AI ĐÃ BỨC TỬ LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG?

Châu Thi Phan

Tai tôi ù đi và mặt nóng lên khi nghe anh Phan Văn Quang, Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo quận Tân Bình, đưa ra một lô một lốc những điều kiện cần có nếu tôi muốn duy trì lớp học tình thương của mình.

Theo thông tư 17/2012 ban hành ngày 16/5/2012 của bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD- ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm: “KHÔNG DẠY THÊM VỚI HỌC SINH TIỂU HỌC” ngoại trừ “bồi dưỡng nghệ thuật, kỹ năng sống” thì liên hệ Sở GD-ĐT để được cấp giấy phép. Nghĩa là, trên 25 đứa trẻ trình độ tiểu học mà chúng tôi đang dạy chắc chắn… tiêu. Còn chục đứa học cấp hai cũng không còn hy vọng.

– Nhưng tụi tôi có mở lớp để dạy thêm có phí đâu. Đây chỉ là lớp phụ đạo mỗi tuần hai buổi tối (thứ Ba và thứ Năm) từ 17h30 đến 19h30 không chỉ cho các học sinh con nhà nghèo mà còn cho các cháu thất học. Danh sách và gia cảnh các cháu nghèo khó thế nào tôi đã gửi lên Phòng Giáo dục quận kèm theo đơn “ĐỀ NGHỊ ĐƯỢC TIẾP TỤC DUY TRÌ LỚP PHỤ ĐẠO MIỄN PHÍ CHO TRẺ EM NGHÈO” rồi!

D:\Pictures\Lớp học tình thương.jpg

Với vẻ mặt đầy thông cảm, nhưng anh Quang vẫn lắc đầu:

– Chúng tôi biết chứ, nhưng ngặt đây là quy định của bộ nên tụi tôi đâu dám làm trái. Cấp một thì phải dẹp rồi. riêng mấy cháu học cấp hai, muốn dạy tiếp thì người quản lý là chị, phải đi học lớp quản lý giáo dục mấy tháng ở trường Đại học Sài Gòn, tới khi được cấp bằng, có giấy phép thì mới được mở lớp.  Những người đứng lớp khác đều phải có bằng Đại học Sư phạm. Thí dụ dạy toán, thì phải học ở Khoa toán trường Đại học Sư phạm, chứ dẫu tốt nghiệp từ Khoa toán tin từ trường Đại học Tự nhiên cũng không được. Các môn khác đều vậy, trừ phi phải theo học mấy tháng về sư phạm tại trường Đại học Sài Gòn hoặc Đại học Sư phạm để lấy chứng chỉ bổ sung. Sau đó tất cả mọi văn bằng phải nộp lên Phòng Giáo dục quận kèm với đơn xin, kế hoạch giảng dạy…

D:\Pictures\Lớp học tình thương 2.jpg

Nhờ tài trợ của nhóm bạn của bạn Trần Huân, và nhóm bạn Nguyễn văn Châu, ngoài được ăn hamburger, các cháu được lãnh thêm mỗi đứa 10 kg gạo sạch không hoá chất, để ăn tết. Có ai biết đâu đây là những món quà cuối cùng của lớp học nghèo.

Quy định ngặt nghèo vậy thì cầm bằng như đánh đố những người làm công tác thiện nguyện. Ngoài giờ đi học, đi làm hoặc nội trợ xong, họ dành chút thì giờ rảnh đến quán cơm từ thiện với mong ước không góp được của thì góp công. Cho nên thì giờ và tiền bạc kiếm đâu ra mà đi học vài tháng? Ngay cả tôi tuy đã về hưu toàn bộ thì giờ, toàn tâm toàn ý cho quán cơm, cũng không thể bỏ tất cả để đi học. Đi học rồi ai quản lý, ai đi vận động, xin xỏ các nhà hảo tâm tài trợ cho quán, trong khi đều đều mỗi quán không tính gạo, dầu, nước mắm… (do các nhà hảo tâm cho đủ nấu nên không phải mua), thì chi phí mỗi tháng xê dịch từ trên 90 triệu đến 130 triệu?! Nhưng điều quan trọng hơn cả là nếu chỉ mỗi mình tôi đi học, tôi cũng không thể một mình dạy cho tất cả các cháu! Chưa kể điều kiện về ánh sáng, bàn ghế theo quy chuẩn (trong khi tụi tôi chỉ tận dụng phòng ăn,bàn ăn để dạy học) chương trình dạy cũng phải theo sát chương trình của Bộ Giáo dục

Có lẽ nhìn thấy vẻ buồn thảm của tôi, anh Quang nhiệt tình yêu cầu tôi cho anh ta danh sách tên, tuổi, trường lớp, địa chỉ và điện thoại của lũ trẻ, để anh nhờ Hiệu trưởng các trường chú ý phụ đạo thêm cho bọn trẻ ngoài giờ!

Tôi nhếch mép chua chát:

– Học trò của tôi đâu phải đứa nào cũng được đến trường. Mà nếu có đến trường, sau giờ một số phải chạy quáng quàng đi bán vé số, hoặc phụ mẹ bán chuối chiên, khoai mì. Điện thoại của cha mẹ nó do mua thẻ từng mười, hai mươi ngàn… nên quanh năm hết tiền hoặc gọi không ai bắt do bận buôn gánh bán bưng ngoài đường ồn ào không nghe được. Địa chỉ? Gần như hầu hết ở phòng trọ, dăm ba tháng thiếu nợ là bị đuổi liên tục và chuyện đó phụ huynh của các bé giấu biến có cho chúng tôi biết đâu. Chưa kể, tuy có số nhưng tìm được ra nhà cũng bở hơi tai do các phòng trọ trong những khu Bình Hưng Hoà; Ngã tư Bốn xã, Kênh cầu Nước Đen… có người dẫn đi lần sau còn tìm không ra nữa là….

Tôi vụt hỏi anh ta tại sao lớp tôi mở cho các cháu gần bảy năm qua, quán chuyển tới đâu chúng tôi cũng trống giong cờ mở, để các gia đình nghèo có con em thất học hoặc học yếu biết mà tới đăng ký học, chưa kể báo đài cũng nhiều lần đến quay, phỏng vấn… sao chẳng thấy ai nói gì, còn giờ thì hoạnh hoẹ bắt dẹp? Ảnh bảo Phòng Giáo dục quận chỉ quản lý nội dung chương trình, còn quản lý hành chánh là do từng phường. Nếu phường không báo cáo, yêu cầu dẹp thì quận cũng đâu biết…

Tôi nhớ gương mặt lạnh tanh đầy uy quyền và giọng nói đầy sắt thép của Phó chủ tịch văn xã phường (13 quận Tân Bình) Lữ Thị Kim Oanh khi yêu cầu tôi đóng cửa lớp ngay lập tức. Chưa kể về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cho quán (nguyên do để làm cho xong thủ tục này phải mất gần cả tháng vì các nhân viên, tình nguyện viên phải đóng tiền đi khám sức khỏe toàn diện trên phòng y tế quận, còn phải đi học và thi về kiến thức vệ sinh ATTP, rồi sau đó mới làm hồ sơ nộp), nên khi chuyển về phường 13 Quận Tân Bình (từ tháng 4/2018), tôi tính để gần tết khi bà con nghèo bắt đầu về quê, thì mới làm, vậy mà cô Oanh này và lính của cổ xuống quán lập biên bản bắt đóng cửa ngay (mặc dầu quán có giấy phép cấp thành phố, cấp quận) nếu không sẽ phạt 25 triệu?!

Thậm chí, qua tết, khi tôi đã làm xong các thủ tục và được Quận Tân Bình cho phép bán trong khi chờ họ xuống kiểm tra, thì cô Oanh và lính của cô cũng hạch sách dọa phạt?!

Tôi tự hỏi vì sao UBND P. 13 Q, Tân Bình lại cấm lớp học tình thương của tôi, trong khi bảy năm qua quán tôi dầu đi chuyển đến đâu cũng không quên mở lớp tại đó, song có chính quyền địa phương nào yêu cầu dẹp đâu. Hay là… mấy bạn an ninh vẫn theo dõi tôi, vốn biết, ngoài dạy các môn toán, lý hoá, văn, ngoại ngữ, đích thân tôi, mỗi buổi học đều dành nửa tiếng để dạy lịch sử. Tôi quan niệm học gì thì học nhưng phải biết và không được quên lịch sử hào hùng của dân tộc. không được quên những chiến công oanh liệt, những thất bại thảm khốc nhưng đầy bi tráng của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. học lịch sử để không quên mình là dân tộc Việt, là dòng giống bất khuất ngàn năm quật cường cho dẫu có những thời kỳ chúng ta bị đô hộ. Học để biết vì sao trận Gạc Ma có 64 chiến sĩ đã hy sinh oan uổng. Vì sao cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bị lãng quên…

Phải chăng đó mới là lý do chính yếu khiến họ bắt tôi đóng cửa lớp?

Vẫn những gương mặt nhàu nhĩ, teo tóp vì chuyện cơm áo mỗi ngày, phụ huynh của các bé vẫn đến quán đau đáu hỏi tôi bao giờ mở lớp lại. Và họ lại chép miệng: “Từ hồi nghỉ học ở đây, nó học yếu hẳn. Tui hỏi thì nó bảo bài thầy cô dạy nó không hiểu lắm nhưng không dám hỏi vì sợ”.

Lớp bị yêu cầu đóng cửa từ hai tháng nay nhưng tôi không thể viết bài nổi. Cứ mỗi lần mở ghi chú ra, viết được vài chữ là tôi lên cơn khó thở, phải đóng lại. Đó là một trong những biểu hiện của hội chứng chạy trốn thực tại. Cho đến hôm nay tôi mới bình tâm nhưng vẫn vừa viết vừa khóc. Cô nhớ và thương các con quá, sắp nhỏ của cô ơi!

C.T.P.

Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1098280380372998&set=pcb.1098280970372939&type=3&theater

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.