Thảo Vy
Được phép đưa tin liên tục về cuộc biểu tình tại Hong Kong, song những diễn biến biểu tình ở Đài Loan liên quan đến Việt Nam thì báo chí trong nước lại im lặng.
Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh cùng với người ủng hộ khởi kiện Formosa tại Đài Loan ngày 10.06.2019. Ảnh: internet.
Tiến trình tố tụng xuyên quốc gia đã bắt đầu
Sáng ngày 11-6-2019, khoảng 60 người Việt Nam đã tập trung trước Tòa án thành phố Đài Bắc, Đài Loan để họp báo về việc Hội Công lý cho nạn nhân Formosa nộp đơn kiện Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) ra tòa, vì công ty này từng thừa nhận là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường cho 4 tỉnh miền Trung Việt Nam hồi năm 2016. Một cuộc biểu tình với cùng nội dung cũng diễn ra tại đây, và tại trụ sở Formosa ở Đài Bắc được nhiều cá nhân trực tuyến qua tài khoản mạng xã hội.
Báo chí Việt Nam hoàn toàn không có dòng tin nào về sự kiện đang diễn ra tại Đài Bắc nói trên. Thực tế này đang tạo làn sóng ngầm về lo ngại môi trường đầu tư ở Việt Nam ẩn chứa quá nhiều rủi ro nằm ngoài các luật định; đặc biệt là các vấn đề tư pháp của Tòa án, và quyền hành pháp của Chính phủ.
Trang của Đoàn Luật sư Đài Bắc, https://www.tba.org.tw cho biết có hai tổ hợp Luật sư Đài Loan, sẽ thay mặt gần 10.000 nạn nhân của thảm họa môi trường do Công ty FHS gây ra vào đầu tháng 6-2016, chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh cùng 18 công ty liên đới chịu trách nhiệm trước tòa án Đài Loan tại Đài Bắc. Mục đích khởi kiện là yêu cầu Tập đoàn FHS phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân, và làm sạch vùng biền bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên.
Hội Công lý cho nạn nhân Formosa (JfFV) là tổ chức đứng ra thực hiện các công việc liên quan đến thưa kiện đó tại Đài Loan. JfFV đã làm việc hơn 2 năm nay với các nạn nhân ở Việt Nam để lập hồ sơ với gần 10.000 ngư dân, và những người thuộc các ngành nghề khác nhau ở 4 tỉnh bị thiệt hại trực tiếp từ việc xả thải của Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Hệ lụy ‘domino’ hoài nghi những phát ngôn từ người đứng đầu Chính phủ
Bàn luận về sự kiện pháp lý kể trên, một luật sư đề nghị không nêu tên, nói rằng nhiều khách hàng doanh nghiệp đang đầu tư vốn FDI vào Việt Nam, nói rằng họ thật sự hoang mang vì sao một nhà đầu tư nước ngoài khi sai phạm tại Việt Nam lại không được xét xử tại quốc gia diễn ra sai phạm, mà phải chờ đợi phiên tòa ngay tại đất nước của họ?
Vấn đề khác, trong vụ việc ở Formosa Hà Tĩnh, người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có phát ngôn được rất nhiều báo chí cả trong lẫn ngoài nước nhắc tới, như “Sẽ đóng cửa Formosa nếu tái phạm”, được ông Phúc nói tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng ngày 03-08-2016. “Nếu lại vi phạm, nhất quyết đóng cửa” là một tuyên bố khác của ông Nguyễn Xuân Phúc sau khi thị sát các hạng mục tại FHS ngày 24-7-2017.
“Một là Formosa phải dừng lại, hai là phải khắc phục hậu quả. Ở đây họ không dừng mà cũng không có động thái gì khắc phục cả, họ vẫn đang tiếp tục làm ô nhiễm môi trường Việt Nam. Formosa nên bị đóng cửa, nếu chính phủ làm mạnh tay”, bà Ngô Thị Lan Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cộng đồng Bền vững nói với phóng viên Mỹ Hằng của BBC hôm 14-5-2019. [https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48250439]. Bình luận của bà Phương được đưa ra trong bối cảnh Formosa Hà Tĩnh bị phát hiện thải ra hơn 3 triệu tấn phế phẩm mỗi năm, và có nhiều sai phạm trong buôn bán các chất thải này. Cùng lúc đó tiếp tục có tin cá chết ở các tỉnh ven biển miền Trung.
“Chúng tôi có quyền hoài nghi về những tuyên bố và hành động thiếu nhất quán của ngài Thủ tướng. Chúng tôi đã tôn trọng pháp luật Việt Nam khi đầu tư vào đất nước này. Ngân khoản mà chúng tôi đã dành cho phần công nghệ cùng các vấn đề an toàn môi trường, môi sinh tại Việt Nam là rất lớn. Điều đó liệu có công bằng trong cạnh tranh làm ăn tại Việt Nam, nếu như FHS dường như được ưu ái về quyền miễn trừ nào đó từ Chính phủ Việt Nam?”. Vị luật sư ẩn danh cho biết một doanh nghiệp quốc tịch Pháp đang là khách hàng của văn phòng luật sư nơi ông làm việc, đã thắc mắc như vậy.
Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đầu độc môi trường biển miền Trung
Trong công văn số 495, ngày 6-4-2019 gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc “Kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc xử lý chất thải của Công ty Formosa”, do Giám đốc Công an Hà Tĩnh, Đại tá Võ Trọng Hải ký, cho biết quá trình hoạt động của Dự án Formosa phát sinh rất nhiều loại chất thải, được phân thành 14 nhóm và 64 danh mục với hàng nghìn tên chất thải; tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm là hơn 3 triệu tấn.
Trong đó, các loại bùn thải, xỉ thép phát sinh và tồn kho với khối lượng rất lớn, cụ thể: Bùn cán nóng phát sinh 35 tấn/ngày, lượng tồn kho 10.700 tấn; bùn phối trộn tồn kho 28.737 tấn; bùn lò cao phát sinh 200 tấn/ngày, lượng tồn kho 70 nghìn tấn; bùn lò chuyển phát sinh 303 tấn/ngày; xỉ thép phát sinh 2.500 tấn/ngày, lượng tồn kho khoảng 780.000 tấn.
Việc phân định các loại bùn bụi đều do Formosa thuê các đơn vị tư nhân (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép) để phân tích các chỉ tiêu về môi trường và căn cứ vào đó để phân loại có nguy hại hay không. Các cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng để kiểm tra tính chính xác trong kết quả phân tích, do đó việc phân định chất thải rất khó mang tính khách quan, chính xác – như việc bùn lò cao trước đây phân tích là chất thải nguy hại, nhưng sau đó phân tích lại kết quả là chất thải thông thường; Các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Công ty Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý…
Giáo sư Lê Huy Bá, tiến sĩ chuyên ngành Độc học sinh thái ở Viện Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Sofia, Bulgaria, hiện là giảng viên trường Đại học Công nghiệp, bình luận về nội dung ở công văn số 495, ngày 6-4-2019 của Công an Hà Tĩnh, như sau: “Các giải pháp chúng ta sử dụng cho đến nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hoặc tái sử dụng các chất thải bùn, xỉ để làm đường, san lấp nền. Nhưng các cách này không ngăn chặn được các chất độc hại tồn dư trong bùn, xỉ ngấm vào nước, gây ô nhiễm nguồn nước. Những nhà khoa học như chúng tôi hiện lực bất tòng tâm. Chúng tôi đã từng đóng góp các ý kiến về các tác hại tiềm ẩn đến môi trường của hoạt động của nhà máy thép Formosa, những mặt trái, mặt tiêu cực…. song dường như chẳng mấy ai ở cấp quản lý chịu lắng nghe…”.
Giáo sư Lê Huy Bá nằm trong nhóm các nhà khoa học từng đưa ra những luận cứ phản đối dự án Bauxite ở tây nguyên.
T.V.
VNTB gửi BVN