Những phù phép so sánh giá điện đánh lừa nhân dân và dàn đồng ca báo chí phụ họa cho Bộ Công thương

Trần Đình Thu

Lẽ ra các ngài tuyên giáo phải lên tiếng vụ tăng giá điện. Nhưng tất cả đều im lặng, mặc dù hàng ngày họ vẫn rao giảng kinh tế chính trị Marx – Lenin.

Tuyên giáo không lên tiếng thì tôi lên tiếng vậy. Tôi không cần vũ khí nào khác ngoài vũ trang bằng kinh tế luận của Marx mà tôi được học đi học lại không dưới ba lần.

"Nếu gọi giá trị hàng hóa là W, thì ta có công thức: W = c + v + m. Đó chính là những chi phí lao động thực tế của xã hội để sản xuất hàng hóa. Nhưng đối với nhà tư bản, để sản xuất hàng hóa, họ chỉ cần chi phí một lượng tư bản để mua tư liệu sản xuất (c) và mua sức lao động (v). Chi phí đó gọi là chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa, được ký hiệu là k. Theo đó, k = c + v. Nếu dùng k để chỉ chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa thì công thức W = c + v + m sẽ chuyển hoá thành: W = k + m.

Giữa chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa và giá trị hàng hóa có sự khác nhau cả về chất và về lượng.

Về chất, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ là sự chi phí về tư bản còn giá trị hàng hóa là sự chi phí thực tế của xã hội để sản xuất ra hàng hóa. Chi phí thực tế là chi phí về lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa.

Về lượng, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa luôn nhỏ hơn chi phí thực tế, tức là giá trị của hàng hóa, vì rằng W = k + m thì k = W – m. Đối với nhà tư bản, chi phí sản xuất tư bản chủ nghĩa là giới hạn thực tế của lỗ lãi kinh doanh nên họ ra sức "tiết kiệm" chi phí sản xuất này bằng mọi cách". (hết trích)

Hậu quả, "tiết kiệm" của chủ nghĩa tư bản là để gia tăng giá trị thặng dư, Marx nói, một trong những "tiết kiệm" thô bỉ nhất của chủ nghĩa tư bản là bóc lột tiền công của người lao động.

Điều Marx nói không còn đúng với chủ nghĩa tư bản hiện đại. Nhưng nếu sự thô bỉ ấy đúng với chủ nghĩa tư bản hoang dã thì nó còn đúng bội phần so với thứ kinh tế thị trường định hướng XHCN mà ngành điện đang thực thi. Không chỉ bóc lột tiền công lao động của công nhân, ngành điện đang vơ vét cạn kiệt tài nguyên quốc gia, từ rừng, nguồn nước đến than đá trong lòng đất bằng sự ưu đãi tối đa với chi phí thấp nhất. Và quan trọng hơn, trong thế độc quyền, ngành điện đã bóp cổ người nghèo, bóp cổ luôn các doanh nghiệp trong thế phải tiêu thụ điện bằng trò tăng giá cả theo thị trường thế giới mà quên rằng, thị trường thế giới thực hiện giá cả dựa vào đúng nguyên tắc chi phí đầu tư, chi trả tiền công lao động thỏa đáng và nguyên tắc cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.

Các ngài lãnh đạo đều có bằng lý luận chính trị cao cấp, hiển nhiên không khó hiểu điều tôi nói trên, trừ phi các ngài mua bằng hơn là đi học như một người học tử tế.

Bài viết của tác giả Trần Đình Thu dưới đây cho ta thấy cái quái thai kinh tế của ngành điện được bảo kê bởi Bộ Công thương.

Chu Mộng Long

Khi chuẩn bị tăng giá điện, ngày 21 tháng 3 năm 2019, Bộ công thương tổ chức một cuộc hội thảo lót đường và thật buồn khi nhiều nhà báo của một số tờ báo tiếp tay cho luận điệu của Bộ công thương cho rằng giá điện Việt Nam thấp nhất thế giới nên việc tăng là hợp lý. Luận điệu này phát ra từ miệng ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công thương tại buổi tọa đàm và các nhà báo cứ thế mà đồng ca theo, bất chấp sự thật thế nào.

Sau khi báo đồng ca xong thì có một số facebooker bắt đầu đồng ca trong đó có vài facebooker vốn là những nhà báo có tâm mà tôi luôn tôn trọng họ. Không rõ họ đồng ca vì họ không nhận thấy nguyên nhân hay những lý do nào khác khiến họ viết như cái máy phát của Bộ Công thương?

Giá điện Việt Nam có thực sự thấp như họ nói hay không?

Để phân tích giá điện Việt Nam cao hay thấp trước hết tôi đưa số liệu điện của Việt Nam và một số nước khác.

Theo số liệu trang Vietstock.vn thì năm 2015 điện Việt Nam có giá bán là 7,58 cent/kWh, Mỹ có giá bán là 10,2 cent/kWh.

Và giá điện Trung quốc khi đó là từ 7,5 – 10,7 cent/kWh, Pháp 15,85/cent kWh, Na Uy 16,58/cent kWh…

Đây là so sánh tuyệt đối, nghĩa là không tính đến điều kiện sản xuất. Và Bộ công thương đã lấy sự so sánh giá này để làm cơ sở cho hoạch định việc tăng giá điện.

Việc dùng số liệu so sánh tuyệt đối để làm cơ sở hoạch định chính sách là một cách làm hồ đồ phản khoa học mà lẽ ra phải dùng phép so sánh chi phí để tạo ra một đơn vị điện năng của từng nước.

Như số liệu giá điện Việt Nam thấp hơn Mỹ khoảng 0,7 lần nhưng các chi phí để làm ra 1 kWh điện của Việt Nam thấp hơn của Mỹ hàng chục lần. Chẳng hạn mức lương của kỹ sư điện Việt Nam chỉ cỡ 800 USD/tháng nhưng kỹ sư điện Mỹ lên đến 7 ngàn USD/tháng, kỹ sư tin học lên đến 9.000 USD/tháng.

Chúng ta có thể dẫn chứng nhiều chi phí khác ở Mỹ và Việt Nam để thấy rằng nhìn chung để sản xuất ra cùng 1 kWh điện, các khoản chi ở Việt Nam đều thấp hơn Mỹ nhiều lần, trong khi giá thành điện chỉ thấp hơn 0,7 lần. Vậy thì giá điện Việt Nam cao hay thấp?

Tương tự như thế, giá điện của các nước Pháp hay Na Uy ở trên chỉ cao gấp đôi Việt Nam nhưng các chi phí khác của họ cũng sẽ cao hơn gấp hàng chục lần.

Thế thì giá điện ở Việt Nam phải nói là siêu cao chứ không phải là cao nữa, trong khi Bộ Công thương nói là thấp để đòi tăng giá.

Việc Bộ Công thương chỉ lấy bảng giá điện các nước ra để so sánh mà không lấy chi phí của các nước và chi phí của Việt Nam kèm theo cho thấy một cách làm hồ đồ dối trá.

Ngoài việc các chi phí ở Việt Nam thấp, thì Việt Nam còn có các điều kiện để có thể kéo giá xuống thấp hơn nhiều nữa mới phải vì ngành điện Việt Nam được thừa hưởng những lợi thế nhiều mặt mà tôi xin phân tích dưới đây.

Thứ nhất là Việt Nam đang dùng nhiều điện từ thủy điện với giá thấp. Số liệu cho thấy vào năm 2015, lượng điện từ thủy điện của Việt Nam chiếm đến gần 35% tổng lượng điện tiêu thụ.

Các nhà máy thủy điện lớn ở Việt Nam đa phần được xây dựng từ khá lâu, đến nay có nhiều công trình có thể đã hoàn vốn. Mặt khác các công trình thủy điện Việt Nam thường có các đặc điểm là nguồn vốn được ưu đãi, chi phí bồi thường giải tỏa không cao vì một phần là đất công của nhà nước phần khác nhân dân chấp nhận hy sinh, nên theo tài liệu của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá thành điện sản xuất từ thủy điện Việt Nam chỉ bằng 15-20% giá thành từ nhiệt điện.

Song song với nguồn điện thủy điện, thì những năm gần đây Việt Nam sử dụng khoảng 30- 35% nhiệt điện dùng khí đốt từ nguồn khí đốt khai thác tại chỗ của Việt Nam nên có lợi thế rất lớn để giảm giá thành điện.

Về mặt truyền tải điện thì EVN cũng được thừa hưởng hệ thống truyền tải có sẵn từ trước ở 2 miền với hệ thống các đường dây 220 kV, đặc biệt đường dây kết nối Bắc Nam 500 kV được đầu tư bằng sức người sức của của cả nước, không phải tính vào giá thành sản xuất như các nước tư bản.

Về cơ sở vật chất như đất đai nhà xưởng thì EVN cũng được cấp.

Như vậy thì EVN đã làm gì để giá điện Việt Nam cao lên gần bằng giá điện Mỹ mà còn đòi tăng thêm giá?

Nói thẳng ra, EVN, là cái nôi của lãng phí của công, của điều hành quản lý kém, của sử dụng nhân sự con cha cháu ông loại bỏ người có năng lực ra ngoài và nhiều thứ xấu xa khác vì nó hội tụ 2 điều kiện lý tưởng cho thực trạng này, đó là doanh nghiệp nhà nước và là doanh nghiệp kinh doanh độc quyền. Và vì thế nếu phải tăng giá thì chỉ do EVN đã gây ra quá nhiều tốn kém trong quản lý mà thôi.

Câu chuyện điện còn dài nhưng có một điều thế này tôi muốn hỏi ông Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn, khi so sánh thì ông đem đủ giá điện của các nước vào đây làm phù phép để mờ mắt các nhà báo, còn các ông làm phương án giá điện Việt Nam thì các ông lại đóng vào con dấu “mật” vào để chả ai có thể đọc để hiểu đầu cua tai nheo gì hết thì là sao? Các ông chi phí những gì chi thế nào để làm thành giá thành điện sao các ông không công khai cho nhân dân xem mà giấu giấu giếm giếm bằng văn bản mật như thế rồi bảo là giá điện Việt Nam thấp?

Lời cuối tôi dành cho các nhà báo có tâm, xin hãy tìm hiểu tận cùng gốc ngọn để lên tiếng, đừng vô tình biến thành người phát ngôn của Bộ Công thương.

T.Đ.T.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Tăng giá điện. Bookmark the permalink.