Thục Quyên
Những người Cộng sản VN đều ghi trong lý lịch họ là không có tôn giáo. Thật sự có hay không thì phải quan sát đám tang của họ khi chết được tổ chức theo nghi lễ nào.
Ngay sau ngày Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần ngày 21/09/2018, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã gửi thư đến bà quyền Chủ tịch Đặng thị Ngọc Thịnh chia buồn, và trưa ngày 26/09 Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã đề cử Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội và Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, đi cùng Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam đến viếng thi hài người quá cố tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, để thay mặt Tòa thánh Vatican chia buồn và ghi vào sổ tang Xin Thiên Chúa ban cho ngài an giấc ngàn thu, an ủi gia đình ngài và dân tộc Việt Nam (1).
Phía Phật giáo thì một số nhỏ tăng ni và phật tử đã làm lễ tưởng niệm ông Quang tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) chiều ngày 25/09/2018, và ngày 27/09/2018 tại Sài Gòn, vài trăm tăng ni khác đã tụ họp tại Việt Nam Quốc tự, cử hương tưởng niệm, đồng nhất tâm hiệp lực tụng Tâm kinh Bát-nhã, cầu nguyện Anh linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang về cõi an lành.
(Theo tin chính thức được đăng trên Facebook (2) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thành viên Mặt trận Tổ quốc)
Coi như vậy, Đại diện Toà thánh Vatican và đại diện Hội đồng Giám mục VN, hay ông Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tăng thì cũng cứ theo nghi lễ tôn giáo của mình để cầu nguyện cho người qúa cố, mà chẳng do gia đình người qúa cố thỉnh cầu.
Ngược lại, các tăng ni hiện diện tại đám táng để tụng niệm, mới là chứng cớ vững vàng ông Trần đại Quang theo Phật giáo. Số lượng tăng ni đông đảo, chuông thỉnh vang giờ hạ huyệt, lúc lấp huyệt, cho thấy gia đình ông Quang rất mong muốn hương linh ông dựa vào lời kinh tiếng kệ mà thoát khỏi cảnh lang thang vất vưởng, siêu sinh tịnh độ. Thế nhưng đã theo Phật thì phải biết tác dụng cầu siêu lúc đã lâm chung chỉ có giới hạn nhất định, chỉ là một sức yếu, không phải là sức mạnh chủ yếu. Thời gian chủ yếu để tu thiện, làm thiện là thời gian khi người đang còn sống.
Chức năng của Tăng ni là lấy Phật pháp để hóa độ chúng sinh, chứ không phải chuyên đưa ma, cúng đám. Công đức của tụng kinh là nhờ ở lòng tin Phật pháp và tu hành Phật pháp. Cho nên một vị cao tăng của VN, Hoà thượng Thích Thanh Từ đã giảng:
Tụng Kinh không phải tụng cho người chết mà tụng cho người sống… Khi tụng Kinh người sống nghe, thấm nhuần được giáo lý Phật dạy được lợi ích, còn người chết lợi ích không nhiều. Kinh Địa Tạng nói người sống hưởng hai phần ba, người chết chỉ hưởng một phần ba thôi.
Một cơ hội.
Ông Quang chết đi, người sống ở lại có vẻ sắp nối nghiệp Chủ tịch nước của ông là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dĩ nhiên chuyện ông Trọng tóm thâu cả hai chức vụ thì chẳng đem tới thay đổi khả quan nào cho chế độ chính trị, nhưng với cái thực tế độc đảng chuyên quyền lâu nay thì một tình thế rõ ràng luôn tốt nhất: thay vì chỉ gián tiếp lãnh đạo Nhà nước thì người cầm đầu Đảng CS, ông Trọng, khi có thêm trong tay quyền lực của Chủ tịch nước, sẽ có cơ hội thực hiện toàn vẹn đường lối của mình, không chịu bất cứ cản trở nào, và đồng thời cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi khuyết điểm, sai trái. Ngắn gọn là dân Việt Nam khỏi mất thời giờ suy đoán những tranh chấp của phe nọ nhóm kia, mà trực diện hẳn với ông Trọng và các đồng chí của ông
Tụng kinh là tụng cho người sống.
Liệu cái chết của ông Trần Đại Quang có mở con đường cho ông Trọng và các đồng chí phe của ông thoát khỏi những cái kẹt chính trị hiện tại, và những tiếng kinh kệ của bao Tăng ni có mạnh đủ để thức tỉnh họ lúc còn sống phải làm nhanh những hành động thiện để giải nghiệp ác, hầu siêu thoát lúc nhắm mắt?
Tình trạng khẩn cấp hiện nay là căng thẳng với Cộng hoà Liên bang Đức và Slovakia, liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, và số phận Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA, liên quan đến những vụ bắt bớ, vi phạm nhân quyền. Giấc mộng ù lì chờ nước chảy qua cầu, nhà cầm quyền Việt Nam bây giờ chắc đã tỉnh. Hai vấn đề trên chẳng giảm căng với thời gian, mà càng ngày càng "phát độc", lại còn liên quan với nhau vì cùng liên quan đến Liên minh Âu Châu, nên càng phức tạp.
Cách giải quyết bây giờ đơn giản hơn vì nằm cả trong tay ông Trọng.
Trước hết mọi bằng chứng Chính phủ Cộng hỏa Liên bang Đức và Chính phủ Slovakia có trong tay liên quan tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đều qui vào các tướng CA Tô Lâm, Đường Minh Hưng là thủ phạm. Bộ Công an trực thuộc Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ. Đem những kẻ này ra xử là mở đường giải quyết êm đẹp, và có lẽ chẳng cần phải trả Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Ngay cả việc thay đổi tình thế để Quốc hội Liên minh Châu Âu phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng không đến nỗi ngoài tầm với.
Ngày 16/09/2018 "VETO! Mạng lưới những Người Bảo vệ Nhân quyền" đã gửi thư cùng lập trường chính thức (Position Paper) tới các Dân Biểu Quốc hội EU thuộc mọi đảng phái, đề nghị một số điều kiện nhà nước VN phải hoàn chỉnh trước khi Quốc hội EU phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Những cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa VETO! với các dân biểu đã và đang tiến hành chặt chẽ từ đầu tháng 10/2018.
Ngày 18/09/2018, 32 Dân biểu Quốc hội Châu Âu đã gửi thư đòi hỏi bà Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao liên Âu, và bà Malmström, Ủy viên Thương mại liên Âu, phải thúc đẩy để có tiến triển tốt về tình hình nhân quyền tại Việt Nam trước khi có thể phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và còn nêu ra một số điều kiện quyết liệt hơn, bên cạnh những đề nghị tương tự những đề nghị của VETO!(3).
Tuy tình thế khó khăn, điểm thuận lợi cho EVFTA là Liên minh Châu Âu rất lưu tâm đến việc tạo cơ hội thuận tiện để VN có thể đáp ứng được những điều kiện đòi hỏi, nên chỉ cần phía VN tỏ thiện chí và cam kết đứng đắn thì có hy vọng EVFTA được phê chuẩn bởi Nghị viện đương nhiệm.
Thí dụ về đòi hỏi trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù hay bị quản chế tại gia vì thực thi quyền căn bản của họ, VN có thể trả tự do cho những người đang bị quản chế và đổi án tù của những người đang bị cầm tù thành quản chế rồi lần lượt xét giám đốc thẩm những bản án.
Hoặc về các quy ước của Tổ chức Lao động Quốc tế thì VN cam kết sẽ phê chuẩn vào một thời điểm sớm nhất có thể, biết rằng EVFTA chỉ đi vào hiệu lực sau sự phê chuẩn này v.v….
Tóm lại, đây là một cơ hội đổi mới, để thoát những thế kẹt cũ và sửa soạn nay mai nhắm mắt, có thể nhẹ nhàng siêu thoát, cho ông Trọng và các đồng chí của ông.
__________________________________________________________________________
(2) https://www.facebook.com/VietnamNationalPagoda/
T.Q.
Tác giả gửi BVN