Thu phí “chia tay”: xóa sạch quan liêu?

Nguyễn Hiền

 Hãy ứng xử với công dân trên tư cách một chính thể bảo đảm những lợi quyền tốt nhất mà luật đã quy định thay vì tìm cách để bòn vét những cắc bạc trong người họ. Bởi như thế, thì đó chỉ thể hiện cho một hiện trạng quan liêu hóa, hành chính hóa trong tình cảm người Việt xa quê. Và như thế, “phí chia tay” lại tiếp tục gia tăng khả năng “chia tay” vĩnh viễn với bộ máy nhà nước ở mỗi người Việt khi về và đi lại, trong bối cảnh bị rạch vali và nhũng nhiễu giấy tờ.

https://1.bp.blogspot.com/-ikftEFHgGHE/XQJGtqjAepI/AAAAAAAACiU/vJ_o_yZp8AIot0T_dROtanFAIZ19HI4qwCLcBGAs/s640/20190613113336-15604011893831416823787.jpg

Phí chia tay?!

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), người đề xuất thu phí chia tay khi công dân Việt Nam ra nước ngoài, với số tiền từ 3 đến 5 USD. Mới đây, ông tiếp tục biện hộ quan điểm với phía truyền thông trong nước rằng, “phí chia tay” thực ra là cách huy động nguồn lực xã hội hóa để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu đất nước; là cải thiện chế độ bảo hộ công dân. Và ông so sánh phí chia tay chỉ như một “tô phở”, cũng như chính sách này đã được Nhật Bản áp dụng trước đó với mức 9,3 USD.

Quan điểm của vị đại biểu này ở góc độ nào đó là không sai, so với các nước, tiềm lực quảng bá quốc gia của Việt Nam còn nhiều hạn chế, xuất phát từ nguồn chi ngân sách. Và việc có thêm nguồn thu cũng đồng thời đảm bảo tính chất “bảo hiểm” thêm cho các hoạt động bảo hộ công dân ở các quốc gia.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng tại đó và theo đúng đường hướng như thế thì sẽ không có chuyện gì đáng bàn. Vấn đề là, thực sự phía cơ quan hải quan có làm tốt vai trò của mình hay không, các đại sứ quán Việt Nam ở các nước có làm tốt nhiệm vụ mình hay không?. Và bản thân hai nhóm cơ quan này có được người Việt tin yêu hay là không?.

Câu trả lời là không!.

Thực tế trong nhiều năm qua, đã xuất hiện một hình thức “tiền chia tay” đối với các kiều bào khi về thăm nước, khi mà chi phí này được không ít cán bộ nằm trong khâu giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh vòi vĩnh người dân. Ở một góc cạnh khác, những người kiều bào về thăm quê hương cũng được đón tiếp nồng nhiệt, không chỉ bởi người thân của họ, mà còn xuất phát từ những “biến cố” liên quan đến rạch, phá valy để móc đồ khi xuống phi trường nội địa.

Trong khi đó, về vấn đề đại sứ quán tại các quốc gia, nổi lên tình trạng “tham nhũng vặt” thông qua kê giá dịch vụ giấy tờ cao hơn quy định, nhũng nhiễu kiều bào nhằm vơ vét, bòn rút từng đồng. Khả năng hỗ trợ công dân trong các trường hợp khẩn cấp tại các quốc gia sở tại gần như yếu kém so với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore, Malaysia,… chứ chưa nói đến so với Úc, Nhật, hay Mỹ. Hiện trạng này từng gây nên dư luận khi những người kiều bào hoặc những ai từng có công việc giấy tờ phải đến sứ quán các nước để làm việc đều lên tiếng phản ánh, tố cáo sự “gian lận, bòn rút, vòi vĩnh, quan liêu” của không ít đại sứ quán thông qua trang “Tôi và Sứ quán”.

Nói cách khác, về mặt bảo hộ công dân chưa cần đề cập, nhưng cách thức mà các đại sứ quán chậm trễ và quan liêu trong giải quyết giấy tờ, thủ tục cho bà con kiều bào, du học sinh ở các quốc gia đã cho thấy sự bảo hộ công dân ở cấp sơ đẳng đã không tròn nhiệm vụ. Và khi kiều bào vẫn còn bị móc túi theo cách quan liêu và thô thiển nhất diễn ra tại phi trường, thì phí chia tay thực chất là trò hề, lố bịch.

Một quốc gia mà bộ máy công quyền chưa làm tròn nhiệm vụ, chỉ tạo ra hình ảnh xấu, tiếng xấu thì quan điểm của kiều bào sẽ là “ra đi và không trở lại”, ít nhất về mặt cảm tình với bộ máy hành chính. Và khi cảm giác xấu này hình thành, thì liệu kiều bào có thực sự cam tâm tiếp tục bỏ ra phí chia tay?.

Người Việt Nam là nhóm dân tộc thuộc âm tính (tình cảm), nhưng tình cảm thì phải được đặt đúng chỗ. Và chính vì vậy, không phải cái gì ở nước ngoài tốt thì áp dụng tại Việt Nam đều được, khi mà bộ máy quan liêu và hành dân vẫn còn tồn tại.

Thay vì đặt ra “phía chia tay”, thì trước hết, làm sạch sẽ bộ máy công quyền, bảo hộ công dân chu đáo từ giấy tờ cho đến những trường hợp khẩn cấp; bảo hộ công dân tốt liên quan đến trường hợp Đoàn Thị Hương, cũng như những anh chị em lao động bị ngược đãi tại Ả Rập.

Sẽ thật ngược đời, khi mà những lao động Ả Rập Saudia, những người trả “phí chia tay”, nhưng khi bị vắt kiệt sức lao động, bị bạo hành,… lại dồn hết niềm tin vào báo chí, thay vì bộ máy đại diện của Việt Nam tại quốc gia này.

Hãy ứng xử với công dân trên tư cách một chính thể bảo đảm những lợi quyền tốt nhất mà luật đã quy định thay vì tìm cách để bòn vét những cắc bạc trong người họ. Bởi như thế, thì đó chỉ thể hiện cho một hiện trạng quan liêu hóa, hành chính hóa trong tình cảm người Việt xa quê. Và như thế, “phí chia tay” lại tiếp tục gia tăng khả năng “chia tay” vĩnh viễn với bộ máy nhà nước ở mỗi người Việt khi về và đi lại, trong bối cảnh bị rạch vali và nhũng nhiễu giấy tờ.

N.H.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Các khoản phí, tăng phí. Bookmark the permalink.