Một khoa học gia cho hay công nghệ hiện nay chưa xử lý được các chất độc hại thải ra từ hoạt động sản xuất thép như của nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh.
Một ngư dân vớt cá chết dạt vào bờ biển Thừa Thiên Huế năm 2016. Ảnh: STR/GETTY IMAGES
"Trong công nghệ sản xuất thép, các chất thải ra như bùn, xỉ chứa nhiều thành phần độc hại như kim loại nặng, axit, lưu huỳnh, ô xít sắt tồn dư. Những chất này sẽ rất gây hại cho môi trường", Giáo sư Lê Huy Bá nói với BBC hôm 8/5.
Bình luận của ông Bá được đưa ra trong lúc cảnh sát môi trường Hà Tĩnh vừa công bố phát hiện nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh đang tồn đọng hàng trăm ngàn mét khối chất thải độc hại.
Gần một triệu tấn chất thải độc hại
Nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh: HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Một văn bản công bố hồi tháng Tư của công an Hà Tĩnh cho hay cảnh sát môi trường phát hiện công ty Formosa Hà Tĩnh hiện đang tồn đọng hoảng 900.000 tấn phế thải xỉ thép và các loại bùn.
Đây là các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thép của nhà máy này, được chia làm 14 nhóm và 64 danh mục với hàng ngàn tên chất thải khác nhau.
BBC liên hệ với ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường để đề nghị bình luận về sự việc nhưng ông Tùng từ chối trả lời, nói rằng hiện ông đã về hưu và hai năm qua có nhiều thay đổi, ông không theo dõi tiếp vụ việc của Formosa nữa.
Ông Tùng từng tuyên bố với báo giới Việt Nam năm 2017 rằng Formosa Hà Tĩnh đã đáp ứng gần hết các chỉ tiêu môi trường được yêu cầu trong ngày chạy thử trở lại trong cùng năm.
Công ty Formosa Hà Tĩnh thải ra hơn 3 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, theo báo cáo của công an Hà Tĩnh.
Trong số này, bùn thải và xỉ thép hiện tồn kho với số lượng nhiều nhất. Chỉ một số lượng ít ỏi được tái sản xuất.
Chẳng hạn, với lượng xỉ thép thải ra là hơn 2.500 tấn/ngày, mới đây Formosa chỉ sử dụng được một lượng nhỏ để làm đường công vụ. Số lượng tồn đọng hiện lên tới vài trăm ngàn tấn.
Nguy hiểm ở chỗ, việc phân tích các chỉ tiêu môi trường của các chất thải này từ trước đến nay vẫn do Formosa thuê các đơn vị tư nhân làm, cơ quan chức năng không lấy mẫu đối chứng, nên kết quả ‘khó khách quan’.
Với các kết quả phân tích vượt ngưỡng, Formosa không cung cấp cho cơ quan chức năng để theo dõi, xử lý.
Giáo sư Lê Huy Bá cho BBC hay rằng hiện nay công nghệ tiên tiến trên thế giới chưa xử lý được các chất độc hại này, chứ chưa nói đến Việt Nam.
Công nghệ của thế giới hiện nay chưa xử lý được các chất độc hại từ hoạt động sản xuất thép
Giáo sư Lê Huy Bá
"Các giải pháp chúng ta sử dụng cho đến nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Hoặc tái sử dụng các chất thải bùn, xỉ để làm đường, san lấp nền. Nhưng các cách này không ngăn chặn được các chất độc hại tồn dư trong bùn, xỉ ngấm vào nước, gây ô nhiễm nguồn nước", nhà khoa học cho hay.
"Những nhà khoa học nhưng chúng tôi hiện ‘lực bất tòng tâm’. Chúng tôi đã từng đóng góp các ý kiến về các tác hại tiềm ẩn đến môi trường của hoạt động của nhà máy thép Formosa, những mặt trái, mặt tiêu cực, nhưng các nhà quản lý có lắng nghe hay không thì lại là chuyện khác".
Công an Hà Tĩnh cũng cho hay Formosa tự đặt tên cho bùn thải là ‘bùn quặng’, ‘bùn khoáng’, là ‘không thể hiện đúng bản chất’ vấn đề. Do ‘bùn quặng’, ‘bùn khoáng’ là hai loại khoáng sản thiên nhiên quý giá được khai thác từ mỏ trong khi bùn thải là chất thải ra từ hoạt động sản xuất, có thể chứa các chất độc hại.
Biểu tình phản đối nhà máy Formosa tại Hà Nội năm 2016. Ảnh: HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES
Nguy cơ từ tái sử dụng chất thải độc hại
Bên cạnh đó, Formosa đã tự ý xử lý và tái sử dụng một số loại bùn, nhưng việc xử lý tách chất độc hại không đạt hiệu quả 100%.
Ví dụ, Formosa dùng công nghệ tách kẽm trong bùn lò cao để tái sử dụng trực tiếp. Nhưng việc tách kẽm này chỉ đạt hiệu quả khoảng 30%. Cộng thêm các thành phần nguy hại khác trong bùn như chì, mà công ty Formosa Hà Tĩnh không phân tích, nếu đưa vào tái sử dụng sẽ gây ô nhiễm không khí nặng nề.
Formosa cũng bán một số loại xỉ thép cho các nhà máy thép để tái sử dụng, nhưng đây là các loại xỉ thép có hàm lượng lưu huỳnh cao, nếu hệ thống xử lý khí thải trong các nhà máy này không đảm bảo sẽ gây ô nhiễm không khí.
Công văn của Công an Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường giám sát và yêu cầu Formosa phân loại, xử lý chất thải theo đúng nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và theo quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu Formosa có hướng xử lý hàng chục ngàn tấn chất thải nguy hại tồn đọng hiện nay.
Công an Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá mức độ phát thải khí lưu huỳnh tại các nhà máy sử dụng xỉ than của Formosa.
Hầu như không có tờ báo lớn nào ở Việt Nam đưa thông tin về nguy cơ bùn thải của Formosa Hà Tĩnh ngoại trừ một vài tờ báo nhỏ như Một Thế Giới hay Infonet.
Cùng thời điểm đó, một số tờ báo kinh tế như Vietnamfinance cho hay Formosa Hà Tĩnh đã tích cực đóng thuế, chỉ trong ba tháng đầu năm 2019 đã nộp tới 2000 tỷ đồng tiền thuế.
Người Việt Nam tại Đài Loan biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường năm 2017. Ảnh: SAM YEH/GETTY IMAGES
Thảm họa Formosa
Công ty thép Formosa Hà Tĩnh từng gây thảm họa môi trường cho nhiều tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam vào năm 2016, thông qua hoạt động xả thải chất độc hại không qua xử lý ra biển.
Thời điểm đó, các chết trắng biển miền Trung, đẩy hàng ngàn ngư dân vào cảnh phải bán thuyền, treo lưới, đi lang bạt sang các tỉnh khác để làm thuê kiếm sống.
Sau đó là các cuộc biểu tình phản đối Formosa diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Chính quyền Việt Nam đã bỏ tù một số nhà hoạt động tham gia vào các cuộc biểu tình này, trong đó có Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga, ông Hoàng Đức Bình… Hiện mới chỉ có Mẹ Nấm được trả tự do và hiện đang sống tỵ nạn tại Hoa Kỳ.
Sau đó, Formosa đã đồng ý bồi thường khoảng 500 triệu đô la và phải đáp ứng các tiêu chuẩn về xả thải.
Năm 2017, Formosa Hà Tĩnh được hoạt động trở lại. Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Ngọc Linh thời điểm đó cho hay Formosa đã đáp ứng các yêu cầu trong buổi chạy thử.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường lúc đó cho hay giới chức sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa, các kết quả chạy thử sẽ được giám sát 24 giờ, các mẫu kiểm nghiệm sẽ được thực hiện 5 phút một lần.
Ông Tùng cũng nói Formosa Hà Tĩnh đã đáp ứng được 52 chỉ tiêu trong số 53 chỉ tiêu được yêu cầu.
Đến giữa năm 2017 gia đình mới nhận được một phần tiền bồi thường của Formosa, phần còn lại nhà nước xin khất…
Bà Trần Thị Loan, Hà Tĩnh
Sau đó truyền thông Việt Nam có đăng các hình ảnh một số quan chức đi tắm biển miền Trung và ăn cá đánh bắt tại đây để chứng tỏ rằng đã ‘an toàn’.
Tuy nhiên vào năm 2018, lại có một số tin trên mạng xã hội về tình trạng cá chết ở biển miền Trung. Nhưng không thấy báo chính thống đăng những tin này.
Trong khi đó, nhiều người dân miền Trung từng cho biết việc chi trả bồi thường không thỏa đáng. Nhiều người nói chưa nhận được một đồng nào vào giữa năm 2017.
Bà Trần Thị Loan, chủ cơ sở Cường Loan, nói với BBC rằng năm 2017 bà đã nhận được một phần của khoản bồi thường cho các mặt hàng tươi sống bị hỏng, nhưng khoản còn lại nhà nước xin khất lúc đó đến giờ vẫn chưa trả. Đây là số hải sải không tiêu thụ được do người tiêu dùng lo ngại chúng bị nhiễm độc.
Facebooker Cát Linh đặt câu hỏi trên trang cá nhân: "Formosa: Tác động về kinh tế: hàng triệu hộ dân điêu đứng, thất nghiệp, hàng hoá không thể tung ra thị trường, không thể xuất khẩu, du lịch không thể phát triển. Tác động về môi trường: hàng triệu tấn cá, hải sản chết, hàng triệu tấn tro xỉ không thể xử lý… Môi trường nước, không khí, mặt đất đều ô nhiễm. Dân ăn các sản phẩm từ "biển chết" có đảm bảo sức khỏe không? Vậy lý do là gì mà lại mang Formosa về?"
Vụ việc Formosa là một chủ đề nhạy cảm đối với chính phủ Việt Nam vì nó liên quan đến một bên là sự ổn định chính trị, bảo vệ môi trường với một bên là đầu tư trực tiếp nước ngoài, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của đất nước. Formosa là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, theo bình luận của Reuters.
Đánh bắt cá là nguồn sống của nhiều người dân các tỉnh miền Trung. Ảnh: LINH PHAM/GETTY IMAGES