Vì sao tâm lý ghét cộng sản đang lan rộng?

Trúc Giang

Trong một ngày mà trang nhà chúng tôi lại đăng đến 03 bài báo với tựa đề chứa toàn những câu hỏi như “Sao lại”, “Vì sao” (ở trên), và bài dưới đây lại cũng có câu hỏi “Vì sao” nữa, như vậy có vẻ thật nhàm chán? Xin thưa, dĩ nhiên, câu hỏi cũng chỉ là câu dẫn dụ bạn đọc tới câu trả lời đã nằm sẵn trong nội dung bài báo. Nhưng chúng tôi cũng muốn nhấn thêm rằng, những câu hỏi dồn dập ấy vốn là những câu hỏi mà nhiều người dân Việt Nam đã và đang muốn dành cho Đảng CSVN. Và người trả lời không phải là tác giả những bài viết được đăng ở đây. Người trả lời phải là lãnh đạo của Đảng. Mà chính xác nhất thì phải là ông Tổng bí thư đương nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có phải vậy không, thưa bạn đọc?

Bauxite Việt Nam

Thượng nghĩ sĩ Hoa Kỳ John McCain từ trần, ngay lập tức trên các trang cá nhân facebook của người Việt bày tỏ sự tiếc thương. Ông Trần Đại Quang chết, gần như người ta chỉ thấy những ‘icon’ hỉ hả được thả kèm những lời bình luận tưởng chừng là hỉ sự cần phải khui bia ăn mừng cho dân Việt.

Cảm xúc của người dân luôn quyết định lịch sử!

Tâm lý ghét cộng sản đang lan rộng khiến người ta có thể ‘auto’ chửi bất kỳ sự kiện, hình ảnh nào liên quan tới việc phê phán người cộng sản khi được đăng tải trên truyền thông. Tấm hình ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chăm chú đọc diễn văn ở khán phòng thưa vắng tại trụ sở Liên Hiệp Quốc là ví dụ. Bức ảnh tùy viên tham tán của Việt Nam ngủ gục tại Liên Hiệp Quốc là dẫn chứng khác.

“Mình phải làm sao dân tình mới ghét mình như vậy chứ? Ở đây cảm xúc công chúng lất át sự đúng sai. Ngủ cũng được, không ngủ cũng được, ghét cả tông chi họ hàng rồi mà… Bi kịch là chúng ta vẫn tưởng là dân thương mình, trân quý mình. Chợt nhớ ca từ của bài hát Blowing in the wind của Bob Dylan: Cần có bao nhiêu tai để nghe tiếng kêu khóc? Cần phải đi qua bao nhiêu con đường để được gọi là con người? Nên nhớ cảm xúc của người dân luôn quyết định lịch sử”. Nhà báo Hoàng Linh, nguyên là thầy giáo cấp 2 dạy môn lịch sử, bình phẩm như vậy.

clip_image002

Ảnh minh họa

Bằng giọng tưng tửng quen thuộc, nhà báo chuyên về IT Phạm Hồng Phước nói rằng, nhiều người đã trách, thậm chí lên án, truyền thông nước ngoài chơi xấu với Việt Nam:

“Thực tế như vầy, đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi là nước cộng sản. Và ‘thực tế không như là mơ’ giống như không ít người ở Việt Nam tự sướng ảo tung chảo đâu, chẳng phải ai cũng dành cảm tình với Việt Nam đâu. Việt Nam luôn bị soi, chuyện với người là nhỏ như con thỏ cũng dễ bị đẩy thành khủng long với Việt Nam. Định mệnh. Nên phải luôn cẩn trọng, giữ ý tứ hơn người ta. Nhất là khi có trọng trách đại diện tổ chức, hay kinh hồn hơn là đại diện đất nước. Khổ lắm cơ!”. Ông Phước đồng ý với nhận định chính từ “cộng sản” khiến thiên hạ nhìn Việt Nam chẳng mấy thiện cảm.

Ván bài ngửa: Ý chí của Tổng bí thư chính là luật pháp?

Sở dĩ đặt ra câu hỏi đó vì Cộng sản dường như đang bất chấp tất cả để ngày càng công khai chuyện độc tài trong toàn bộ công việc quản trị quốc gia. Việc hợp nhất một số chức danh của người đứng đầu bên đảng và bên chính quyền là đề xuất rõ ràng vi phạm Hiến pháp, song không hiểu tại sao người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam lại hồ hởi thực hiện.

Báo chí thì cứ vậy mà truyền thông, không chút e dè chuyện đang cổ vũ cho hình thành một nhà nước mang tiếng là dân chủ, nhưng ngày càng lộ liễu vận hành theo quy định của đảng Cộng sản, chứ không phải theo Hiến pháp. Điều này xem ra nguy hại hơn rất nhiều so với những kiểu độc tài như Adolf Hitler ở Đức, như Benito Mussolini ở Ý. (Có giống chăng thì đó là ‘phiên bản Tập Cận Bình’ mà Tổng Bí thư ‘cóp-dê’ về Việt Nam!?)

Trong khi chủ nghĩa Phát xít chỉ muốn quản lý hành động của con người, chủ nghĩa Cộng sản muốn quản lý cả tư tưởng và tình cảm thầm kín nhất của con người. Hậu quả là Cộng sản đa nghi hơn Phát xít. Phát xít thường chỉ giết những người bị họ xem là kẻ thù chứ hiếm khi thanh trừng trong nội bộ. Cộng sản thì vừa tàn sát kẻ thù, vừa tàn sát các đồng chí của mình – như nghi vấn trong cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh vài năm trước, và vào tuần rồi với ông Trần Đại Quang.

Từ câu chuyện ‘nhân sự’ Chủ tịch nước

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra từ ngày 2 đến 6 -10 tại Hà Nội được thông báo, là chưa rõ có ‘xem xét quyết định giới thiệu nhân sự’ sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch nước hay không. Chỉ khẳng định là sẽ không bầu bổ sung uỷ viên Bộ Chính trị tại hội nghị 8 trám chỗ trống Trần Đại Quang.

Với những ai ‘học luật’ chỉ ‘biết luật’, nhưng không hiểu chuyện phải ‘xài luật’ ở Việt Nam, thì chắc mẻm rằng sẽ ngu ngơ đặt câu hỏi to tướng: Mắc gì mà đảng Cộng sản lại xía vô chuyện của Quốc hội? Hiến pháp rành rành là “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Cho dù đó là Tổng bí thư cao chót vót đi nữa, cũng vẫn phải cung cúc theo Hiến pháp chứ?

Quy trình bầu chủ tịch nước được quy định tại Điều 31 Nghị quyết 102/2015/QH13 ngày 24-11-2015 về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội, cụ thể như sau:

“1. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị, đại biểu Quốc hội có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử.

5. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

6. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

7. Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

9. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

10. Chủ tịch nước tuyên thệ”.

Nếu tuân thủ theo quy định này, cầm chắc sẽ không thể có chuyện hợp nhất (hay trộn lẫn?) chức danh Tổng bí thư vào Chủ tịch nước. (Giả dụ có, thì khi tuyên thệ, ông Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước sẽ thề ‘vì cử tri quần chúng’ hay ‘vì cử tri đảng viên’?)

Hiến pháp đã dành nguyên Chương VI để quy định về quyền và bổn phận của Chủ tịch nước. Nên nhớ rằng Hiến pháp không hề trao bất kỳ quyền lực gì cho người đứng đầu Đảng Cộng sản. Nếu vẫn khăng khăng chuyện ‘nhất thể hóa đảng – nhà nước’, trước tiên cần viết lại Hiến pháp và thay đổi toàn bộ các luật lệ liên quan.

Dĩ nhiên để làm được điều đó sẽ tốn bộn tiền, và cũng là câu chuyện của ‘đêm dài lắm mộng’, nhất là khi cụ Tổng Bí thư giờ cũng đã thừa đến 14 tuổi cho thủ tục gia nhập vào Hội Người Cao tuổi.

Xem ra với dân học luật, ghét cộng sản cũng là tâm lý, vì ‘nói vậy mà hổng phải vậy’.

T.G.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Chủ nghĩa cộng sản. Bookmark the permalink.