Hong Kong: Hàng vạn người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ

Giới chỉ trích nói người dân Hong Kong sẽ bị nguy hiểm, càng làm sự độc lập tư pháp ở đây bị xói mòn.

Hàng trăm ngàn người biểu tình tại Hong Kong hôm Chủ nhật, chống lại một luật mà giới chỉ trích nói có thể giúp Trung Quốc bắt những nhà đối kháng ở Hong Kong.

Dự luật dẫn độ sẽ cho phép nghi phạm bị đưa sang đại lục xét xử.

Đợt biểu tình hôm Chủ nhật có vẻ là lớn nhất kể từ Phong trào Dù 2014.

Chính phủ Hong Kong nói dự luật có những bảo đảm cho người dân.

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thúc đẩy để thay đổi được thông qua trước tháng Bảy.

Người ủng hộ bà Carrie Lam nói dự luật ngăn ngừa không để nghi phạm liên quan tội chính trị và tôn giáo bị đưa sang đại lục.

Nhưng giới chỉ trích nói người dân Hong Kong sẽ bị nguy hiểm, càng làm sự độc lập tư pháp ở đây bị xói mòn.

Theo Reuters, một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ ước tính đây có thể là cuộc biểu tình một ngày lớn nhất kể từ năm 2003, khi đông đảo người biểu tình buộc chính quyền phải từ bỏ luật siết chặt an ninh quốc gia.

Các sinh viên tự xích họ lại với nhau khi yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ tại Hong Kong ngày 8/6

Cuộc biểu tình sẽ kết thúc tại Hội đồng Lập pháp, nơi các cuộc tranh luận bắt đầu vào hôm 12/6 để tiến hành sửa đổi các sắc lệnh về nghi phạm bỏ trốn. Dự luật dẫn độ dự kiến được thông qua vào cuối tháng này.

Sau nhiều tuần gia tăng sức ép của địa phương và quốc tế, cuộc biểu tình dự kiến ​​sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng rãi đối với dự luật. Nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của đại lục.

Nhà hoạt động Hong Kong không sợ vào tù’ sau khi bị tòa kết án

Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong được bảo đảm theo luật quản trị việc trung tâm tài chính này được Anh trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước, và được các cộng đồng ngoại giao và kinh doanh xem là tài sản còn sót lại và chưa bị Bắc Kinh xâm phạm.

Mối lo ngại đã lan rộng từ các nhóm dân chủ và nhân quyền đến các học sinh trung học, các nhóm nhà thờ và các tổ chức truyền thông cũng như các luật sư của công ty và các doanh nhân vốn thường không muốn có mâu thuẫn với chính phủ.

Nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Dân chủ James To nói với Reuters rằng ông tin rằng lượng người biểu tình đông đảo hôm 9/6 “có thể buộc chính quyền phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về đạo luật và người dân cảm thấy đây là bước ngoặt đối với Hong Kong”.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/world-48523304

This entry was posted in Hongkong. Bookmark the permalink.