Cả một nền giáo dục “không may”(!)

Đọc bài báo (Vietnamnet, 26.6.2010) nói về chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, GĐ Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ nói về chuyện “không may” của mình khi bỏ ra 17.000 USD để có bằng TS do “Mỹ” cấp – từ một cái trường dỏm bị giải thể từ năm 2003, văn phòng chính đặt tại Malaysia mà thật xót xa cho nhiều điều, nhiều chuyện của nền giáo dục nước nhà(!)

Điều đáng buồn thứ nhất là cả ngành giáo dục đang rộn rã niềm vui y như ngày đại thắng vì kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa rồi đạt trên 90% (không ít tỉnh có số học sinh đậu từ 97-99%)! Kết quả đó giống như một sự đùa dai vì ai cũng biết trong tất cả mọi hình thái, công đoạn của sự di truyền thì di truyền văn hóa – giáo dục luôn là điều khó khăn, phức tạp nhất. Đức Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma) có nói rằng trên đời có 3 điều không thể mua đó là tình cảm chân thành, thời gian sống và… hiểu biết. Làm sao một nền giáo dục suy sụp và rách nát trầm trọng lại có thể có một kết quả như rơi từ trên trời xuống như thế? Cứ 10 người dân thì 9 người không tin kết quả đó rồi. Bởi ai cũng ngầm mặc định, ngầm hiểu rằng để hóa phép giả – thật là điều dễ nhưng để có hiểu biết thật sự thì không dễ một chút nào. Không thể có chuyện một địa phương năm ngoái kém cỏi, bết bát trong chuyện thi cử mà năm nay lại thăng hoa một tấc đến trời.

Điều buồn thứ hai là Bộ GD-ĐT vẫn bất chấp dư luận khi biết rõ rằng trog 65 năm của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Cộng hòa XHCN Việt Nam chỉ đào tạo được có 15.000 Tiến sĩ; thế nhưng đã ký cái rụp đề án trong 10 năm tới sẽ có 20.000 TS (hoặc 23.000 TS) – không biết để làm gì, với tổng kinh phí là 14.000 tỷ đồng – tương đương với 778 triệu USD. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, chỉ riêng việc đào tạo 10.000 TS ở nước ngoài thì chi phí thấp nhất đã là 900 triệu USD! Vậy, lấy tiền đâu để bù vào khoản thiếu hụt 122 triệu USD đào tạo ở nước ngoài và vài trăm triệu USD nữa cho kinh phí đào tạo trong nước? Kế hoạch gì kỳ cục vậy khi ta cứ ký, nhưng tiền thì không đủ, thiếu cả hàng trăm triệu USD? Đó là chưa mở ngoặc rằng cái chuyện TS trong mưa, trên mây nhiều như thế mà đất nước cứ đói nghèo, dân tộc cứ lẹt đẹt đi sau người ta thì đào tạo TS cho lắm để làm gì?

Điều buồn thứ ba là cái chuyện ông Thứ trưởng Bành Tiến Long cách đây mấy năm có thừa nhận trước công luận rằng có đến 30% TS không đạt chuẩn – nói nôm na là dỏm. Bộ GD-ĐT đã thừa nhận như thế nhưng tại sao vẫn chấp nhận thực tế ấy? Tại sao là cơ quan chủ quản lại không làm một cuộc thanh tra, sát hạch toàn diện về bằng cấp thật – giả mà chỉ lo thanh tra mấy chuyện đâu đâu? Các TS đương nhiệm hiện nay là những cái máy cái đào tạo ra nhiều thế hệ TS nữa cho nước nhà. Nếu 30% máy cái bị hỏng thì sản phẩm tạo ra là thuộc loại nào? Đây là câu hỏi không hề nhỏ vì ngoài sự xót xa còn đặm vị âu lo nghiêm trọng đối với sự tha hóa gần như toàn diện của một nền giáo dục nhìn đâu cũng thấy dỏm. Bộ GD-ĐT có dám nhận lời thách đố của tôi (người do Bộ quản lý) tham gia vào đoàn thanh tra để đi khảo sát một số TS không? Tất nhiên câu trả lời là không vì tôi không có bằng cấp tương xứng. Nhưng, quả thật, nếu tổ chức được những cuộc khảo sát có chất lượng do những người có tâm huyết với nước, với ngành chịu trách nhiệm thì không phải là 30%  đâu mà là 1/2 đó (ít nhất). Trong một bài viết nhắn đến GS Phan Huy Lê nhân chuyện Lê Văn Tám, tôi đã có nói thẳng với Thầy Lê rằng Thầy và các GS khác phải chịu trách nhiệm với đất nước khi đã “tặng” cho dân tộc quá nhiều TS dỏm. Thầy Lê không trả lời.

Những người có trách nhiệm có thấy đau buồn không khi ông GĐ Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Ngọc Ân cho rằng cái sai của ông chỉ là do “không may” – có nghĩa là rất nhiều người may mắn “chưa bị lộ” vẫn có bằng ấy, chức phận kia nghênh ngang, chễm chệ làm xấu, làm hỏng nền học vấn của nước nhà? Nếu muốn bàn thêm thì cái tư tưởng cố đấm ăn xôi đề cá chép ươn mong vượt “vũ môn” ở kỳ Đại hội Tỉnh đảng bộ sắp tới (như ông Ân nói) quả là tột cùng của nỗi đau. Ít nhất, một nửa cán bộ đương chức, đương quyền hiện nay đang sử dụng hoặc là bằng giả hoặc là bằng thật nhưng kiến thức giả. Tôi xin bảo đảm về điều mình vừa viết.

Bộ GD-ĐT đã có lãnh đạo mới. Là một giáo viên, tôi đang chờ mong sự thay đổi thẳng thắn, nhiệt tình, nghiêm khắc từ Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Xin kiến nghị với Bộ trưởng rằng trước khi mong có được một nền giáo dục tốt đẹp, nhất thiết phải thay máu, phải thay đổi triết lý giáo dục, phải làm sạch tất cả những sự dối trá – điều quyết định làm cho đất nước đã và đang tạo ra rất nhiều những con người lọc lừa và kém cỏi… Mong mỏi lắm thay!

Huế, 30.6.2010

HVT

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.