Biểu tình Tháng 6/2018 – nhân tố quyết định việc hoãn không thời hạn Luật Đặc khu

Nguyễn Tường Thuỵ

Một thông tin trên báo chí gần đây cho biết, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ chỉnh lý theo hướng xây dựng một luật chung. Thông tin cũng cho biết các địa phương này đã hoàn thành đề án thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế gửi về để thẩm định song song với bản dự thảo luật chung. Liệu luật chung này có phải là sự trở lại của Luật Đặc khu dưới một hình thức khác?

Vài nét chính

Vào Tháng 6/2018 một đợt xuống đường để phản đối Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng nổ ra trên nhiều tỉnh thành với qui mô chưa từng có (Luật Đặc khu là tên gọi tắt của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc). Số lượt xuống đường lên tới nhiều chục nghìn người.

Trước đó, Dự luật Đặc khu (còn gọi là Luật bán nước) đã bị phản đối hết sức gay gắt trên các mạng xã hội.  Để xoa dịu dư luận, ngày 7/6, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngỏ ý sẽ xem xét giảm thời gian cho thuê đất xuống dưới 99 năm: “Chúng tôi phải điều chỉnh thời gian thuê đất xuống một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh“.

Đây là một sự lập lờ, hoặc ông Phúc không nhận thức được. Yêu cầu của nhân dân là không lập đặc khu cho Trung Quốc thuê, chứ không phải là việc thuê dài hay ngắn. Khẩu hiệu của dân là: “KHÔNG CHO TRUNG CỘNG THUÊ ĐẤT DÙ CHỈ 1 NGÀY”

Xem ra có vẻ tình hình rất nóng nên một thông báo từ Văn phòng Chính phủ hoãn xem xét Dự Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp được loan đi vào lúc 3 giờ sáng ngày 9/6. Tuy nhiên, thông báo này đã không ngăn được biểu tình nổ ra vào hôm sau vì người dân cho rằng nhà cầm quyền tìm kế hoãn binh. Trước sự kiện này, ông Trọng đã phải than thở rằng, đã bảo hoãn rồi mà vẫn cứ biểu tình.

Đồng bào miền Nam đã đứng lên ở tuyến trước và đô thành Sài Gòn trở thành trung tâm phản đối Luật Đặc khu. Những địa phương tiếp theo phải kể đến Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội…

Biểu tình đồng loạt nổ ra vào ngày 10/6 với qui mô lớn đã làm cho nhà cầm quyền hết sức bất ngờ và không kiểm soát nổi. Riêng Sài Gòn, công an đã bắt đi 310 người nhưng việc bắt bớ và đàn áp vẫn không dập tắt được biểu tình.

Cả nước hồi hộp, theo dõi, nhiều người rưng rưng lệ khi chứng kiến tinh thần yêu nước của người Việt Nam trước họa xâm lăng Trung cộng.

Trước áp lực của nhân dân, ngày hôm sau, 11/6, Quốc hội buộc phải biểu quyết hoãn xem xét và thông qua Dự Luật Đặc khu tới kỳ họp sau vào tháng 10 cùng năm. Tuy nhiên, cho đến nay, không còn thấy nhắc lại nữa.

Những ngày sau đó, biểu tình vẫn tiếp tục nổ ra ở Công ty Pou Chen, Tây Ninh và đặc biệt là Bình Thuận.

Chủ nhật tiếp theo 17/6, không khí Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác vô cùng căng thẳng như có đảo chính quân sự. Những người xuống đường biểu tình bị đàn áp ngay từ đầu. Nếu ngày 10/6, riêng Sài Gòn, con số bị bắt là 310 thì ngày 17/6 dù chưa biểu tình, con số ấy cũng lên tới 179.

Sài Gòn bị đàn áp thì biểu tình lại nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Hàng nghìn người thuộc các giáo hạt Can Lộc, các giáo xứ Văn Hạnh, Song Ngọc… đã xuống đường trong nhiều giờ liền để phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh Mạng.

Có thể nói, từ ngày cướp được chính quyền đến nay, ĐCSVN chưa bao giờ vấp phải một đợt biểu tình có qui mô và trên diện rộng như đợt biểu tình chống Dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vào Tháng 6 năm 2018.

Sự kiện này, cho thấy lòng yêu nước luôn luôn thường trực trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam.

Thắng lợi và cái giá phải trả

Kết quả của các đợt xuống đường là Dự Luật Đặc khu đã phải dừng không có thời hạn.

Còn nhớ, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Nguyễn Thị Kim Ngân đã ngang ngược ép Quốc hội phải thông qua Luật Đặc khu, tưởng như không thể đảo ngược: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”

Cuối cùng thì nhân dân đã đảo ngược nó.

Đây là thắng lợi trực tiếp nhất, cụ thể nhất so với những cuộc biểu tình trong hơn 10 năm gần đây.

Việc hoãn không thời hạn Dự luật Đặc khu cũng làm cho những kẻ cơ hội và đầu cơ, không loại trừ những lãnh đạo cao nhất lao đao.

Tuy vậy, cái giá phải trả cho thắng lợi này là không hề nhỏ. Sự trả giá trực tiếp và dễ thấy nhất là các án tù. Về cơ bản, những người bị cáo cuộc các tội danh, chủ yếu là gây rối trật tự công cộng bị đưa ra xử trong năm 2018. Tuy nhiên việc kết án những người biểu tình tháng 6/2018 còn tiếp tục kéo sang năm 2019. Ngày 7 tháng 3 năm 2019, Tòa án huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tuyên tổng cộng 40 năm 6 tháng tù giam đối với 15 người bị cáo buộc gây rối trật tự công cộng.

Theo thống kê chúng tôi có được, đã có 128 người bị kết án tù (trong đó có 12 án tù treo). Riêng Bình Thuận có tới 92 người bị kết án.

Cái giá phải trả còn ở những người bị đánh đập đến thương tích, còn ở những gia đình lâm vào cảnh quẫn bách sau đó.

Hãy cảnh giác

Dù vậy, những thế lực mưu toan dọn đường cho Trung Quốc vào xâm chiếm nước ta chưa bao giờ chịu buông tay. Điều này cần hết sức cảnh giác.

Một thông tin trên báo chí gần đây cho biết, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ chỉnh lý theo hướng xây dựng một luật chung. Thông tin cũng cho biết các địa phương này đã hoàn thành đề án thành lập các đặc khu hành chính, kinh tế gửi về để thẩm định song song với bản dự thảo luật chung. Liệu luật chung này có phải là sự trở lại của Luật Đặc khu dưới một hình thức khác?

Chưa rõ cái luật chung ấy sẽ như thế nào, có mở ra những điều kiện cho Trung Quốc đem công nghệ lạc hậu, phá hủy môi trường, biến nước ta thành bãi rác thải và thao túng kinh tế – xã hội và đặc biệt là làm mất an ninh đất nước hay không? Nếu động chạm đến chủ quyền quốc gia thì những người chủ trương hãy nhớ lấy những gì đã xảy ra vào Tháng 6 năm 2018.

N.T.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Biểu Tình, Luật Đặc khu. Bookmark the permalink.