Ngày 19/6, với 37,53% ý kiến tán thành, 42,19% không tán thành, Quốc hội Việt Nam đã quyết định không thông qua dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TPHCM.
Ngay sau đó, hầu hết các tờ báo ở trong nước đã cho đăng hàng loạt tin, bài về sự kiện quan trọng này, trên các diễn đàn báo chí độc lập, blog cá nhân… càng sôi nổi hơn, chứng tỏ thời gian qua dự án này đã thu hút sự quan tâm to lớn của người dân trong và ngoài nước và quyết định của Quốc hội đã thật sự cất đi một gánh nặng lo âu cho công luận trước những hậu quả khó lường nếu dự án này được thông qua.
Kết quả bất ngờ
Trong những bài báo đăng trên báo chí “lề phải” lẫn “lề trái”, hai chữ “bất ngờ” được sử dụng khá nhiều nói lên cảm nghĩ chung nhất của mọi người trước quyết định của Quốc hội. Nhất là trước đó, lúc bỏ phiếu thăm dò trước khi chính thức bấm nút đã cho kết quả 271/474 (57,17%) đại biểu đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án. Và nếu nhìn lại quá trình từ việc tranh luận cho đến bỏ phiếu thăm dò, rồi bấm nút công khai… như trên Vietnamnet đã điểm lại qua bài “Đường sắt cao tốc và những dấu mốc nghị trường” thì có thể thấy quá trình này đã diễn ra căng thẳng như thế nào. Nhưng cuối cùng như cách dùng từ của một số bài báo, ở phút thứ 90, Quốc hội đã nói “Không”.
Trước hết là phản ứng của những người trong cuộc – các vị lãnh đạo nhà nước, những người trình dự án và các đại biểu Quốc hội. Trả lời phỏng vấn của báo Việt Nam Net ngay sau khi có kết quả, một số đại biểu mặc dù đã kiên quyết phản đối dự án cũng tỏ ra bất ngờ như đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc… trong lúc một số đại biểu khác như Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Đình Xuân… không quá bất ngờ. Nhưng tất cả đều cho rằng đây là một quyết định lịch sử, đúng đắn, hợp với lòng dân. Trong khi đó, đại diện cho bên trình dự án, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói: “Tôi cũng không có gì quá buồn, chúng tôi sẽ tuân thủ quyết định hôm nay của Quốc hội”, và cho biết cơ quan của ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, còn việc “có trình một lần nữa không thì Chính phủ sẽ quyết, tôi chưa thể nói được”.
Trong bài “Thắng lợi của lòng dân hay sự tôn trọng dư luận xã hội”, Tuần Việt Nam phỏng vấn một số trí thức đã tham gia phản biện, góp ý cho dự án như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Tiến sĩ Phạm Gia Minh, Tiến sĩ Trần Đình Bá… tất cả đều tỏ ra hài lòng với quyết định của Quốc hội nhưng Tiến sĩ Trần Đình Bá vẫn tiếc vì lại một lần nữa, Quốc hội bỏ lỡ cơ hội để mở rộng hiện đại hóa đường sắt, lên thành khổ đôi 1435mm hay 200km/h. Đó cũng là suy nghĩ của TS Vương Đình Khánh, nguyên Phó TGĐ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam và TS Phạm Công Hà (Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt).
Trên VNexpress, bên dưới bài báo: “Bác dự án đường sắt cao tốc là quyết định lịch sử” rất nhiều bạn đọc đã ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình như “Quốc hội cần có những quyết sách hợp lòng dân hơn”, “Cảm ơn ông Nguyễn Minh Thuyết”, “Một quyết định chính xác”, “Một quyết định quá đúng đắn”, “Nghe tin bác dự án mà nhẹ cả người”, “Quốc hội quá sáng suốt”, “Cảm ơn Quốc hội”…
Sôi nổi hơn nữa là trên các diễn đàn độc lập và các trang blog cá nhân. Nhà báo Trần Kỳ Trung viết trong bài “Hoan hô Quốc hội”: “Những lá phiếu dũng cảm không thông qua dự án Đường sắt cao tốc, nó không còn ý nghĩa đây là những lá phiếu chỉ riêng của đại biểu Quốc hội, mà là những lá phiếu đồng thuận của đại đa số những người dân Việt Nam yêu nước quan tâm đến sự tồn vong của dân tộc. Một bước tiến rất lớn cả về chất và lượng của Quốc hội Việt Nam. Một điều chưa từng có với các kỳ trước Quốc hội. Một tín hiệu vui cho tương lai nước Việt Nam.”
Phá vỡ tư duy cũ
Bác sĩ, blogger Nguyễn Văn Tuấn nhận xét: “Kết quả này cho thấy đại biểu Quốc hội không phải chỉ là những “nghị gật” như nhiều người mỉa mai nói bấy lâu nay. Hoan hô các đại biểu Quốc hội!” nhưng tác giả cũng tỏ ý thắc mắc trước cách đưa tin của một số bài báo trong nước: “Tôi vẫn không hiểu tại sao chữ “bác” lại để trong ngoặc kép? Rõ ràng là đa số đại biểu Quốc hội không tán thành dự án, tức là họ đã bác. Chẳng có lí do gì để động từ đó trong ngoặc kép cả, nếu không muốn nói là một cách viết khinh thường hay mỉa mai đại biểu Quốc hội.” Trong bài“Với 208 phiếu nói “Không” cho dự án đường sắt cao tốc, Quốc hội lần đầu tiên đã phá vỡ tư duy và thành kiến cũ”, nhà báo tự do Lê Diễn Đức tự nhận cũng như bao người khác đã “nín thở” để chờ đợi kết quả, nhưng tác giả vẫn hy vọng: “Thế nhưng trong bối cảnh chung hiện nay, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể bất chấp dư luận của dân chúng, của giới trí thức, nhưng không thể nào nhắm mắt làm liều mãi khi bị đa số các Đại biểu Quốc hội phản đối công khai. Mưu tìm phương cách chống lại hàng trăm Đại biểu Quốc hội là đồng nghĩa với việc đếm những ngày ngắn ngủi còn lại của thể chế độc tài đảng trị.” Tác giả kết luận: “Chúng ta hãy lên tiếng cổ vũ 208 vị đại biểu Quốc hội đã nói “Không”! 208 Đại biểu Quốc hội này đã làm nên một cuộc “cách mạng màu” trong thay đổi tư duy và thành kiến cũ!”
Trong diễn văn bế mạc phiên họp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thừa nhận: “Kết quả của kỳ họp còn có sự đóng góp rất quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí”.
Trả lời báo Vietnam Net, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cũng nói rằng:“Trong kết quả biểu quyết của Quốc hội, rõ ràng báo chí đã đóng vai trò quan trọng khi truyền tải ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó có ý kiến của các nhà chuyên môn, người Việt sống ở trong và ngoài nước. Điều đó giúp cho các đại biểu Quốc hội cân nhắc cẩn trọng hơn.”Bên cạnh báo chí “lề phải”, vai trò của báo chí “lề trái”, các nhà dân báo… càng mạnh mẽ bởi có thể nói thẳng hơn tất cả mọi khía cạnh xung quanh dự án này. Tác giả Văn Hải viết trong bài “Mấy cảm nghĩ từ sự kiện Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc” đăng trên trang Bauxite Việt Nam: “Sự phẫn nộ của nhân dân, sự phân tích của các nhà chuyên môn (mỗi người vạch ra được một vài khía cạnh, nếu tổng hợp lại ta thấy cả một khối lượng trí tuệ lớn, có hệ thống mà có lẽ không một viện nghiên cứu nào của ta hiện nay sánh được),… tất cả đã “khai trí” cho các ĐBQH, tất nhiên là chỉ ĐB nào có trách nhiệm (tôi biết có ĐBQH ngày đi họp, tối về lăn vào đọc báo, tìm kiếm các nguồn thông tin, lắng nghe các luồng dư luận).”.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đứng đầu trang Bauxite Việt Nam cho rằng: “…ngẫm nghĩ một chút, sự việc hôm nay vốn có nguyên nhân của nó, là kết quả của cả một tiến trình vận động của một loạt những sự kiện nóng hổi trong thời gian gần đây.
Chỉ tính từ đầu năm 2009 trở đi, mới có hai năm thôi mà trên đất nước chúng ta diễn ra bao nhiêu chuyện dồn dập làm người bàng quan nhất cũng không thể thờ ơ được nữa – những chuyện có phần do khách quan đưa tới nhưng cũng có cả nhân tố chủ quan, mà về mặt tác động chúng đều gây nên rất nhiều mối ưu tư xung quanh phạm trù độc lập dân tộc và phồn vinh của quốc gia, khiến cho không ít mâu thuẫn lâu nay được che khuất bỗng nhiên hé lộ”. Đó là giữa lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng và nền độc lập đất nước đang bị đe dọa, thì việc Chính phủ lại đề xuất đại dự án khai thác bauxite Tây Nguyên vào đầu tháng 5 năm 2009 theo kiểu cắt xén nguồn vốn khổng lồ ra nhiều phần để khỏi phải thông qua Quốc hội, tiếp theo là chuyện cho nước ngoài thuê rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn trong 50 năm… đã làm cho người dân bức xúc, phẫn nộ. Đến khi những người đứng đầu Chính phủ lại đưa ra cái dự án đường sắt cao tốc được chuẩn bị vội vã và không lường hết mọi hậu quả thì công luận cũng như các đại biểu Quốc hội không còn có thể kiên nhẫn được nữa. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nhận xét: “Biết đâu vận may dun dủi, đây còn là một báo hiệu cho sự thắng lợi của một hiện tượng lớn hơn: một xã hội dân sự đã bước đầu hình thành như một xu thế khách quan. Hãy còn quá sớm để đoán định, song đã gọi là xu thế lịch sử thì trước sau cái phải đến thế nào cũng đến, không gì có thể cản đường.”
Điều thiện đã thắng
Trong bài viết cho trang Bauxite Việt Nam, tác giả Nguyễn Tự Do thì gọi kết quả cuộc bỏ phiếu của Quốc hội là “Điều thiện đã thắng”. Không dừng lại ở đó, tác giả cho rằng cần phải tiếp tục suy nghĩ và đưa ra công luận các vấn đề liên quan đến cái dự án xa xỉ này, như ai là người đầu têu đưa ra dự án, động cơ và mục đích lập dự án, tư cách của ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng – người cầm đầu và quyết liệt bảo vệ dự án… nhằm tạo ra dư luận xã hội vì “Dư luận xã hội là khắc tinh của chế độ toàn trị, là giải pháp duy nhất ngăn chặn những kẻ nhân danh đảng, nhà nước vẽ ra nhiều siêu dự án để trục lợi trong tương lai”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến chưa vội tỏ ra lạc quan. Tác giả Đông A phân tích: “Kết quả bỏ phiếu này cho thấy gì? Đây là một thất bại chính trị của Đảng và Chính phủ, bất kể thực tế cuộc bỏ phiếu là diễn hay không phải là diễn. Nhưng đây lại cũng là một điểm cộng cho những nhà lý thuyết của hệ thống chính trị về thực tiễn dân chủ, Đảng lãnh đạo và Quốc hội quyết định. Vấn đề vai trò giữa Đảng và Quốc hội là một vấn đề phức tạp cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, phân quyền hay phân công. Nhưng thực sự thì tôi cũng không dám chắc cuộc bỏ phiếu này có phải là trình diễn hay không, một cuộc trình diễn để khẳng định rằng vẫn có thể có một thực tiễn dân chủ trong hệ thống một đảng duy nhất cầm quyền…”.
Còn nhà báo Nguyễn Vạn Phú thì “Nhẹ lòng nhưng chưa thể gọi là mừng” bởi nếu trong một xã hội dân chủ pháp trị với hệ thống tam quyền phân lập rõ ràng, trong đó Quốc hội hoàn toàn độc lập với Chính phủ, người dân đã không phải nghẹt thở vì chờ đợi kết quả như vậy, khi mà: “Tại sao trước sự phân tích lợi hại quá rõ như thế, nhiều người trong chúng ta vẫn hoài nghi, e rằng Quốc hội, bàn thì bàn nhưng đến khi bỏ phiếu ắt sẽ chiều theo ý muốn của Chính phủ? Lẽ ra mọi người đã phải có quyền tin chắc vào kết cục không thông qua ngay sau khi Quốc hội họp tại hội trường để thảo luận về dự án. Cũng may (lại phải dùng từ “cũng may”), quyết định của Quốc hội đã cứu một bàn thua trông thấy cho nền dân chủ nghị trường”.
Tác giả Trương Nhân Tuấn phân tích kỹ hơn những khía cạnh chưa vội mừng về kỹ thuật mà nhất là về chính trị. Tác giả băn khoăn: “Tôi không nghĩ đây là một sinh hoạt dân chủ như nhiều người đã nghĩ. Vì nếu đó là một sinh hoạt dân chủ thực sự thì dự án này đã phải được thông qua, vì lý do hợp lý trong quá trình phát triển quốc gia. Rõ ràng việc này tố giác hiện tượng trong nội bộ Đảng CSVN đang có sự chia rẽ. Một số nhân sự trong Đảng chống lại một số nhân sự khác cũng trong Đảng. Phải chăng ngày đại hội Đảng đang tiến gần, mọi chiêu pháp đều được tận dụng để thanh toán lẫn nhau, để tranh giành quyền lực?”
Xem ra, một sự việc lẽ ra rất là bình thường ở các nước dân chủ pháp trị với hệ thống tam quyền phân lập, là việc Quốc hội có thể đồng ý hoặc không đồng ý với một chủ trương, chính sách nào đó của Chính phủ, thì ở Việt Nam nó lại là một sự kiện vì như báo chí cũng phải thừa nhận lâu nay chúng ta đã quen với thông lệ cứ Chính phủ trình thì Quốc hội sẽ thông qua, nên lần đầu tiên khi Quốc hội bác một dự án lớn của Chính phủ thì mọi người ngạc nhiên, bất ngờ, giật mình…rồi nửa mừng nửa lo đủ thứ. Qua đó càng chứng tỏ Việt Nam chưa bao giờ thực sự là một xã hội có dân chủ, và mọi việc đều do Đảng và Chính phủ quyết định. Dù sao, quyết định bác bỏ dự án đường sắt cao tốc hôm nay của Quốc hội vẫn là một thắng lợi hết sức có ý nghĩa và phù hợp với ý nguyện của nhân dân.
N. H.