Thường Sơn
Không chỉ có thể chấm dứt giấc mơ của chính thể Việt Nam về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu), EU có thể sẽ xem xét lại và chế tài thương mại đối với Việt Nam như với trường hợp Campuchia.
Vụ việc ngành thủy sản Việt Nam bị EU phạt ‘thẻ vàng’ vào năm 2017 và kéo dài cho đến nay, thậm chí còn có nguy cơ phải chịu ‘thẻ đỏ’, chỉ là bước đi đầu tiên trong cơ chế cấm vận thương mại mà EU rất có thể sẽ áp dụng đối với Việt Nam nếu chế độ này tiếp tục đàn áp nhân quyền nặng nề mà không có một kế hoạch và hành động kèm theo có thể chứng minh được về cải thiện nhân quyền trong những năm tới.
EU chế tài Campuchia ra sao?
Thông tin của đài VOA cho biết vào tháng Mười Một năm 2018, EU đã phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA), sau khi Thủ tướng Hun Sen trở lại nắm quyền trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Bảy năm 2018, trong đó đảng của ông giành được tất cả các ghế trong Quốc hội.
Trung Quốc đã không thể bảo vệ cho Hun Sen tránh khỏi áp lực cấm vận của EU.
“Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) là một sáng kiến của Liên minh châu Âu, theo đó tất cả hàng nhập khẩu vào EU từ các nước kém phát triển nhất, ngoại trừ vũ khí, sẽ được miễn thuế và không có hạn ngạch. EBA có hiệu lực từ ngày 5 tháng 3 năm 2001.
Một năm trước – vào tháng Mười Hai năm 2017 – Quốc hội châu Âu đã bỏ phiếu để cứu xét đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” dành cho Campuchia để tiếp cận thị trường EU. Đây là một động thái để đáp trả việc Campuchia quay trở lại với chế độ độc tài. Quyết định này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Campuchia. Phân nửa lượng hàng hóa mà nước này sản xuất được xuất khẩu sang thị trường EU, chủ yếu là các mặt hàng may mặc và giày dép. Hơn nửa triệu người Campuchia đang làm việc trong hai ngành công nghiệp này.
Cả Hoa Kỳ lẫn EU đều ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử của Campuchia vào năm 2018. Washington đã ghi tên hàng chục quan chức chính phủ nước này vào danh sách hạn chế thị thực như một phản ứng chống chiến dịch đàn áp phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông của chính phủ Campuchia hiện nay. Còn Thụy Điển đã đình tất cả các chương trình viện trợ mới cấp chính phủ cho Campuchia trừ giáo dục hoặc nghiên cứu.
Mỹ và EU chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Campuchia – trị giá hàng tỷ đô la. EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, đã tiến hành quy trình thẩm định theo định kỳ sáu tháng về quyền miễn thuế của Campuchia, có nghĩa là hàng may mặc, đường và các mặt hàng xuất khẩu khác của Campuchia có thể bị EU áp thuế quan nội trong vòng 12 tháng tới.
Chiến dịch đàn áp kéo dài của Thủ tướng Hun Sen đối với các lãnh đạo đối lập được hậu thuẫn bằng những cáo buộc rằng họ đã âm mưu với Mỹ để lật đổ ông ta trong một cuộc cách mạng màu. Nhưng Thủ tướng Campuchia đã không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào để củng cố thuyết âm mưu này và các nhà quan sát nói chế độ của ông đã tiêu diệt đối thủ trước kỳ bầu cử vì họ hoảng sợ trước các kết quả thăm dò tốt của đảng đối lập CNPR trong 2 cuộc trưng cầu trước đây.
Vào năm 2017, áp lực của Hoa Kỳ và EU đã không khiến Hun Sen quá lo ngại. Viện dẫn chỗ dựa vật chất về viện trợ và đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc, Hun Sen thậm chí còn lên tiếng thách thức phương Tây.
Nhưng tình hình giờ đây đã đổi khác nhiều. Campuchia rơi vào thế cô lập và có triển vọng phải nhận những cú trừng phạt kinh tế như trường hợp Bắc Triều Tiên.
Kết quả là vào tháng Mười Hai năm 2018, Sau khi EU phát động một thủ tục chính thức để tước quyền của Campuchia được tham gia sáng kiến “Mọi thứ trừ vũ khí” (EBA), Quốc hội Campuchia đã phải xét lại lệnh cấm hoạt động 5 năm áp dụng cho hơn 100 thành viên đảng đối lập chính trong nước.
Vào lần này, Bộ Ngoại giao Campuchia viện lý do: “Để thúc đẩy dân chủ và quyền pháp trị, Quốc hội đang xem xét các quy định pháp lý để cho phép những cá nhân bị cấm được tiếp tục các hoạt động chính trị”.
Đó là lệnh cấm hoạt động chính trị do Tòa án tối cao Campuchia ban hành, áp dụng đối với 118 thành viên của đảng đối lập CNRP. Đảng này đã bị giải tán hồi năm ngoái theo yêu cầu của chính phủ Hun Sen sau khi đảng này bị cáo buộc là âm mưu lên chiếm quyền với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Campuchia, chính phủ “luôn luôn trân trọng và cổ vũ cho tự do báo chí và tự do ngôn luận”. Bộ này nói thêm rằng RFA và VOA được tự do mở cửa văn phòng trở lại ở Campuchia.
Trong thời gian qua, truyền thông độc lập của Campuchia cũng đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ ông Hun Sen và các đồng minh của ông trước cuộc bầu cử tháng Bảy.
Báo Campuchia Thời báo bằng tiếng Anh đã đóng cửa hồi năm ngoái sau khi chính phủ Hun Sen đòi họ trả hàng triệu đô la tiền thuế, bằng không sẽ bị đóng cửa. Khoảng 30 đài phát thanh cũng đã đóng cửa trong năm ngoái.
Đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) có trụ sở tại Washington đóng cửa văn phòng tại Phnom Penh hồi tháng 9, phàn nàn về một “chiến dịch đàn áp không ngừng chống lại những tiếng nói độc lập”.
Nếu phát ngôn trên của Bộ Ngoại giao Campuchia được thực hiện, điều này có thể cho phép các chính khách đối lập trở lại chính trường, sau khi Liên minh châu Âu đe dọa sẽ không cho Campuchia giao dịch miễn thuế.
T.S.
Tác giả gửi BVN