. Cũng giống như cái chết: con người là phải chết. Như cơn dịch hạch: nó đến là nó đến. Không có một ý nghĩa duy lý hay đạo đức nào nằm đàng sau hình phạt, đàng sau cái chết hay đàng sau cơn dịch hạch. Chỉ có một cách là chấp nhận cái phi lý một cách đầy ý thức, để tìm cách đối phó với nó, cách này hay cách khác. Theo Camus, phi lý không ở trong con người cũng không ở trong thế giới mà nằm trong tương quan chung giữa con người và thế giới. “Con người sống một kinh nghiệm, một số phận, chính là chấp nhận hoàn toàn nó. Sống, chính là là làm cho cuộc sống trở thành phi lý” (Vivre, c’est faire vivre l’absurde/Le Mythe de Sisyphe). Hiểu như thế, phi lý mang ý nghĩa tích cực.
Nhân vật Rieux sống với cái phi lý của cơn dịch, của số phận riêng của mình và của thành phố. Chính vì thế, ông chọn phải xa vợ (và sau này, khi hết dịch thì vợ chết), chọn ở lại chiến đấu chống cơn dịch như một bổn phận phải hoàn tất chứ không nhận mình là anh hùng. Khi thảo luận về cha Paneloux và qua đó, về vai trò của Thượng đế trong cơn dịch, ông phát biểu, “… nhưng vì trật tự của thế giới được quy định bởi cái chết, nên có lẽ tốt hơn cho Thượng Đế là người ta không nên tin ở ngài mà phải nỗ lực hết mình chiến đấu chống lại cái chết, mà khỏi mất công hướng lên trời (cầu nguyện) nơi mà ngài hoàn toàn im lặng” (150). Cơn dịch đưa đến đau khổ. Và giống như cơn dịch, đau khổ là đau khổ, chẳng cần nguyên nhân gì cả và chẳng cần biết là con người có thích hay không. Sở dĩ thế là vì “Tất cả chúng ta đều bị giữ làm con tin bởi những điều chúng ta không hề kiểm soát,”[3] theo Sean Illing trong “This Time for Solidarity” bàn về những điều học được từ Dịch hạch của Camus. Hay như nhận định của Alain de Botton trong “Albert Camus on the Coronavirus”, thì “Đau khổ được phân chia một cách ngẫu nhiên, nó vô nghĩa, nó đơn giản là phi lý và đó là điều đáng nói nhất mà người ta có thể nói về nó.”[4]
***
Dịch hạch chỉ xảy ra ở một thành phố. Dịch Coronavirus diễn ra trên toàn thế giới.
Như trong Dịch hạch, Coronavirus mang lại chết chóc và đau khổ. Như trong “Dịch hạch”, lúc đầu chẳng ai tin là Coronavirus sẽ đến nơi mình đang ở và trực tiếp de dọa đến mạng sống của mình và gia đình mình. Nhưng rồi Coronavirus đến, càng ngày càng dữ dội, càng hung hăng. Những cái xác biết cử động đó, zoombie, cuối cùng, không còn ở xa chúng ta nữa mà đã đến đâu đó ở đất nước chúng ta đang ở, trong thành phố chúng ta đang ở. Người ta kinh hoàng tự hỏi: Tại sao lại Coronavirus? Chúng từ đâu đến? Chúng gây bệnh để làm gì? Lúc nào chúng biến mất?
Cả nhân loại dường như đang sống trong cõi phi lý của Albert Camus!
Và đang sống trong không khí của Dịch hạch. Đâu đó trên toàn thế giới, đang có những Bernard Rieux, những Raymond Lambert, những cha Paneloux… và không thiếu những Cottard, một kẻ cơ hội, tìm cách làm giàu nhờ cơn dịch.
Cuối cùng, sau hơn một năm, cơn dịch chấm dứt ở thành phố Oran. Cuộc sống trở lại bình thường. Dân thành phố hân hoan reo mừng. Nhưng Camus cảnh báo rằng như thế không có nghĩa là con người đã hết bị đe dọa. Kết thúc truyện, ông viết: “…vi trùng dịch hạch không bao giờ chết cũng không bao giờ biến mất, nó có thể nằm ngủ yên hàng chục năm trong đồ đạc và quần áo, nó kiên nhẫn chờ đợi trong các phòng ốc, dưới tầng hầm, trong rương, trong những chiếc khăn tay và trong đống giấy má và có lẽ đến một ngày nào đó, vừa để gây tai họa cũng như để dạy bài học cho con người, cơn dịch hạch sẽ lại đánh thức đàn chuột của nó dậy và rồi gửi chúng ra nằm chết trong một thành phố đang tràn trề hạnh phúc nào đó.”[5]
Một lời tiên tri đáng đồng tiền bát gạo! Phải chăng nó đã trở thành sự thật: Coronavirus!
Chắc chắn, rồi ra, với sự chiến đấu không ngừng nghỉ của vô số khoa học gia, bác sĩ, y tá, cảnh sát, binh sĩ…trên nhiều mặt trận – những chiến sĩ chống dịch như nhân vật bác sĩ Bernard Rieux và đội ngũ tình nguyện của ông trong Dịch hạch – Coronavirus sẽ bị đánh bại. Nhưng bài học mà Albert Camus để lại, sẽ không bao giờ biến mất.
T.D.N.
(3/2020)
_________
Tài liệu tham khảo:
Về Coronavirus:
- The Coronavirus Isn’t Alive. That’s Why It’s so Hard to Kill.
(Sarah Kaplan, William Wan and Joel Achenbach)
https://www.washingtonpost.com/health/2020/03/23/XXXX-isnt-alive-thats-why-its-so-hard-kill/
- Why Are Viruses Considered to be Non-Living? (Jake Port)
https://cosmosmagazine.com/biology/why-are-viruses-considered-to-be-non-living
https://www.wikihow.com/Know-the-Difference-Between-Bacteria-and-Viruses
- What Is a Coronavirus? (Nicoletta Lanese)
https://www.livescience.com/what-are- Coronavirus es.html
- The Coronavirus Did Not Escape From a Lab. Here’s How We Know. (Jeanna Bryner)
https://www.livescience.com/ Coronavirus -not-human-made-in-lab.html
- Lược thuật và luận giảng tác phẩm “Nguồn gốc chủng loại” (Nguyễn Nhân Trí)
https://damau.org/49810/luoc-thuat-va-luan-giang-tac-pham-nguon-goc-chung-loai-mo-dau
Về dịch hạch
- La Peste (Albert Camus)
http://www.bouquineux.com/?telecharger=381&Camus-La_Peste
- Albert Camus on the Coronavirus (Alain de Botton)
https://www.nytimes.com/2020/03/19/opinion/sunday/ Coronavirus -camus-plague.html
– What the Plague Can Teach Us About the Coronavirus (Hannah Marcus)
https://www.nytimes.com/2020/03/01/opinion/ Coronavirus-italy.html
– What We Can Learn (and Should Unlearn) From Albert Camus’s The Plague (Liesl Schillinger)
What We Can Learn (and Should Unlearn) From Albert Camus’s The Plague
- This Is a Time for Solidarity. What Albert Camus’s “The Plague” Can Teach Us about Life in a Pandemic. (Sean Illing)
https://www.vox.com/2020/3/13/21172237/ Coronavirus-covid-19-albert-camus-the-plague
Chú thích
[1] Albert Camus, nhà văn Pháp, sinh năm 1913, Nobel văn chương năm 1957, mất năm 1960 trong một tai nạn xe hơi. La Peste được xuất bản năm 1947.
[2] Những con số trong ngoặc đơn là để chỉ số trang trong “La Peste”, 1947, bản điện tử PDF của trang mạng Bouquineux.com:
http://www.bouquineux.com/?telecharger=381&Camus-La_Peste
[3] All of us are hostages to forces over which we have no control.
[4] Suffering is randomly distributed, it makes no sense, it is simply absurd, and that is the kindest thing one can say of it
[5] Car il savait ce que cette foule en joie ignorait, et qu’on peut lire dans les livres, que le bacille de la peste ne meurt ni ne disparaît jamais, qu’il peut rester pendant des dizaines d’années endormi dans les meubles et le linge, qu’il attend patiemment dans les chambres, les caves, les malles, les mouchoirs et les paperasses, et que, peut-être, le jour viendrait où, pour le malheur et l’enseignement des hommes, la peste réveillerait ses rats et les enverrait mourir dans une cité heureuse. (358-359)
Tác giả gửi BVN
[1] Albert Camus, nhà văn Pháp, sinh năm 1913, Nobel văn chương năm 1957, mất năm 1960 trong một tai nạn xe hơi. La Peste được xuất bản năm 1947.
[2] Những con số trong ngoặc đơn là để chỉ số trang trong “La Peste”, 1947, bản điện tử PDF của trang mạng Bouquineux.com:
http://www.bouquineux.com/?telecharger=381&Camus-La_Peste
[3] All of us are hostages to forces over which we have no control.
[4] Suffering is randomly distributed, it makes no sense, it is simply absurd, and that is the kindest thing one can say of it
[5] Car il savait ce que cette foule en joie ignorait, et qu’on peut lire dans les livres, que le bacille de la peste ne meurt ni ne disparaît jamais, qu’il peut rester pendant des dizaines d’années endormi dans les meubles et le linge, qu’il attend patiemment dans les chambres, les caves, les malles, les mouchoirs et les paperasses, et que, peut-être, le jour viendrait où, pour le malheur et l’enseignement des hommes, la peste réveillerait ses rats et les enverrait mourir dans une cité heureuse. (358-359)