Bộ Văn Thể Du vẽ vời ra chuyện chọn Quốc hoa, thực là chuyện tầm phào vớ vẩn. Bao nhiêu việc cần kíp không bàn, đi bàn cái chuyện đua đòi này. Văn hóa – Lối sống đạo đức của toàn xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngành Văn hóa đang làm ngơ.
Biển Đông ầm ầm sóng dữ. Người người thao thức không yên, không thấy bàn bạc, lại đi bàn chuyện hoa cỏ. Đến lúc mất nước rồi, cái bàn thờ cũng mất, nói chi đến mấy cái bông “quốc hoa” trên cái bàn thờ ấy.
Báo chí quốc doanh bàn thì cứ bàn. Dân Blogger chúng ta không nên mất thì giờ bàn vào những chuyện vô tích sự, coi chừng rơi vào bẫy của bọn xấu mà quên hết những chuyện có ích cho dân cho nước và cấp thiết lúc này!
Nguyễn Xuân Diện
Bee.net – “Tôi nói với mong mỏi của một người dân, muốn các nhà quản lý văn hóa đặt ra những vấn đề văn hóa thiết thực cho cuộc sống, cho con người hơn thay vì những cái gì cứng nhắc, không phù hợp với suy nghĩ, nhu cầu của người Việt Nam, chỉ để trang trí làm đẹp cho bên ngoài”.
PGS TS Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – góp ý về vấn đề lựa chọn Quốc hoa đang được dư luận quan tâm.
Tôi hoàn toàn phản đối việc xây dựng biểu tượng Quốc hoa. Tôi tự hỏi vì sao Việt Nam cần phải có Quốc hoa và vì sao người ta lại đề xuất vấn đề này.
Người ta đề xuất vấn đề này có lẽ vì họ nghĩ rằng có Quốc hoa sẽ thuận tiện hơn trong việc giới thiệu bản sắc Việt Nam ra nước ngoài. Nhưng Việt Nam đã có sẵn nhiều bản sắc rồi.
Chúng ta hãy để cho người nước ngoài nhìn đất nước này đa dạng về văn hóa, đa dạng các loài hoa, phù hợp với đặc tính của người Việt Nam là hết sức cởi mở tiếp thu các nền văn hóa.
Chúng ta không cần phải cố đi tìm một loài hoa bản địa trong nước. Cái hay của văn hóa Việt Nam là sự dung nạp văn hóa của các nước khác trên thế giới để tạo thành sắc thái riêng, biến văn hóa từ bên ngoài thành cái của mình với dấu ấn riêng.
Việt Nam có rất nhiều hoa ngoại nhập và nó từ lâu đã trở thành những loài hoa gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân như hoa hồng, ly, lay ơn, cẩm chướng, tuy-líp… Trong đám cưới hiện nay, người ta dùng nhiều loài hoa mang tính biểu tượng về sự hạnh phúc hay hơn rất nhiều chúng ta chỉ cốt chọn ra một loại hoa mà không biết dùng lúc nào thì thích hợp. Điều quan trọng nhất của hoa là làm đẹp theo nhu cầu của cuộc sống của mỗi người, của cộng đồng.
Người Việt Nam rất yêu hoa. Tết đến, nhà nào cũng cắm hoa. Mùa xuân, Hà Nội có hoa đào, TP HCM có hoa mai, người Thái trên Tây Bắc có hoa ban… Mùa hè có hoa sen, hoa nhài. Hoa lan quanh năm. Mỗi vùng khí hậu có những loài hoa độc đáo riêng. Tính đa dạng của người Việt Nam là chúng ta tôn sùng và kính trọng nhiều loại hoa. Vì thế từ trước tới nay, người Việt Nam không thờ phụng riêng một loại hoa nào cả.
Một số nước có Quốc hoa, nhiều nước cũng không có và chắc họ cũng không mất công đi xây dựng Quốc hoa cho mình. Việc tạo ra một Quốc hoa trước hết cần xem nó có truyền thống không, có thực sự phản ánh một nhu cầu của nhân dân không. Tôi cho rằng chúng ta không nên có một sự “đua đòi” kiểu phong trào vì làm du lịch như có nem, có phở, có áo dài thì phải có hoa.
Bài học từ câu chuyện Quốc phục
Chọn Quốc hoa giống như các câu chuyện khác của Việt Nam như Quốc phục, Quốc tổ… Người ta đang nhầm lẫn giữa Việt Nam và dân tộc Việt. Thật ra, vấn đề này là vấn đề văn hóa nhưng nó lại mang tính nhạy cảm chính trị. Vua Hùng chỉ là ông tổ của người Việt chứ không phải của 53 dân tộc khác trên khắp nước Việt Nam. Cần thận trọng việc này.
Trước đây, Bộ VH-TT&DL đã thất bại rất nhiều lần về thiết kế, tuyển chọn quốc phục, bàn đi bàn lại hơn 20 năm nay mà vẫn chưa thể đưa ra kết quả cuối cùng. Bởi rõ ràng, người Việt Nam không có Quốc phục và cũng không có nhu cầu Quốc phục. Dân tộc ta đã chấp nhận cách mặc hiện tại, phù hợp với sự hội nhập quốc tế rồi.
Bản tính của người Việt Nam là luôn nhạy bén với sự thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh rất nhanh. Do đó, không nên bắt ép tất cả mọi người, các dân tộc ở Việt Nam đều mặc Quốc phục khi mà nó không thoải mái, không phù hợp với người dân. Tất cả những điều này là do nhiều khi người ta đã nhìn văn hóa Việt Nam chỉ dưới con mắt của người Kinh.
Vấn đề Quốc hoa cũng tương tự như vậy. Hoa sen chủ yếu của người Việt chứ không phải tất cả các dân tộc khác đều có. Không thể áp đặt hoa sen đại diện cho 53 dân tộc Việt Nam.
Việt Nam đừng đi theo lối mòn của các nước
Phải nhìn nhận rằng, khách du lịch đến Việt Nam rất thích khám phá các vùng dân tộc, các vùng địa lý sinh thái khác nhau của Việt Nam. Điều quan trọng là làm thế nào để giới thiệu đa dạng văn hóa Việt Nam chứ không nên cố định nó, điển hình nó.
Việt Nam không thể đi theo lối mòn của các nước khác trên thế giới như Canada chỉ có biểu tượng là chiếc lá phong, Nhật Bản có hoa anh đào… Đó là bởi những nước này truyền thống riêng của họ. Chúng ta mà lặp lại cách họ làm thì chúng ta sẽ thua. Chúng ta phải có tư duy khác: họ mà chỉ một hoa, ta phải nhiều hoa. Sự đa dạng là một nét rất Việt Nam, chúng ta đừng làm mất nó đi bằng cách này hay cách khác.
Tôi bày tỏ sự mong mỏi của một người dân muốn các nhà quản lý đặt ra những vấn đề văn hóa thiết thực cho cuộc sống, cho con người hơn thay vì những cái gì cứng nhắc, không phù hợp với suy nghĩ, nhu cầu của người Việt Nam, chỉ để trang trí làm đẹp cho bên ngoài.
Vì vậy, mong những người quản lý nên có một cái nhìn sáng suốt, dẹp bỏ những vấn đề mà nhu cầu xã hội hiện tại không đòi hỏi để tập trung vào những việc làm cần thiết hơn.
Bởi, để có một biểu tượng văn hóa đủ đa dạng mang đậm bản sắc Việt Nam chúng ta cần phải bàn luận và chờ đợi…
Huyền Thương (ghi)
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/2981/201006/Tai-sao-Viet-Nam-phai-dua-doi-chon-quoc-hoa-1757243/