Hoa Nghi
Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra.
Ông Trần Đức Anh Sơn
Kỷ luật trong ĐCSVN có nhiều mức độ, và càng ngày nó càng khiến người dân biểu lộ những cảm xúc đầy tính liên quan.
Có những kỷ luật khiến người dân phẫn nộ, vì mức độ kỷ luật nhẹ trong khi vi phạm nặng, có những kỷ luật khiến người dân càng tôn trọng người bị kỷ luật hơn. Ví như trường hợp Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn, bị Ủy ban thường vụ thành ủy ra quyết định kỷ luật vì “đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng,… trên mạng xã hội” (vào ngày 08- 3- 2019).
Ông Nguyễn Lương Thịnh, một người bạn với ông Trần Đức Anh Sơn đã chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, ông Sơn “chọn vị trí là Nhà Khoa học để bảo vệ và phát triển các thành quả nghiên cứu, thay vì nhận các chức danh do Đảng phân công, trong đó phải chấp hành nghị quyết của tổ chức về đề tài và biên độ nghiên cứu.” Và ông Sơn “đã chủ động” thông báo quyết định của mình trước khi cơ quan báo chí của Đảng loan tin (thực tế cho thấy, ngày ông “về với Nhân dân” được đăng tải trên Facebook là ngày 18/02/2019.)
Bị kỷ luật nhưng được hoan nghênh: vì sao?
Càng ngày, những bản án kỷ luật nhắm vào những người trí thức thực sự (những người đang là đảng viên nhưng lại phát ngôn hoặc hành động trái với quan điểm và chủ trương của đảng) lại được người dân hoan nghênh. Bởi câu chuyện của ông Sơn khá giống ông Chu Hảo, khi cả hai dám lên tiếng chỉ ra cái “sai của Đảng”, và đánh giá về các sự kiện – hiện tượng trong xã hội theo quan điểm thẳng thắn của một sĩ phu đau lòng trước thời cuộc.
Trên Facebook của ông Sơn, có những bài đăng tải liên quan đến Biển Đông, và chủ quyền bị giành giật bởi Trung Quốc; bài về vấn đề Trung Quốc “thọc gậy” thượng đỉnh Mỹ – Triều,… Ông cũng từng chia sẻ thẳng thắn trên Facebook về vấn đề chiến tranh Biên giới 1979 bằng luận điểm: Lịch sử muốn phản ánh đúng sự thật, còn chính trị chỉ muốn sự thật được phản ánh đúng lúc. Đáng buồn là chính trị luôn thắng lịch sử.
Nhà báo, Facebooker Chu Vĩnh Hảo cũng đón nhận tin ông Sơn bị khai trừ bằng cảm giác “rất vui”, bởi ông tin rằng, “là một học giả, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhất thiết phải coi trọng tính độc lập của các tiểu luận và các công trình nghiên cứu, và để đạt được tính độc lập ấy, anh cũng như các học giả khác, cần phải độc lập với sự bảo hộ của bất cứ đảng phái nào”.
Sự kiện kỷ luật – khai trừ đảng đối với ông Trần Đức Anh Sơn đã cho thấy, Đảng CSVN đang tự rút ra khỏi tổ chức những nhân tố tích cực và bền vững cho sự trường tồn của mình. Tại sao? Bởi phản biện và dám lên tiếng sẽ tạo nên nội lực trong một đảng phái, làm sạch đảng phái chứ không phải là sự tuân lệnh 100% đối với những chủ trương, điều lệ, nghị quyết sai của đảng. Đảng CSVN đang suy thoái, muốn cứu vãn bằng phương pháp “hồng hơn chuyên”, nhưng vô tình, những yếu tố này khiến cho Đảng trở thành một tập hợp của những con sâu đục phá và dàn lợi ích nhóm chằng chịt, sẵn sàng không trái quan điểm của đảng để hoàn toàn tư lợi cá nhân.
Bởi, hình thức kỷ luật đảng bằng cách khai trừ là điều nên làm, nhưng sự lớn mạnh trong đảng chỉ có thể diễn ra khi hình thức kỷ luật này áp dụng cho chính những đối tượng tham nhũng và tham vọng quyền lực tập trung, thay vì tập trung đánh giới trí thức trong đảng (vốn là những nhân tố luôn nhấn mạnh sự độc lập, tự chủ phản biện). Bởi, kỷ luật lần này không khác gì đảng đang trương cao quan điểm của Lenin trong thời điểm hiện nay: Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt… Một quan điểm khinh thị trí thức như thế càng đẩy nhanh tiến trình khủng hoảng trong đảng. Và có vẻ, “Trí thức là cứt” nên “không phải muốn nói gì thì nói”, ngay cả khi là con cháu “công thần”- điều này được quán triệt trong đảng một cách tuyệt đối dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.
Mặt khác, sự ra đi của giới trí thức thực sự khỏi ĐCSVN cho thấy, trong đảng luôn tồn tại “vòng kim cô" siết chặt sự tự do học thuật và tự do phản biện (điều làm nên tính chất chân chính của nền khoa học nhân bản, khai phóng). Và kỷ luật khai trừ lần này cùng lúc cho thấy một lúc hai vấn đề: giới trí thức ngày càng không chấp nhận sự cưỡng chiếm tư tưởng, và Đảng CSVN ngày càng không chấp nhận để giới trí thức là đảng viên được mở rộng quyền tự do tư tưởng của mình. Có lẽ chính vì vậy, mà Facebooker Huy Truong đã chúc mừng ông Sơn trên Facebook cá nhân bằng luận điểm: Thầy Sơn là nhà khoa học chứ không phải là nhà chính trị, nên khi ra khỏi Đảng sẽ có nhiều thời gian và “không gian” để làm khoa học hơn. Chúc mừng thầy.
Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra. Bởi sự ra đi của ông Chu Hảo hay Trần Đức Anh Sơn không làm mất đi tính danh giá của cá nhân họ, mà ngược lại nó càng gia cố thêm sự danh giá cá nhân của họ, và họ được hoan nghênh, ca tụng là “sự trở về với Nhân dân”. Và với quyết định kỷ luật lần này mà Đảng CSVN áp dụng đối với ông Sơn, câu hỏi đặt ra là: Những người có tài có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn lại những ai?
H.N.
VNTB gửi BVN