Làm sao để ngăn “Đường lưỡi bò” vào Việt Nam?

Diễm Thi, RFA

Công an canh người dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 6 tháng 8 năm 2019. Reuters

Mới đây, bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc lại xuất hiện trong giáo trình trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Điều này một lần nữa cho thấy chính phủ Việt Nam bị động trong việc kiểm duyệt, quản lý toàn diện các ấn phẩm, sản phẩm, văn hóa phẩm nhập vào Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc.

Lại “lọt lưới”

Liên tiếp những ngày gần đây, Việt Nam phát hiện khá nhiều sản phẩm từ du lịch, văn hóa phim ảnh, đến bản đồ định vị của xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc đều có bản đồ “đường lưỡi bò”. Phát hiện và phạt rồi lại phát hiện và phạt, đó có phải là cách tốt nhất để ngăn chặn “đường lưỡi bò” vào Việt Nam?

Dư luận bắt đầu nản và không có niềm tin vào chính phủ, thì cuối tuần qua, mọi người lại phát hiện trong giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung – Nhật trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tại cuốn Đọc sơ cấp 1 “Developing Chinese” có bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” được in to, rõ nét.

Theo Điều 13 thông tư ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28 tháng 1 năm 2011, Hội đồng Khoa học – Đào tạo Khoa đề xuất danh mục các giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình Hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo.

Hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn giáo trình, duyệt danh mục giáo trình để đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng lựa chọn giáo trình, Hiệu trưởng xem xét và quyết định chọn giáo trình đã lựa chọn để phục vụ giảng dạy, học tập.

Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn giáo trình để được sử dụng giáo trình theo quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy quy trình kiểm duyệt chặt chẽ như vậy nhưng không vị nào trong Hội đồng kiểm duyệt phát hiện ra “đường lưỡi bò” hiện diện trong giáo trình mà chính sinh viên khi nghiên cứu đã phát hiện ra và báo lên Ban giám hiệu nhà trường vào đầu tháng 11.

Theo tôi biết thì Nhà nước có khá nhiều chỉ thị để ngăn ngừa chuyện đó. Nhưng vấn đề không phải chỉ về phía Nhà nước. Vấn đề là Nhà nước sẽ làm thế nào để nó thành ý chí và sự cảnh giác của toàn dân, chứ Nhà nước cũng không thể lường hết tất cả mọi chuyện được.

PGS-TS Hoàng Dũng

 

Sau khi sự việc xảy ra, bà Đào Thị Thúy Hằng, Phó Chủ nhiệm Khoa Trung – Nhật Trường đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội phân trần với truyền thông trong nước rằng “Khoa chỉ tập trung xem bố cục mỗi bài thiết kế như thế nào, cách sắp xếp, giải thích ngữ pháp ra sao chứ không để ý đến hình vẽ. Khi xem xét sách cũng không thể mở từng trang ra một. Về cơ bản sẽ phải dựa vào phần mục lục, sau đó mở một bài bất kỳ để xem bố cục, chủ đề, cách phân tích ngữ pháp của bài ấy”.

Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo Việt Nam trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2019” tổ chức hôm 1 tháng 11 tại Cần Thơ, Tiến sĩ Trần Việt Trường nhận định: “Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về ‘đường lưỡi bò’ không từ bất kỳ thủ đoạn nào. Từ việc cài cắm hết sức tinh vi trong truyền thông, văn hóa, giải trí, từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới”.

Và, với những gì đang diễn ra tại Việt Nam trong những ngày qua, có thể những gì tiến sĩ Trần Việt Trường nhận định lại rất phù hợp?

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng nhận xét, chuyện này không mới, chỉ có cơ quan chức năng Việt Nam là vô trách nhiệm và nhận thức kém về chủ quyền biển đảo:

“Họ tìm mọi cách quảng bá, truyền thông tin cho thế giới thấy rằng Biển Đông là của TQ và đường lưỡi bò phải là hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Không chỉ cho người Việt Nam. Họ muốn cho cả thế giới thấy rằng đường lưỡi bò là của Trung Quốc từ xa xưa”.

Về phía Trung Quốc thì như thế, còn về phía Việt Nam thì sao? Liệu Việt Nam có chính sách nào để phản bác “đường lưỡi bò” một cách xuyên suốt nhằm đối phó với Trung Quốc hay không?

PGS-TS Hoàng Dũng cho biết ý kiến của ông:

“Theo tôi biết thì Nhà nước có khá nhiều chỉ thị để ngăn ngừa chuyện đó. Họ làm tích cực và họ cũng phạt nặng chứ không phải không đâu. Tôi có người quen làm trong ngành xuất bản, họ cho biết rất nhiều trường hợp cụ thể như vậy. Nhưng vấn đề không phải chỉ về phía Nhà nước. Vấn đề là Nhà nước sẽ làm thế nào để nó thành ý chí và sự cảnh giác của toàn dân, chứ Nhà nước cũng không thể lường hết tất cả mọi chuyện được”.

Người dân Hà Nội mặc áo NO-U biểu tình chống Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 6 tháng 8 năm 2019. Reuters

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng với những sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” liên tiếp xảy ra và ngày một nhiều thì có lẽ Việt Nam không có một chính sách nhất quán. Chỉ khi nào dư luận lên tiếng thì Nhà nước mới tìm cách giải quyết. Ông nói:

“Tuy rằng nhà nước cộng sản có chính sách kiểm duyệt rất là nghiêm ngặt nhưng không rõ họ có một chính sách nhất quán hay không. Từ những thực tiễn thì thấy rằng có lẽ là không có”.

Giải quyết ra sao?

Chỉ trong tháng 10 năm 2019, ít nhất ba sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” phi pháp lọt vào Việt Nam do người dân phát hiện, có thể kể ra như:

Phim hoạt hình Everest – người tuyết bé nhỏ có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp được công chiếu tại Việt Nam từ đầu tháng 10 và chỉ bị dừng chiếu sau 10 ngày ra rạp do khán giả phát hiện; khách hàng mua tour du lịch của Dịch vụ lữ hành Saigontourist lại phát hiện ấn phẩm giới thiệu du lịch có hình ảnh bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; xe hơi Zotye, BAIC… do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Việt Nam với phần mềm định vị có bản đồ với “đường lưỡi bò”, dù khi nhập khẩu, tất cả các xe đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và ngày 4/11 Hải quan VN đã chưa cho tái xuất chiếc xe Volkswagen Tourareg trưng bày tại triển lãm ô tô VN 2019 có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc loại bỏ các sản phẩm, ấn phẩm có đường lưỡi bò là việc vô cùng khó khăn bởi hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam quá nhiều, từ những món đồ gia dụng nhỏ của các bà nội trợ cũng có thể có hình “đường lưỡi bò” mà Nhà nước không thể nào kiểm soát được hết.

Ông phân tích:

“Nhà nước thì nguồn lực có hạn mà Trung Quốc thì trăm phương ngàn kế. Bất kể cái gì mà đụng đến bản đồ là nó phải có hình lưỡi bò. Đấy là một cái lệnh từ Tập Cận Bình trở xuống và mọi người, mọi công ty cứ răm rắp mà làm, mà quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc về hàng hóa thì quá nhiều. Cách hữu hiệu nhất là phải chống từ từng người dân, từ 90 triệu người dân ở Việt Nam”.

Nhưng mà rất đáng tiếc, chín năm trước đây chúng tôi làm những cái áo xóa ‘đường lưỡi bò’ (NO-U) thì cảnh sát nó tìm, nó lùng, nó cấm in, nó thấy người nào mặc thì nó theo dõi, kể cả chính sách của các cơ quan bảo vệ pháp luật kỳ quặc như thế thì cũng khó đi vào lòng dân lắm.

TS. Nguyễn Quang A

Còn Phó Giáo sư Hoàng Dũng thì cho rằng việc quan trọng mà nhà nước cần làm là phải dựa vào dân, phải làm sao để toàn dân thấy “đường lưỡi bò” là phi pháp và toàn dân đấu tranh mọi lúc mọi nơi để kiên quyết loại bỏ. Nhưng theo ông thì việc này cũng vô cùng khó khăn vì chính sách của Nhà nước đối với Trung Quốc vẫn là “bốn tốt 16 chữ vàng”, không thể thuyết phục được dân. Ông nói:

“Làm sao biến thành ý chí của toàn dân khi chính sách của nhà nước về việc này hết sức mâu thuẫn?! Một mặt nói rằng Trung Quốc vạch ra đường lưỡi bò là tráo trở, là phi pháp nhưng một mặt thì vẫn “bốn tốt 16 chữ vàng”. Cái chính sách trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy mà còn thì khó lòng mà làm cho người dân ý thức được mối nguy hiểm từ Trung Quốc một cách sâu sắc”.

Không chỉ tuyên truyền “đường lưỡi bò” trên các sản phẩm văn hóa, giáo dục như chúng tôi đã dẫn chứng, Trung Quốc còn tuyên truyền bằng cách cho người Trung Quốc mặc áo thun có bản đồ kèm “đường lưỡi bò” phi pháp khi du lịch Việt Nam qua đường hàng không.

Hình ảnh hàng chục du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình đường lưỡi bò tại sân bay Cam Ranh vào đêm 13 tháng 5 năm 2019 đã gây phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Việt Nam và công an cửa khẩu yêu cầu du khách thay áo.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh Nhà nước Việt Nam không thể tuyên truyền cho toàn dân ý thức chống “đường lưỡi bò” một khi chính quyền đã hành xử sai với dân. Ông nói:

“Nhưng mà rất đáng tiếc, chín năm trước đây chúng tôi làm những cái áo xóa ‘đường lưỡi bò’ (NO-U) thì cảnh sát nó tìm, nó lùng, nó cấm in, nó thấy người nào mặc thì nó theo dõi, kể cả chính sách của các cơ quan bảo vệ pháp luật kỳ quặc như thế thì cũng khó đi vào lòng dân lắm”.

D.T.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-do-vn-prevent-products-with-the-nine-dash-dt-11042019131946.html

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.