1. Hoan hô Will Nguyễn!
Gã không thể không vui cùng hàng trăm ngàn bạn trẻ phất cờ, mặc áo màu cờ, ngực có ngôi sao vàng hò reo một chiến thắng bóng đá.
Trong cái không khí ấy, gã nhận được một đường dẫn của một nhà báo nổi tiếng:
Ông đọc ngay đi! Đây là những suy nghĩ của Will Nguyễn, chàng trai Mỹ gốc Việt từng dẫn đầu trong cuộc biểu tình chống Luật Ba đặc khu và bị bắt giam ở SG với tội gây rối đó!
Gã đọc, trong khi ngoài phố trung tâm HN, SG vẫn vang dội tiếng hò reo chiến thắng của đội VN trước đội Philippines.
Will Nguyễn nói với một tờ báo Mỹ sau khi được ra tù:
"Nói cho cùng, dù được sinh ra ở nước ngoài hay trong nước, chúng ta đều là những người yêu quê hương. Mặc dù có những khác biệt chính trị khó chấp nhận, nhưng người Việt Nam ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều cùng nghĩ đến những gì tốt nhất cho đất nước.
Tôi hy vọng rằng bất chấp những lời hùng biện cực kỳ tiêu cực mà người cực đoan của cả hai bên trao đổi với nhau, chúng ta cùng nhớ một thực tế đã từ lâu đã định nghĩa lịch sử giống nòi của mình: Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là điều không có giới hạn.
Số phận của Việt Nam nằm trong tay giới trẻ, trong tay của những thế hệ không sống qua chiến tranh và trong tim không có nỗi đắng cay và sự chia rẽ của những thập niên qua…
Hai phần ba người Việt Nam ngày nay được sinh ra sau năm 1975, một đặc ân khiến họ có khả năng nhìn thấy bức tranh lớn mà không bị chi phối vì gánh nặng của lịch sử. Tôi có một niềm tin vững chắc là, chìa khóa để đạt được dân chủ ở Việt Nam là việc kết hợp những người trẻ tuổi ở cả hai phía Thái Bình Dương.
Chúng ta có thể đã lớn lên trong những quan điểm khác nhau về lịch sử thời chiến, nhưng những người Mỹ gốc Việt trẻ và người Việt trẻ trong nước có nhiều điểm chung hơn, bao gồm cả mong muốn thấy được một Việt Nam hiện đại, dân chủ, đa dạng, tôn trọng những quyền tự do cơ bản, và cho phép mọi người phát triển tiềm năng…".
Gã lặng lẽ một mình reo lên: Hoan hô Will Nguyễn!
2. Tội ác không có điểm dừng?
Tối nay, Việt Nam thắng Philipines, tôi thật vui và “hả hê” vì trước khi trái bóng lăn, đã dám nói đại tỉ số mình thắng 2-1. Ông bạn cùng nhà cười ha hả vì “chiên gia” bóng đá đoán mò mà gặp hên quá. Xong trận, tôi an tâm bật máy lên, bỗng như bị đứng hình, hết cười nổi, thiệt sự là "người đang bay bổng chuyển qua bàng hoàng". Ngoài đường thiên hạ đi bão hò reo (lại như thắng World Cup nữa) mà tôi cứ tê buốt cả đầu vì cái câu chuyện điên khùng, kinh khủng vừa xảy ra hôm nay. Chừng như tội ác không có điểm dừng, nó cứ sẵn trớn mà lao tới, không biết sẽ còn đi tới đâu nữa. Chuyện cô chủ nhiệm buộc học trò tát bạn đã gây phẩn nộ, cả xã hội đòi xử lý để ngăn lây lan. Nay vừa thấy tin mới, ngày 2/12 này…
23 đứa nhỏ lớp 6 (11 tuổi) học trò của trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), sau khi bị “tự nguyện cưỡng bức” tát bạn 10 cái theo lịnh cô chủ nhiệm đến nạn nhân phải nhập viện, lại vừa phải trả lời một “phiếu điều tra” mất dạy nhất trên đời, do ban giám hiệu (đành phải nói là mất dạy, nếu không thì dùng từ gì, bỉ ổi? đê tiện?) yêu cầu, để họ báo cáo lên cấp trên
Phiếu gồm 19 câu hỏi “thiên tài” sau:
1. Cô T quy định phạt tát thời gian nào?
2. Bạn N bị tát vào thời gian nào?
3. Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không?
4. Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái?
5. Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ?
6. Bạn N có nói tục không?
7. Khi tát bạn N có khóc không?
8. Sau khi tát má bạn N có đỏ không?
9. Cô T vào đã tát được mấy bạn?
10. Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?
12. Cô T tát bạn N mấy cái?
13. Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không?
14. Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không?
15. Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn?
16. Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý?
17. Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không?
18. Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N?
19. Sau khi tát bạn N có ở lại học không?
Sau đó, trường nộp báo cáo lãnh đạo. Có thể tóm lược như sau: Với điều tra 3 mức (nghe rất quen ?): tát nhẹ, tát vừa, tát mạnh thì tổng hợp 23 câu trả lời là: 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh (chưa tới 10% mà?); cô không ra lệnh ai tát nhẹ thì bị tát; Bạn N không bị chảy máu; Cô có tát bạn N 1 cái và không phải người tát cuối cùng; không có bạn nào sợ hãi và khóc; bạn N vẫn ở lại học đến cuối buổi học; bạn N vào viện điều trị chứ không phải cấp cứu.
Thế đấy, cả xã hội hãy đứng dậy, khoanh tay xin lỗi lãnh đạo nhà trường đi! Giấy trắng mực đen, tất cả người trong cuộc nói đấy chứ có phải chúng tôi tự bảo vệ và bao biện cho nhau đâu?
Thật người viết tiểu thuyết có đại tài hư cấu cũng không nghĩ ra được cái trò bao biện rất hiện đại (khảo sát khách quan bằng phiếu do "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" tự trả lời).
Tội “khủng bố” 23 đứa nhỏ, buộc chúng phải tát bạn mình để tự bảo vệ mình, thật quá là mọi rợ và đã sỉ nhục điều cao đẹp, lý tưởng đạo đức mà nhà trường phải dạy (và khắc sâu trong tâm trí để hình thành nhân cách) cho trẻ. Làm cha mẹ cho con đến trường để chúng trơ mắt nhìn cô giáo chỉ đạo cả lớp đánh bạn, rồi mỗi đứa phải tự bảo vệ mình bằng cách nhục hình bạn, giờ tiếp tục tự bảo vệ mình [bảo vệ Hiệu trưởng và cô giáo – BVN] bằng cách dối trá? Tôi tin tội ác đó sẽ hằn sâu trong tâm trí những đứa nhỏ học trò vô tội và ai biết nó sẽ đau đớn, khinh bỉ thầy cô giáo cỡ nào về cách ép nó nói dối để người lớn bảo vệ nhau? Đừng hi vọng bọn nhỏ còn nhỏ lắm, ngu khờ lắm, chưa hiểu biết gì về tội lỗi khủng khiếp, và động cơ đê tiện của người lớn. Trong xã hội thông tin ngày nay, chúng biết hết và chúng đang tìm cách “đối phó” để đừng bị tát, bị đuổi học thôi, tôi tin như vậy. Rất nhiều cháu nhỏ trong xóm nhà tôi, khi nhìn bố mẹ cãi vả, dằn hắt nhau đã bật ra hàng loạt câu hỏi đáng kinh ngạc về những thói tật “bất ổn” của người lớn.
Tại sao ra nông nỗi này? Cha mẹ cho con đến trường, có yên tâm để con mình bị “khủng bố” như vậy? Để học tát bạn và nói dối theo dạy dỗ của cô thầy? Phải chăng khi mà thói đạo văn lấy bằng cấp giả, tự phong chức cho mình vẫn cứ đức cao vọng trọng, thăng tiến bình thường thì với những người quản lý và giáo chức ở những ngôi trường nhỏ các huyện hẻo lánh xa xôi, việc thi hành biện pháp vô luận vô pháp với bọn học trò nhỏ (yếu thế, cô thế, không có gì để tự bảo vệ) đâu dễ có điểm dừng?
Ảnh báo SGGP. Một phiếu trả lời.
3. Mùa xuân Budapest? Cách mạng Nhung, Cam hay Mùa xuân Ả Rập? Quên đi!
Hàng vạn người đổ ra đường, với nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, những tiếng gõ, nẹt-pô xe ầm ĩ, tiếng la hét, ới gọi nhau trở thành những âm thanh lộn xộn đầy sống động ở các thành phố lớn.
Đứng nhìn trên cao, đám đông tụ họp lại như một thể thống nhất.
Facebooker Lâm Bình Duy Nhiên bình luận: Mùa xuân Praha? Mùa xuân Budapest? Cách mạng Nhung? Cách mạng Cam hay Mùa xuân Ả Rập? Quên đi! Chỉ là trận thắng bán kết bóng đá lượt đi Philippines – Việt Nam mà thôi!.
Môn thể thao vua khiến người dân tự động đứng sát, kề vai và lắng nghe tiếng nói của nhau, môn thể thao này cũng khiến họ quên đi phí thuế đang tăng, đốt lò, và cả những rục rịch khởi động BOT ở một vài nơi. Nói cách khác, bóng đá trở thành một chất kích thích (doping) mà người Việt Nam dường như qua đó biểu lộ được sự đoàn kết tuyệt đối.
Bóng đá là bóng đá, một trận cầu thua hay thắng của đội tuyển quốc gia có thể làm vỡ òa những cảm xúc hàm chứa bên trong. Nhưng bóng đá không thể thay thế tương lai của họ và con em họ. Bóng đá không thể giúp xây dựng một nền giáo dục đủ chính chắn và trưởng thành, một nền bầu cử đủ tự do và dân chủ, một chính thể đủ kỹ trị và minh bạch. Bóng đá chỉ đơn thuần là đá trái bóng.
Nhưng bóng đá đã làm được điều mà hàng thế hệ người đấu tranh dân chủ – nhân quyền chưa làm được: sát cánh lại.
Có người tiến hành các hành vi, lời nói xỉ nhục những người hâm mộ bóng đá, nhưng người hâm mộ chỉ đơn thuần là biểu hiện của một nền dân chủ chưa thực sự làm chủ.
Hãy nhìn xem, một cuộc tụ họp để phản đối chặt hạ cây xanh hay bụi xỉ than từ nhà máy nhiệt điện có thể nhận được sự chào mừng từ hệ thống công an vụ. Hệ thống này bằng cách theo dõi, đe nẹt, đánh đập và thậm chí kết hợp với hệ thống tư pháp để bỏ tù những ai mà họ cho là ‘kích động’ đã khiến đám đông dè chừng. Và vì thế, dù có sự gia tăng về những người ủng hộ sự dân chủ hóa, nhân quyền hóa thì con số này vẫn khá khiêm tốn.
Facebooker Lương Huy đã đúng phần nào khi ông sử dụng cụm từ ‘ersatz’, một cụm từ miêu tả một sự tiêu cực và giả tạo. Và nếu áp chế vào bóng đá thì tinh thần cuồng nhiệt, sự tụ họp đông người, là một biểu hiện trực tiếp nhất cho sự giả tạo của tinh thần yêu nước. Nhưng có lẽ, phải có một sự thông cảm cực kỳ lớn với người hâm mộ bóng đá, bởi họ được gieo rắc một nỗi sợ hãi, trước dùi cui và nhà tù, và họ chọn 1 giải pháp an toàn hơn: an thân.
Những người Cộng sản trước đây từng trích dẫn câu nói rất nổi tiếng của K.Marx: Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Và nay, tôn giáo được người cộng sản Việt Nam chuyển hóa thành một chủ đề dân dã hơn – bóng đá.
Cứ ra đường gây tắc nghẽn giao thông, nẹt bô xe, đi bão,… nhưng mức độ xử lý chỉ dừng ở bỏ qua, nhắc nhở, cao lắm là phạt hành chính. Chính quyền cho phép người dân tự lựa chọn giới hạn cho chính họ, hoặc tự do bóng đá với sự thoải mái tụ họp đông người; hoặc tụ họp đông người để đòi nhân quyền với nhà tù đang mở rộng cửa. Và bằng cách này, bóng đá đã chính thức là thuốc phiện của người dân Việt Nam.
Những người Việt Nam tụ tập đông người ủng hộ bóng đá trong bối cảnh một Paris đang có phong trào ‘áo vét vàng’ để phản đối tăng thuế xăng dầu, phản đối chi phí sinh hoạt gia tăng. Và trong ngày 4.12, hàng tá sinh viên của các trường đại học đã biểu tình để phản đối các cải cách về mặt giáo dục của nhà nước Pháp.
Việt Nam, vẫn chìm vào trong cơn mê bóng đá, trong sự hỗn độn của giáo dục, kinh tế và môi trường (kể cả chính trị). Sự luẩn quẩn này có phải vì kiếp nạn mà người dân ưa bạo lực phải chịu hay là vì những người Cộng sản đã quá tài để dẫn dắt một dân tộc u mê? Với doping bóng đá…
Ánh Liên
VNTB gửi BVN