Nguyễn Đình Ấm
Thời gian qua dư luận khen, chê nhà báo Như Phong khi đăng bài của tờ Thoibao.de của Đức phỏng vấn blogger Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) phủ nhận Trịnh Xuân Thanh có tội và hai bài ông ca ngợi tướng Phan Văn Vĩnh khi ông này bị bắt giam, xét xử. Theo tôi đây là hành động tín nghĩa hiếm hoi, một kiểu “Dự Nhượng” thời nay.
Nhà báo Như Phong vốn là phó tổng biên tập báo công an phụ trách tờ “an ninh thế giới” mang hàm đại tá. Không nhiều nhà báo có quyền uy như các nhà báo công an nói chung và Như Phong nói riêng. Bởi vì, chỉ riêng là công an thì quyền uy đã quá ghê gớm rồi lại thêm nhà báo thì quả là “quyền nghiêng thiên hạ”. Chính vì thế mà nhà báo Như Phong có nhiều bạn bè “hạng sang” trong giới quan chức nắm trong tay cơ man lợi ích: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh… và chính các quan chức này cũng cần những nhà báo “cỡ lớn” ủng hộ, phụng sự để tăng thêm quyền uy, chiếc “giáp sắt” cho mình. Theo tôi biết trong hệ thông bộ máy quan chức, đại gia thì phần lớn cỡ trung trở lên có các ô, dù bạn bè ở cấp trên, cơ quan pháp luật như công an, thanh tra… Các tổng công ty, bộ, ngành, đại gia lớn ngoài có “đồng minh” ở các cơ quan quyền lực như trên còn phải có các tờ báo “sân sau” để làm tai mắt, tô vẽ thành tích, gây thanh thế lúc bình thường và bảo vệ trên mặt trận thông tin khi bị “hở sườn”, hoạn nạn.
Năm trước một số phụ huynh chỉ kêu học phí trường Vinschool của Vingroup (Vin Vượng) quá cao liền bị công an “hỏi thăm sức khỏe” là như thế. Ngày tôi công tác ở hàng không VN ngành này cũng có nhiều nhà báo, tờ báo “ruột”, họ chuyên ca ngợi ngành HKVN, bênh vực, chống tờ báo nào đăng tiêu cực tham nhũng của ngành này. Năm 1995, 1996 tôi đăng mấy bài về tham nhũng ở ngành HK liền bị các đồng nghiệp các tờ báo “ruột” đăng gấp hai, ba số bài thanh minh, “chọi” lại bài của tôi. Thế nhưng, đám báo chí “sân sau” cũng gây nhiều rắc rối, tốn kém cho chủ nhà. Không khi nào “ngớt” những nhà báo, tờ báo xin quảng cáo, đưa báo lên tàu bay, tài trợ việc nọ, kia, xin đi tháp tùng nước ngoài trong các dịp mở đường bay, nhận tàu bay… Thường xuyên không thiếu những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, những phóng viễn nữ “mặc váy ngăn” ngồi chầu chực ở dãy ghế chờ bên hành lang ngoài phòng lãnh đạo xin gặp… Chiếc Boeing 777 đầu tiên từ Mỹ về VN tháng 8/2003 cũng như nhiều chuyến bay khai trương, mở đường bay khác chở đầy các nhà báo, nhân viên, quan chức cơ quan quyền lực cấp trên. Họ đi để chủ yếu du lịch miễn phí, mua hàng…
Thời gian ông Đinh La Thăng làm chủ ngành dầu khí nhà báo Như Phong được mời về thành lập ra tờ Petrotimes. Lập tức tờ báo này trở thành công cụ tuyên truyền quan trọng, chủ động của ngành dầu khí và qua nhà báo Như Phong rất nhiều tờ báo lớn ở VN trở thành bạn bè, đệ tử của ngành dầu khí còn tổng biên tập Như Phong tất nhiên được lãnh đạo ngành dầu khí, công an cũng như giới “tai to, mặt lớn” trong nước trọng vọng. Đổi lại, nhà báo Như Phong cũng hết lòng vì bạn bè, cấp trên nhưng ông không như những kẻ khác lảng tránh ân nhân, bè bạn khi hoạn nạn. Đây là điều đáng nể phục với nhà báo Như Phong. Nhớ hồi ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng bộ GTVT gần như không có ngày nào hàng chục tờ báo giật những cái tit “Bộ trưởng Thăng” với “thượng vàng, hạ cám”thành tích. Có cảm tưởng như hàng loạt nhà báo chuyên túc trực bên giường ngủ của “Bộ trưởng Thăng” để đưa tin từ cái trở mình, ho hắng của ông đến nỗi làm danh hài Chí Trung cảm phục “Bộ trưởng Thăng” đến mức phải thốt lên:(đại ý) “Tết năm nay không đóng táo giao thông nữa vì quá tuyệt vời không có gì để nói..”. Khi ông Đinh La Thăng vào làm Bí thư TPHCM đám báo chí quốc doanh vẫn “bâu như ruồi, bám như đỉa” để hàng ngày cái tit “Bí thư Thăng” xuất hiện trên hàng chục tờ báo với thành tích nào “Bí thư Thăng dọn vệ sinh, Bí thư Thăng làm đường cho mẹ VNAH…”. Theo dư luận hồi đó, những nhà báo được tòa soạn phân công theo dõi bộ giao thông vận tải, thành ủy TPHCM luôn có những chuyến đi công tác “bội thu” vì “Bộ trưởng Thăng, Bí thư Thăng” đánh giá công lao báo chí rất cao. Năm 2016 CBNV TCT Hàng không VN tố cáo “Bộ trưởng Thăng yêu cầu mỗi người đóng góp 2 ngày lương cho bộ GTVT (tổng cộng khoảng hơn 2 tỷ đ). Sau đó nghe tin những kiểu tiền đó chủ yếu “ tăng cường phong bao” cho đám nhà báo, “có người phụ trách theo dõi ngành dầu khí, giao thông mấy năm mà mua được nhà cho thuê”… Thế nhưng khi Bộ trưởng, Bí thư Thăng “ngã ngựa”, những kẻ luôn bám ông để xu nịnh, bợ đỡ kiếm lợi lộc trước kia biến sạch chỉ riêng nhà báo Như Phong vẫn nhận những người “nguy hiểm” kia là bạn bè chí cốt.
Ông viết bài ca ngợi ông Phan Văn Vĩnh vô cùng tài giỏi nghiệp vụ, thời ở Nam Định làm cho “thành phố bình yên” nhờ tận tụy, dũng cảm, mưu lược trong điều tra như đưa nghi phạm đặt lên đường tàu, cách “đuổi” tội phạm dạt sang Thái Bình… Khi lên bộ công an ông triệt phá nhiều vụ án lớn, đào tạo ra những lớp cán bộ tài giỏi, ông có cuộc sống đời thường tâm hồn, tình nghĩa. Nghe nói hôm ông Phan Văn Vĩnh bị tòa Phú Thọ đề nghị 7 năm tù ông buồn bã cả ngày trời… Hôm ông Trịnh Xuân Thanh đệ tử của ông Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng bị truy nã với nhiều tội trạng đang ở Đức nhà báo Như Phong đã đăng lại bài của báo Thoibao. de phỏng vấn blogger Bùi Thanh Hiếu (Người buôn gió) trên ngay tờ báo của mình nói ông Trịnh Xuân Thanh không có tội như nhà cầm quyền VN tuyên bố vì trước đó các văn bản kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng VN ông Thanh không có tội làm thất thoát tiền và tham ô. Đó là sự thật nhưng ông Như Phong là đảng viên, phụ trách tờ báo của đảng nhưng đã phạm vào nguyên tắc “ nói trái với quan điểm, đường lối của đảng” và bị bãi chức tổng biên tập tờ Petrotimes mất thẻ nhà báo. Chắc chắn ông Như Phong biết chắc hậu quả này nhưng ông vẫn làm vì lòng tín nghĩa với bạn bè.
Ông xứng đáng là một “Dự Nhượng” thời nay.
Dự Nhượng là người nước Tần thời Xuân Thu ở Tàu từng làm đầy tớ cho họ Phạm và Trung Hàng được đối xử bình thường, ông sang thờ Trí Bá. Trí Bá yêu quý, đối xử rất hậu với Dự Nhượng. Trí Bá đánh Triệu Tương tử thua, bị giết cả nhà, đất đai sản nghiệp mất hết. Triệu Tương tử ghét Trí Bá sơn đầu lâu Trí Bá đựng rượu. Dự Nhượng ơn sâu Trí Bá quyết báo thù cho chủ, đổi họ tên giả làm người khổ dịch dọn nhà xí để đâm chết Triệu Tương tử nhưng bị phát hiện, được tha. Triệu Tương tử không giết Dự Nhượng vì phục “người có nghĩa”. Sau đó Dự Nhượng lại sơn mình làm người hủi, nuốt than làm người câm nấp ven đường để giết Triệu Tương tử nhưng lại bị phát hiện. Tuyệt vọng, Dự Nhượng quyết tự sát theo Trí Bá. Trước khi tự sát Dự Nhượng xin mượn cái áo của Triệu Tương tử để chém cho thỏa lòng trả thù cho chủ…
Thời nay đạo đức xã hội suy đồi, người tín nghĩa như “sao buổi sáng” mà nhà báo Như Phong hy sinh mảng sự nghiệp để minh oan, hàm ơn, “trả thù” cho chủ, bạn bè như thế thì có kém gì Dự Nhượng thời xưa?
Tuy nhiên, theo tôi, nhà báo Như Phong hơi bị nhầm “chủ”.
– Nếu ông quý mến những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh do hòa hợp tâm hồn, nhân cách đoan chính… thì đó là cái riêng không nên tô vẽ bạn thân để thiên hạ hiểu nhầm nhân cách các ông này. Bởi vì những người có tâm hồn phong phú, nhân cách đoan chính ắt sẽ sống đàng hoàng, ngay thẳng, yêu nước, thương dân chứ không làm những việc “mọt nước, hại dân” mà các bạn thân của ông đã làm.
– Nếu nhà báo Như Phong cảm phục muốn trả ơn các bạn thân kia vì họ đã dành cho ông nhiều sự ưu ái vật chất thì những thứ lợi ích, vật chất ấy có phải do các ông kia làm ra, từ đồng lương của họ hay vẫn là từ tiền thuế của nhân dân, tài nguyên của đất nước? Vì vậy, với việc công, đối tượng mà nhà báo Như Phong cũng như tất cả những CBNV nhà nước phải biết ơn là nhân dân, tổ quốc chứ không phải bất cứ cán bộ nào dành cho mình những thứ không phải của họ. Họ chỉ là những người trung gian lấy của cải, lợi ích của nước, của dân trao một phần cho người khác. Tôi cũng không đồng ý với ông Tổng Bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ông khuyên công an trước hết phụng sự, bảo vệ đảng “còn đảng còn mình” là không đúng. Công an, quân đội được nhân dân sản sinh, nuôi dưỡng trên đất mẹ Việt Nam thì phải phụng sự nhân dân, tổ quốc trước hết, trên hết. Đảng phái chỉ là một tổ chức của những người cùng chí hướng trong việc nọ, việc kia, lúc còn, khi giải tán, lúc tốt, khi xấu, lúc đúng, khi sai, lúc nhân văn, khi khát máu… nên không được bắt những lực lượng dân đẻ, dân nuôi phục vụ, bảo vệ riêng, mãi mãi cho một tổ chức nào được! Việc hôm 15/4/217 các CSCĐ Hà Nội đã không chống lại nhân dân Đồng Tâm khi công an Hà Nội điều họ đi trấn áp dân để cướp đất là đúng.
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN