Sự cố rò rỉ thủy ngân: cảnh báo cho những thảm họa

Nguyễn Hồng Phúc

Sau vụ cháy ở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tại thành phố Hà Nội, công bố ban đầu vào tối 4/9 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là nồng độ thủy ngân trong môi trường đã vượt ngưỡng hạn định do Tổ chức Y tế Thế giới WTO đưa ra từ 10 đến 30 lần.

Phiên bản ‘Hà Nội 2019’ của ‘thảm họa Minamata’

Tổng hợp kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp của Bộ Y tế, Tổng cục Môi trường và Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc từ 30/8 đến 1/9 như sau: Giá trị nồng độ thủy ngân tại điểm xả nước thải của công ty Rạng Đông trên sông Tô Lịch (cách 1,5km)  có 1/12 mẫu vượt ngưỡng so với quy chuẩn Việt Nam hiện hành.

1/8 mẫu (lấy tại hố ga của Công ty Rạng Đông) có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam  2,76 lần theo mức cho phép. 12/13 mẫu trầm tích có giá trị thủy ngân vượt quy chuẩn Việt Nam 43 tại điểm quan trắc sông Tô Lịch, mức vượt ngưỡng 6,1 lần. Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có giá trị thủy ngân ngoài ngưỡng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến  sức khỏe của con người. Đó là các điểm ở phường Hạ Đình, ở sông Tô Lịch.

Ghi nhận của báo chí, từ lúc công bố độ thủy ngân trong không khí cao hơn mức cho phép thì người dân rất sợ và đã bắt đầu sơ tán đi nơi khác. Nhiều lo ngại về một phiên bản thu nhỏ Hà Nội 2019 của thảm họa thủy ngân Minamata ở thập niên 30 thế kỷ trước tại Nhật Bản.

Tin tức đăng tải, từ năm 1932, nhà máy sản xuất hóa dầu trực thuộc Tập đoàn Chisso đã thải ra vùng biển gần Minamata khoảng 27 tấn hợp chất kịch độc có tên gọi là thủy ngân vô cơ. Đây là hợp chất được sinh ra trong quá trình sản xuất ra Acetal Dehyt. Tuy nhiên, Chisso vẫn kiên quyết không thừa nhận mọi cáo buộc và vẫn tiếp tục xả thủy ngân ra biển cho tới năm 1968 mới chấm dứt.

Với vụ rò rỉ thủy ngân ở hỏa hoạn tại doanh nghiệp chuyên sản xuất bình thủy, bóng đèn mang tên Rạng Đông, theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ số liệu 30mlg thủy ngân cho bóng đèn huỳnh quang và 8mlg thủy ngân cho bóng đèn compact, thì khối lượng thủy ngân đã phát tán ra bên ngoài môi trường đô thị là 27,2kg.

So con số 27 tấn ở thảm họa thủy ngân Minamata, thì tuy quá nhỏ nhoi, song ở đây là lượng phát tán mang tính tức thì ở nơi có mật độ dân cư đông đúc của thủ đô Hà Nội, so với thảm họa Minamata là kéo dài qua rất nhiều năm.

Mặt khác, ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm, và một số hóa chất. Các chất này được ghi nhận là có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Thư xin lỗi của công ty CP Bóng điện Phích nước Rạng Đông.

Thời gian vụ cháy được các bản tin báo chí tường thuật là xảy ra vào chiều tối 28/8, từ 18 giờ đến khoảng 23 giờ 30 thì đám cháy được dập tắt. Hỏa hoạn xảy ra ở xưởng sản xuất bóng đèn dây tóc, đèn CFL và một kho thành phẩm tại cơ sở Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Khu vực xảy ra cháy nằm trong khuôn viên khu vực kho chứa hàng hóa và nhà xưởng, có tổng diện tích nhà kho, xưởng là khoảng 6.000m2.

Trong vòng năm tiếng rưỡi, lượng hóa chất rò rỉ, phát tán từ các kho nguyên liệu, kho thành phẩm cùng nhiệt độ của đám cháy sẽ sản sinh ra những chất độc lan trong khu dân cư. Đây chính là một hiểm họa tiềm ẩn.

“Họ đã quá xem thường dân chúng!”

“Khi xảy ra cháy lớn, hoá chất sẽ bốc hơi, bay ra gây ô nhiễm không khí cùng với khói bụi. Mặc dù chưa biết chính xác đây là hoá chất gì, người ta không phân tích nhưng chắc chắn là độc, hoá chất độc nào cũng nguy hiểm cho con người nên cần phải có biện pháp để hạn chế, phải tránh”. Cử nhân Sinh – Hóa, bà Nguyễn Thị Nghiệp, nhận định.

Theo bà Nghiệp, thủy ngân có 3 dạng chính là dạng căn bản thủy ngân (elemental), dạng muối vô cơ thủy ngân, và dạng phức hợp hữu cơ – trong đó dạng methyl thủy ngân, có lẽ là dạng chết người nhất.

“Đọc báo có thấy Rạng Đông phát hành văn bản nói rằng họ sản xuất đèn theo công nghệ mới, nên làm gì có chuyện rò rỉ thủy ngân (!?). Lưu ý, đèn CFL – tức đèn compact, sử dụng một dòng điện để kích thích các khí trong bóng đèn sau đó làm cho lớp phủ phốt pho ở bên trong bóng đèn phát sáng, tạo ra ánh sáng. Phía Rạng Đông nói rằng công nghệ sản xuất của họ từ năm 2016 đã sử dụng loại amalgam thay thế thủy ngân lỏng trước đây cho sản xuất cả loại bóng huỳnh quang.

Rõ ràng là họ coi người dân như học trò tiểu học. Amalgam là hợp kim của thủy ngân, có thủy ngân chiếm khoảng 50%, có 20-35% là bạc, còn lại là các kim loại khác như đồng, thiếc và kẽm.

Chất thải amalgam đã được xác định là nguồn thủy ngân chính gây ô nhiễm đất, vì nó làm giảm hoạt động của vi sinh vật trong đất, giảm độ màu mỡ và năng suất của đất. Sau một khoảng thời gian, thủy ngân trong không khí sẽ lắng xuống nước hoặc trên đất, rồi lại ngấm vào mạch nước.

Trong môi trường này, một số sinh vật có thể biến đổi thủy ngân thành dạng độc hơn là methyl thủy ngân. Các loài sinh vật trong nước hấp thụ methyl thủy ngân, sau đó lại trở thành một trong những chuỗi thức ăn của các loài khác. Các loài cá sống lâu là đối tượng chứa lượng lớn chất tồn dư thủy ngân vì chúng có thời gian dài tiếp xúc với methyl thủy ngân.

Tôi cho rằng cần làm rõ về vấn đề amalgam của Rạng Đông, bao gồm cả trách nhiệm của họ về những khuyến cáo sản phẩm đến người tiêu dùng ở việc khi các sản phẩm đèn compact, đèn huỳnh quang Rạng Đông bị hư hỏng sau thời gian sử dụng, việc thu gom tiêu hủy được thực hiện ra sao?”.

Bà Nguyễn Thị Nghiệp đặt vấn đề, và cho rằng nhà chức trách cũng như các nhà làm luật nên suy nghĩ về việc liệu đã đến lúc đưa ra những tuyên bố về thảm họa môi trường như trường hợp của Rạng Đông hay chưa? Bài học về Formosa Hà Tĩnh, về Vedan Đồng Nai hay nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang có lẽ cũng cần được tiếp tục cảnh báo.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Công ước Minamata về thủy ngân là một công ước có phạm vi toàn cầu nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi tác động tiêu cực từ thủy ngân, được Việt Nam tham gia ký kết vào ngày 4/10/2013 tại Nhật Bản. Trong phụ lục A-II thuộc Công ước Minamata về thủy ngân, thì amalgam thuộc danh mục cần được giảm thiểu.

Nếu lấy mức độ ô nhiễm môi trường do tác động tổng hợp của các hoạt động phát triển kinh tế gây ra, thì một sự thật là Việt Nam đã thực sự đánh đổi môi trường vì kinh tế từ nhiều năm trở lại đây.

N.H.P.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.