Đất nước này suốt ngày chỉ có lễ hội?

Đất rừng thì đã bán cho nước ngoài; biển Đông thì anh em “16 chữ vàng” cấm bén mảng, mà  muốn kêu to lên Hoàng Sa Trường Sa là của việt Nam lại bị các chú công an quây bắt tống giam; khoáng sản thì có được bao nhiêu đã có các doanh nghiệp thuộc tập đoàn lợi ích đến đào bới lên đem sang phương Bắc bán tươi kiếm chút tiền tiêu; ruộng đất thì đã có các cơ quan nhân dân các cấp đến đưa lệnh thu hồi đền bù giải tỏa để xây sân golf xây biệt thự; trông lên Quốc hội thì các bậc cha mẹ dân đã định đoạt cho dân mình è cổ trả nợ nước ngoài đến đời con đời cháu để các cụ còn xoay xỏa mỗi người một túi…

Thử hỏi người dân còn việc gì nữa để làm? Còn nhà cửa đâu nữa để chui rúc? Không ngày đêm dấn thân vào lễ hội, múa may cho quên đi, hoặc xin vài đạo sắc của thần linh, kiếm một tờ giấy đóng ấn đền Trần… để mang về mà mơ tưởng rồi mình sẽ hết nhục, thì còn biết làm cái gì? Làm Chí Phèo thì không được rồi vì Bá Kiến đời nay lọc lõi quá, có công an, lại có cả bằng Tiến sĩ… dỏm nữa!

Bauxite Việt Nam

Sự tràn lan nằm ở những festival, những ngày hội văn hóa, những sự kiện… mà chúng ta mới tạo dựng ra, tạo cảm giác “đất nước này suốt ngày chỉ có lễ hội”, và “làm méo mó, mất đi giá trị mà chúng ta đang cần giữ”. – PGS Nguyễn Văn Huy (Nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) chia sẻ.

Hội nghị đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2010 hôm 15/6 khác biệt hẳn và gây chú ý ngay từ phần mở đầu của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Đạo Toàn.

Tuyệt nhiên không “rào đón” khoe thành tích đạt được, mà đi thẳng ngay vào những câu hỏi “sốc”: “lễ hội có tràn lan không? có lãng phí tốn kém không? tổ chức có trùng lắp, nghèo nàn không?” hay “di tích có bị biến dạng không? có thương mại hóa trong quản lý, sử dụng di tích không?”. Chỉ cần nghe phần mở đầu đã có quyền hy vọng vào quyết tâm của Bộ VH – TT – DL lần này sẽ ra tay chấn chỉnh những vấn đề nổi cộm “diễn ra trong nhiều năm nay, ĐBQH kỳ nào cũng hỏi Bộ trưởng, cơ quan Bộ phải thường xuyên trả lời ý kiến” nhưng vẫn chưa làm được.

Những câu hỏi “vĩ mô” như “gần 8000 lễ hội dân gian có là nhiều không? Hay thời gian qua xuất hiện hàng loạt các lễ hội vùng miền, lễ hội du lịch mới khiến dư luận nói lễ hội tổ chức tràn lan? lễ hội vùng miền, lễ hội tỉnh 2 năm/lần có dày không?” đến việc chấn chỉnh những hoạt động rất cụ thể như đốt vàng mã nhiều quá (như Phủ Giày mỗi ban đồng hình nhân thế mạng xếp cao như núi), ban thờ, hòm công đức đặt nhiều quá (chỉ cần có một gốc cây vài nén nhang đặt lên cũng thành hòm công đức), trong khi việc quản lý còn lộn xộn đều được thẳng thắn trao đổi.

Minh oan cho lễ hội làng

Liên quan tới câu hỏi lễ hội có thực sự tràn lan hay không, TS Lê Minh Lý (Cục phó Cục Di sản văn hóa), PGS Nguyễn Văn Huy (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN); PGS Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa)… cùng nhận xét: Phải tách bạch rõ giữa lễ hội dân gian của người dân và những liên hoan mang tính phong trào, những biến tướng lễ hội do sự can thiệp của địa phương… từ đó mới có được kết luận xác đáng, không thể nhập nhèm lẫn lộn được. Lễ hội dân gian do dân làng làm chủ thể thì ở bất cứ quốc gia nào cũng là vốn quý cần được bảo vệ. Các festival, liên hoan văn hóa từ cấp tỉnh, đến cấp vùng, miền… ở đâu và lúc nào cũng hao hao giống nhau thì đúng là làm theo phong trào, phát triển tràn lan, gây lãng phí lớn.

"gần 8000 lễ hội dân gian có là nhiều không? Hay thời gian qua xuất hiện hàng loạt các lễ hội vùng miền, lễ hội du lịch mới khiến dư luận nói lễ hội tổ chức tràn lan? lễ hội vùng miền, lễ hội tỉnh 2 năm/lần có dày không?". Ảnh: VNE

"gần 8000 lễ hội dân gian có là nhiều không? Hay thời gian qua xuất hiện hàng loạt các lễ hội vùng miền, lễ hội du lịch mới khiến dư luận nói lễ hội tổ chức tràn lan? lễ hội vùng miền, lễ hội tỉnh 2 năm/lần có dày không?". Ảnh: VNE

TS Lê Minh Lý dẫn câu chuyện Hồng Kông đang phải cố gắng “vét” những gì còn lại để nâng niu, thế hệ chủ thể không còn thì đào tạo ra chủ thể mới để giữ di sản, hay Quảng Tây (Trung Quốc) đưa hội hát của người Kinh ở Móng Cái vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia của họ… Đây là những ví dụ tốt để cảnh báo chúng ta đừng tư duy kiểu “có quá nhiều lễ hội, nên chăng dẹp bớt?”.

Theo bà Lý, các lễ hội của cộng đồng thì hãy để cộng đồng bảo vệ, lưu giữ một cách tự nhiên, bởi “bảo vệ lễ hội chính là bảo vệ sự đa dạng văn hóa của các vùng miền, các địa phương, các cộng đồng“.

PGS Nguyễn Văn Huy thẳng thắn chỉ ra những lễ hội làng không bị tác động bên ngoài thì vẫn giữ được giá trị, không thể gọi là tràn lan vì nó đã được trải nghiệm và lưu giữ qua nhiều thế kỷ, là nhu cầu thật sự của cộng đồng, nơi lưu giữ bản sắc rất riêng, rất quý.

Ông Huy khẳng định: sự tràn lan nằm ở những festival, những ngày hội văn hóa, những sự kiện… mà chúng ta mới tạo dựng ra, tạo cảm giác “đất nước này suốt ngày chỉ có lễ hội“, và “làm méo mó, mất đi giá trị mà chúng ta đang cần giữ”.

PGS Nguyễn Chí Bền cũng đồng cảm việc lễ hội đang “bị oan” vì bị nhập chung với festival, những sự kiện văn hóa… khiến truyền thông và ĐBQH đánh đồng và đánh giá lễ hội tràn lan.

Ông Biền thẳng thắn đề nghị nên “dịch một cách giản dị, festival thì dịch thẳng là liên hoan” để tránh bị đánh đồng với lễ hội dân gian. Yêu cầu đầu tiên của festival là hiệu quả kinh tế, hiệu quả quảng bá hình ảnh, nên việc lãnh đạo, quan chức có mặt có khi là cần thiết, còn có lãng phí, tràn lan không cũng chỉ nên đánh giá trong phạm vi những liên hoan này.

PGS Huy có phần lo lắng khi đang xuất hiện xu hướng một số địa phương muốn nâng cấp lễ hội dân gian từ cấp thấp lên cấp cao, từ huyện thành tỉnh, khu vực, quốc gia hoàn toàn không phải vì giá trị văn hóa mà chỉ để có thêm kinh phí, như câu chuyện lễ hội Tịch Điền mới phục dựng năm 2009 thì năm 2010 đã thành lễ hội cấp tỉnh và đích thân Chủ tịch nước về tham dự. Ông gọi đó là “căn bệnh” khi đánh giá lễ hội không theo những chuẩn mực văn hóa.

Không đồng tình với quan điểm của  PGS Nguyễn Văn Huy, TS Trần Hữu Sơn – GĐ Sở VH – TT – DL Lào Cai lại cho rằng việc nâng cấp lễ hội lên cấp vùng, cấp quốc gia là xu thế tất yếu, cũng như việc phục dựng lễ hội Tịch Điền là nhu cầu của… cả nước.

Chốt lại, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rất thẳng thắn khẳng định có sự tràn lan trong tổ chức những festival, và Bộ sẽ làm gương: “Bộ sẽ thôi không tổ chức những Ngày văn hóa vùng này vùng khác nữa. Tần suất 2 năm/lần với festival cũng là quá dày, sắp tới sẽ quy định 4 – 5 năm/lần, mong địa phương hết sức thông cảm“. Riêng việc nâng cấp, phục hồi lễ hội, Bộ trưởng hứa sẽ có chỉ đạo cụ thể và hẹn “khi Bộ có ý kiến là các tỉnh phải thực hiện“.

Chính quyền không can thiệp vào lễ hội của dân

Đại diện Sở văn hóa các tỉnh lên phát biểu đều khẳng định lễ hội đã được tổ chức tốt hơn, rồi không thể chỉ đổ lỗi cho sở VH – TT – DL được.

Chuyện lễ khai ấn đền Trần cũng là “điểm nóng” của hội nghị. Tân GĐ Sở VH – TT – DL Nam Định, ông Đỗ Thanh Xuân khẳng định năm vừa rồi lễ hội đền Trần được tổ chức rất tốt, “đã được đánh giá bởi HĐND tỉnh, trong khi vẫn có những bài báo không đúng, vì nhiều PV không trực tiếp đến đó”.

Trước đề xuất của Bộ nên chăng sẽ chỉ có lễ khai ấn mà không phát ấn nữa, ông Xuân cho rằng việc này đã trở thành tục lệ truyền thống, là nhu cầu tất yếu của Đảng bộ nhân dân Nam Định, và hứa sẽ báo cáo ý kiến Bộ trưởng với lãnh đạo tỉnh chứ bản thân ông không đủ thẩm quyền quyết đáp.

Câu chuyện đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho được Cục văn hóa cơ sở đánh giá là quá tràn lan và được Cục trưởng Nguyễn Đạo Toàn đề xuất nên chăng từ năm sau không đốt vàng mã nữa đã bị đại diện Sở VH – TT – DL Bắc Ninh phản ứng theo cách… thừa nhận “so với trước đây đã hạn chế”, và chỉ đưa ra lời hứa “sắp tới tỉnh Bắc Ninh sẽ chỉ đạo để chặt chẽ hơn, có hiệu quả hơn” chứ không đồng ý “bỏ, không đốt vàng mã nữa”.

“Phản pháo” lại khẳng định việc khai ấn chính là thưởng công, ban phát bổng lộc, GS Nguyễn Quang Ngọc (Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội), Tổng chủ biên Địa chí Nam Định, khẳng định ý tưởng này mới chỉ được “nghĩ ra” trong vài chục năm gần đây, “còn cái mới nghĩ ra có hay, chuẩn không thì cứ đánh giá“, ông Ngọc thẳng thắn.

"Không nên để chính trị, tỉnh ủy can thiệp quá sâu vào tổ chức lễ hội mang tính dân gian.. Nói đến lễ hội là nói đến cái gốc lịch sử, chứ không thể sáng tác ra rồi bảo đó là lịch sử thì là nhạo báng lịch sử".

"Không nên để chính trị, tỉnh ủy can thiệp quá sâu vào tổ chức lễ hội mang tính dân gian.. Nói đến lễ hội là nói đến cái gốc lịch sử, chứ không thể sáng tác ra rồi bảo đó là lịch sử thì là nhạo báng lịch sử".

Không nên để chính trị, Tỉnh ủy can thiệp quá sâu vào tổ chức lễ hội mang tính dân gian.. Nói đến lễ hội là nói đến cái gốc lịch sử, chứ không thể sáng tác ra rồi bảo đó là lịch sử thì là nhạo báng lịch sử“, ông Ngọc kết luận.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Anh Tuyến còn “nặng tay” hơn khi thẳng thắn đánh giá việc phát ấn chính là một cách để thu hút khách, để có tiền, và “thương mại hóa lễ hội chính là những việc như thế này“.

Bộ trưởng “dọa” ngành văn hóa

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh rất thẳng thắn và chi tiết khi dành hẳn hơn 30 phút để tổng kết hội nghị.

Theo ông, ngành văn hóa phải chịu trách nhiệm về việc quản lý lễ hội, chứ không thể đổ lỗi cho ai được. Không né tránh ranh giới nhạy cảm giữa tín ngưỡng và mê tín, Bộ trưởng khẳng định: không phải chúng ta có gì thì người âm có cái đó, chúng ta hướng đến cõi thần thánh là hướng đến những người có công với đất nước, còn cầu xin thần thánh để giàu có, để lên chức to rồi sống vô bổ, không lao động, không rèn luyện là chuyện không thể chấp nhận được.

Nếu cứ cầu xin là lên chức to thì cả nước lên chức to hết rồi!“, Bộ trưởng “hài hước”.

Ông gợi ý, các tỉnh tự chọn 1, 2 hay 3 hòm công đức trong một di tích chứ không thể quá nhiều, mọi thứ tiền phải cho hết vào đó, chứ không để tiền giọt dầu vào khay, rồi nhét tiền cả vào tay Phật bà như Bộ trưởng đã trực tiếp chứng kiến.

Bộ sẽ đi kiểm tra và nhắc nhở những nơi chưa thực hiện, đích thân tôi cũng sẽ đi“, Bộ trưởng chính thức lên tiếng “dọa” ngành văn hóa do chính ông đang quản lý.

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-06-16-dat-nuoc-nay-suot-ngay-chi-co-le-hoi-

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.