Tôi biết Nhà văn Nguyên Ngọc và Giáo sư Chu Hảo

Nguyễn Lân Bình

Hà Nội, tháng 11.2018

Thưa các quý vị và các bạn!

Là người theo đuổi một đề tài văn hóa lịch sử đã qua giai đoạn khá dài, tính từ năm 2002 đến nay, đặc biệt đề tài của tôi gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc cách mạng khai sáng do nhà yêu nước Phan Châu Trinh khởi xướng. Mặc nhiên sau này, khi Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ra đời (2007), tôi đã được coi như một cộng sự nho nhỏ từ xa.

Trong những tháng qua, khi xã hội chính trị Việt Nam ồn ào trước sự kiện giáo sư Chu Hảo và nhà văn Nguyên Ngọc, đã có nhiều người hỏi tôi một cách chân tình mà ngộ nghĩnh, rằng ông có làm sao không…?

Thưa, năm 2007, nhân 100 năm Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT), vô tình tôi được ‘gọi’ đến dự lễ kỷ niệm. Buổi lễ được tổ chức tại trường Nguyễn Văn Tố – Phố Hàng Quạt – Hà Nội. Thời điểm ấy, tôi không để tâm, và cũng không có khái niệm về việc cơ quan nào đã đứng ra tổ chức buổi lễ.

Ông Nguyễn Khắc Mai tại buổi lễ tưởng nhớ các nhà giáo được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục ở Văn Miếu – Hà Nội

Ông CHU HẢO

Tôi có mặt đúng giờ, được một người duy nhất là thành viên trong Ban Tổ chức bắt tay (người gọi tôi đến) và chỉ cho chỗ ngồi. Tôi trong trạng thái lơ ngơ, vì không có mối quan hệ nào với những vị khách có mặt, cũng như các vị khách chính của buổi lễ, để chào hỏi hay trò chuyện trước giờ khai mạc.

Buổi lễ kết thúc, các vị khách và những người dự lễ bắt tay nhau trang trọng, và  thăm hỏi nhau nồng nhiệt, thân mật. Tôi đắn đo, không biết mình có nên đến chào những vị khách có danh, được giới thiệu nhấn mạnh trong buổi lễ như bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyên Ngọc, ông Chu Hảo, ông Nguyễn Khắc Mai…

Ông Khắc Mai (người biết tôi qua một người khác) đã nói với các vị khách lúc đứng ở hành lang trước khi vào hội trường, rằng tôi là cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mọi người cũng chỉ thốt lên… à thế à, và hình như mọi người cũng chỉ biết vậy là đủ. Nghĩ đến chi tiết đó, tôi quyết định ra về, và thôi không chào ai nữa.

Xét ra cũng là bình thường việc chẳng ai biết tôi. Hơn nữa, từ lâu, trong những cuộc tiếp xúc xã hội, tôi mặc cảm trước việc thấy người có chức tước, có danh vị giáo sư, tiến sĩ… lân la làm quen, làm thân. Thậm chí, tôi tránh những gương mặt có chức vụ, nổi tiếng, dù mình có biết hay đã từng gặp họ ở những bối cảnh khác.

Tôi không phải là kẻ tự ti, hay khiêm tốn, mà tôi mặc cảm với những đối tượng đó. Đơn giản vì theo tôi quan sát lúc lớn lên, rằng đa phần, họ đều mắc chứng bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường mỉa mai, lên án, đó là cái tính ‘quan’ cách mạng, tác phong kiêu căng vì luôn tự nghĩ, rằng mình quan trọng, nhìn mọi người với con mắt: Thằng ấy là thằng nào?!

Tuy nhiên, sâu trong nhận thức của tôi khi còn ít tuổi, tôi được quen, biết nhiều người rất giỏi, đứng ở những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền, nhưng họ không như một số người kế tiếp, được gọi là quan trọng mà sau này tôi từng gặp. Cũng có thể, vì những người tôi biết, là những người gần gũi với cha tôi như: giáo sư Trần Văn Giàu, bác sỹ Nhữ Thế Bảo, bác sỹ Trần Duy Hưng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, hay nhạc sỹ nổi tiếng Nguyễn Xuân Khoát… (1)

Tôi ra ngoài sân lấy xe đi về. Bỗng tôi gặp một nhà báo quen, anh hỏi tôi:

“Sao, anh lại đi về? Mà anh Bình ơi, anh không biết ông Chu Hảo ư?”.

Tôi trả lời:

“Không, tôi chỉ biết qua truyền thông, rằng ông ấy từng là Thứ trưởng gì đấy, cái ông tóc trắng chứ gì…?”.

Người bạn là nhà báo vỗ vai tôi nói thân mật:

“Đúng, đúng, giời ơi, ông Chu Hảo là con trai ông Chu Đình Xương đấy… anh không biết à? Ông Xương nổi tiếng lắm, thời bố anh đấy”.

Tôi hét lên, suýt thành thằng người không bình thường trước mắt của những người đang đợi lấy xe máy:

“Úi giời ơi, chết tôi rồi, hóa ra ông này à… Ôi thế à! Mà đúng, họ Chu mà!”.

Người bạn nhà báo đó chắc chắn chỉ buồn cười vì thấy tôi vỡ òa một cách đột ngột, chứ không thể biết được, rằng tôi quá mừng vì vô tình, đã tìm ra người thân của một người đã đến chia tay, dặn dò tôi lúc lên đường ra trận tháng 11 năm 1971, trong một bữa cơm gia đình, là ông Chu Đình Xương.

Ngày ấy, tôi không hiểu gì về ông Chu Đình Xương, về sự nghiệp và quá khứ oanh liệt của ông, tôi chỉ thấy ông hay đến với cha tôi, hai người thường nói chuyện rất lâu, và tôi thấy họ rất mặn mà khi trao đổi. Nhưng có câu nói để đời đối với tôi của ông Chu Đình Xương trong bữa cơm khách hiếm hoi đó.

Thời ấy, mấy ai dám làm cơm khách, khi mà từ giọt nước mắm, đến miếng mỡ lợn, đến hạt gạo, thậm chí cả mớ rau muống… đều phải có tem phiếu mới được mua, và với số lượng chỉ là ví dụ, nếu so với cuộc sống hôm nay. Thời ấy, ai cũng biết câu nói: Lính tráng có xuất, bộ đội có khẩu phần, dân có tiêu chuẩn! Việc làm một bữa cơm khách, không loại trừ sẽ phải giảm khẩu phần ăn của một gia đình ở những bữa cơm hàng ngày sau đó.

Tuy vậy, trước cảnh tôi sắp xa nhà, xa thật xa và không có lời hẹn của sự trở về, nên mẹ tôi ‘lên gân’ làm bữa cơm, vừa là để mừng cho tôi tròn 20 tuổi, vừa là chia tay tôi lên đường nhập ngũ. Vì thế, khách mời chỉ có hai người, là ông Xương và ông Xuân Hồ (Bộ VH).

Nhà tôi có cái máy quay đĩa của Liên Xô do tôi mua khi đi Bungari về. Vào bữa ăn được một lúc, tôi cho rằng, vì có điện (do bị cắt thường xuyên), nên mở nhạc nhè nhẹ cho ra vẻ ‘đời sống cao’. Tôi lấy chiếc đĩa hát của hãng Supraphone – Tiệp Khắc, nhạc semiclassic (bán cổ điển) do ban nhạc Caravelli của Ý thực hiện.

Nghe tiếng nhạc êm dịu, thanh bình, ông Chu Đình Xương quay sang phía tôi nói:

“Bình ạ, thế mới biết các cháu bây giờ, trước khi ra trận, nhiều cái phải nghĩ, phải tiếc thật. Ngày xưa, các bác đi kháng chiến, nó đơn giản lắm, vì sau lưng chỉ có mỗi cái ba lô bốn mảnh (2), lúc đó cuộc đời có gì đâu để mà tiếc…”.

Vào giây phút đó, tôi đơn giản nghĩ rằng, có lẽ, ông muốn an ủi, động viên trong cái thời khắc chia tay tôi đến một nơi gian khổ, một nơi cuộc sống sẽ rất mỏng manh, không có gì đảm bảo cho ngày trở lại.

Nhưng sau này, khi tôi may mắn từ chiến trường trở về một cách lành lặn, đôi lần, nhắc đến những kỷ niệm cũ, nhắc lại cái bữa cơm ấn tượng đó, cha tôi mới có dịp cắt nghĩa để tôi hiểu, bác Chu Đình Xương là con người thế nào. Bác giỏi ra sao. Bác là công an đấy… bảo vệ trực tiếp Bác Hồ đấy…! Cha tôi còn khẳng định:

“Bác Xương với cha biết nhau vì cùng là những người tham gia thực hiện buổi lễ mít tinh hôm 2.9.1945 ở quảng trường Ba Đình. Đấy, Bình thấy cái ảnh trên lễ đài hôm đó, có cái người cầm ô cho Bác Hồ, là bác Xương đấy!”.

Ngày ấy, tôi chẳng bận lòng lắm về những câu chuyện của cha mình, về những hoạt động khi ông tham gia cách mạng, thực chất như thế nào tôi lại càng không để tâm. Cũng giống như ngàn vạn con người ở lứa tuổi chúng tôi khi lớn lên trên cái đất nước suốt đời sống lặn lội này, chỉ lo mưu sinh, đối phó với những lối sống ích kỷ, sểnh ra là thấy ganh ghét, đố kị… Lúc nào cũng phải tìm cách thích ứng với cả một nền hành chính cay nghiệt, bất luận làm một điều gì khác với tập thể, là ngồi mà viết kiểm điểm, là được ‘bêu gương’ trong các cuộc họp, nhất là khi muốn đấu tranh, đòi minh bạch, trung thực, muốn tìm cách để tồn tại bằng chính sức lực của bản thân, tránh những cám dỗ của lối sống kiếm chác, điều mà xã hội hôm nay mặc nhiên coi đó là một ‘nguyên tắc’, trở thành lẽ sống hàng ngày…

Tôi như kẻ vô ý thức ngày đó trước cha mình.

Nhưng tôi quá ấn tượng với điều ông Xương nói từ cái năm mình mới 20 tuổi. Công bằng để nhìn lại, ngày đó, đắm mình trong không khí chiến tranh khốc liệt, làm sao tôi nghĩ được, rằng nếu mình không bao giờ trở lại, liệu có cơ hội để nhắc đến cái kỷ niệm hiếm hoi giữa tôi với ông Chu Đình Xương?

Càng nhiều tuổi, tôi càng hiểu cái điều chia sẻ của ông Xương dành cho tôi hôm đó, nhưng tôi cũng càng hiểu cái tâm thức của thế hệ ông và cha tôi, đã chấp nhận hy sinh đến mức nào cho cuộc kháng chiến đằng đẵng chín năm trời, cho lý tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc.

Hơn thế nữa, sau này tôi nhận ra, rằng đa phần những lực lượng tham gia kháng chiến chống Pháp, họ đều có xuất thân nghèo khó (có lẽ chỉ trừ cha tôi và đôi ba người rất ít mà tôi không thể biết). Có thể, vào bối cảnh ngày ấy, họ không có gì để mất… và cũng chẳng tìm thấy con đường nào khác để đi…!

Khi thành người lớn, tôi mới dám nghĩ rằng, đây chính là sự lố bịch của người Pháp Thực dân! Suốt nhiều thập niên cai trị, với những toan tính quy mô, trong đó có cả việc đầu tư, mở mang xây dựng đất nước này, nhưng sách lược gì mà họ đã đẩy người dân vào cùng đường của sự tồn tại? Trí thức bất mãn, tiểu thương bế tắc, dân lao động tồn tại với cuộc sống rẻ mạt… Biến họ mặc nhiên trở thành đối lập của một chế độ. Vâng, và họ đã tham gia chống lại một cách đơn giản vì thế.

Trong ký ức của tôi, ông Chu Đình Xương rất đẹp. Ông không phải chỉ đẹp về hình thức, mà giọng nói của ông cũng đẹp, nó có âm hưởng, gọn và chắc. Ánh mắt của ông luôn sáng và lúc nào cũng như cười khi trò chuyện… Rồi bác mất đi, cha tôi cũng mất đi, tôi đã ngỡ tưởng sẽ chẳng bao giờ tìm lại được hình bóng của con người đã gieo vào nhận thức của tôi về thế nào là sự biện chứng, ngoài bức ảnh ông ‘được’ chụp trong đám cưới tôi năm 1980. Sự vỡ òa của tôi khi biết ông Chu Hảo là con trai ông Chu Đình Xương là vì thế!

Tôi đã không vội về để đến trước ông Chu Hảo xin được làm quen, tôi tự giới thiệu rằng tôi là thế nào. Đến đây vì sao, và cha tôi là ai.

Ông Chu Hảo ngạc nhiên, mừng rỡ một cách cũng rất hồn nhiên. Ông nhận ra cha tôi là bạn gần của bố ông. Ơn Trời, là kẻ ít nhiều có sự tinh ý, tôi không khó khăn lắm để phân biệt, lòng người thật đến đâu trong những cái bắt tay đầu tiên, những nụ cười đầu tiên khi gặp gỡ.

Ông Chu Hảo đề nghị tôi, khi có thời gian, đến gặp nhau để anh em trò chuyện. Tôi xin số điện thoại của ông và ra về trong tâm trạng hưng phấn.

Từ phải sang trái: Cụ Lê Bá Chính (ông ngoại của chú rể), ông Xuân Hồ (bạn của bố chú rể), ông Chu Đình Xương (người đang cười với chú rể) tại đám cưới Nguyễn Lân Bình ngày 27/1/1980 ở nhà riêng 43 Hàng Bài, Hà Nội

Ông NGUYÊN NGỌC

Thật có lý khi vào năm đó, tôi vừa hoàn thành cuốn phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” (2007).

Chỉ sau khoảng một tháng kể từ khi biết nhau, tôi nhận được đề nghị của ông Chu Hảo về việc, ông và một số các đồng nghiệp khác muốn được xem bộ phim.

Tôi tổ chức chiếu chiêu đãi tại nhà. Chính vì có hoạt động này, tôi đã may mắn được làm quen với các vị giáo sư, tiến sỹ, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học danh tiếng khác, đặc biệt là nhà văn Nguyên Ngọc.

Trước sự việc này, tôi chỉ biết đơn giản, ông Nguyên Ngọc là tác giả của cuốn Đất Nước Đứng Lên, là tác phẩm văn học kinh điển của tinh thần yêu nước mộc mạc, được gọi là tư tưởng cách mạng ở Việt Nam, là bức tranh sinh động nhất được vẽ về phong trào chống Pháp của đồng bào Tây Nguyên, một địa danh mà người dân miền Bắc ngày đó, hoàn toàn không có khái niệm gì. Tác phẩm của ông như tiếp lửa cho tinh thần xung phong, xả thân vì lý tưởng cách mạng, vì yêu quê hương này của thế hệ trẻ. Rồi ông đi vào sách giáo khoa, nhà văn Nguyên Ngọc trở nên thân thiết và ấn tượng với đồng bào miền Bắc XHCN từ thực tế đó.

Sau buổi xem 4 tập phim, các vị khách đều tỏ ra bồi hồi, xúc động. Bộ phim như làn gió thổi bùng ngọn lửa văn hóa lịch sử, vốn đã lom đom trước đó trong tâm tư, tình cảm và suy nghĩ về Nguyễn Văn Vĩnh của người xem. Chỉ nửa tháng sau, ông Chu Hảo lại xin tôi một buổi nữa, dành cho các nhân sỹ khác, những người quan tâm đến lịch sử cận đại. Tôi chẳng có lý do gì để không đáp ứng đề nghị của ông.

Giữa tháng 9 năm 2007, ông Chu Hảo gọi tôi đến văn phòng nơi ông làm việc. Ông thông báo với tôi bằng chất giọng khá nghiêm trọng, nhưng lại mang hơi thở thân mật, ông nói:

“Hôm nghỉ Quốc khánh 2/9, mình và anh Nguyên Ngọc đến chơi nhà riêng ông Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước). Trong câu chuyện dài, anh Nguyên Ngọc và mình có kể với ông Trương Tấn Sang về bộ phim cụ Vĩnh. Ông Sang thích thú, ông hỏi nhiều điều về nội dung bộ phim.

Anh Nguyên Ngọc và mình có đề nghị với ông Sang rằng, anh nên xem bộ phim này, xem không phải để giải trí, anh cần biết như yêu cầu của một loại công việc. Bộ phim rất bổ ích và thiết thực, nó sẽ giúp anh hiểu thêm một phần quan trọng của quá khứ anh ạ!

Bình biết không, ông Sang nhất trí ngay. Ông ấy nói, để mình trao đổi với cậu thư ký, cậu ấy sẽ giúp xem xét việc bố trí thế nào cho hợp lý, vì 4 tập, dài đấy.

Ông ấy đưa mình điện thoại của cậu thư ký đây. Mình cũng đã trao đổi và gửi lại điện thoại của Bình để cậu ấy chủ động liên hệ. Tóm lại, Bình nên sẵn sàng để nếu có thông báo từ cậu thư ký, Bình làm cho tốt nhé. Mặt khác, Bình thử nghĩ xem có thể làm một tập rút gọn từ 4 tập được không?”.

Ông Chu Hảo nói tiếp:

“Hôm mới đây, trong một hội nghị, anh cũng có gặp các vị bên Bộ Văn hóa, cùng ngồi có cả bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Bình biết bà Hồng Ngát chứ?! Giờ là Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đấy.

Anh trao đổi có tính thông báo về bộ phim, các vị ấy cũng có vẻ quan tâm đấy. Anh nói thẳng với bà Hồng Ngát, rằng chị phải xem phim này. Bình có biết bà ấy bảo gì không? Bà ấy nói toẹt luôn rằng: 4 tiếng đồng hồ, dài chết cha, ai mà xem được. Sao không làm nó ngăn ngắn thôi….?!”.

Đến đây, tôi không kìm chế được, dù chất giọng của ông Chu Hảo không hề mảy may có tính phê phán, hay chê trách, ông chỉ truyền đạt. Nhưng tôi khác, tôi phản ứng không do dự:

“Thế mà cũng gọi là nghệ sỹ văn hóa? Những người như thế, không bao giờ em mời xem nhá! Thật xấu hổ!”.

Đến một ngày, thông qua những kênh truyền thông khác nhau, nhờ các hoạt động văn hóa chung quanh đề tài học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi được ‘xếp’ vào hạng vua biết mặt, chúa biết tên. Tôi được phép bắt tay, trò chuyện với các nhà khoa học, với nhiều nhân vật nổi danh, nhiều người đang nắm giữ chức vụ quan trọng ở nhiều lĩnh vực, khác với bối cảnh thời tôi còn làm nghề ‘bơ thừa sữa cặn’ (thông ngôn), cũng thường xuyên được bắt tay nhiều gương mặt quan trọng, trò chuyện với những nhân vật cực kỳ ‘khó’ gặp, ngồi xe ô tô cắm cờ, ra vào những nơi người lạ không được dừng lại trước cổng… Nhưng đó là công việc.

Nhờ đi sâu vào đề tài mình theo đuổi, một ngày tôi nhận được món quà quý từ một vị giáo sư người Mỹ, dạy môn Đông phương học tại đại học Montreal-Canada, đó là bài viết từ năm 1936 bằng tiếng Pháp, dài 32 trang của cụ Nguyễn Văn Tố (1889-1947), tổng kết và đánh giá sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh.

Tôi ‘van lạy’ ông giáo Phạm Toàn, để ông nhận dịch giúp bài viết ra tiếng Việt. Nói là van lạy không quá lời, vì cái ông Phạm Toàn ấy quá bận, già lắm rồi mà vẫn bận, nên quỹ thời gian với ông là vô cùng ít ỏi và đắt giá, đâu có như bọn công chức chúng tôi, đa phần đều nổi tiếng là ‘tỷ phú’ thời gian…

Sau hơn một tháng, ông Phạm Toàn gọi điện thoại cho tôi, ông nói:

“Tớ mệt quá rồi, khó quá cậu ạ. Mình cũng đã từng dịch nhiều tư liệu của cụ Tố, nhưng cái này nó khác, vỡ mẹ nó cả đầu ra đây này, nên cậu đừng sốt ruột nhé, đừng giục. Này cậu ơi, nếu tớ dịch xong, cậu cũng nên nhờ ai đó rà soát lại, vì dù sao, tớ không phải là đứa chuyên sâu về ngôn ngữ, hơn nữa, nhiều ý và nghĩa của từ ngữ tớ cũng bị hạn chế. Nhưng bài này hay lắm, văn tiếng Tây của các cụ ngày xưa kinh quá. Vậy nhé, cậu nghĩ xem sẽ nhờ ai đi…”.

Tôi hơi hoang mang về ý kiến ông Phạm Toàn, bởi lẽ muốn rà soát, hiệu đính một tài liệu sau khi dịch như bài viết của cụ Tố, nhất định phải có người, nếu không giỏi tiếng Tây và cả tiếng Việt hơn ông Phạm Toàn, thì cũng phải ngang ông ta. Vậy phải tìm ai?

Tôi đã từng nghĩ đến đôi ba người nổi tiếng để liên hệ, đặc biệt như cụ Hữu Ngọc, dịch giả Dương Tường… Nhưng tôi không gần với họ lắm. Ông Đào Hùng (1932-2013) và bà Tôn Nữ Thị Ninh thì tôi ái ngại. Trong việc dịch các tư liệu, tôi đã từng bị ông Hữu Ngọc mắng như chửi, khi tôi tìm đến ông để sửa lời dịch tiếng Pháp của bộ phim “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”. Tôi thoáng nghĩ đến nhà văn Nguyên Ngọc, mặc dù lúc đó, tôi không hề biết ông Nguyên Ngọc từng là dịch giả, là người rất giỏi tiếng Pháp.

Khi nhận được bản dịch, tôi điện thoại xin trình bày trước với ông Nguyên Ngọc, ông trả lời với tôi thế này:

“Mình bận lắm Bình ơi, mà chiều nay mình lại vào Đà Nẵng rồi. Nhưng ông Phạm Toàn dịch là yên tâm đấy, không phải lo đâu, ông ấy giỏi mà… Mà thôi, được rồi, ngày mai cậu cứ đưa đến nhà tôi đi, cứ gửi lại cho cô. Mấy ngày nữa mình ra, mình sẽ xem giúp, mình ở chỗ tập thể Lý Nam Đế đấy”.

Tôi cảm ơn ông và in tập tài liệu bằng cả hai thứ tiếng, để vào phong bì to. Tôi gọi điện hỏi nhà báo Yên Ba (báo QĐND) địa chỉ chính xác nhà ông Nguyên Ngọc.

Sáng hôm sau, tôi mò đến khu tập thể. Khi đến đúng nơi ở của ông, tôi ngạc nhiên đến mủi lòng. Tôi không tưởng tượng được, rằng một người danh tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, một người xả thân qua hai cuộc kháng chiến kinh hoàng, một người từng có chức vị không nhỏ khác nhau, mà chỉ ở thế này thôi sao?

Tôi từng đến nhà một vài nhân vật là tá, tướng ở khu Lý Nam Đế, đặc biệt là khu vực nằm sau lưng Bộ Quốc phòng, nhà họ đẹp, sang trọng lắm, nhiều tiện nghi lắm, nên tôi mang cái ấn tượng ấy, áp vào sự tưởng tượng về hoàn cảnh của ông Nguyên Ngọc. Tôi ngỡ ngàng có phần xót xa…

Tôi gặp ngay bà vợ của nhà văn Nguyên Ngọc ở cửa ra vào, cái dáng vẻ của bà cũng ảm đạm như căn nhà bà đang ở, tôi ước chừng quá lắm được khoảng ba, bốn chục mét vuông. Tôi liếc mắt khắp cái không gian được gọi là nhà của một nhà văn lừng lẫy, con người mà bằng ngòi bút đã động viên được cả một dân tộc tham gia vào cuộc kháng chiến được gọi là Thần Thánh, bằng lời hiệu triệu thật giản dị: Đất Nước Đứng Lên, mà trong nhà, không thấy một thứ gì đáng để gọi là tiện nghi, là đáng giá… Lòng dạ tôi băn khoăn vô hạn.

Tôi chào và xưng danh với bà, tôi chủ động nói rõ việc tôi đã trao đổi trước qua điện thoại với nhà văn. Nghe tôi nói, bà như gặp người thân từ lâu. Bà a, cái giọng a, rồi sang à chỉ dành cho những người gần gũi, bà mừng ra mặt. Tôi ngạc nhiên, khi bà nói với tôi hoàn toàn như với một người quen biết đã lâu, đã hiểu tỏ tường về hoàn cảnh của nhau từ hồi nào, bà bảo tôi thế này:

“A, anh là cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh chứ gì? Tôi biết rồi, nghe nói nhiều rồi. Anh vào nhà đi, sao cứ đứng ở cửa thế. Khổ quá, chú cứ đi suốt, chẳng biết khi nào ông ấy mới được nghỉ. Tôi cũng chẳng biết làm sao…

Vậy là anh đã nói chuyện với nhà tôi rồi hả, anh yên tâm, cứ để tài liệu ở đây, nhà tôi về, tôi sẽ đưa ngay. Mà cũng chẳng biết ông ấy sẽ ở nhà được mấy ngày, thấy nói là sẽ lại vào Tây Nguyên luôn…”.

Tôi trao cho cô cái phong bì tài liệu, rồi cũng thăm hỏi cô đôi điều, cái chính là để phúc đáp cái thiện tình cô dành cho tôi, khi cô từng biết tôi là ai. Tôi xin phép đi ngay, vì nếu ngồi lâu nữa, có thể vì sẽ không kìm chế được, tôi sẽ hỏi những điều mà người đời gọi là tò mò… Rằng vì sao cô chú lại sống đạm bạc thế này? Vì sao cô chú lại nghèo thế cơ? Tại sao không đề nghị thế nọ, thế kia với cơ quan này, với thủ trưởng nọ… Và không biết đâu, tôi lại biến thành kẻ xúc phạm!

Năm 2007, tôi biết chắc chắn, quan điểm của các cơ quan có trách nhiệm, đã cố tình không quan tâm đến việc 100 năm ra đời tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam là Đăng Cổ Tùng Báo, bởi lẽ tờ báo đó không nằm trong hệ thống báo chí cách mạng, theo quan điểm của chính quyền. Tôi xác định, việc kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Văn Vĩnh lần thứ 125 cần được nhấn mạnh, nhất là khi ra đời bộ phim tài liệu chứng minh vai trò đặc biệt của một người đã hết lòng cống hiến cho nền văn minh Việt Nam. Nhận thức như thế, nên tôi đã đứng ra tổ chức buổi lễ ghi nhận những sự thật này tại khách sạn Quốc Tử Giám.

Buổi lễ có mặt hầu hết các nhà sử học hàng đầu (trừ ông Dương Trung Quốc), các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà khoa học, nhà báo…

Đã có diễn biến không tế nhị xảy ra sau lưng buổi lễ, tôi ghi nhớ nghiêm túc những sự việc đó. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ nào đi nữa, thì đây vẫn là một sự kiện không thể bài bác. Buổi lễ đã để lại ấn tượng mạnh cho các khách tham dự qua ý kiến của những vị khách mời, đặc biệt là phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc, nhất là khi ông bày tỏ:

“Bấy lâu nay, với Nguyễn Văn Vĩnh, chúng ta đều biết ông là một quả núi văn hóa. Đáng tiếc, là vì chúng ta đứng ngay dưới chân núi, nên đã không cảm nhận được sự hùng vĩ của nó. Đến nay, nhờ qua đi một thời gian dài, là cơ hội để ta đứng lùi ra xa, nhìn ngắm, mới thấy được nó cao bao nhiêu? Nó lớn đến đâu? Nó đáng trân trọng đến ngần nào?”.

Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 125 năm ngày sinh học giả Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức tại khách sạn Quốc Tử Giám năm 2007

Năm tháng trôi đi, tôi được tham dự khá nhiều những hoạt động văn hóa xã hội từ Bắc vào Nam. Tôi nhận được sự quan tâm của hệ thống truyền thông từ lề Dân đến lề Đảng, và nhờ được giao lưu với nhiều tầng lớp xã hội, tôi lại càng có cơ hội để chứng kiến các góc nhìn khác nhau của công chúng về những gương mặt được gọi là danh tiếng, tôi tin những cảm nhận của mình về chính trị và xã hội là có cơ sở và đúng với bản chất con người và sự việc.

Tôi hãnh diện vì được làm quen và được nhà văn Nguyên Ngọc tôn trọng, cho dù dưới con mắt của ông, tôi chỉ là một đứa ‘trẻ trâu’ trong làng văn hóa.

HÔM NAY

Suốt những năm tháng qua, đọc, quan sát, lắng nghe, suy tư… với thế hệ chúng tôi, những kẻ lớn lên dưới mái trường XHCN của nước Việt Nam DCCH, tôi thực sự tin rằng, nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo, là hình mẫu của những người cộng sản sinh ra trong chiến đấu, trong lửa đạn. Tôi thấy họ có bản tính điềm đạm, chân thực, có bề dày hiểu biết trên cơ sở khoa học. Họ không có điều tiếng vì có lối sống vơ vét khi đứng ở vị trí quyền lực, họ luôn coi danh dự là cao quý, họ luôn hướng công chúng đến ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với dân tộc và tổ quốc, họ là hiện thân của những kẻ vì dân! Với tôi, họ là những người đáng kính trọng!

Hỡi những ai quan tâm đến hai con người này, hãy chỉ nghe giọng nói của họ thôi, đã thấy toát lên sự chân thành cùng với tấm lòng trung thực lộ ra đến mức nào?! Nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam (đặc biệt là phía Bắc) đã từng coi hai ông là tấm gương không phải chỉ trong chiến đấu, mà ngay cả trong học tập và rèn luyện.

Phàm những kẻ tham danh, hám lợi, chắc chắn sẽ không làm được những gì như hai ông đã làm trong quá khứ đối với đồng bào mình. Những kẻ ‘nghiện’ danh lợi, không bao giờ biết hy sinh và chịu hy sinh, nhất là hy sinh vì danh dự. Ông Nguyên Ngọc, ông Chu Hảo là niềm hãnh diện của tầng lớp những người Việt Nam sống bằng lý trí, bằng đức hy sinh cho chân lý của sự công bằng.

Để không phải hồ nghi, xin các quý vị và các bạn hãy chịu khó đọc lại những gì hai con người đó đã viết, bởi lẽ cuộc sống luôn xác định: Văn là Người!

Thật cay đắng, khi chúng ta phải chứng kiến sự lên án, theo tôi là duy ý chí về hai con người này, đôi lúc có cả sự bất đắc dĩ của dăm ba kẻ cơ hội, mượn ‘cớ’ không phải chỉ để ‘tấn công’ hai ông, mà sau lưng còn là những mục đích xa hơn, nhưng ngay trong sâu thẳm cõi lòng, họ rất biết như vậy là không nên.

Trong các cuộc trò chuyện của tôi với những người quen, là viên chức đang tại nhiệm, dưới con mắt của kẻ hiểu biết, sống chân thực, nhiều người trong số họ từng là bạn quen biết với hai ông, là ‘ông em’, ‘bà em’ của hai ông, có người còn đang đứng trong bộ máy quyền lực, họ không dấu được thái độ lắng đọng, có gì đó bùi ngùi xót xa, dè dặt… Nhưng họ đều nhận rằng, không nên xử sự với nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo như vậy! Vì hai ông đều tồn tại, phát triển trong môi trường của môi sinh: Trung thành vì lý tưởng của cuộc cách mạng giải phóng, đấu tranh xây dựng một xã hội chính trị không vụ lợi.

Thực tế này làm tôi liên tưởng đến bài viết ‘Can đảm của công chúng’ đăng trên VnExpress ngày 6/10/2018.

Tôi nghĩ, cách hành xử của bộ máy quyền lực với nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo, có điều gì đó khiên cưỡng, hình như ‘Họ’ không hẳn định như vậy?! Song việc họ đã dập vùi danh dự của chính đồng chí mình, những người từng được coi là nền móng, là điển hình của tinh thần vì lý tưởng, với những cống hiến trên chặng đường dài của một cuộc cách mạng, mà những cống hiến đó của họ, chính là sự xây đắp nên sự thành danh và cái uy của thể chế hôm nay.

Tôi tin, họ, những người phê phán, cũng chính là những người bị lương tâm cắn rứt nhiều hơn ai hết khi họ đứng ra ngoài cái ‘tôi’ của mình.

Còn với những người kém hiểu biết, thì đây là nhiệm vụ ‘được giao’!

Từ trái sang phải: Bà Nguyễn Thị Bình (Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh), bà Bùi Trân Phượng (Hiệu Trưởng ĐH Hoa Sen TP. HCM), nhà văn Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo. Ảnh của báo Pháp Luật TP.HCM đăng ngày 24/3/2011

Nếu ngay ngày mai, hai con người này có bị xử bắn, thì tất cả những người trung thực trên đất nước này, đều không ngạc nhiên! Tôi rất tin, rằng cả hai ông Nguyên Ngọc và Chu Hảo cũng sẽ không mảy may ân hận về những gì mình đã làm, những gì mình đã can dự và cả những gì mình đã dâng hiến.

Chắc chắn hai ông Nguyên Ngọc và Chu Hảo, hiểu hơn ai hết thế nào là sự hy sinh cho lý tưởng?! Chắc chắn hai ông đã từng đọc cẩn thận những gì các nhà cách mạng đi trước đã viết, đã làm trong lịch sử. Và hai ông sẽ thấy thanh thản (nhân dân cũng thấy), việc mình đã không có biệt phủ, không có tài khoản kếch xù ở nước ngoài, không tìm cách nhập quốc tịch khác dù có điều kiện, là sự khác hẳn tuyệt đối với những kẻ từng nhân danh ‘vì’ dân, từng giữ những vị trí quyền lực, nhưng khi cháy nhà, lộ ra mặt chuột, lại đứng van xin và khóc lóc trước thiên hạ mong được ‘ân xá’ vì ông bà, bố mẹ từng là kẻ có công với nước!

Tôi cũng tin tưởng tuyệt đối, rằng không phải chỉ có ông Nguyên Ngọc và ông Chu Hảo thấm thía về thế nào là sự dấn thân, mà tất cả những ai, từ cổ chí kim, khi đã thực lòng theo đuổi lý tưởng vì sự tiến bộ của cộng đồng, của dân tộc, thì chẳng có sự hy sinh nào là lớn, và cũng không có sự mất mát nào là nhỏ!

Cầu cho mọi sự an lành!

Hà Nội,

Những ngày căng thẳng thực sự từ cuộc chiến tranh kinh tế Mỹ – Trung.

Chú thích:

1.

  • Trần Văn Giàu (1910-2010), Nhà khoa học, triết học. Đảng viên ĐCS Pháp 1929, học đại học ở Toulouse-Pháp, Đảng viên ĐCS VN 1931. Tốt nghiệp Đại học Đông phương tại Liên Xô cũ 1933. Từ 1937 đến 1940 bị biệt giam tại Batsiment S, Bí Thư Xứ ủy Nam Kỳ 1945, Chủ tịch UB Kháng chiến Nam bộ. 1956 được phong hàm giáo sư, Bí thư Đảng ủy ĐH Tổng hợp HN. Từ 1962 đến 1975 công tác tại Viện Sử học sau này là Viện KHXH VN.

  • Bác sỹ Nhữ Thế Bảo (1912-1983), tốt nghiệp ĐH Y khoa 1938. Sáng lập viên Đảng Xã hội VN 1946. Gia nhập ĐCS.VN 1947, là một trong những người tiên phong thành lập ngành Quân y VN. 1956 chuyển về Bộ Y Tế. Bác sĩ biệt phái chăm sóc sức khỏe lãnh tụ. Viện Trưởng bệnh viện 108, Viện Trưởng đầu tiên bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.

  • Bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988), Thị Trưởng đầu tiên và lâu nhất của Hà Nội 1946-1977.

  • Nguyễn Văn Huyên (1905-1975), giáo sư-Tiến sĩ, nhà sử học, nhà giáo dục. Là Bộ Trưởng Giáo dục dài nhất trong lịch sử VNDCCH (gần 29 năm).

  • Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (1910-1993), Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN từ 1957 đến 1983.

2.

Ba lô 4 mảnh:

Là loại ba lô may bằng vải dày, có 5 miếng vải – 1 ở giữa và 4 mảnh bốn cạnh như hình chữ thập, có quai may trần nhiều lớp bằng loại vải dày hơn, để đeo khoác lên hai vai – Dùng trong giai đoạn kháng chiến với Pháp. Khi xếp quần áo mang đi xa, trải ba lô ra chỗ phẳng, đặt áo quần gấp gọn vào giữa, khi đã đủ (chỉ có độ dày giới hạn phụ thuộc vào kích thước của ba lô), gấp bốn miếng vải ở 4 cạnh vào, áo quần được cố định nhờ buộc các dây vải lại với nhau, các dây vải được may ở các cạnh mép của 4 mảnh ba lô.

Ba lô con cóc:

Là loại ba lô dùng trong chiến tranh với Mỹ. Hình ba lô như chiếc túi may bằng vải bạt theo chiều dọc, miệng ba lô có sợi dây vòng quanh, dùng để rút lại sau khi để hết tư trang bên trong, có miếng vải trên cùng như cái nắp kèm dây buộc, có hai quai vải may trần nhiều lớp để đeo khoác lên hai vai, dùng để đựng áo quần và tư trang. Ba mặt của chiếc ba lô có may túi nhỏ lồi ra ngoài để đựng những vật dụng vặt vãnh, tùy ý người sử dụng.

N.L.B.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chu Hảo, Nguyên Ngọc. Bookmark the permalink.