Vì sao Nguyễn Thành Phong ‘ngại’ tiếp công dân?

Trúc Giang

Bất chấp các văn bản yêu cầu tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM vẫn từ khước thực hiện trách nhiệm công vụ được quy định ở Luật Tiếp công dân 2013.

Mặc kệ Thanh tra Chính phủ…

“Công văn 1644 ngày 6-6-2019 của Ban tiếp công dân Trung ương Thanh tra Chính phủ do Trưởng ban Nguyễn Hồng Điệp ký gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM yêu cầu tiếp xúc, đối thoại, giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của bà con Vườn rau Lộc Hưng. Đây là văn bản thứ 3 của Thanh tra Chính phủ đôn đốc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM”. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.

Công văn của Thanh tra chính phủ.

Hồ sơ vụ việc “Vườn rau Lộc Hưng” cho biết nhiều hộ dân ở khu phường 6, quận Tân Bình, còn gọi với tên quen thuộc là “Vườn rau Lộc Hưng” đã có đơn tố giác tội phạm gửi Công an TP.HCM từ đầu năm 2019, yêu cầu khởi tố việc phá nhà, huỷ hoại tài sản của công dân trị giá đến gần 100 tỷ dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền phường sở tại vào các ngày 4-1 và 8-1-2019 tại khu Vườn rau Lộc Hưng, trong khi không có quyết định cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Vụ việc này được so sánh giống như vụ án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng ở 7 năm về trước, các cơ quan pháp luật ở Hải Phòng đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử một loạt quan chức địa phương vì phá nhà của gia đình Đoàn Văn Vươn ngoài phạm vi của một quyết định cưỡng chế, với tội danh huỷ hoại tài sản của công dân.

Thế nhưng đến nay cơ quan điều tra Công an TP.HCM vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác của nhiều người dân Lộc Hưng, dù vụ việc đã rõ, mạng xã hội, báo chí quốc tế và một số báo đều đăng những cảnh huỷ hoại này. Các luật sư và người dân đều có yêu cầu gặp lãnh đạo Công an TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM theo Luật Tiếp công dân, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Theo quy định của Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh/ thành phố trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất một lần mỗi tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 2 ngày trong một tháng, và Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất một ngày trong một tuần (mỗi tháng 4 lần).

Thế nhưng nếu các vị quan đầu tỉnh như Nguyễn Thành Phong không chịu tiếp công dân như luật định, liệu ai sẽ trị ông?


Chỉ có 48% ‘quan đầu tỉnh’ chịu tiếp công dân mà thôi!

Một báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Quốc hội cho biết, qua giám sát, khảo sát trực tiếp tại 12 địa phương và xem xét qua báo cáo của 63 UBND tỉnh, thành phố về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Đoàn giám sát nhận thấy, tiếp công dân của người đứng đầu UBND các cấp tại 12 địa phương mà Đoàn đến giám sát đều chưa thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân.

Việc tổng hợp số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân chỉ đạt 48%, cấp huyện đạt 72%, trong khi đó cấp xã chỉ đạt 24%. Sở dĩ các ‘quan đầu tỉnh’ ít chịu ngồi tiếp công dân mà không sợ bị kỷ luật vì khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân, thì cũng được tính là tiếp dân của lãnh đạo UBND tỉnh.

Một điều hiển nhiên là khi giao cho cấp phó tiếp thì cấp phó sẽ lại hứa, sẽ ghi nhận, báo cáo lại với Chủ tịch, và Chủ tịch sẽ trả lời sau.

Với TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong đã ký ban hành Quyết định số 2977/QĐ-UBND về “Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Tiếp công dân Thành phố trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố”. Tuy nhiên chỉ có, “Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Tiếp công dân Thành phố, Thủ trưởng các sở – ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này”. Nguyên dàn lãnh đạo từ Chủ tịch đến Phó Chủ tịch UBND TP.HCM coi như không liên quan đến trách nhiệm tiếp công dân.

Quyết định số 2977/QĐ-UBND được ông Nguyễn Thành Phong ký ban hành ngày 9-6-2016 có nội dung xem ra nhằm để vô hiệu hóa Quyết định số 2578/QĐ-UBND, về “Quy chế tiếp công dân của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố”, do Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân ký ban hành ngày 18-5-2013.

Ở Quyết định số 2578/QĐ-UBND, tại Điều 4 ghi rằng định kỳ hàng tháng, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND TP thực hiện tiếp công dân ít nhất một ngày, không kể trường hợp tiếp công dân đột xuất tại Văn phòng Tiếp công dân thành phố.

Điều 5 quy định “Văn phòng Tiếp công dân thành phố tiếp nhận đơn đăng ký gặp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong các trường hợp: 1. Có ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. 2. Những vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị nếu không xem xét, giải quyết kịp thời có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể và cá nhân, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Ở Quyết định số 2977/QĐ-UBND thì nội dung như yêu cầu của Điều 5 không còn nữa.

Cần xử lý về trách nhiệm của ông Nguyễn Thiện Nhân

Liên quan vấn đề không thực hiện việc tiếp công dân của ông Nguyễn Thành Phong, còn có trách nhiệm của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Bộ Chính trị có ban hành Quy định số 11-QĐi/TW, “quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Theo đó, “Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” (Điều 2).

Trách nhiệm cụ thể của ông Nguyễn Thiện Nhân trên cương vị Bí thư Thành ủy TP.HCM, như sau: Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại với dân khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. (Trích Điều 3, Quy định số 11-QĐi/TW).

Như vậy mặc dù đến nay hồ sơ vụ việc “Vườn rau Lộc Hưng” chưa thể hiện văn bản yêu cầu gặp gỡ Bí thư Thành ủy TP.HCM, song trên cương vị là người đứng đầu cấp ủy, ông Nguyễn Thiện Nhân phải chỉ đạo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, và ông Lê Đông Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy Công an TP.HCM phải tiếp công dân trong vụ việc “Vườn rau Lộc Hưng”.

“Người đứng đầu cấp ủy bị xem xét xử lý trách nhiệm trong các trường hợp sau: a) Thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. b) Vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng đơn, thư kéo dài, vượt cấp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”. Ông Trần Quốc Vượng, thay mặt Bộ Chính trị, đã đưa ra quy định đó ở Quy định số 11-QĐi/TW.

Xem ra ông Nguyễn Thiện Nhân đang nguy cơ sẽ là ‘củi ướt’ bị đe dọa ‘đút lò’.

Nếu có một khởi kiện hành chính…

Trong cụ thể vụ việc “Vườn rau Lộc Hưng” hay vụ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm, cho thấy các quan chức chính quyền ở TP.HCM đã cố tình vi phạm Luật Tố tụng hành chính.

“Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”. (Điều 3.3, Luật Tố tụng hành chính).

Thế nhưng những diễn biến suốt thời gian vừa qua đã cho thấy mang luật pháp ra cho yêu cầu hành xử về quyền sở hữu tài sản đất đai, thì “Công lý” chỉ là tên gọi của một anh hề xứ Bắc.

T.G.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Lộc Hưng. Bookmark the permalink.