Trung Quốc dọa đóng cửa Hội sinh viên Marxit: hỏi Marx có buồn không?

Ánh Liên

Đại học Bắc Kinh đe dọa đóng cửa Hội sinh viên Marxit vì hội này ủng hộ quyền của người lao động! Trong khi ấy, Trung Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, sự yếu thế của Bắc Kinh cho thấy những vấn đề nội tại bên trong mà bấy lâu nay, trong đó có cả việc xây dựng hệ thống kinh tế vững mạnh từ chính việc tôn trọng và đảm bảo quyền con người.

Năm 1997, Trung Quốc cho ra đời cái gọi là Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc nhằm bỗ trợ nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, yếu tố này xuất phát từ quan điểm ‘mèo trắng, mèo đen’ của Đặng Tiểu Bình vào cuối thập niên 70 (TK XX). Bắc Kinh tìm cách ‘lợi dụng tư bản, sử dụng tư bản’ để xây dựng thể chế kinh tế, trong đó bao gồm cả tăng tốc giai đoạn tích lũy tư bản thông qua cướp đất và bán rẻ tài nguyên nhằm xây dựng thành công ‘công xưởng của thế giới’, thực hiện tích lũy công nghệ qua hoạt động ‘ăn cắp’, mãi về sau mới chú ý đến vấn đề tự nghiên cứu & phát triển (R&D) bằng cách thu hút chất xám nước ngoài và đẩy số lượng người Trung Quốc đi học tại các nước tư bản lớn.

clip_image002

K. Marx được tưởng niệm trọng đại tại Trung Quốc nhân 200 năm ngày sinh của ông. Ảnh: Youtube

Tuy nhiên, dù cố gắng học tập tư bản tối đa, nhưng có một điều Trung Quốc vẫn thiết lập tính dị biệt: quyền con người. Quyền con người của Trung Quốc là hoạch định về thuần túy XHCN hơn là TBCN, do đó chính sách về các quyền tự do phổ quát của con người không được Bắc Kinh ủng hộ.

Mới đây nhất, trong một bài báo ngày 23.09 trên trang Financial Times cho hay, Đại học Bắc Kinh (một đại học danh giá tương xứng với ĐH Thanh Hoa) đe dọa đóng cửa Hội sinh viên Marxist. Trung Quốc đang muốn cấm CNXH và Chủ nghĩa Marx để chuyển hẳn qua TBCN? Không phải, mà lãnh đạo trường này muốn đóng cửa khi giới sinh viên thuộc tổ chức này muốn đấu tranh về quyền công đoàn cho giới lao động, theo đó nhóm sinh viên sẽ hỗ trợ người lao động trong tranh chấp về tổ chức công đoàn (là một hình thức bảo vệ người lao động).

Ông tổ bảo vệ cho giai cấp công nhân và người lao động toàn thế giới Marx đã bị Bắc Kinh coi như thế lực thù địch khi ý tưởng và sự kêu gọi đòi quyền công đoàn trong tầng lớp nhân dân lao động đã được một tổ chức sinh viên đào xới trở lại.

Bắc Kinh không thích điều đó, Bắc Kinh thích định nghĩa quyền lao động theo cách của mình, bao gồm một sự bóc lột trần trụi các công nhân trong vòng tay nhà tư bản.

Tạm rời Bắc Kinh, hãy đến với Thâm Quyến – đặc khu của Trung Quốc, nơi có tổ hợp nhà máy Foxconn đang cho ra đời những chiếc Iphone mới cóng, nhưng đây cũng là nơi mà công nhân có xu hướng tự sát vì chế độ làm việc bức tử. Trong một cuốn sách của mình, tác giả Brian Merchant cho biết, khi anh thâm nhập vào nhà máy Foxconn ở Long Hoa, nơi có 450 nghìn công nhân đang làm việc, nơi mà từ năm 2010 đến nay đã có 18 công nhân tự sát bằng cách ném mình ra khỏi các tòa nhà ký túc xá cao chót vót. Họ tuyệt vọng vì căng thẳng, làm việc dài ngày, bị chửi rủa bởi những người quản lý, bị làm nhục bởi những sai sót cá nhân, bị phạt tiền bất công bằng và những lời hứa về lợi ích chưa bao giờ thành hiện thực.

Giám đốc điều hành Foxconn, Terry Gou, phản ứng lại bằng cách lắp đặt một mạng lưới lớn bên ngoài nhiều tòa nhà và bắt công nhân cam kết không tự sát nhằm… chống tự sát.

Foxconn không tốt cho con người, không có sự cải thiện về quyền lao động, khi mà áp lực cao và thường xuyên tăng ca 12h, bảo hiểm xã hội bị Foxconn trốn tránh, các khiếu nại của công nhân bị ngâm nước cho đến mọt rũn.

Cục Thống kê Lao động Mỹ ước tính đến năm 2009 có 99 triệu công nhân nhà máy ở Trung Quốc –  đã giúp quốc gia trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng cũng như các công nhân Foxconn, người lao động tại các khu vực khác bị bóc lột theo cách này hay cách khác. Và dĩ nhiên, nhà nước Trung Quốc hoàn toàn giữ thái độ im lặng.

K. Marx – một người thường được Trung Quốc treo ảnh trong các kỳ Đại hội Đảng, người đã dành hầu hết cuộc đời phân tích chủ nghĩa tư bản, người đã đề cập đến quy luật tích lũy tư bản sẽ không thể ngờ rằng, hệ thống XHCN về sau này lại tái lập vòng tròn đó, nhưng tính chất khắc nghiệt hơn rất là nhiều. Marx đã viết, các công nhân có thể gần như bị khai thác vô tận.

Tạm rời Marx, hãy ghé qua thăm ‘đồng chí’ của Marx là F. Engel, người đã từng tuyên bố: ‘Quan hệ giữa chủ xưởng với công nhân không còn chút nhân tính nào, nó chỉ là quan hệ thuần túy kinh tế. Chủ xưởng là ‘tư bản’, công nhân là ‘lao động’. Điều kỳ lạ là tại Trung Quốc, hay cả Việt Nam (*) giờ đây chứa đựng đầy đủ những giá trị bất công và phi lý mà giới lao động phải gánh, điều mà F.Engel đã nêu ra từ năm 1844.

Quay trở lại Hội Marxist của Đại học Bắc Kinh, vì bảo vệ quyền lao động, nên thành ra Hội này đã bị các lãnh đạo trường đe dọa từ chối cho hoạt động. Trước đó, lãnh đạo Hội lẫn thành viên thuộc Hội từng bị giam giữ vì đã hỗ trợ người lao động tổ chức hội đoàn thương mại tại một nhà máy Công nghệ Jasic.

Trong khi các cuộc biểu tình của người lao động đã trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc, sự hỗ trợ của một phong trào sinh viên nhỏ nhưng đang phát triển đã khiến cho cuộc biểu tình của Jasic nhạy cảm về mặt chính trị.

Zhan Zhenzhen, một thành viên của Hội sinh viên Marxist tại Đại học Bắc Kinh – người từng bị bắt giữ, thẩm vấn, đã cùng với tổ chức của mình tiến hành một cuộc điều tra về điều kiện làm việc cho công nhân trả lương thấp.

Điều buồn cười là Chủ tịch Tập Cận Bình từng đến trường ĐH Bắc Kinh kỷ niệm 200 năm ngày sinh K.Marx (2018), tại đây ông ca ngợi trường này là nơi nghiên cứu và lây lan Chủ nghĩa Marx đầu tiên tại Trung Quốc. Trong lời phát biểu, ông Tập ca ngợi chủ nghĩa Marx là công cụ để Trung Quốc đi đến thắng lợi và Marx là ‘nhà giáo cách mạng của những người vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới’.

Nhưng giờ đây, khi Hội sinh viên Marxit triển khai các giá trị mà Marx mong mỏi về cho nhân dân lao động, thì lại bị cấm đoán và bắt bớ.

Điều đó cho thấy rằng, việc xây dựng hệ thống kinh tế vững mạnh từ chính việc tôn trọng và đảm bảo quyền con người là một điều hư ảo, bởi chính bản thân giai cấp làm nên cách mạng của Trung Quốc cũng bị coi như một ‘thế lực thù địch’ chính tông.

K. Marx sống lại liệu có buồn không?

A.L.

Chú thích:

(*) Vào ngày 21.03.2018, Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo bày tỏ quan ngại về các mối đe dọa của chính quyền Việt Nam nhắm vào người lao động trong hai nhà máy Samsung Electronics và các nhà hoạt động công đoàn tại Việt Nam. Thông cáo cho hay một số nhà hoạt động đã bị đe dọa và quấy rối sau khi lên tiếng về điều kiện lao động ‘tồi tệ, thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại’ tại hai nhà máy Samsung ở Khu Công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và Khu Công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên). Trước đó, một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) và tổ chức phi chính phủ IPEN của Thụy Điển công bố chỉ ra rằng công nhân nhà máy Samsung không được thông báo đầy đủ hoặc đào tạo để tự bảo vệ mình trước hóa chất độc hại được dùng trong dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử. Một số nữ công nhân được khảo sát báo cáo việc họ bị sẩy thai, mệt mỏi và ngất xỉu [Theo Người Việt, 21.03.2018].

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Marx hết vai trò trong các nước tư bản đỏ. Bookmark the permalink.