Thu Thủy
“Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, một Trung Quốc yếu ớt không thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc mạnh mẽ và hung hăng”.
Cách nghĩ ấy xuất phát từ tâm trí của người phương Tây vốn quen với nếp tư duy dân chủ. Ông Obama có biết đâu xã hội Trung Quốc trong hàng nghìn năm, bên ngoài là một thiên triều uy nghi đường bệ nhưng bên trong đều cư xử với nhau theo kiểu lục lâm. Khắp đất nước Trung Quốc mênh mông đâu đâu cũng cạm bẫy, giết người như ngóe, cái thế giới trong Thủy hử tưởng đã ghê gớm vẫn chưa là gì khi chạm vào sự thật khủng khiếp gấp vạn lần. Ông Obama càng không thể hiểu được một chế độ Trung cổ rùng rợn còn biến tướng đến thế nào khi qua tay nhào nặn của đám vô sản cơ hội Mao trạch Đông và bọn bề tôi của y, với thứ chủ nghĩa cộng sản lưu manh đã tiêu diệt ngót trăm triệu người trong thế kỷ trước. Lưu Thiếu Kỳ là bạn thân thiết của Mao, Chủ tịch nước đàng hoàng, thế mà chỉ tỏ ra tài trí sắc sảo hơn Mao, thế là sau một cuộc đấu tố đã bị đám hồng vệ binh lôi cổ từ chiếc ghế ngất ngưởng vào nhà tù rồi chết rục trong đó. Chính hai thành tố phong kiến man rợ và cộng sản thú tính đã nhào nặn nên ngài Tập Cận Bình oai phong lừng lẫy với thành tích “đả hổ diệt ruồi” hôm nay.
Cho nên con dân Việt chúng tôi, cũng chẳng thích thú gì ông Donald Trump bỗ bã, quen cư xử theo lối “nhà buôn”, lại hay khoe khoang đồng bóng, làm cho trí thức Hoa Kỳ phải ngượng chín cả mặt. Nhưng xem ra trên cuộc thương chiến với Tập Cận Bình thì ông ta đang làm đúng. Ông ta mà lật được cái thể chế mất nhân quyền trầm trọng kia để cứu vớt quyền làm người cho 1 tỷ rưỡi dân chúng, biến nước Trung Hoa độc tài thành một nước dân chủ, thì mới đích thực là góp phần thúc đẩy nhân loại văn minh.
Vì thế chúng tôi muốn sửa lại lời phát ngôn của ông Obama một chút: Một con sói Tàu Cộng hung hăng nuôi tham vọng quàng cái ách nô lệ lên đầu cả thế giới mà không bẻ răng nanh nó khi nó còn chưa đủ sức làm mưa làm gió thì sẽ là quá muộn.
Bauxite Việt Nam
“Đã đến lúc chúng ta phải ra tay với Trung Quốc. Họ trước nay vẫn làm hại chúng ta trong thời gian rất dài rồi”. Hôm 20/9, ông Donald Trump đã tuyên bố như trên khi trả lời báo chí. Tiếp sau tuyên bố quyết định tăng thuế giai đoạn 2 đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu áp dụng từ ngày 24/9 và đe dọa sẽ thực thi giai đoạn 3 đối với 267 tỷ còn lại…
Ông Donald Trump đang bài binh bố trận, phản công Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực
Ngày 21/9, Nhà Trắng lại ra tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển thiết bị Quân ủy Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu cơ quan này về việc mua máy bay SU-35 và tên lửa phòng không S-400 của Nga. Cùng ngày, ông Trump khi phát biểu trước cử tri bang Missouri còn lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc rằng Mỹ “còn rất nhiều đạn” nếu Trung Quốc lại có biện pháp đáp trả…Tất cả những động thái này cho thấy Mỹ đang áp dụng nhiều biện pháp, sử dụng nhiều chiến thuật để “truy kích” Trung Quốc đến cùng…
Từ đầu năm 2018, Chính phủ của ông Donald Trump tập trung vào việc thay đổi điều mà họ gọi là “tình trạng mậu dịch không công bằng tồn tại nhiều năm qua giữa hai nước Mỹ – Trung”. Giữa hai bên đã và đang diễn ra cuộc đọ sức kịch liệt, không khoan nhượng.
Hồi cuối tháng 1/2018, trong văn bản báo cáo về tình hình đất nước đầu tiên sau khi lên cầm quyền, Donald Trump nói: “Trên toàn thế giới, chúng ta phải đối phó với các tổ chức khủng bố và các đối thủ như Trung Quốc và Nga đang thách thức lợi ích, nền kinh tế và quan niệm giá trị của chúng ta”. Donald Trump đã xác định rõ Trung Quốc là đối thủ thách thức của Mỹ.
Trong cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, Trump luôn giữ quyền chủ động, liên tiếp tung ra những đòn mạnh khiến Trung Quốc bị động đối phó. Thực tế cho thấy, chính quyền Donald Trump đã và đang thực hiện chiến thuật bài binh bố trận bao vây và tấn công toàn diện trên nhiều lĩnh vực nhằm dồn Bắc Kinh đến chỗ phải chấp nhận mọi yêu cầu của Mỹ.
Trên cơ sở những gì đã và đang diễn ra, các nhà phân tích đã tổng hợp chiến thuật bài binh bố trận của Mỹ trên các lĩnh vực, bao gồm:
Thứ nhất: “Mậu dịch chiến” (chiến tranh thương mại)
Sau khi chính thức khai hỏa cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung hôm 6/7, ông Trump không ngừng gia tăng thế tấn công. Ngoài việc chia 2 đợt thực hiện gia tăng 25% thuế đánh vào 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, ngày 24/9 ông tiếp tục áp thuế giai đoạn 2, tăng thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nữa. Từ ngày 1/1/2019, mức thuế đối với 200 tỷ USD này sẽ được tăng lên thành 25%.
Cuộc chiến mậu dịch bùng phát từ ngày 6/7 đang có nguy cơ mở rộng quy mô và kéo dài
Chính phủ của Donald Trump còn nói rõ: nếu Trung Quốc tiến hành trả thù đối với nông dân và các ngành chế tạo Mỹ thì Mỹ sẽ tiếp tục thực thi gia tăng mức thuế cao đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Điều này có nghĩa là tất cả mọi sản phẩm của Trung Quốc nhập vào Mỹ từ thứ lớn như xe hơi đến nhỏ như gói tăm đều sẽ bị đánh thuế cao. Theo Tập đoàn Goldman Sachs phân tích, năm ngoái Trung Quốc xuất khẩu hơn 500 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, kiếm được 130 tỷ USD, muốn đạt được mục đích tìm kiếm nền mậu dịch công bằng, trong thời gian ngắn ông Trump phải đánh thuế đối với tất cả hàng hóa nhập của Trung Quốc. Hãng này phân tích, dự đoán khả năng để ông Trump tăng thuế đối với 267 tỷ USD còn lại là tới 60%.
Gần đây, ông Trump còn tung ra video clip, đích thân giải thích với dân chúng Mỹ về tình trạng mậu dịch “không công bằng” của Trung Quốc đối với Mỹ; ví như xe hơi Mỹ nhập vào Trung Quốc bị Trung Quốc đánh thuế 25%, còn xe hơi Trung Quốc nhập vào Mỹ chỉ chịu thuế 2,5%…
Mặc dù ngay từ khi bắt đầu nổ ra chiến tranh thương mại, Bắc Kinh đã cao giọng “sẵn sàng theo đuổi đến cùng”, “sẽ ăn miếng trả miếng”… nhưng ngay sau khi nó bùng phát, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã sụt giảm, đồng nhân dân tệ mất giá, vật giá gia tăng, tiền vốn chạy ra ngoài. Nhiều công ty của nước ngoài, Đài Loan và thậm chí cả tư nhân Trung Quốc cũng nối nhau triệt thoái khỏi Trung Quốc hoặc chuyển bớt năng lực sản xuất sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cũng lo ngại xảy ra nạn “thất nghiệp mang tính quy mô”, nguy cơ nợ nần cũng sẽ dần xuất hiện tại các địa phương.
“Mỹ nhất định sẽ thắng trong cuộc cạnh tranh mới này vì Mỹ có thực lực kinh tế mạnh mẽ, tính đa dạng kinh tế phong phú, năng lực sáng tạo linh hoạt, sự ỷ lại vào thị trường nước ngoài lại khá thấp” – ông Mohamed A. El-Erian, cựu Chủ tịch Công ty quản lý đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO), hiện đang là cố vấn Tập đoàn bảo hiểm Allianz SE, phân tích.
Chiến thuật mậu dịch liên tục truy kích của ông Trump là đòn nặng nhất trong số “liên hoàn quyền” mà ông áp dụng, đã làm bộc lộ những tệ đoan trong xã hội Trung Quốc hiện nay.
Thứ hai: Chiến tranh kinh tế
Chiến tranh kinh tế là chiến thuật bổ trợ cho chiến tranh thương mại; nhưng là lưỡi kiếm sắc…
Chiến tranh kinh tế có thể chia thành hai mặt: một, Mỹ mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những thủ đoạn phát triển kinh tế bị coi là không đạo đức như “lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ”, “cưỡng ép chuyển giao công nghệ”, bảo vệ công nghệ then chốt và khả năng cạnh tranh cốt lõi của các công ty Mỹ.
Bằng cách này, Mỹ sẽ khiến Trung Quốc mất đi nguồn công nghệ cao của chiến lược “Made in China 2025” mà Trung Quốc kỳ vọng là “Cỗ xe siêu tốc”; sự nâng cấp nghề nghiệp sẽ bị đình trệ toàn diện. Cộng thêm với việc bùng nổ chiến tranh thương mại, đẩy nhanh sự triệt thoái của các ngành nghề chế tạo, tiêu dùng sụt giảm, kinh tế Trung Quốc trong tương lai có thể sẽ thiếu mất cột trụ chính.
Một mặt khác của chiến tranh kinh tế là Mỹ đã tiến hành giảm thuế trong nước, giảm bớt sự quản chế, bồi dưỡng sức lao động chất lượng cao, tạo ra môi trường thân thiện có lợi cho sự đầu tư, phát triển xí nghiệp; đẩy nhanh hiệu quả chấn hưng kinh tế của ông Trump, thêm cơ hội việc làm, tăng tiền lương, niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ đạt mức cao nhất trong 17 năm qua. Với môi trường kinh tế như thế sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ cho các công ty, thu hút các công ty nước ngoài và cả của Trung Quốc tới đầu tư, thúc đẩy thêm sự phát triển của kinh tế Mỹ và thị trường việc làm.
Thứ ba: Cuộc chiến quân sự
Mặc dù hai bên Mỹ – Trung chưa khai chiến về quân sự, nhưng trước mối uy hiếp tiềm tàng về quân sự của Trung Quốc, ông Trum đã tích cực chuẩn bị ứng phó, uy hiếp phản công.
Ông Trump tuân theo nguyên tắc chính sách quân sự của cựu Tổng thống Ronal Reagan “Peace through strength” (dùng sức mạnh đổi lấy hòa bình), theo đuổi chính sách cường quân, mở rộng tuyển mộ thêm quân, nâng cấp trang thiết bị quân sự, nâng cao đãi ngộ cho binh sĩ, tăng cường chăm sóc lính xuất ngũ, đưa lực lượng quân thường trực quay trở lại mức 1,28 triệu quân và 800 ngàn quân thuộc lực lượng dự bị. Ông Trump thề sẽ xây dựng nên một quân đội tinh nhuệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Mỹ loại Trung Quốc ra khỏi cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2018 mặc dù trước đó đã có lời mời tham dự
Ông Trump cũng cho quân đội Mỹ thông qua hành động chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và núp danh cái gọi là “hành động không kích trừng phạt chính quyền Assad dùng hơi độc tấn công dân thường” để tỏ cho thế giới biết khả năng tác chiến ưu việt của quân đội Mỹ, đe dọa những chính phủ mà họ gọi là “chính quyền lưu manh và các phần tử khủng bố đe dọa quyền lợi của Mỹ”.
Hồi tháng 8/2018, ông Trump đã ký “Luật ủy quyền quốc phòng 2019”. Ngoài việc tăng cường ủng hộ Đài Loan, đi sâu quan tâm đến việc Trung Quốc phát triển lực lượng quân sự ở Biển Đông, Mỹ còn cấm Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập quân sự chung “Vành đai Thái Bình Dương” có 26 quốc gia tham dự.
Ngoài ra, ông Donald Trump còn nhằm tới việc phát triển quân sự trong tương lai, tuyên bố sẽ thành lập quân chủng “tác chiến không gian” trước năm 2020 để đối phó với mối đe dọa quân sự của Trung Quốc và Nga trong không gian.
Mới đây, hôm 21/9, Mỹ còn tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển thiết bị Quân ủy (EDD) Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này là Trung tướng quân đội Lý Thượng Phúc vì quân đội Trung Quốc liên quan đến việc mua trang bị quân sự của Nga, vi phạm Luật “Luật trừng phạt chống đối thủ nước Mỹ” nhằm vào Nga. Hành động này cũng có thể được xem là động thái trong chiến tranh quân sự nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Thứ tư: Chiến tranh ngoại giao
Chiến tranh Ngoại giao là chiến thuật quan trọng của chính quyền Donald Trump liên kết với cộng đồng quốc tế, bao vây phong tỏa Trung Quốc. Đại thể có thể chia thành hai loại “ngoại giao kinh tế” và “ngoại giao quân sự”.
Về ngoại giao kinh tế, ông Trump đã cùng EU, Mexico đạt được hiệp định mậu dịch tự do. EU cũng lên tiếng là nạn nhân của chính sách mậu dịch “không công bằng, thiếu đạo đức kinh tế” của Trung Quốc nên họ bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để phản công Trung Quốc. Còn trong Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ – Mexico cũng có điều khoản loại bỏ những linh, phụ kiện xe hơi giá rẻ nhập từ Trung Quốc. Bởi vậy, sau khi 2 thị trường lớn EU và Bắc Mỹ liên kết thì tất sẽ gây nên áp lực rất lớn với các sản phẩm do Trung Quốc chế tạo.
Điều quan trọng hơn là liên minh ngoại giao kinh tế bao vây Trung Quốc do Mỹ và EU đứng đầu đó vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo EU cùng chống Trung Quốc trong cuộc chiến mậu dịch
Về ngoại giao quân sự, ông Trump không những chỉnh đốn lại NATO, yêu cầu các quốc gia tích cực gánh vác trách nhiệm, chi thêm ngân sách quân sự; mà còn tích cực bố trí “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Tăng cường ngoại giao quân sự và hợp tác đa phương với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ và các đồng minh có thể thực thi phong tỏa, giáp công Trung Quốc từ hai khu vực lục địa châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ngăn chặn Trung Quốc phát triển ảnh hưởng ra bên ngoài.
Thứ năm: Chiến tranh phản gián
Chiến tranh chống chính sách “mặt trận thống nhất” và gián điệp của Trung Quốc là một chiến thuật trọng điểm gần đây của chính phủ Donald Trump. Ủy ban thẩm định kinh tế và an ninh Mỹ – Trung của Quốc hội Mỹ (USCC) mới đây đã công bố bản báo cáo về “Công tác mặt trận thống nhất ở hải ngoại của Trung Quốc”, vạch rõ và chi tiết về cơ cấu tổ chức của Ban Mặt trận thống nhất Trung ương Trung Quốc (Thống chiến bộ) và công tác thâm nhập, hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở nước ngoài.
Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray gần đây công khai nói tại một diễn đàn: “Trung Quốc là mối đe dọa rộng lớn nhất, có tính thách thức nhất và nghiêm trọng nhất của Mỹ”, các gián điệp kinh tế của Trung Quốc đã thâm nhập tới 50 bang của Mỹ.
Tổng giám đốc Trung tâm An ninh và phản gián quốc gia Mỹ Christopher Wray gần đây nói với báo chí: Trung Quốc lâu nay khóa chặt các ngành nghề công nghệ cao của Mỹ để lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và các bí mật thương mại, “họ (Trung Quốc) là mối uy hiếp lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta”. Ông tiết lộ và cáo buộc hiện Trung Quốc đang can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Một nhà khoa học gốc Hoa bị bắt vì chuyển bí mật công nghệ của Mỹ cho Trung Quốc
Không chỉ ra sức phanh phui những thủ đoạn tình báo cài cắm, thâm nhập vào nước Mỹ của Trung Quốc, trong “Luật ủy nhiệm Quốc phòng 2019” do ông Trump ký cũng hàm chứa những điều khoản chống Trung Quốc, bao gồm: cấm bất cứ cơ quan chính phủ nào sử dụng các sản phẩm của các công ty ZTE và Huawei để tránh bị lấy cắp bí mật. Hạn chế việc Bộ Quốc phòng tài trợ cho các hạng mục Viện Khổng Tử của các trường đại học Mỹ; mở rộng quyền thẩm tra các hạng mục đầu tư nước ngoài của Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS), siết chặt việc thẩm tra các vụ giao dịch, thu mua dùng vốn Trung Quốc tại Mỹ, ngăn chặn họ thâm nhập kinh tế.
T.T.
(Còn tiếp)
Nguồn: https://viettimes.vn/donald-trump-bai-binh-bo-tran-quyet-buoc-trung-quoc-dau-hang-ky-1-304045.html
Đọc thêm:
The Economic Times: Nợ công Trung Quốc tăng chóng mặt
Thiên Hà
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn chính quyền địa phương giảm nợ công, nhưng khó thực hiện được – Ảnh: Internet
Theo truyền thông Trung Quốc ngày 23.9, nợ công của các chính quyền địa phương ở nước này đã tăng nhanh lên mức 2,58 nghìn tỉ USD.
Mức nợ công tăng cao của Trung Quốc là rất đáng quan ngại, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang giảm.
Theo Quốc hội Trung Quốc, dự kiến cuối năm nay mức nợ công của các địa phương ở nước này sẽ còn tăng cao hơn nữa lên 21 nghìn tỉ nhân dân tệ, từ mốc 17,66 nghìn tỉ nhân dân tệ (2,58 nghìn tỉ USD) hiện nay.
Theo Tân Hoa Xã, dù nợ công của chính quyền Trung Quốc đang tăng nhanh, nhưng nó vẫn nằm trong mức giới hạn trần nợ chính thức.
Mức nợ của các chính quyền địa phương là rất đáng lo ngại, bất chấp việc nợ của Chính phủ Trung Quốc hiện chỉ ở mức 36,2% GDP, tức thấp hơn các nền kinh tế tiên tiến khác rất nhiều.
Nợ của chính quyền địa phương là một thỏa thuận đảm bảo không chính thức, nhằm tài trợ cho các dự án ở địa phương, theo South China Morning Post. Số nợ này tăng cao đồng nghĩa với việc tăng chi tiêu công ở các địa phương ở Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gây sức ép cho các chính quyền địa phương cắt giảm mức nợ của họ để giảm rủi ro tài chính trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, với nhiều địa phương thì việc “nghiện” vay nợ khó có thể bỏ.
Vấn đề càng đáng lo ngại khi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng, năm ngoái tốc độ tăng GDP của nước này chỉ còn 6,9% và được dự báo sẽ thấp hơn nhiều trong năm nay.
T.H.
Nguồn: http://soha.vn/the-economic-times-no-cong-trung-quoc-tang-chong-mat-20180924101032509.htm