EVN tăng giá điện: không thể biện minh bằng “nhiệm vụ chính trị”, “bù lỗ” hay “nhân đạo”

PGS-TS. Võ Trí Hảo

Vừa qua, Bộ Công thương chọn đúng thời điểm vào hè để tăng giá điện 8,36%, gây ra nhiều “choáng”, “sốc”, thậm chí phẫn nộ cho người dân. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải từng phát ngôn: “giá điện tăng thì mọi người cùng được hưởng lợi”. Còn Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng thì khẳng định tăng giá điện “là việc cần thiết để đảm bảo cho ngành điện phát triển lành mạnh, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế phát triển. Chúng ta sẽ nỗ lực các yếu tố khác để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ngành điện phát triển không lành mạnh có thể còn tác động tới các ngành kinh tế khác lớn hơn”.

Vậy sự thực, việc tăng giá điện lần này có giải quyết được mục tiêu trên hay không? Công luận cần được hiểu tăng giá điện như thế nào cho đúng, trong bối cảnh đã và đang có rất nhiều bê bối, bất minh từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) suốt bao năm qua?

Phân tích dưới đây của PGS-TS. Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho thấy, vấn đề truyền tải và cung ứng điện cần được tách riêng. Khi đó, “truyền tải” mới phải gánh nhiệm vụ chính trị, bù lỗ, và thuộc bổn phận của Nhà nước – tổ chức đã nhận tiền của dân thông qua thuế. EVN hay bất kỳ bên cung ứng điện nào không thể lấy lý do “nhiệm vụ chính trị”, “bù lỗ” hay “nhân đạo” để biện minh cho việc tăng giá bất minh.

Người Đô Thị giới thiệu bài viết của PGS-TS. Võ Trí Hảo và chúng tôi đang tiếp tục ghi nhận các ý kiến đa chiều để làm rõ hơn những căn cứ của quyết định tăng giá điện, tìm kiếm các phương cách khả thi để xác lập vị trí bình đẳng, tự nguyện cho người tiêu dùng với EVN trong các giao dịch mua bán điện. Tựa bài viết của Người Đô Thị.

D:\Pictures\Vuong Dinh Hue noi lao.jpg

Hàng hóa sản xuất và vận chuyển bằng nước lã nên không được theo xăng dầu, điện. Hàng hóa tăng bất hợp lý chắc xăng dầu điện tăng có lý. Độc quyền chính sách nghĩa là tăng cái gì có lợi cho nhà nước thôi còn doanh nghiệp tư nhân và nhân dân mặc kệ mày.

Trác chi Nguyễn

Khi tách truyền tải điện với cung ứng hoạch toán độc lập thì chỉ riêng “truyền tải” mới phải gánh nhiệm vụ chính trị, bù lỗ, và thuộc bổn phận của Nhà nước – tổ chức đã nhận tiền của dân thông qua thuế. EVN hay bất kỳ bên cung ứng điện nào không thể lấy lý do “nhiệm vụ chính trị”, “bù lỗ” hay “nhân đạo” để biện minh cho việc tăng giá bất minh.

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/28116b1e-326f-4efa-8821-35aecca0a204.jpg

Theo Quyết định của Bộ Công Thương: từ ngày 20.3.2019, giá điện tăng thêm 8,36%. Cụ thể, giá bán điện bình quân tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Ảnh: Ngọc Thắng


Vào hè, tiếng ve, tiếng dân cùng cất lên vì oi bức. Oi bức thì bật máy lạnh. Bật thì hoá đơn tiền điện điên đầu so với tốc độ tăng lương tối thiểu (tăng 7,2% từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu) so với tốc độ của điện (tăng 8,36%).

Việc Bộ Công Thương chọn đúng thời điểm vào hè để tăng giá điện 8,36% gây ra những băn khoăn. Chúng ta cần tách biệt một số chuyện với nhau. Nếu không sẽ rất dễ bị nhóm lợi ích nào đấy dẫn dắt và lầm lạc trong ấm ức, mà không lý giải được.

Các vấn đề cần được bóc tách, tránh trộn lẫn

Thứ nhất, (1.1) Tăng giá điện, (1.2) Cách thức thức hiện, (1.3) Lộ trình, (1.4) Cơ sở tăng giá là bốn vấn đề khác nhau.

Thứ hai, (2.1) Sản xuất; (2.2) Truyền tải; (2.3) Kinh doanh/ Bán điện là ba vấn đề khác nhau;

Thứ ba, chỉ riêng vấn đề 2.1 (Sản xuất điện) để lý giải việc gần đây có ít nhà máy điện được khởi công, thì chỉ duy nhất dựa vào cái gọi là giá bán điện (không phủ nhận) là chưa đầy đủ.

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/009d2a22-332b-4d13-9f99-9ce62b1686d9.jpg

PGS-TS. Võ Trí Hảo

Một nhà đầu tư khi đi đến quyết định đầu tư, họ đứng trước 7 nhân tố tác động (ROCCIPI), chứ không phải duy nhất là Interest (giá cả, lợi nhuận).

Ví dụ, yếu tố P – Process/ Thủ tục có dễ không? Chi phí chạy thủ tục là bao nhiêu? Sẽ đổ vào giá điện bán cho dân hết; nhà đầu tư thì kiểu gì họ cũng phải có lãi; cơ quan cấp phép hưởng lợi gì?

Thử hỏi, trong trường hợp đầu tư một dự án điện ở Việt Nam, EVN thông qua Bộ Công Thương đã thiết lập ra một sân chơi, luật chơi nặng tính độc quyền (bằng Process phức tạp); thiết lập ra điều kiện gia nhập thị trường rất cao (Oppotunitiy) mà dường như ngoài TKV (Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam), PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), EVN thì chỉ rất ít doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường thuỷ điện, nhiệt điện, điện rác…

Khi các đại án đang diễn ra ở PVN, TKV, EVN thì các tay chơi này chững lại, mà luật chơi chưa thay đổi, thì sân chơi yên ắng là điều dễ hiểu; không nhất thiết phải là do giá bán điện.

Tại sao nhà đầu tư nước ngoài chưa vào? Vào có dễ không? Họ có thể kiểm soát được các rủi ro biến động chính sách, tác động đến nội dung các thông tư như EVN (Thông qua quan hệ quyền lực chéo – Quyền lực chéo được thiết lập thông qua việc luân chuyển qua lại giữa chức vụ Tổng giám đốc và Vụ trưởng/Thứ trưởng Bộ Công Thương).

Để phân tích toàn diện, tìm ra câu trả lời thấu đáo, phương án tối ưu cần phân tích tổng cộng: 4 + 3 + 7 = 14 vấn đề đồng thời; vượt quá phạm vi bài viết nhỏ này. Tôi chỉ đi vào một vấn đề duy nhất mà công chúng Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội trải nghiệm, vì vậy không hiểu và dễ bị lừa: Truyền tải.

Tách bạch truyền tải và cung ứng (vấn đề 2.3)

Để cho dễ hiểu, chúng ta cứ tạm hình dung: đường truyền tải điện giống như quốc lộ; sản xuất, cung ứng điện như là hàng hoá từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng; hàng hoá phải chạy trên “đường quốc lộ” mới đến được với người tiêu dùng.

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/7568620a-d2b1-4870-b257-5c12d2c0b401.jpg

Không chỉ muốn đóng dấu “mật” giá điện, Bộ Công thương còn muốn đưa lợi nhuận định mức của EVN cố định vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân. Ảnh: Ngọc Thắng

Bạn thử hình dung, giả sử một công ty có tên là TVN (Transport VN), họ xây đường quốc lộ, đồng thời cung ứng hàng hoá cho toàn thị trường Việt Nam; toàn thứ hàng hoá thiết yếu. Rồi họ đặt ra luật chơi với ba điều khoản:

(a) Ai muốn sử dụng đường quốc lộ để mua hàng thì đều phải mua hàng của TVN với giá do ông anh quyết định;

(b) Ai muốn bán hàng ở Việt Nam thì không được bán lẻ, phải bán sĩ lại cho TVN với giá thoả thuận với TVN;

(c) Ai không đồng ý mua, không đồng ý bán với điều kiện trên thì có quyền lựa chọn Không có hàng/ Không bán được hàng, vì quốc lộ là độc nhất; có tiền, muốn xây cái thứ hai cũng không được vì ông anh sẽ không cấp phép cho quý vị.

Không cần hình dung trừu tượng, xa xôi, cứ phân tích việc cung cấp internet độc quyền tại các toà nhà chung cư (đặc biệt tại khu vực Phú Mỹ Hưng – giá cao gần gấp 3 lần thị trường), thì chúng ra sẽ vô cùng dễ hiểu; sau đó tăng quy mô (up scale) Phú Mỹ Hưng (100.000 dân) lên 1.000 lần thì ra giá bán độc quyền của TVN.

Để tránh hiện tượng TVN nêu trên, có hai cách:

Thứ nhất, xây nhiều hệ thống quốc lộ, truyền tải điện song song, cho nó cạnh tranh với nhau để giảm giá. Cách này hoàn toàn lãng phí về kinh tế đối với quốc gia giàu, bất khả thi đối với quốc gia nghèo. Vì vậy, không ai làm theo cách này cả.

Thứ hai,

(a) Coi việc cung cấp dịch vụ giao thông, dịch vụ truyền tải điện là “hàng hoá công cộng đặc biệt” thuộc nghĩa vụ của Nhà nước. Nhà nước phải sử dụng ngân sách ra để xây dựng; Nhà nước được phép thu phí dịch vụ theo nguyên tắc không phân biệt đối xử, đối với bên sử dụng đường quốc lộ/ truyền tải điện/ Internet để “bán hàng” nhằm bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng “đường quốc lộ”/ “truyền tải điện quốc gia”.

(b) Nhà nước ban hành quy định xử lý (từ xử phạt hành chính/ rút quyền tham gia thị trường/ áp dụng trách nhiệm hình sự) đối với hành vi “ngăn sông/ cấm chợ”, đối với các tổ chức cung ứng hàng hoá (sản xuất, bán điện) nếu họ cản trở quyền tự do lựa chọn bên bán điện/ bên bán hàng trên cùng hệ thống hạ tầng giao thông/ truyền tải điện quốc gia.

(c) Thiết lập hệ thống thị trường hàng hoá cạnh tranh/ thị trường bán đến từng hộ gia đình một cách cạnh tranh.

Ở Đức và Châu Âu nói chung, cái ổ cắm điện trên tường nhà mình năm này sang năm khác không có gì thay đổi; nhưng nhà cung cấp điện (bán điện) thông qua cái ổ cắm đó thì có thể thay đổi sau 15 phút khi chủ nhà quyết định mua điện của đối thủ cạnh tranh bằng cách chấm dứt hợp đồng mua với nhà cung cấp cũ (ví dụ TVN) sang nhà cung cấp mới (ví dụ I MAKE YOU COOL), còn dễ hơn là thay sim điện thoại.

Hệ thống thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở Đức cho phép mỗi hộ gia đình (chính xác là cá nhân người sở hữu/ thuê căn hộ) có thể mua điện từ bất kỳ nhà cung cấp nào ở Châu Âu, chứ không giới hạn lại ở biên giới quốc gia.

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/9cc9c528-376d-46db-8b41-19ee7c6e7b90.jpg

Việc trói buộc bán lẻ và truyền tải điện vào một của Việt Nam đang là một trong những kẽ hở dẫn tới nhiều bất minh trong ngành điện. Ảnh: TL

(d) Hệ thống này dẫn tới các hệ quả.

        (D1) Nhà đầu tư phát điện vẫn có lãi, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường;

       (D2) Các nhà cung ứng phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, cạnh tranh tồn tại, chứ không phải là đưa chi phí xây dựng bể bơi, sân Tennis vào giá bán điện như TVN đã từng bị kiểm toán chỉ ra;

        (D3) Người dân được hưởng lợi, người Đức có thời điểm mua điện với giá ấm/ tức sử dụng điện còn được nhà cung ứng trả thêm tiền;

        (D4) Cơ chế định giá điện linh hoạt theo giờ (không nhất thiết phải rẻ, phải thấp ở mọi khung giờ, mọi mùa, mọi lĩnh vực hoạt động) vẫn đủ thúc đẩy ý thức tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong dân tộc Đức.

Việt Nam luôn phát huy đặc thù, không chọn cách nào trong cách trên, mà:

(A) Coi quốc gia mình là đặc thù, là “giống người khác người”;

(B) Trói Truyền tải và Bán lẻ điện vào một;

(C) Không cho phép người dân thoả thuận mua điện trực tiếp từ các nhà cung ứng cạnh tranh;

Vậy giải pháp là gì?

Nếu tách truyền tải và cung ứng hoạch toán độc lập thì chỉ riêng “truyền tải” mới phải gánh “nhiệm vụ chính trị”/ bù lỗ  (và thuộc bổn phận của Nhà nước – tổ chức đã nhận tiền của dân thông qua thuế – không phải của EVN, hay bất kỳ bên cung ứng nào).

Khi nhà nước đã chịu trách nhiệm về “truyền tải”, thì bán điện chạy trên cáp đồng ở miền núi và cáp đồng chạy ở thành thị là giống nhau; nhà cung cấp không thể lấy lý do “nhiệm vụ chính trị”, “bù lỗ” hay “nhân đạo” để biện minh cho việc tăng giá bất minh.

Tách việc truyền tải và cung ứng; Nhà nước chỉ cần thiết lập “giá trung tâm và biên độ tham chiếu đủ rộng, ví dụ đến 15%”, thì việc tăng hay giảm giá sẽ do người dân và từng nhà cung ứng đàm phán; không còn lý do để ca thán nhà nước; niềm tin của dân sẽ tự động được thiết lập bằng cơ chế minh bạch này; mùa hè sẽ bớt oi bức bởi giá điện mát hơn.

V.T.H.

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/evn-tang-gia-dien-khong-the-bien-minh-bang-nhiem-vu-chinh-tri-bu-lo-hay-nhan-dao-18380.html

This entry was posted in Tăng giá điện. Bookmark the permalink.