Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là ‘nguyện vọng của nhân dân’?

Thường Sơn

Chẳng khác mấy không khí lobby ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, một dàn đồng ca của các cựu thần và cả trí thức ‘phản biện trung thành’ đã được dàn dựng để tụng ca ‘đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm chủ tịch nước là hợp lòng dân’ và ‘hợp với nguyện vọng của cử tri và nhân dân’…

Những cựu thần được xem là gần gũi với Tổng bí thư Trọng đã được đưa lên hệ thống truyền thông PR nhà nước như Vũ Mão – cựu Chánh Văn phòng Quốc hội, Nguyễn Đình Hương – cựu Phó Ban Bảo vệ chính trị nội bộ…

Thế nhưng khi các vị này nói về chuyện ‘hợp lòng dân’ và ‘theo nguyện vọng của nhân dân’, đã chẳng có bất kỳ một cơ sở khoa học nào được trích dẫn cho những kết luận đó. Không có bất kỳ số liệu thăm dò ý kiến nào từ cử tri, càng không có cuộc thăm dò ý kiến nào đối với người dân. Nhà cầm quyền cũng không chấp nhận bất kỳ cuộc thăm dò độc lập nào.

Cơ sở khoa học và khách quan nhất cho tới nay là đã không có bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý nào đối với nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia, trong đó có chức danh Chủ tịch nước.

clip_image002

   Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là ‘nguyện vọng của nhân dân’?

Một khi bất chấp cơ sở khoa học và tính khách quan trong phát ngôn, những kết luận của giới cựu thần chế độ lại vi phạm nặng nề vào nguyên tắc đạo đức phát ngôn: không thể khác hơn, đó là thói dối trá lâu năm hằn trong não trạng và hành vi. Không thể khác hơn, đó là thói vô liêm sỉ, sẵn sàng mang nhân dân ra phục vụ cho những ý đồ và âm mưu chính trị cá nhân về tham vọng quyền lực.

Trong khi đó, nhiều người vẫn nhớ như in một lời răn dạy của chính Nguyễn Phú Trọng vào tháng Chín năm 2013 khi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khi trả lời vấn đề được cử tri Nông Quang Lộc nêu ra là nên ghi vào Hiến pháp “Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch nước làm chủ tịch Hội đồng Hiến pháp”: “Cơ chế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đã có nhiều ý kiến nêu ra từ mấy nhiệm kỳ rồi. Trung Quốc và Lào cũng có cơ chế như vậy. Ở nước ta, vấn đề này do Đảng phân công, còn Chủ tịch nước thiết chế bộ máy nhà nước không phải cá nhân con người cụ thể. Tùy từng giai đoạn có thể kiêm hay không kiêm là do trung ương phân công Tổng bí thư sang làm Chủ tịch nước, đó là việc nội bộ không nên ghi “cứng” vào Hiến pháp. Cũng phải nói thật, đề phòng trường hợp quyền lực quá tập trung vào một người, xảy ra cái gì nếu tốt là phúc cho dân tộc, nhưng chẳng may nếu tính toán không kỹ thì để lại hậu quả. Bây giờ Chủ tịch nước lại là chủ tịch Hội đồng Hiến pháp nữa thì quyền to quá. Ta là cơ chế lãnh đạo tập thể. Bác Hồ nói rồi, nguyên tắc là lãnh đạo tập thể, phân công trách nhiệm cá nhân. Phát huy được dân chủ thì tốt hơn”.

Còn sau tất cả những màn diễn đen đỏ sặc máu trên sân khấu của giới diễn viên chỉ tranh quyền đoạt vị, nhân dân và đất nước được cái gì?

Làm thế nào để có thể tin rằng Nguyễn Phú Trọng, sau khi đã được ngồi thêm vào cái ghế Chủ tịch nước, sẽ mở mang dân chủ và nhân quyền cho người dân và xã hội Việt Nam? Hay sẽ là một ông vua theo đúng nghĩa để đưa xã hội Việt Nam trở về thời phong kiến và có thể cả một thời kỳ Bắc thuộc mới?

Làm thế nào để có thể tin rằng vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, Nguyễn Phú Trọng tỉnh giấc và tự nhiên muốn ‘trở về làm người tử tế’ (như cách sám hối không nước mắt của Nguyễn Tấn Dũng), hay hợp nhất hai chức danh Chủ tịch nước và Tổng bí thư chỉ nhằm thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân về sĩ diện đối ngoại trong khi chẳng mang lại lợi ích gì cho dân và cho nước?

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Nhất thể hóa. Bookmark the permalink.