AI ĐANG NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA?

Vũ Kim Hạnh

“Bà con nông dân tỉnh tôi đang ngồi trên đống lửa vì giá lúa rớt thê thảm. Chủ nhật vừa rồi tôi đi thăm họ mà thấy ai nấy đều buồn vì lúa bán không được. Trưa ghé ăn cơm huyện ủy lại được mời ăn gạo sóc của CPC mà muốn rớt nước mắt. Mấy ảnh giải thích ăn gạo CPC… an toàn hơn. Thì cũng có một bộ phận người Việt đang quay lưng lại với chính nông sản của mình…”.

D:\Downloads\BVN\23-2\1.jpg

Ông Lê Minh Hoan đang phát biểu.

Đó là lời kể của ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh Đồng Tháp kể khi được hỏi về tình hình nông sản sắp tới trong Lễ công bố hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 tối 20/2/2019. Trước đó, trên sân khấu, giữa cuộc thảo luận nhóm, anh Nguyễn Lâm Viên, một doanh nông nổi tiếng kể một kinh nghiệm: “Tôi thấy ta cần hòa mình gắn bó với cộng đồng doanh nhân của nước ta xuất khẩu để qua đó, nắm thông tin thị trường sát sao hơn. Như nhờ có bạn bè kinh doanh lúa gạo người Trung Quốc (TQ), tôi có nghe là: ‘năm nay, Nhà nước TW không chủ trương nhưng các địa phương TQ đều đồng lòng ngưng nhập lúa gạo Việt. Họ chuyển qua nhập từ Pakistan’”.

Sáng nay tôi vừa ngồi nói chuyện về cái “đống lửa” ấy với một thương nhân VN nhiều năm buôn bán với thị trường TQ, anh nói: hàng năm TQ cấp côta nhập gạo cho VN nhưng năm nay họ không cấp côta. Cứ mỗi năm, côta chính ngạch chừng 1 triệu tấn gạo và tương ứng là xuất qua đường biên mậu 3 triệu tấn. Năm nay, khi không có côta nhập gạo VN thì ngay sau đó, việc xuất gạo biên mậu cũng bị dừng. Không biết chừng nào côta được cấp lại…

D:\Downloads\BVN\23-2\2.jpg

Ông Nguyễn Lâm Viên tại cuộc thảo luận nhóm.

Khó khăn kiểu này, chúng ta không quá bất ngờ. TQ đã thông tin cho VN là họ đang bắt đầu đòi hỏi tiêu chuẩn nghiêm khắc, trong đó có truy xuất nguồn gốc cho nông sản các loại của VN. 70% nông sản của chúng ta đang xuất sang TQ, tiếng còi cảnh báo (rất đáng sợ?) này đã được cơ quan chức năng VN báo động và chuẩn bị cho nông dân hiểu ý nghĩa đúng mức và thay đổi nhanh chưa, như thế nào?

Không chỉ ở đồng bằng. Cuối tuần rồi, tôi bất ngờ gặp cháu N., con của anh bạn tôi là chủ vườn tiêu xuất khẩu lớn ở Gia Lai, đang chạy xuống Bình Dương kiếm việc. Cháu nói buồn xo: liên tiếp hai mùa, nhất là mùa này, nhà cháu cũng như hàng trăm hecta của tỉnh, giá tiêu bị rớt sâu và ứ hàng tới mức lỗ nặng, không có tiền trả nợ ngân hàng, nhiều nhà ly tán. Ba mẹ cháu tạm trốn khỏi tỉnh để lánh nợ. Tôi trấn an và nói cháu giải thích. Dạ thường thì mỗi trụ tiêu thu hoạch được 3 đến 5 kg hạt tiêu, năm nay thu hoạch giảm, còn có 0,3 đến 0,5 kg.Thiếu nước tưới vì hạn, phải dùng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu nên giá thành tăng mà không có thị trường.

Điều của Bình Phước thì cũng đang bị kêu quá. Giá hạt điều nhân đang rớt sâu khi mới vào mùa năm 2019. Năm nay, các nhà rang chiên và tiêu thụ Âu Mỹ đã áp dụng chiến thuật không mua xa như các năm trước, nhà chế biến xuất khẩu Việt Nam lại rủ nhau xây thêm nhiều nhà máy, liền gặp khó. Hiệp hội điều đưa giải pháp: cần tích cực tìm thị trường, đồng thời cần có một giải pháp đồng bộ, từ nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng chất lượng-vệ sinh an toàn, giao hàng đúng hạn…trong khi giá rớt đến 800 USD/tấn. Nhưng giải pháp cả cấp thời lẫn đồng bộ này chừng nào mới thực hiện kiên quyết và đồng loạt trong khi giá điều cứ rớt?

D:\Downloads\BVN\23-2\3.jpg

Hồ tiêu chết ở Gia Lai.

Với cả lúa gạo tiêu điều, vấn đề “tiêu điều” nhất vẫn là đầu ra. Công bằng mà nói, TQ chẳng có “ép” mình gì cả, họ đã minh bạch thông tin là sẽ áp tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc từ mấy năm gần đây, mà ta cứ kéo rê. Yêu cầu áp tiêu chuẩn quốc tế thực sự là yêu cầu rất nghiệt ngã, đòi hỏi thay đổi lớn nơi mỗi hộ SX nhỏ lẽ của ta. Mà ngay cả khi đạt tiêu chuẩn rồi, vẫn phải có cố gắng lớn để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng sức cạnh tranh…

D:\Downloads\BVN\23-2\4.jpg

Một góc cánh đồng bị ô nhiễm.

Thực tế là phải chăng chúng ta cứ kêu gào, hô hào như phong trào, chưa có chính sách gì để “ép” nông dân quan tâm và có tổ chức hành động thiết thực để thay đổi thái độ của họ với tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng, độ an toàn của nông sản? Đất đai, nguồn nước từ lâu bị bóc lột liên tiếp đã bạc màu, nhiễm độc, con người làm nông cũng bị điều kiện hoá. Thay đổi tình hình này là cả một chiến lược lớn, là cuộc huy động lớn, giải cứu bền vững chất lượng và đầu ra cho nông sản, đâu thể cứ đối phó từng hồi từng chặp rồi lạc trôi, lạc trôi…?

PS. Sáng nay đọc Tuổi Trẻ thấy buồn quá. Thật sự là Tuổi Trẻ nổi bật trong hàng loạt báo in, báo mạng đang nín thở rượt đuổi nhau câu view, câu khách bằng câu chuyện ly hôn nhà ông Vũ. Chuyện đó đại sự lắm sao, giải quyết gì, bài học gì cho nền kinh tế đang lắm bề trục trặc? Thật sự chẳng có gì rung chuyển tâm trí nhà báo hơn mấy chuyện hiếp giết, ngôn tình, ly hôn… đến độ hào hứng phơi cái hình một phụ nữ đằng đằng sát khí như thủ phạm một vụ án lớn nào đó, chưa đủ, còn dẫn vô cả trang 3 để “câu” tiếp? Nhà báo ơi, cả các “nhà báo” face, thật sự không còn điều gì khác để quan tâm sao? Cái “đống lửa” mà nông dân đang cháy ruột cháy gan từ ĐBSCL lên Tây nguyên, qua miền đông Nam Bộ cũng có được Tuổi Trẻ nhắc ở ở xã luận về giải cứu nông sản, nhưng cũng chỉ lấy lệ và diện tích chính ở trang 3 thì dành cả cho chuyện… ly hôn. Chả trách ai nấy cứ loạn cả lên vì kiểu thông tin lá cải?

V.K.H.

Nguồn: https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10157343024196122

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.