Minh Quân
Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã lần đầu tiên tung ra một cách gọi – truy vấn rất đáng chú ý trên phương diện ngoại giao.
Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak
"Người đứng đầu ngoại giao Slovak đã nhấn mạnh một các rõ ràng và lớp lang rằng những lời giải thích trước đây của đảng (CS) Việt Nam về những nghi ngờ nghiêm trọng của vụ bắt cóc một người Việt trên lãnh thổ Slovak là không thỏa đáng” (The head of the Slovak diplomacy clearly and categorically emphasised that the Vietnamese party’s previous explanations of the serious suspicions of the abduction of a Vietnamese national across Slovak territory are not satisfactory) – theo TASR (Danlambao).
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Miroslav Lajcak thẳng thừng nêu ra trong cuộc tiếp xúc với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tại New York vào cuối tháng Chín năm 2018, với nội dung chủ yếu xoáy vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – theo hãng thông tấn TASR của Slovakia.
Theo nguyên tắc ngoại giao, các phát ngôn và văn bản của cơ quan ngoại giao rất thường chỉ đề cập đến đối tác trên phương diện nhà nước chứ không phải đảng phái chính trị.
Tuy vậy, chi tiết rất đặc biệt trong tuyên bố trên là Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đã chỉ đề cập về khách thể đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải nói tới ‘Nhà nước Việt Nam’ theo lối ngoại giao nói thông thường. Cách dùng từ xác quyết và mang tính phân biệt rõ ràng như thế đã cho thấy trong nhận thức và hành động ngoại giao của phía Slovakia, thủ phạm của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin vào tháng bảy năm 2017 và sau đó ‘vận chuyển’ Thanh sang Bratislava của Slovakia để từ đó bay sang Moscow của Nga rất có thể đã hiện hình như ban ngày.
Vì sao Ngoại trưởng Miroslav Lajcak không đề cập đến trách nhiệm của chính phủ Việt Nam, hay trách nhiệm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – quan chức vừa phải từ giã cuộc đời trong một cái chết đầy nghi vấn?
Phải chăng sau một thời gian đều tra và được sự hỗ trợ về mặt bằng chứng từ người Đức, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak và chính phủ Slovakia đã kết luận rằng thủ phạm của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh chính là ‘đảng Cộng sản Việt Nam’?
Cách thức dùng từ không còn thuần túy ngoại giao hay cố gắng mang cung cách ngoại giao của Ngoại trưởng Miroslav Lajcak cũng khá tương đồng với một cử chỉ mới đây của giới quan chức Đức khi dự lễ kỷ niệm ngày lễ quốc khánh 2/9 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức.
Trong buổi lễ trên, phía Đức chỉ cử một đại diện cấp thấp với chức vụ “Abteilungsleiterin” (Trưởng phòng hay Vụ trưởng) – bà Ina Lepel – đến tham dự lễ 2/9 của Việt Nam. Chức vụ của bà Ina Lepel là vụ trưởng châu Á – Thái Bình Dương trong Bộ Ngoại giao Đức. Còn tại cuộc kỷ niệm Quốc khánh 2/9 vào năm 2016, tức trước khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra và khi quan hệ giữa 2 nước còn “nồng ấm”, chính phủ Đức đã cử bà Edelgard Bulmahn, Phó Chủ tịch Quốc hội Liên Bang Đức, đến tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh.
“Không có hình tượng nào lột tả được thực trạng mối quan hệ hai nước hiện nay hay hơn là hình tượng Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chìa tay ra, muốn bắt tay bà Ina Lepel đại diện chính phủ Đức, nhưng bà Ina Lepel vẫn khư khư giữ chặt túi xách” – trang Thoibao.de thuật lại một cách rất tượng hình buổi lễ kỷ niệm 2/9 năm 2018.
Quả là như vậy, hình ảnh ‘hữu nghị Việt – Đức’ trên không chỉ cho thấy thái độ khinh miệt mà giới quan chức Đức dành cho giới quan chức Việt Nam, mà còn cho thấy người Đức đang cực kỳ cảnh giác trước những quan chức Việt Nam, trong bối cảnh mà hơn một năm trôi qua kể từ thời điểm mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, vẫn chẳng có bất kỳ một lời xin lỗi hoặc ‘cam kết không tái phạm’ nào được nêu ra từ phía Việt Nam.
Thậm chí trong bài diễn văn của mình, bà Ina Lepel chỉ dùng từ ‘nhân dân’ để nói đến tình hữu nghị giữa hai nước, mà không dùng từ ‘nhà nước’ hay ‘chính phủ’. Phải chăng người Đức đã quá chán ngán thói tuyên rao ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam’?
Giờ đây, cơn địa chấn mang tên Trịnh Xuân Thanh đã từ Đức lan sang Slovakia, thậm chí sang cả Pháp, Ba Lan và Nga…
Phát ngôn mang tính chỉ trích đích danh của Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đối với ‘đảng cộng sản Việt Nam’ xuất hiện trong bối cảnh Tổng thống Trump của Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi thế giới ‘chống chủ nghĩa xã hội’ tại một phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Bất chấp giới ngoại giao và tuyên giáo Việt Nam luôn tuyên truyền ‘Slovakia là đối tác thân thiện’, sau lời chỉ trích của Ngoại trưởng Miroslav Lajcak, chắc chắn tình cảm ‘thân thiện’ ấy đã tan vỡ như bong bóng xà phòng.
M.Q.
VNTB gửi BVN