‘Mắt thấy tai nghe’ từ Vĩnh Tân

Luật sư Phùng Thanh Sơn

“Một khi người dân đã mất niềm tin vào chính quyền thì biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất đối với họ không gì khác là biểu tình và bạo loạn lật đổ. Theo tôi, đứng ở góc độ đấu tranh sinh tồn thì việc người dân biểu tình và bạo loạn lật đổ trong tình huống này là một quy luật tất yếu.

“Vì vậy, theo tôi, mối đe doạ đối với sự tồn vong của chế độ không phải là các thế lực thù địch, hay cái gọi là "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của các đảng viên mà là từ vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm từ nhiệt điện là một "ngòi nổ" gần như không thể dập tắt, trừ khi nhà nước đóng cửa các nhà máy nhiệt điện hoặc có giải pháp và cơ chế để có thể xử lý toàn bộ tro xỉ phát sinh một cách an toàn.

“Nếu nhà nước chỉ chăm chăm phát triển nhiệt điện theo đúng "quy hoạch" đến năm 2030 mà không có phương án xử lý tro xỉ một cách hiệu quả, không khéo chính những núi tro xỉ sẽ "chôn vùi" cả chế độ” – LS P.T.S.

Hơi lạ là LS P.T.S. chỉ nhìn ở một góc hẹp – sự thật của một nhà máy nhiệt điện – mà nhìn ra một viễn cảnh ghê gớm. Nhưng có thể nói, không một phương diện nào của đời sống xã hội Việt Nam hôm nay mà người trí thức tỉnh táo không lường thấy hiểm họa chung của cả chế độ đang trên bờ vực sụp đổ. Nào đất đai khắp mọi vùng miền từ Bắc chí Nam bị cưỡng chế hết vụ này vụ khác khiến hàng chục triệu dân đen nhà tan cửa nát, mà muốn kêu cũng không còn biết kêu ai, vì “Cướp nay có Đảng có Đoàn hẳn hoi” và “Quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày” (Nguyễn Duy); nếu người dân thật thà cứ liều lên tiếng kêu cứu thì, như biết bao nhiêu vụ đã xẩy ra, biết đâu họ lại bị lôi vào đồn công an, để rồi ngày hôm sau liền được báo tin… không may đã “tự treo cổ” hoặc “bị đột quỵ” bất thường trong đồn. Rừng phòng hộ và bãi biển đẹp… hầu như không còn nơi nào là không thuộc quyền sở hữu của bọn chủ trong nước và nước ngoài, muốn vào rừng hay xuống biển đều… Cấm chỉ! Trong khi một anh thợ điện được bà con tặng 100 đô la đem đi đổi bị phạt 90 triệu đồng thì khắp mọi xó xỉnh, ai muốn tiêu đồng nguyên của Tàu cứ tha hồ, ở đâu cũng đều thoải mái đổi được ngay, kể cả nơi rất xa biên giới như Nha Trang.

Vậy mà trớ trêu là nguồn tài chính để duy trì chế độ thì lại đang cạn đến đáy, đến mức phải giở đến trò của các Cậu Trời hồi cuối thế kỷ XVIII là cho công an phục kích để tịch thu một cách trắng trợn cả những cửa hàng kinh doanh tiền bạc của tư nhân.

Thế là thế nào? Cái đất nước này còn có thể gọi là thanh bình nữa hay không đây?

Giữa một tình cảnh như thế, ông Tổng Trọng lên ngôi Chủ tịch nước với tâm trạng đầy ám ảnh “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” quả ít nhiều không phải không có lý. Cái “khuôn xanh” đúc nên ông làm thế nào mà “vuông tròn” cho được khi mà thử nghĩ xem, có phải chính nó là nguyên nhân căn cốt nhất đưa đến mọi khổ nạn “tiếng oan dậy đất” cho người dân Việt chúng ta hay không? Hậu vận thế nào có lẽ chưa ai nói trước. Chúng tôi cũng vậy. Đành chỉ cầu mong ông vạn sự an lành.

Bauxite Việt Nam

>

Vĩnh Tân

ẢnhI: NFONET – Báo InfoNet hồi tháng 7/2018 nói Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai “kiến nghị xử lý tồn tại phức tạp ở Nhiệt điện Vĩnh Tân”

Hệ lụy mà nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra cho người dân nơi đây đã được báo chí, mạng xã hội phản ánh gần như đầy đủ nên tôi không đi sâu về tác hại và sự thống khổ của người dân nơi đây. Cái mà tôi quan tâm là tình trạng ô nhiễm tro xỉ ở đây có thể chấm dứt được không và khi nào?

Theo thiết kế, khi các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động thì mỗi năm phát sinh đến 4 triệu tấn xỉ. Nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch, đến năm 2020, lượng tro, xỉ do các nhà máy nhiệt điện than thải ra là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 lên tới 422 triệu tấn.

Trong khi quỹ đất quốc gia dành để chứa tro xỉ thì hạn chế. Đứng ở góc độ môi trường, bãi tro xỉ càng cao thì nguy cơ về môi trường càng lớn. Khi gió thổi mạnh hoặc do vô ý hay chủ ý, bãi xỉ bị vỡ, nổ tung thì tro xỉ bay càng xa. Đặc biệt là các nhà máy nhiệt hầu hết là do Trung Quốc đầu tư và quản lý.

Nếu giữa Việt Nam và Trung Quốc có xảy ra xung đột, lợi dụng lúc gió mạnh họ đồng loạt cho nổ các bãi xỉ trên cả nước thì hậu quả do bụi xỉ gây ra cho người dân sẽ rất khủng khiếp. Lúc đó, cả hệ thống chính trị buộc phải lo khắc phục thảm hoạ về môi trường thì nguồn lực dành để chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia sẽ bị giảm đi. Do đó, giải pháp tăng chiều cao tường bao các bãi xỉ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về môi trường và an ninh quốc phòng.

‘Vượt khỏi tầm tay’

Theo quan sát của tôi, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm và cũng đã nỗ lực hết sức để giảm thiểu ô nhiễm cho người dân, nhưng theo tôi vấn đề này nó thực sự vượt khỏi tầm tay của chính quyền địa phương lẫn trung ương.

Hiện tại, xỉ than được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung… Đầu ra của những sản phẩm này cũng rất hạn chế. Ngay cả, đầu ra những sản phẩm này có tốt đi chăng nữa thì với quy mô thị trường tiêu thụ của Việt Nam hiện nay cũng không thể xử lý được hết khối lượng xỉ than phát sinh hàng ngày của các nhà máy nhiệt điện.

Hiện nay xỉ than ở Vĩnh Tân chất thành núi, và đang quá tải. Chỉ cần một cơn gió lớn thổi qua cũng đủ làm xáo trộn đời sống người dân nơi đây ngay tức thì. Người dân cho biết, chính quyền địa phương ở đây rất sợ gió. Bởi mỗi khi có gió lớn là tro xỉ bay tung toé, người dân live stream là ảnh hưởng ngay đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, an ninh huyện phải nháo nhào lên.

Vĩnh Tân

Ảnh: GETTY IMAGES – Hình chụp tại Bình Thuận tối 10/6/2018

Than là nguồn nguyên liệu hoá thạch. Khi đốt, nó sẽ thải ra nhiều khí độc, kim loại nặng như: sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2) các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ… những chất này ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư…

Cứ mỗi bốn tấn than được đốt lại sản sinh ra một tấn tro bay. Các nghiên cứu ước tính một tấn tro bay có thể bay trong trên phạm vi 150.000km2. Tro bay có thể bay với tốc độ 40-50km nếu thuận chiều gió. Sau lắng xuống, nó sẽ gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng cũng như các bệnh ở cây trồng, động vật và cả con người.

Đối với ô nhiễm nguồn nước, người dân đôi khi không thể nhận ra bằng mắt thường mà phải qua kiểm nghiệm, qua vị giác, xúc giác. Hình ảnh không thể lột tả được hết mức độ ô nhiễm. Để bưng bít mức độ và quy mô ô nhiễm, chính quyền sẽ không công bố hoặc công bố không đúng sự thật về các chỉ số ô nhiễm. Tuy nhiên, đối với ô nhiễm do tro xỉ nhiệt điện gây ra thì chính quyền không thể bưng bít được.

Với các cột khói bụi cao hàng trăm mét, xỉ than bay mịt mù thì chính quyền không tài nào có thể che mắt dân chúng. Chính quyền không thể nói nhà máy nhiệt điện không gây ô nhiễm được và buộc phải thừa nhận. Một khi đã thừa nhận thì không thể dung túng cho hành vi gây ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, như đã nói trên, hiện nay chính quyền gần như đang bất lực trước các núi tro xỉ.

Chiều cao của các núi tro xỉ này đang tỷ lệ thuận với bức xúc của người dân. Nếu chính quyền cứ tiếp tục để các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm thì người dân sẽ đặt câu hỏi là chính quyền này, chế độ này đang bảo vệ cái gì? Bảo vệ người dân Việt Nam hay bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Trung Quốc?

Vĩnh Tân

Ảnh: GENCO3.COM – Tạp chí Năng lượng Việt Nam nói Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 “tuân thủ nghiêm ngặt công tác bảo vệ môi trường”

Con người muốn sống được thì cần phải hít thở không khí. Không khí đầy tro xỉ thì không thể nào sống được. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác thì chắc chắn người dân Vĩnh Tân không thể nào ngồi yên chờ chết. Họ buộc phải có hành động để ngăn chặn việc đó.

Một khi người dân đã mất niềm tin vào chính quyền thì biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất đối với họ không gì khác là biểu tình và bạo loạn lật đổ. Theo tôi, đứng ở góc độ đấu tranh sinh tồn thì việc người dân biểu tình và bạo loạn lật đổ trong tình huống này là một quy luật tất yếu.

Vì vậy, theo tôi, mối đe doạ đối với sự tồn vong của chế độ không phải là các thế lực thù địch, hay cái gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các đảng viên mà là từ vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm từ nhiệt điện là một “ngòi nổ” gần như không thể dập tắt, trừ khi nhà nước đóng cửa các nhà máy nhiệt điện hoặc có giải pháp và cơ chế để có thể xử lý toàn bộ tro xỉ phát sinh một cách an toàn.

Nếu nhà nước chỉ chăm chăm phát triển nhiệt điện theo đúng “quy hoạch” đến năm 2030 mà không có phương án xử lý tro xỉ một cách hiệu quả, không khéo chính những núi tro xỉ sẽ “chôn vùi” cả chế độ.

P.T.S.

Ý kiến của BBC tiếng Việt: Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45966019

This entry was posted in nhiệt điện ô nhiễm. Bookmark the permalink.