Ngày 10/8/2018 thông tín viên Stephanie Nebehay của Reuters loan tải bản tin ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho hay đã nhận được nhiều báo cáo khả tín về việc có khoảng 1 triệu người thuộc sắc dân Duy Ngô Nhĩ (Uighur) ở Tân Cương (Xinjiang), hiện đang bị chính quyền Trung Cộng giam cầm vào nhiều nơi giống như trại tập trung khổng lồ bí mật. Nữ luật sư Gay McDougall, ủy viên thuộc Ủy ban Bài trừ nạn Phân biệt Chủng tộc của Liên Hiệp Quốc CERD (Committee on the Elimination of Racial Discrimination) đã nói trong bản thẩm định tình hình của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc OHCHR (Office of the High Commisioner for Human Rights) rằng Trung Cộng đang nhân danh chống lại cái gọi là tôn giáo cực đoan và để duy trì ổn định xã hội, nên đã biến khu tự trị của dân tộc Duy Ngô Nhĩ thành một thứ vùng phi quyền lợi, với ước tính khoảng 1 triệu người đang bị giam giữ trong các trung tâm chống đối cực đoan, bên cạnh hơn 2 triệu người khác bị buộc phải vào các trại cải tạo để được học tập về chính trị và văn hóa Trung Hoa.
Tất cả những người bị giam giữ đều chưa bao giờ bị buộc vào một tội trạng bất kỳ nào trước tòa án, hoặc có được một cơ hội nào để bày tỏ phản đối về tính bất hợp pháp trong hành vi bắt giữ họ.
Đảng cộng sản và chính quyền Trung Cộng tuyên bố Tân Cương đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ chủ chiến Hồi giáo và các phe nhóm chủ trương ly khai (mưu toan phục dựng lại nước cộng hòa Đông Turkestan) nên chỉ cần dựa vào một số biểu hiện phổ thông về tôn giáo của người theo đạo Hồi, như đọc lời chào hằng ngày, sở hữu một vài sản phẩm Halal (hợp tiêu chuẩn đạo Hồi) hay trùm kín đầu cổ bằng một chiếc khăn Hijab, là đủ để quy một người Uighur, trong tổng số 11,5 triệu người Uighur đang sống tại Tân Cương vào một tội hình sự, hay rộng hơn là tội vi phạm an ninh quốc gia có liên quan đến khủng bố.
Từ năm 2014 đến 2017 thêm hàng loạt quy định cấm đoán rất mơ hồ được chính quyền người Hán tại Tân Cương đưa vào áp dụng theo danh sách 25 thái độ khả nghi về tôn giáo và 75 dấu hiệu cực đoan, như bỏ hút thuốc, để râu dài, mua một căn lều không có lý do chính đáng, đến lưu trữ các văn bản tôn giáo trong máy vi tính cá nhân, tiếp xúc với người ngoại quốc, đi học tiếng Ả Rập tại Ai Cập, hay là thân nhân của những gia đình có người bị công an bắt, hoặc giết chết… đều có thể bị bắt và ném vào tù, bởi bọn người thuộc cộng đồng Uighur và những người Hồi giáo khác đều là kẻ thù của nhà nước. Văn bản của chính quyền địa phương đã nói huỵch toẹt công an khu vực phải hoàn thành chỉ tiêu, mỗi gia đình Uighur phải có ít nhất một người vào trại cải tạo, để được… “Giảng dạy như ở trường học, được quản lý như trong quân đội và được canh gác như nhà tù…” theo như huấn thị của bí thư khu ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), vốn là bí thư cộng sản Trung Cộng khét tiếng tại Tây Tạng từ năm 2011 đến 2016.
Trong khi điều kiện sinh hoạt mọi mặt trong các trại cải tạo đều tồi tệ, vô nhân đạo và việc ăn uống chỉ đủ cầm hơi, tù nhân bị buộc phải thú nhận tất cả mọi tội lỗi của mình (?), thường xuyên bị khảo hạch về tiếng Hoa, khảo sát về chính trị và viết các bản tự kiểm bày tỏ lòng trung thành với đảng cộng sản, để trại giam phân loại mức độ nhiễm độc ý thức hệ và đề ra biện pháp tẩy não tương ứng. Ai cải tạo tốt sẽ được đảng khoan hồng và thả cho về nhà. Ai phản kháng sẽ bị trừng phạt từ việc bỏ đói, không cho ngũ, bị biệt giam và bị đánh đập cho đến chết, hoặc chịu đựng không nổi phải tự sát.
Do bị quốc tế cáo giác, bị đả kích liên tục trong nhiều tháng sau giữa năm 2018 trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc cũng như từ nhiều quốc gia Tây phương, ban đầu Bắc Kinh đều phủ nhận tội ác, chối cãi không có trại cải tạo nào ở Tân Cương, nhưng sau khi các hình ảnh vệ tinh Google Earth được công bố, cùng với bằng chứng là các văn bản chính thức của chính quyền địa phương được truy tầm ra trên internet, buộc Trung Cộng phải đổi giọng, gọi đó là những trung tâm dạy nghề cho người Duy Ngô Nhĩ về tiếng Hoa, các môn thể thao và múa, nhằm mục tiêu ngăn ngừa khủng bố trỗi dậy và trong bối cảnh có nhiều vụ tấn công đẫm máu do người Duy Ngô Nhĩ gây ra trong các năm gần đây.
Trung tuần tháng 10/2018, đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Cộng lần đầu tiên cho công chiếu một đoạn phim phóng sự dài 15 phút, mô tả nội tình sinh hoạt bên trong của “trung tâm đào tạo và dạy nghề” tại thành phố Hòa Điền (Hotan) thuộc khu tự trị Tân Cương, mà thực chất chỉ là 1 trong 181 trại cải tạo do Trung Cộng thiết lập khắp nơi tại Tân Cương kể từ năm 2014 theo như điều tra của AFP công bố.
Phóng viên đài CCTV nói rằng việc nhập trại là hoàn toàn tự nguyện, các trại viên được hướng dẫn học cách trang điểm, làm bánh trái, may mặc, chế biến gỗ và hơn thế nữa. Nhà ăn tự phục vụ được trang hoàng bằng bong bóng bay, cờ trang trí và tất cả các phòng ngủ tập thể đều được gắn máy điều hòa không khí. Một viên chức của thành phố phát biểu – gần như nguyên văn với những điều do truyền thông Trung Cộng giới thiệu về loại trại này – là qua trung tâm đào tạo và dạy nghề Hotan, họ đã dạy cho trại viên về tiếng Hoa, học các bộ luật của Trung Cộng và dạy một số nghề nghiệp phổ thông. Trong khi một phụ nữ trẻ đã trả lời phóng viên CCTV rằng “Nếu tôi không học ở đây, thật khó mà tưởng tượng mình sẽ ở đâu. Có lẽ tôi đã theo những kẻ cực đoan tôn giáo nào đó để lao vào cuộc sống tội phạm. Chính phủ và đảng đã tìm thấy tôi kịp thời và đã cứu tôi”.
Thật là hoàn chỉnh và hoàn toàn phù hợp với tuyên bố của thống đốc Tân Cương Shohrat Zakir, được Tân Hoa Xã loan tải hôm 16/10/2018 sau một cuộc phỏng vấn hiếm hoi viên chức cao cấp nhất của Trung Cộng nói về trại cải tạo, rằng ngoài việc mở các lớp đào tạo nghề nghiệp, các trại đều có sân bóng rổ, sân bóng chuyền và tổ chức các cuộc thi nghệ thuật. Shohrat Zakir cho đó là bằng chứng về quản lý và chăm sóc nhân đạo của trung tâm và rộng hơn đó là quan điểm rất đáng tự hào của đảng. Rõ ràng đây là chiến thuật mới của Bắc Kinh khi không thể còn trâng tráo phủ nhận được mọi thứ, phải quay sang thủ đoạn bình thường hóa các trại tập trung thành như các nơi đào tạo nghề miễn phí, có các sinh hoạt giống như một trại hè, thể hiện lòng vị tha của đảng nhằm mục tiêu ngăn chận các vụ giết người bốc đồng, là nơi an ủi mọi người đã bị các hoạt động khủng bố bạo lực làm cho sợ hãi, hơn là các trại tù với những tù nhân bị giam giữ vô thời hạn và không cần phải trải qua bất kỳ một thủ tục pháp lý nào.
Các tội ác và trò hề mà Bắc Kinh đang diễn tuồng trước công luận thế giới trên số phận người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, xem ra cũng không khác gì mấy với những việc được cộng sản Hà Nội thực hiện trên số phận hàng triệu con dân miền nam Việt Nam sau biến cố 30/4/1975, dù khoảng cách thời gian giữa hai sự vụ cách nhau đến hơn 40 năm.
Ngay sau ngày Sài Gòn sụp đổ có hơn 1 triệu người Việt Nam là công dân và là cộng tác viên với chính phủ VNCH ở miền nam Việt Nam phải khăn gói vào tù, được đảng cộng sản Việt Nam khoác cho mỹ danh là đi học tập cải tạo để gột rửa các tội lỗi cũ và bằng trò gạt gẫm lưu manh… “Mở đầu là gọi hạ sĩ quan và binh sĩ đi học ba ngày, cấp giấy cho về làm ăn, không còn ai nghi ngờ gì cả. Việc gọi các chức quyền cấp cao và tướng, tá đi học với chỉ mang theo tiền ăn một tháng, chưa hết thời gian ấy để nghi ngờ, thì có lệnh tiếp mang 10 ngày tiền ăn đối với cấp úy và viên chức trung cấp, lập lờ giữa cái thực và cái giả, cái giả nấp sau cái thực, để giả được toàn vẹn…” (Tạ Chí Đại Trường, Một khoảnh khắc Việt Nam Cộng hòa nối dài, 1993) , khiến trong số đó đã có khoảng 300.000 người bị giam giữ lao động khổ sai không tuyên án từ 3 tới 17 năm, trong hơn 500 trại giam khắp miền nam ra miền bắc Việt Nam, với tội danh chính là cấp bậc và chức vụ cũ của họ và lời khuyến cáo của ban quản trại giam là phải tích cực rèn luyện cải tạo bản thân. Ai cải tạo tốt, sẽ được cách mạng khoan hồng tha ra khỏi trại để xây dựng cuộc đời mới.
Đây cũng là điều cho Hà Nội rêu rao hầu hết “ngụy quân”, “ngụy quyền” Sài Gòn đều đã tự nguyện đi học tập cải tạo trong những trại phục hồi của cách mạng (?), nơi thể hiện nghiêm túc quan niệm nhân quyền của chính phủ Việt Nam, thông qua hoạt động giúp đỡ những người từng lầm lỡ phạm vào các tội ác tày trời, có được một cơ hội trở lại làm người, lấy lại được quyền con người và tham gia hội nhập vào đời sống xã hội với mọi người như Phạm Văn Đồng mạnh mẽ khẳng định vào tháng 4/1977 tại Pháp. Chủ trương này không đi ngược lại chính sách hòa hợp hòa giải, không vi phạm nhân quyền mà hoàn toàn là giải pháp cần thiết để bảo vệ hòa bình và bảo vệ nhân quyền cho mọi người, như ban tư tưởng văn hóa trung ương đảng cộng sản Việt Nam biện bạch trong tháng 2/1991.
Tù nhân VNCH bị giam giữ trong các trại tù mệnh danh trại giáo dục, kết hợp sản xuất kinh tế, đặt dưới sự kiểm soát tuyệt đối của các cai tù luôn tiếm danh là quản giáo, như trại Đầm Đùn – một hiểm địa trong số các trại giam cộng sản có người tù vào, không có người ra, được gọi là trại sản xuất và tiết kiệm Đầm Đùn, hay trại A.30 Thạch Thành ở Phú Yên – một trong những trại kiên giam hắc ám của bộ công an tại miền trung, được gọi là trường dạy nghề Thạch Thành 100% tự túc, hoặc trại Cây Cầy tại Tây Ninh thì hiền lành hơn với tên gọi là trường quản huấn khu A và khu B.
Tù nhân VNCH trong suốt thời gian thọ án phải trải qua một môi trường sinh sống hết sức tồi tệ. Ban ngày phải lao động nặng nhọc, vất vả, bị áp đặt khối lượng phải hoàn tất rất cao về mọi loại công việc hoàn toàn thủ công. Ban đêm bị giam nhốt trong những căn phòng khóa trái bên ngoài rất tù túng, dơ bẩn, nóng bức, mỗi người chỉ có một diện tích ngủ, nghỉ bằng 0,5 m x 2 m. Ăn uống không những thiếu hụt số lượng trầm trọng, còn gần như không có chút gì phẩm chất dinh dưỡng, hầu như quanh năm chỉ có 0,4 đến 0,5 kg khoai, sắn, bobo và nước muối cho một người tù mỗi ngày, chỉ cung cấp được khoảng 800 calories, nên nạn đói, suy kiệt thể chất và bệnh tật không có thuốc để chữa trị phát triển tràn lan, khiến tỷ lệ tù bị thiệt mạng lên tới 12 – 15% mỗi năm do đủ mọi nguyên nhân và trong tất cả các trại giam trên toàn quốc.
Trong tù, người tù quân, cán, chính VNCH còn là một đối vật thí nghiệm tốt nhất cho Hà Nội ứng dụng phương pháp tẩy não kiểu Ivan P. Pavlov, tiệm tiến hủy hoại dần phần tinh túy của nghị lực, nhân phẩm, nhân tính, lương tri, liêm sĩ và lòng tự trọng ở mỗi một con người, nhằm làm thay đổi bản chất, nhận thức cũ của tù nhân. Để tẩy não, các bài học chính trị dù sáo mòn và đôi khi có cả ngây ngô, cứ được rao giảng lui tới, kết hợp với lối lập luận phủ đầu tù nhân VNCH là những thành phần đã gây ra nhiều nợ máu với nhân dân (?!), dù khiên cưỡng, gượng ép, nhưng vẫn được mọi cán bộ trại giam lặp đi, lặp lại nhiều lần và buộc mọi người phải chấp nhận. Tù nhân phải tự phán xét mình, phải nghe các bạn đồng tù phê bình, quy kết tội lỗi của bản thân mình trong các buổi hội họp đấu tố triền miên hàng đêm, cuối cùng sức cùng lực kiệt họ phải cáo buộc nhau, phải tự buộc mình là người có tội và về lâu dài đây chính là phương pháp gieo vào đầu óc người tù mầm mống tiềm tàng những ý thức vô thức.
Do những oan khiên ràng buộc từ quá khứ chiến tranh và tâm thế tàn ác của cán bộ coi tù cộng sản, mức độ an toàn sinh mạng của người tù VNCH trong trại giam cũng rất mong manh, dễ bị thủ tiêu để trả thù. Chỉ cần quan điểm bất kỳ người tù nào, có vẻ chưa đồng thuận với yêu cầu chính trị của ban quản trại, dù chỉ đồng thuận hình thức, chỉ như một lớp vỏ bọc giả tạo bên ngoài, nhằm mưu lấy sự yên thân, thì thông thường và trong nhiều trường hợp những thái độ cang cường đó của người tù, đều bị ban quản trại đánh giá không phải là hiện tượng, mà đã là thuộc về bản chất phản động, khắc kỵ tuyệt đối với chủ trương học tập cải tạo nên luôn đàn áp, dập tắt rất tàn bạo và nặng nề. Có rất nhiều tù nhân bị vệ binh, hay công an võ trang đánh đập rất tàn bạo, bị bắn gục ở rất nhiều trại giam khi người tù tìm cách trốn trại, vượt trại. Những trường hợp tù nhân bị bắn khi đang vượt rào, bị bắn sau lưng khi chạy trốn, bị bắn khi bị bắt lại, bị bắn trọng thương rồi bỏ mặc cho đến chết, hay đưa ra xét xử trong những phiên tòa chiếu lệ, với bản án chung thẩm là tử hình và thi hành tại chỗ, cũng không phải là chuyện hiếm thấy.
Các đối sách trò hề đối phó với công luận người dân trong nước và nhằm che mắt quan sát của cộng đồng quốc tế của Bắc Kinh hiện nay và của Hà Nội trong mấy chục năm về trước, cũng chỉ là hai giọt nước song sinh.
Khi người dân miền nam đã mòn mỏi chờ đợi và khởi sự thắc mắc về thời gian đi học tập cải tạo của người thân, báo chí đảng cộng sản đã đăng tải các bài viết bóp méo sự thật để giải độc dư luận. Bài viết của Việt Cộng nằm vùng Phan Xuân Huy khoác lác và láo lếu cho rằng người đi tập trung cải tạo được ăn thịt gà quay, nghỉ mát, kèm theo tấm hình chụp một số tù nhân đang chơi voley trong sân trại giam. Luận điệu tuyên truyền trơ trẻn này cũng đã được Hoàng Tùng, tức Trần Khánh Thọ, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân và đương chức chánh văn phòng trung ương đảng cộng sản Việt Nam lập lại, khi sống sượng tuyên bố trước phái đoàn của Hội Ân xá quốc tế (Amnesty International) các trại viên đang tập trung cải tạo, vẫn hoàn toàn có một cuộc sống thong thả, thoải mái, như đang tham gia sinh hoạt tập thể trong một kỳ nghỉ vacation.
Từ sau năm 1980, trước nhiều áp lực quốc tế đòi hỏi đảng cộng sản Việt Nam phải bạch hóa chủ trương tập trung cải tạo đối với số cựu cộng tác viên của chính phủ VNCH, Hà Nội buộc phải chọn lọc và dần chấp nhận cho vài phái đoàn quốc tế được thăm viếng, cũng như đến quan sát trực tiếp một số trại giam điển hình để giải độc dư luận thế giới.
Các thành phần tù nhân ốm đói, bệnh tật, què quặt, bị tập trung đem đi giấu nơi hóc núi, xó rừng, để vừa che đậy hiện trạng thiểu não, tàn tạ lộ ra ngoài của tập thể tù, qua đó cũng vừa hạ thấp được nhân số tù đang giam giữ tại trại. Phái đoàn quan sát chỉ được dẫn vào các khu lán trại đã được chuẩn bị, dọn dẹp rất tươm tất từ truớc, nhằm trình diễn điều kiện sinh hoạt đời sống mà cách mạng đã và đang giành cho hạng người có tội với chế độ, theo kiểu dù có ở trong trại cải tạo, nhưng mọi điều vẫn tốt đẹp.
Một buồng giam tù 80 – 100 người, được gói ghém lại thành 30 – 40 chổ ngủ, đại diện bởi những chiếc chiếu trải rộng rãi, thênh thang. Có một số tù nhân nhờ được thân nhân thăm nuôi đầy đủ, nên tương đối còn khá khỏe mạnh, được ban quản trại giữ lại đóng vai cầu thủ hai đội bóng tròn đang mải mê chơi trong vui vẻ, hay các học viên đang chăm chỉ dự lớp học lịch sử trên hội trường trại giam. Đến giờ ăn, tất cả mới đi tắm rửa và ngồi vào bàn ăn dọn sẵn, có đầy đủ thịt cá, cơm nóng canh sốt theo như tờ thực đơn dán ở cửa, mà trong suốt chặng đời tù đằng đẵng họ chưa bao giờ được hưởng.
Trở lại với câu chuyện Tân Cương, dù Shohrat Zakir đã cố hết sức tránh sử dụng từ giáo dục – một thuật ngữ đã được biến hóa khi đảng cộng sản Trung Hoa chủ trương kết hợp giáo dục tẩy não với lao động khổ sai bất kỳ ai có “vấn đề” với chế độ trong các trung tâm Lao Cải (Laojiao) từ những năm 1950, nhưng đến năm 2018 thì các khu trại dành riêng cho người Uighur tại Tân Cương, vẫn chỉ là thứ Lao Cải trá hình không hơn, không kém.
Đối với Hà Nội việc học hỏi đàn anh đi trước luôn được coi là nguyên tắc trước sau như một. Năm 1961 nhà nước miền bắc Việt Nam ban hành nghị quyết 49/NQ/TVQH và thông tư 121/CP để thể chế hóa việc chế tài 4 thành phần dân chúng đang sinh sống tại miền bắc, gồm cộng tác viên với chính phủ quốc gia Việt Nam, các đảng viên các tổ chức đảng phái ngoài đảng cộng sản, các phần tử ngoan cố thuộc giai cấp bóc lột và những kẻ chống phá cách mạng (?) bằng biện pháp tập trung lao động cải tạo tại các trại giáo dục cải tạo do bộ công an phụ trách, đến năm 1975 mở rộng hiệu lực ra toàn cõi Việt Nam với thành phần nạn nhân nhắm đến là các “ngụy quân”, “ngụy quyền” trong chính phủ miền nam Việt Nam thua cuộc.
Do đó dù đã cách nhau hơn 40 năm. Dù trên nguyên tắc hoàn toàn là hai tổ chức nhà nước tách biệt, nhưng cách hành xử và lời ăn tiếng nói của giới quan chức cộng sản ở Bắc Kinh, hay tại Hà Nội đều rập khuôn y đúc như nhau tuy có phần kỳ lạ, nhưng cũng không phải là điều khó hiểu.
11/2018
_____________________________
Chú thích:
Stephanie Nebehay, UN says it has credible reports that China holds million Uighurs in secret camp, 10/8/2018.
UN/OHCRH, Committee on the Elimination of Racial Discrimination reviews the report of China, 13/8/2018.
Lily Kuo, From denial to pride: How China changed its language on Xinjiang’s camps, The Guardian, 21/10/2018.
Nguyễn Hoàng Dân, Sơ khảo Án tù tập trung cải tạo tại Việt Nam 1975 – 1992, 2016.
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2018/11/tan-cuong-82018-nam-viet-nam-41975.html