Fuzukawa và Nguyễn Trường Tộ – cải tổ từ dưới hay từ trên?

Phạm Quang Tuấn

Xin đưa lại dưới đây những lời đánh giá của GS Cao Xuân Huy về Nguyễn Trường Tộ vào năm 1960 để soi tỏ nhận định của GS Phạm Quang Tuấn – Nguyễn Huệ Chi:

“Trên tất cả những phương diện mà chúng ta đã khảo sát, Nguyễn Trường Tộ đều hiện ra như một người có tầm mắt sáng suốt, một người thiết kế một công trình tổng thể, bao quát, nhưng cũng rất tỷ mỷ, thấu đáo về công cuộc canh tân của xã hội Việt Nam trong thời đại ông. Có thể nói ông là một Kiến trúc sư thiên tài, biết dùng mọi vật kiện cũ kỹ sẵn có, trong điều kiện hạn hẹp của dân tộc mình để xây dựng một ngôi nhà lý tưởng cho tương lai, thích nghi được xu thế đổi thay của lịch sử đất nước và nhân loại. Phải rất giàu nghị lực và niềm tin vào tiền đồ của dân tộc mới bền bỉ hoạch định một chương trình đồ sộ được như vậy.

Nhưng chương trình của Nguyễn Trường Tộ không phải là ảo tưởng. Xem xét các kế hoạch chi tiết của ông, ở mục nào cũng thấy những đề nghị cụ thể khả thi, đặc biệt là những kiến giải sâu sắc, hàm chứa những tư tưởng sáng suốt, nhìn xa trông rộng, và có thể nói đến nay vẫn chưa hề lạc hậu, thậm chí nhiều điều vẫn còn làm ta ngạc nhiên, ngỡ ngàng, vì sự mới mẻ táo bạo của chúng. Phải có một cái học uyên súc và một trí tuệ hơn người mới có được những kiến giải siêu việt, rộng rãi như thế. So với các nhà tư tưởng đã thiết kế nên công cuộc duy tân của Nhật Bản, thiết tưởng Nguyễn Trường Tộ không hổ thẹn là người lạc hậu hơn họ.

Điều làm ta có thể thắc mắc là vì sao một người có đầu óc cấp tiến như ông mà về thể chế chính trị, ông vẫn tán thành chế độ quân chủ? Có lẽ ở đây Nguyễn Trường Tộ vẫn không thoát khỏi cách nhìn “tam cương lĩnh”, “bát điều mục”… vốn đã là những cặp kính gắn quá chặt vào mắt tầng lớp Nho sĩ ngay từ trong bụng mẹ rồi. Nhưng ta cũng có thể nghĩ ngược lại rằng, Nguyễn Trường Tộ trước sau vẫn là một nhà khoa học thực hành. Tư tưởng của ông bao giờ cũng hướng tới thực nghiệm, thực thi những điều sở học, nghĩa là luôn luôn tính toán thiết thực các điều kiện cần và đủ cho nó. Vì thế, rất có thể ông biết thể chế quân chủ đã là lạc hậu, nhưng ông lại cũng biết điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ và còn rất lâu nữa, khó lòng đánh đổ thể chế ấy. Thế thì điều thiết thực nhất là hãy dựa vào nó để canh tân đất nước. Nếu đất nước canh tân được theo hướng ông đã vạch, thì dầu là chế độ quân chủ đi nữa cũng chẳng thể nào cản trở được các bước tiến của dân chủ, của văn minh (như thể chế quân chủ của Nhật Bản mà ta thấy hôm nay) […].

Tiếc thay, một tư tưởng siêu việt lại không có một chỗ dựa vững chắc trong lòng dân tộc thủa ấy, mà trước hết là sự thức tỉnh của tầng lớp trí thức. Chắc chắn nguy cơ xâm lược của giặc Pháp xáp tới gần đã làm cho việc thức nhận vấn đề canh tân bị mờ đi trong tâm lý toàn xã hội. Nhưng sự mê ngủ của một lực lượng được gọi là “ tiên tri tiên giác” bao giờ cũng là nhân tố hàng đầu của mọi bi kịch lịch sử”.

GS Cao Xuân Huy

Chủ thuyết canh tân của Nguyễn Trường Tộ – 1960

Nhiều người, viện dẫn Phan Châu Trinh, quan niệm rằng nhu cầu của đất nước hiện nay không phải là cải cách chính trị mà là “khai dân trí”. Họ lấy một trí thức Nhật TK 19 làm gương mẫu: Fukuzawa Yukichi (chữ Hán viết là Phúc Trạch Dụ Cát).

Fukuzawa (1835-1901) năm 21 tuổi học về Âu châu qua sách vở Hà Lan, rồi chuyển qua học tiếng Anh. Năm 1859 ông đi theo Sứ đoàn chính phủ đầu tiên của Nhật qua Mỹ và năm 1862 theo một Sứ đoàn khác qua Âu châu. Về nước, ông bắt đầu viết và dịch sách truyền bá văn minh Tây phương và sáng lập Trường Đại hoc Keio, đại học đầu tiên của Nhật. Ở Việt Nam ông được biết nhiều qua bài “Thoát Á luận” và nhiều tác phẩm khác của ông cũng đã được dịch sang tiếng Việt.

Hầu như đồng thời với Fukuzawa là Nguyễn Trường Tộ (1830–1871). Đã có người so sánh hai ông và cho rằng Fukuzawa sáng suốt hơn, đã tập trung vào việc giáo dục dân chúng nên thành công trong việc đóng góp cho việc biến nước Nhật canh tân thành cường quốc. Còn Nguyễn Trường Tộ thất bại vì ông chỉ cố gắng thuyết phục Triều đình Việt Nam qua những bài sớ. Họ kết luận rằng “cải tổ từ dưới” như Fukuzawa thì thành công, “cải tổ từ trên” như Nguyễn Trường Tộ thì thất bại. Vậy chỉ cần các trí thức dạy học, viết và dịch sách là Việt Nam sẽ dân chủ, tiến bộ. Quan điểm ấy rất lọt tai nhà nước nên được đăng lên báo trong nước (http://tiasang.com.vn/-dien-dan/tu-fukuzawa-yukichi-nhin-ve-nguyen-truong-to-3232).

Theo tôi, so sánh như vậy là một sự bất công lớn, tới mực hỗn láo, đối với một nhà trí thức lớn của Việt Nam. Nhìn vào hoàn cảnh lịch sử ta thấy sự thực khác hẳn. Ở Nhật, Fukuzawa bắt đầu sự nghiệp viết lách, giáo dục ngay vào lúc mà Chính phủ Nhật đang quyết tâm gấp rút canh tân đất nước, học hỏi từ phương Tây. Năm 1853, một hạm đội Mỹ chỉ huy bởi Đô đốc Mỹ Matthew Perry đã tới vịnh Tokyo bắn súng dương oai khiến giới lãnh đạo Nhật hoảng sợ và quyết định phải canh tân đất nước để tránh diệt vong. Họ lật đổ chế độ Shogun đã kéo dài mấy thế kỷ. Năm 1868, Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi và công bố “Ngũ Cá Điều Ngự Thệ Văn”, gồm năm điều tuyên thệ trong đó điều thứ năm là “đi tìm kiến thức từ khắp thế giới để cho đế quốc được vững mạnh hơn”. Quí tộc bị tước hết đất đai và samurai trở thành thường dân. Từ 1868 tới 1890 Chính phủ Nhật mời 3000 thầy giáo và chuyên viên Tây phương tới giúp.

Chỉ trong hai thập niên Nhật Bản thay đổi mọi mặt về kinh tế, xã hội, quân sự, theo mô hình Tây phương. Như vậy, khi Fukuyama xuất bản cuốn sách đầu tiên (1966) (trừ một cuốn từ điển trước đó) Nhật Bản đang trên đà Âu hóa quyết liệt. Fukuzawa không phải thuyết phục nhà cầm quyền nào cả.

Trong khi đó, chế độ chính trị ở Việt Nam không hề thay đổi. Vua Gia Long (1802-1820) có phần nào cởi mở với Tây phương vì đã được người Pháp giúp đỡ, nhưng sau khi ông mất thì các vua sau càng ngày càng bài Tây và theo Tàu mạnh hơn về mọi mặt chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế. Trong khi ở Nhật triều đình Minh Trị cải cách mạnh mẽ thì ở VN vua Tự Đức (1847-1883) hoàn toàn thụ động và bất lực, không chống nổi Pháp nhưng vẫn bám víu vào văn hóa Tàu. Những sớ xin cải cách của Nguyễn Trường Tộ tới Triều đình đều bị các quan gạt đi.

Thử hỏi trong tình trạng đó, nếu Nguyễn Trường Tộ chỉ viết sách, dạy học như Fukuzawa thì làm được gì? Perry còn đang hăm dọa đòi Nhật mở cửa thì Pháp đã tấn công Nam Kỳ. Chỉ vài năm nữa là Việt Nam rơi vào tay Pháp và Âu học sẽ do chính người Pháp dạy.

Trong tình trạng khẩn cấp đó, Nguyễn Trường Tộ đã rất sáng suốt khi thấy rằng việc đầu tiên và gấp rút để tránh nguy cơ mất nước là phải thuyết phục Triều đình cải cách theo Tây phương. Chuyện giáo dục dân chúng đối với VN lúc ấy là nhu cầu dài hạn, không phải ưu tiên.

Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ không phải là vì ông thua kém Fukuzawa, mà chỉ vì ông kém may mắn, không gặp những lãnh đạo sáng suốt, đồng chí hướng. Trường hợp Fukuzawa có thể coi là “thời thế tạo anh hùng”. Những hoạt động của ông hoàn toàn phù hợp với ý hướng của Chính phủ Nhật đương thời. Nếu triều đình Nhật cũng như Tự Đức thì số phận Fukuzawa cũng chẳng hơn gì Nguyễn Trường Tộ.

Dĩ nhiên, khai dân trí vẫn là cần thiết, dù là thể chế tốt hay xấu, độc tài hay quân chủ. Nhưng dân trí không phải là rào cản chính của đất nước.

Nhìn vụ GS Chu Hảo bị kiểm điểm vì “suy thoái, tự diễn biến” qua việc truyền bá những tư tưởng Tây phương, ta thấy Việt Nam ngày nay vẫn trong tình trạng tương tự như trong thế kỷ 19. Những cố gắng của trí thức bị chặn đứng bởi sự ù lì của lãnh đạo. Rào cản chính cho sự tiến triển của quốc gia vẫn là sự sai lầm và thủ cựu của nhà cầm quyền. Đừng đổ lỗi cho văn hóa, lịch sử, dân trí.

P.Q.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đổi mới. Bookmark the permalink.