Bắc Kinh và Hà Nội có thể hoà giải sau vụ Bãi Tư Chính?

Lye Liang Fook

Khánh Anh dịch

Với sự hiện diện của rất nhiều tàu thuyền, khả năng vẫn là những cuộc đụng độ ngoài ý muốn khiến quan hệ hai bên trở nên xấu đi và dẫn đến một cuộc xung đột. Thậm chí có quan điểm rằng nếu bị dồn vào chân tường, Hà Nội sẽ có hành động cứng rắn hơn.

So kè ngoài biển

Tàu HD8 đã khảo sát 35.000 cây số vuông đáy biển phía đông bắc Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam – Việt Nam là quốc gia duy nhất có quyền đánh bắt cá và khoan dầu trong khu vực này.

Trung Quốc dường như đang phát đi tín hiệu rằng họ không chấp nhận việc Hà Nội thực hiện dự án Nam Côn Sơn với Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất của Nga. Có tin cho hay có lúc có tới 80 tàu hải cảnh và dân binh đi theo hộ tống tàu HD 8. Vào đêm thứ Ba tàu cần cẩu Lam Kình tiến vào cách tỉnh Quảng Ngãi 90km (56 dặm). Theo cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, tàu Hải cảnh Trung Quốc Haijing 3511, được trang bị pháo hải quân đa năng 76mm, đang tuần tra cách khu vực bờ biển phía Đông Nam Việt Nam 190 hải lý.

Đáp trả lại, vào giữa tháng 8, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm bằng cách phái tàu Quang Trung ra ngăn chặn tàu HD 8. Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cũng vẫn sẵn sàng giải quyết ôn hoà. Bộ Ngoại Giao cho biết Việt Nam đã tiếp cận Trung Quốc nhiều lần thông qua các kênh khác nhau yêu cầu chấm dứt các hành vi xâm phạm và rút ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Hà Nội đã kêu gọi các nước khác hỗ trợ, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động khai thác dầu khí và các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại. Úc và Liên minh châu Âu đã bày tỏ mối quan tâm tương tự, và tháng trước Hoa Kỳ đã gửi tàu USS Ronald Reagan đi vào Biển Đông trước khi cập cảng vịnh Manila ở Philippines.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì quan hệ cấp cao với Bắc Kinh bất chấp căng thẳng. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc vào ngày 8 tháng 7, chỉ vài ngày sau khi tàu HD 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Chuyến thăm của bà Ngân có thể được đọc như một nỗ lực để che đậy tình hình và ngăn chặn ảnh hưởng đến các mối quan hệ rộng lớn hơn. Bà Ngân thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Việt Nam đã sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này.

Lịch sử đối đầu

Đây không phải là lần đầu tiên hai quốc gia đối đầu ở Biển Đông. Năm 2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu HY 981 vào vùng biển ở quần đảo Hoàng Sa. Dàn khoan HY981 được tàu hải cảnh Haijing 35111 hộ tống. Tàu Haijing 35111 trước đó đã thực hiện các cuộc diễn tập khiêu khích ngoài khơi bờ biển Sarawak của Malaysia để ngăn chặn các hoạt động khoan dầu khí gần Luconia Shoals. Nhiệm vụ hai mặt báo hiệu Trung Quốc đã cam kết thực hiện hành động nhiều lớn hơn để ngăn chặn những gì họ coi là hoạt động khai thác dầu khí đơn phương mới của các quốc gia ASEAN nằm trong đường chín đoạn của Bắc Kinh.

Năm 2014, tranh chấp nhanh chóng leo thang. Vào lúc cao điểm, Trung Quốc cho 137 tàu quân sự vào quanh giàn khoan dầu. Máy bay trực thăng, máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu cũng được huy động. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra ở một vài thành phố trên khắp Việt Nam và các nhà máy Trung Quốc bị cướp phá và đốt cháy.

Tuy nhiên, lần này dường như có một nỗ lực có ý thức từ phía cả hai nước để ngăn chặn tình trạng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Ở Việt Nam, công an đã có hành động nhanh chóng vào ngày 6 tháng 8 để ngăn chặn một nhóm nhỏ người biểu tình tụ tập bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội của nhóm No-U. Trao đổi cấp nhà nước và đảng cấp cao đã diễn ra trong đó cả hai bên đã nhấn mạnh các khía cạnh rộng lớn hơn trong mối quan hệ hai bên.

Một điểm khác biệt quan trọng so với năm 2014 là cho đến nay, Việt Nam đã hạn chế nói về việc kiện Trung Quốc ra tòa. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đề nghị cách tiếp cận pháp lý trong một vài dịp năm năm trước đây. Đã có ý kiến cho rằng bước hợp lý tiếp theo đối với Việt Nam là nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển tương tự như trường hợp Philippines năm 2013.

Tiếp theo là gì?

Cuộc đối đầu gần Bãi Tư Chính dường như cho thấy một phương thức hoạt động mới trong cách tiếp cận của Trung Quốc với các hoạt động khai thác dầu khí mới ở các khu vực tranh chấp. Trung Quốc sẽ gửi các tàu khảo sát riêng để thăm dò dầu khí đồng thời cố gắng ngăn cản hoạt động tương tự của các quốc gia khác. Nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu hành động gây hấn của Trung Quốc sẽ mang lại kết quả hay không.

Việt Nam đã không cho thấy bất kỳ dấu hiệu lùi bước nào và tiếp tục khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cuối tháng 7, Hà Nội tuyên bố rằng hoạt động của giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản cho dự án Nam Côn Sơn, sẽ được kéo dài đến ngày 15 tháng 9 thay vì kết thúc vào ngày 30 tháng 7. Các tàu hàng hải Việt Nam, bao gồm cả một hải quân khinh hạm tiên tiến, di chuyển miệt mài trong khu vực gần Bãi Tư Chính nhằm ngăn các hoạt động của tàu HD 8. Hà Nội cũng dự kiến sẽ tiếp tục cố gắng quốc tế hóa vấn đề, và có thể nêu ra vấn đề này với Liên Hợp Quốc như đã làm trong năm 2014.

Như vậy, cả hai bên cho đến nay dường như đã thực hiện sự kiềm chế. Một lý do có thể là Trung Quốc đang bận tâm với những thách thức cấp bách hơn như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và phong trào biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông. Một lý do khác có thể là Việt Nam sẽ làm chủ tịch Asean vào năm tới và cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không muốn thấy mối quan hệ của họ xấu đi đến mức làm phức tạp vai trò của Việt Nam. Năm tới cũng đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và cả hai bên đều có lý do chính đáng để kiểm soát sự khác biệt.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình hình gần Bãi Tư Chính không thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Với sự hiện diện của rất nhiều tàu, khả năng vẫn là những cuộc đụng độ ngoài ý muốn khiến quan hệ trở nên xấu đi và dẫn đến một cuộc xung đột. Thậm chí có một quan điểm rằng nếu bị dồn vào chân tường, Hà Nội sẽ có hành động cứng rắn hơn.

Nguồn bản gốc:  Can Beijing and Hanoi overcome their latest South China Sea flashpoint at Vanguard Bank?

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng, Bãi Tư Chính, Biển Đông. Bookmark the permalink.