Nguyễn Hiền
Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ thuộc thôn Châu Trúc (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có diện tích 60 ha, với tổng vốn 1.440 tỉ đồng do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Dự án này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân địa phương!
Đầm Trà Ổ
Theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, sự phản đối của bà con địa phương bắt đầu từ tháng 4.2019 đến nay, bởi theo người dân, Trà Ổ là cái đầm lớn thứ hai của Bình Định – nơi mưa sinh thủy sản của bà con, và dự án năng lượng mặt trời có thể “che lại hết không thể nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và làm nông nghiệp!”
.
Cũng theo chia sẻ trên trang cá nhân, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cũng dẫn quan điểm của lãnh đạo huyện Phù Mỹ, theo đó, đầm Trà Ổ rộng 1.200 ha và dự án chỉ được cấp phép trên 60 ha; các tấm pin chỉ che phủ 35 ha. Việc xây dựng Nhà máy điện mặt trời sẽ giúp cho địa phương phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách tỉnh và đặc biệt tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Hệ thống năng lượng mặt trời được xem là một nguồn năng lượng không tạo ra ô nhiễm không khí, nước hoặc hiệu ứng nhà kính. Và hiện nay, năng lượng mặt trời đã bùng nổ ở nhiều nơi, khi chi phí lắp đặt đã giảm hơn 70% kể từ năm 2010. Sự tăng trưởng này được Hiệp hội Công nghiệp quang điện châu Âu ghi nhận bằng dự đoán rằng, năng lượng mặt trời có thể cung cấp từ 7% đến 11% nhu cầu điện của EU vào năm 2030.
Dù là một loại năng lượng sạch, nhưng điện năng mặt trời không tuyệt đối, bởi nó chứa đựng những yếu tố gây hại.
Đầu tiên, về việc sử dụng đất đai, bởi các tấm pin mặt trời quy mô càng lớn thì diện ích chiếm càng nhiều, và điều này có thể dẫn đến suy thoái môi trường và mất môi trường sống. Cụ thể hơn, các trang trại năng lượng mặt trời bao phủ một lượng lớn đất đai có khả năng có tác động đến hệ động vật và thực vật địa phương, đặc biệt là các loài chim. Bản thân khu vực triển khai dự án điện mặt trời cũng ức chế sự phát triển của thảm thực vật và làm hỏng nông nghiệp. Không giống như năng lượng gió, các tấm pin mặt trời không thể chia sẻ vùng đất mà chúng chiếm dụng cho các mục đích sử dụng khác. Theo The Guardian, với việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời thì khí hậu là một yếu tố được biết đến và thay đổi mạnh mẽ bản chất của đất cũng như các mối quan hệ loài thực vật có thể phát triển ở đó.
Nghiên cứu được thực hiện tại các trang trại phong điện và công viên năng lượng mặt trời cho thấy những thay đổi trong sử dụng đất này có thể dẫn đến thay đổi khí hậu vi mô. Ví dụ, làm việc trên các trang trại gió tác động cục bộ về nhiệt độ, thay đổi độ ẩm thông qua nhiễu loạn, nồng độ khí sinh học cao hơn (CO2, metan và oxit nitơ) và thay đổi mô hình che phủ của mây và lượng mưa. Trong khi đó, với các tấm năng lượng mặt trời có thể gây ra bóng râm và thay đổi lưu lượng gió, và về nguyên tắc có khả năng thay đổi nhiệt độ, thay đổi sự phân bố lượng mưa (tác động đến độ ẩm của đất) và lưu lượng gió trên đất. Cụ thể, đất là nhân tố quan trọng nhất trong việc lưu trữ carbon – chứa nhiều hơn thực vật và bầu khí quyển – và sự tương tác giữa đất và thực vật điều chỉnh việc lưu trữ carbon và giải phóng khí nhà kính. Vì vậy, việc mở rộng các công viên năng lượng mặt trời ảnh hướng quan trọng đối với chu trình carbon, tốc độ tăng trưởng của thực vật, lượng carbon bị giữ lại trong đất, khả năng giải phóng khí thải nhà kính vào khí quyển và các loại loài có thể sống trong điều kiện mới. Sử dụng hàng loạt các trang trại năng lượng mặt trời theo thời gian sẽ làm tăng các khu vực bị ảnh hưởng và quy mô ảnh hưởng.
Thứ hai, về sử dụng nước. Tạo năng lượng với các tấm quang điện mặt trời là một quá trình tốn nhiều nước. Mặc dù các pin mặt trời không sử dụng nước để tạo ra điện, quá trình sản xuất lại cần nước. Tại Mỹ, sản xuất điện chiếm hơn 40% lượng nước ngọt hàng ngày. Mặc dù một phần nước này có thể được tái sử dụng, sự phong phú của các tấm pin mặt trời trong một khu vực có thể gây căng thẳng cho tài nguyên nước địa phương. Chưa kể, sự bao phủ một diện tích đất cũng tạo ra nguy cơ khủng hoảng sinh thái ảnh hưởng đến mức độ thoát nước và lượng mưa của khu vực.
Thứ ba, hóa chất độc hại. Quá trình sản xuất các tấm năng lượng mặt trời đã sử dụng các hóa chất độc hại như axit hydrochloric, axit sulfuric, axit nitric, hydro florua, acetone… Nếu các nhà sản xuất có thể không tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các quy định nhằm tiết giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, nếu các tấm pin mặt trời không được xử lý đúng cách, những hóa chất độc hại này có thể là mối nguy hại cho môi trường. Các tấm pin mặt trời tạo ra chất thải độc hại gấp 300 lần trên mỗi đơn vị năng lượng so với các nhà máy điện hạt nhân. Và hiện nay, các tấm năng lượng mặt trời sau khi thải loại, đã tạo thành một cụm hóa chất độc hại tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Ghana. Đó là chưa kể, trong quá trình sử dụng, các tấm năng lượng mặt trời phát ra các chất ô nhiễm. Nếu các chất này vô tình được giải phóng trên nước ngầm và đất nông nghiệp trong quá trình sản xuất, thì nó cũng tạo ra những rủi ro cao. Mà cụ thể, cadmium có thể bị rửa trôi khỏi các tấm năng lượng mặt trời bởi nước mưa đang ngày càng trở nên phổ biến.
Đó là chưa kể, có thể các tấm năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc, bởi giá thành rẻ hơn. Trong một bài viết của Tiến sĩ Alona Armstrong, giảng viên năng lượng tại Trung tâm Môi trườngLancaster, Đại học Lancaster trên trang nationalgeographic cho biết. Một nghiên cứu được phát hành vào tháng Năm bởi Đại học Tây Bắc và Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne cho thấy lượng khí thải carbon của một tấm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc gấp đôi so với châu Âu, bởi vì Trung Quốc có ít tiêu chuẩn môi trường hơn và nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn. Bản thân những nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời cũng bị phản ứng dữ dội, ví dụ Jinko Solar, khi doanh nghiệp này đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình và hành động pháp lý kể từ khi một trong những nhà máy của nó, ở tỉnh phía đông Chiết Giang, bị buộc tội thải chất thải độc hại xuống một con sông gần đó.
Tiếp đó, việc tái chế pin mặt trời gặp phải vấn đề, không có đủ nơi để tái chế các tấm pin mặt trời cũ và không có đủ các tấm pin mặt trời đủ đáp ứng khả năng để tái chế chúng (về mặt kinh tế). Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) năm 2016 ước tính có khoảng 250.000 tấn chất thải từ pin mặt trời trên thế giới vào cuối năm đó. IRENA dự kiến số tiền này có thể đạt tới 78 triệu tấn vào năm 2050.
Câu chuyện người dân phản đối dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ có thể mở đầu cho hàng loạt những cuộc phản đối khác, khi các dự án “năng lượng sạch” kiểu này đang được thúc đẩy ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam. Và người dân có quyền đặt câu hỏi: liệu năng lượng mặt trời có sạch như cách mà các chủ đầu tư quảng bá?
N.H.
VNTB gửi BVN