Thường Sơn
Nhóm lợi ích giao thông vừa đề xuất tăng phí 37 dự án BOT với lý do ‘doanh thu bị sụt giảm’, đe dọa trút lên đầu hàng triệu phương tiện vận tải một thứ luật rừng ‘thu giá’ và kích động lạm phát vọt cao trên đầu 90 triệu dân Việt, bất chấp rất nhiều phản đối của người dân cả nước về nhiều trạm thu phí BOT về các trạm này thường cố ý đặt sai vị trí và thu phí quá cao.
Lái xe phản đối BOT Cai Lậy
Hiển nhiên, BOT là một nguồn lợi màu mỡ cho nhóm lợi ích giao thông. Đó chính là nguồn cơn vì sao trong suốt một thời gian dài và mặc dù bị phản ứng ngày càng quyết liệt, Bộ Giao thông Vận tải vẫn khăng khăng cố thủ không chịu di dời trạm BOT Cai Lậy, cho dù trạm này rõ ràng đặt sai vị trí.
Không thể khác hơn, cánh lái xe và người dân lại một lần nữa sẽ ‘dậy mà đi’. Phản kháng và biểu tình – hệ quả mà chế độ độc tài ở Việt Nam quá lo sợ – chắc chắn sẽ xảy ra.
Khởi nguồn từ tháng Tư năm 2017, phương cách phản ứng một cách sáng tạo và hợp pháp của người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đối với trạm thu phí Bến Thủy 1 là dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng hay 1.000 đồng để mua vé. Kết quả của việc phản kháng này là tạo nên tình trạng kẹt xe nghiêm trọng và khiến rối đầu chính quyền. Lực lượng công an đã phải bó tay vì không thể đàn áp người dân trả phí đàng hoàng. Lực lượng này chỉ còn làm được chuyện duy nhất là giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều cây số.
Vào nửa đầu năm 2017, việc nhà cầm quyền phải nhân nhượng miễn phí 100% cho người dân 4 huyện 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh qua cầu Bến Thủy 1 là thắng lợi tiêu biểu đầu tiên của cuộc đấu tranh bền bỉ và sáng tạo của nhân dân, đánh dấu những bước đi khởi đầu thành công của phong trào bất tuân dân sự tại Việt Nam.
Phương thức phản kháng đầy sáng tạo này của người dân Nghi Xuân đã được áp dụng và lan rộng sang nhiều lãnh vực khác. Đến tháng 8 – 9/2017 và từ đó đến nay, hàng loạt cuộc phản kháng khôn khéo nhưng có hiệu quả đã được giới lái xe ứng dụng thành công ở nhiều trạm thu phí BOT trên nhiều vùng. Công an đành đứng ngoài cuộc mà không còn dám hầm hè đe dọa lái xe như trước đây. Một số chủ trạm BOT đòi truy tố lái xe nhưng nếu công an làm như vậy lại trái luật…
Khi cuộc chiến Cai Lậy nổ ra, những người lái xe đã không chỉ tiếp tục yêu sách đòi BOT Cai Lậy phải hủy bỏ tình trạng “quy hoạch một nơi, thu phí nơi khác”, duy trì chiến thuật trả tiền lẻ không chỉ mệnh giá 200 đồng mà cả 100 đồng – tờ tiền hầu như không còn được sử dụng trong lưu thông ở Việt Nam, mà còn dũng cảm đối mặt với công an, bất chấp chính quyền Tiền Giang và chủ đầu tư BOT Cai Lậy dàn hàng trăm cảnh sát cơ động và công an giao thông, bất chấp việc bị lực lượng “tay sai bảo kê” này răn đe và đàn áp, bắt bớ. Lần đầu tiên, hàng trăm lái xe tổ chức tập hợp kéo đến đồn công an đòi người khi 3 lái xe bị công an bắt giữ – thực hiện một phương thức đấu tranh của giới dân chủ nhân quyền khi có người bất đồng chính kiến bị công an bắt câu lưu. Đã có một kết quả đáng khích lệ khi đó: trước sức ép của các tài xế, công an đã không dám giữ người lâu mà đã phải thả ra, cho dù trước đó đe dọa những lái xe này về “tội chống chính quyền”.
Kể từ lần phản kháng đầu tiên vào tháng 9/2017 cũng tại trạm BOT Cai Lậy, nhận thức về đấu tranh mưu sinh, chống bất công và áp bức của lái xe đã nâng lên nhiều hơn, đồng thời giới hạn sợ hãi được kéo giảm. Đây cũng là một đặc thù rất lớn của phong trào đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam từ suốt những năm 2005, 2006 đến nay. Tập hợp và đoàn kết theo số đông luôn là một yếu tố sống còn để phong trào dân chủ và bất tuân dân sự đạt được thành công.
Ngược lại với phong trào bất tuân dân sự của lái xe và người dân, ngày càng nhiều chính quyền địa phương đã lộ hẳn hành vi “bảo kê” trắng trợn cho các nhóm trục lợi chính sách, đặc biệt là dấu hiệu tổ chức và triển khai “lực lượng vũ trang riêng”, mà bằng chứng không thể chối cãi là vụ trạm thu phí BOT Biên Hòa (Đồng Nai) vào tháng 10/2017 và trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) vào tháng 11/2017.
T.S.
VNTB gửi BVN