Vũ Quang Việt
10 September 2018
Thông tư 19 (28/8/2018) có người cho rằng chỉ là tiếp nối của quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2004 (SỐ 689/2004/QĐ-NHNN) cho phép dùng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán xuất nhập khẩu với TQ ở vùng biên giới.
Nhưng đọc kỹ thì thấy quyết định 2004 hạn chế hơn nhiều, chủ yếu là nhằm tới mua bán tại vùng biên giới “theo quy định tại Hiệp định về mua bán hàng hoá ở vùng biên giới”, còn thông tư năm 19 là xuất nhập khẩu qua biên giới (tức là xuất nhập khẩu phục vụ toàn thị trường Việt Nam).
Thông tư 19 viết trong Điều 1, ngoài buôn bán tại chợ biên giới còn nói rõ về ”thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân”, và thanh toán bằng cả chuyển khoản và tiền mặt.
Thông tư 19 là dựa trên Hiệp định Thương mại Biên Giới Việt Trung 2016 cho phép “thương mại biên giới được thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu (điểm) chợ biên giới được hai Bên thỏa thuận nhất trí mở tại bảy tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.” Hiệp định này đã do hai bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh và Cao Hổ Thành ký ngày 12/9/2016. Hiệp định 2016 này hình như không được đem ra Quốc hội bàn thảo và thông qua, và có vài đặc điểm sau:
1. Hiệp định và thông tư mở rộng diện giao dịch không chỉ với thương nhân và cư dân ở địa phương mà với doanh nghiệp khắp nước, cũng như quyền của địa phương
Điều 1 của Hiệp định cho phép dùng nhân dân tệ không chỉ đối với cư dân biên giới mà, vì câu chữ mù mờ, có thể hiểu là đối với doanh nghiệp và thương nhân ở bất cứ đâu có buôn bán tại hay qua khu vực biên giới.
“Thương mại biên giới” trong Hiệp định này là chỉ hoạt động thương mại của các doanh nghiệp hoặc thương nhân và cư dân biên giới được tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới hai nước theo quy định của pháp luật mỗi nước.
Hiệp định ở Điều 13 còn đi quá đà tạo ra sự tùy tiện khi thực hiện: “…ủy quyền cho cho chính quyền địa phương cấp tỉnh biên giới tương ứng của mỗi Bên ký kết các thỏa thuận cụ thể có liên quan trong khuôn khổ Hiệp định này.”
Hiệu định ở Điều 8 chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, khuyến khích thanh toán qua ngân hàng chứ không bắt buộc.
“Khuyến khích thanh toán thông qua ngân hàng thương mại hai Bên.”
2. Hiệp định mở rộng hành động giao dịch trong thanh toán của phía TQ
Nhưng quan trọng hơn nữa là thông tư 19 qua Điều 11 cho phép mở rộng thêm các hoạt động như sau:
· Cho phép thương nhân TQ, và ngân hàng TQ có chi nhánh ở vùng biên giới có nhiều tài khoản.
· Cho phép họ có quyền chi “VND chuyển khoản để mua CNY hoặc ngoại tệ khác tại chi nhánh ngân hàng biên giới để chuyển về nước”, tức là cho phép doanh nhân TQ tham gia vào buôn bán ngoại tệ mạnh, tất nhiên kể cả đầu cơ buôn tiền, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối ở Việt Nam.
3. Hiệp định có thể tạo ảnh hưởng khó lường với kinh tế Việt Nam
Hiệp định mới cũng như Qui định 19 rõ ràng đã mở rộng về phạm vi thanh toán và sử dụng tiền so với trước đây, nhưng còn nhiều điều khác thì chỉ rõ với người soạn chúng và người tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này cần tìm hiểu thêm.
Tuy vậy, với quyền của phía TQ mua bán các loại ngoại tệ trên thị trường VN, và với tình trạng thiếu hụt buôn bán hàng năm của VN với TQ khoảng 20 đến 30 tỷ US, tức là khoảng 6-9% lượng tiền tệ trong nước, TQ có thể tạo ảnh hưởng mạnh đến thị trường Việt Nam.
Hiện nay, để nhập khẩu, thương nhân và doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phải dùng ngoại tệ mạnh (dư thừa trong buôn bán với Mỹ và các nước khác, cũng như kiều hối gửi về) đổi ra nhân dân tệ để mua hàng từ TQ. Nhưng với qui định mới, các nhà đầu cơ TQ nắm được lượng tiền VN tương đương với 20-30 tỷ USD có thể ảnh hưởng khó lường đến thị trường FDI, chứng khoán, trái phiếu, và đất đai và kể cả hối suất nếu họ bán tống tài sản, chuyển ra đồng ngoại tệ mạnh để chuyển về nước.
Kịch bản trên không phải là kịch bản giả thuyết. Chính năm 1997, mấy tay tài phiệt buôn tiền như George Soros, khi các nước như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia đang bị thiếu hụt cán cân thanh toán và hối suất so ra cao, đã tập trung đánh đồng bản tệ, bằng cách bán tháo cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản khác rồi đổi ra đồng ngoại tệ (USD, Yen) và rút chạy. Các nền kinh tế trên gần như suy sụp, phải cầu viện IMF và chịu sự không chế của họ vì thiếu ngoại tệ đáp ứng, để trả nợ nước ngoài. Mã Lai là nước duy nhất cấm rút ngoại tệ mạnh chuyển ra nước ngoài trong 1 năm, và tránh khỏi khủng hoảng trầm trọng.
Có người cho rằng nhiều nước khác cũng cho phép thanh toán bằng đồng thứ hai, thứ ba như Việt Nam. Tất nhiên không thể chối bỏ là có nước nhỏ bé và dựa vào hoạt động kinh tế Mỹ, như Panama, coi đồng tiền Mỹ là đồng tiền chính thức, hay vì không còn ai chấp nhận nội tệ do in nhiều quá để tiêu nên không còn giá trị gì đã phải bắt buộc dùng đồng USD là đồng chính thức; đấy là tình trạng ở Zimbawee, nơi tôi đã từng tới làm việc tư vấn, đồng tiền USD đã đuổi đồng nội tệ xấu mất giá ở mức phi mã ra khỏi thị trường, hoàn toàn thay thế nó toàn bộ mọi thanh toán ở bất cứ nơi nào, đến mức nhà nước phải trả lương bằng USD, dù trên danh nghĩa đồng hợp pháp là nội tệ.
Như thế, muốn độc lập về tài chính thì phải thực hiện nguyên tắc đồng tiền thanh toán duy nhất là đồng nội tệ.
Với tình hình lạm phát rất cao ở Việt Nam trước đây, đồng tiền Việt, đã bị USD và vàng gần như đuổi cổ khỏi thị trường. Hiện nay, và trong tương lai, nếu nhà nước chi nhiều hơn thu, lạm phát cao thì đồng nhân dân tệ, nếu được phép lưu hành, cũng có thể đuổi cổ đồng Việt Nam ra khỏi thị trường. Lúc đó, cũng như Hy Lạp vừa qua do đã chấp nhận đồng Euro là đồng chính thức, không thể điều chỉnh chính sách tiền tệ và điều chỉnh hối suất để giảm thiếu hụt cán cân mậu dịch, sẽ chỉ còn nước giảm chi tiêu, thải người, cắt lương hoặc xoè tay xin viện trợ, hoặc vay mượn của nước nắm quyền quyết định chính sách tiền tệ.
Ở đây cũng xin giải thích thêm về tình hình ở Mỹ. USD là đồng tiền thanh toán hợp pháp (legal tender) được nhà nước bảo vệ giá trị.
Mỹ lại chấp nhận nguyên tắc đồng USD là đồng tự do chuyển đổi, nên không ra lệnh không được dùng tiền nước ngoài trong thanh toán nhưng thực tế không ai dùng vì nó có giá trị do nền kinh tế Mỹ mạnh và vì những quy định khác như không bảo hiểm tiền gửi bằng ngoại tệ. Các nước mạnh khác cũng thế. Tất nhiên các nước yếu như Mã Lai, Thái Lan… để bảo vệ giá trị đồng bạc nội, họ cấm dùng ngoại tệ trong trao đổi, thậm chí khi cần họ kiểm soát nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài, để bảo vệ đồng bạc. Vài đặc điểm về đồng USD có thể tóm tắt như sau:
a) Đồng USD là legal tender, tức là đồng tiền chính thức mà chính phủ có nhiệm vụ phải bảo vệ giá trị. Trước đây, đồng USD được bảo vệ bằng vàng. NHNN các nước có thể chuyển USD thành vàng. Từ thời Nixon, bãi bỏ, và để thị trường tự do quyết định, nhưng chính phủ Mỹ qua FED (Ngân hàng Trung ương) sẵn sàng can thiệp để bảo vệ giá trị.
b) Vì là legal tender, theo luật, mọi thanh toán như đóng thuế, đóng phí mua bán với với chính phủ Mỹ và cơ quan chính phủ phải bằng đồng USD.
c) Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC) chỉ bảo hiểm tiền gửi ở ngân hàng nếu bằng đồng USD, và không bảo hiểm foreign currency deposit accounts (tiềng gửi bằng ngoại tệ). Chính vì thế chẳng ai dại có tài khoản bằng ngoại tệ vì không được bảo hiểm. Tức là nếu ngân hàng thất bại, đóng cửa, bạn sẽ mất sạch.
d) Với người speculator [đầu cơ] về tiền tệ, nếu muốn có tài khoản (accounts) bằng tiền nước ngoài, thì bạn có thể ra nhà băng ở Mỹ có chi nhánh ở nước ngoài, mở tài khoản cho bạn, nhưng thật ra là thông qua tài khoản của họ ở nước có đồng bạc bạn muốn như Yen Nhật hay đồng Yuan Tầu. Bạn đưa tiền Mỹ, họ sẽ đổi ra tiền Yuan và bỏ vào đó, khi bạn rút ra, họ không đưa tiền Yuan, nhưng dùng ở Mỹ phải đổi ra tiền USD. Như đã nói tài khoản ngoại tệ sẽ không có bảo hiểm của nhà nước Mỹ (theo luật FDIC) vì nhà nước không có nhiệm vụ này.
e) Mọi thanh toán với nước ngoài, với giá trị 10 ngàn USD trở lên, phải báo trong ngày cho ngân hàng trung ương và cơ quan an ninh Mỹ FBI, dù gửi check, qua ngân hàng, qua bưu điện hay đem tiền qua hải quan. Bạn có thể đem tiền hay gửi tiền vào Mỹ với lượng không hạn chế, nhưng phải báo trước về người đem và người nhận. Mỹ không chỉ muốn kiểm soát lượng tiền tệ mà còn muốn kiểm soát hành động rửa tiền.
f) Mỹ rất rộng rãi và tự do nhưng nhiệm vụ của FED (Ngân hàng Trung ương) là phải bảo vệ giá trị đồng tiền. Mỹ cũng có dự trữ các đồng nước ngoài, nhưng quan trọng nhất là đồng USD được thế giới coi là đồng dự trữ quan trọng nhất, và do đó chính nó là đồng dự trữ của Mỹ. FED có thể in tiền để mua ngoại tệ đưa vào dự trữ, kể cả in tiền nhằm tăng tín dụng tài trợ chi tiêu qua việc mua trái phiếu nhà nước nhằm ảnh hưởng đến lãi suất và hối suất. Nhưng thường họ chỉ làm thế trong trường hợp đặc biệt, như để cứu kinh tế như thời khủng hoảng năm 2007-09, vì không muốn tạo lạm phát. Mỹ làm thế được vì các nước sẵn sàng cầm đồng USD, tài trợ sức mua của Mỹ vì đồng USD là đồng mạnh, có giá trị. Hiện nay, 63% dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng đồng USD, phần còn lại là đồng Euro (20%), đồng Yen (5%), chỉ có 1,2% là đồng nhân dân tệ. FED và Bộ Tài chính Mỹ quyết định mua bán ngoại tệ, đưa vào dự trữ và bán ra khi cần để điều hành giá trị đồng USD. Mua hay bán, bao nhiêu là dựa vào ủy ban hợp tác giữa FDE và Bộ Tài chính. Nên nhớ chỉ có tiền giữ ở trong Ngân hàng Trung ương mới có thể gọi là dự trữ. Tiền nằm trong ngân hàng thương mại (dù quốc doanh hay không) không được coi là dự trữ.
g) So với đồng USD, nhân dân tệ của TQ, dù đã được IMF chấp nhận là đồng tiền dự trữ mà các nước có thể dùng làm dự trữ, nó vẫn chưa phải là đồng tiền tự do chuyển đổi. Và tất nhiên ở TQ họ không cho phép mua bán bằng ngoại tệ (đây là hành động chợ đen, có thể bị bắt). Để bảo đảm giá trị và khả năng kiểm soát tiền tệ và tài chính, TQ vẫn còn ở chế độ kiểm soát ngoại tệ.
TQ cấm dùng tiền nước ngoài trong thanh toán, cấm có tài khoản bằng ngoại tệ, trừ ở Hồng Kông, Singapore vì đó là nơi họ cho phép buôn bán đồng nhân dân tệ (tất nhiên lượng là do chính phủ TQ kiểm soát). Muốn đem tiền nước ngoài và NDT ra nước ngoài ở mức độ nhất định phải xin phép.
TQ hiện nay có tới 3000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, trong đó ít nhất là 1200 tỷ US dưới hình thức trái phiếu nhà nước Mỹ. Vì đồng nhân dân tệ chưa được tin cậy, dù IMF quyết định coi nó là đồng dự trữ quốc tế.
Kết luận
Như tôi đã nói, nếu VN để sổng ngoại tệ tràn vào tay dân, hay thậm chí nằm trong ngân hàng thương mại mà không kiểm soát được thì sẽ không kiểm soát được tiền tệ và giá trị đồng bạc, và cũng không kiểm soát được lạm phát. Tiền Việt lại còn cho phép tràn vào tay TQ và đưa ra nước ngoài thì khó đoán được chúng làm gì, khi lượng nhiều, VN sẽ không kiểm soát được. Vì vậy mới có chuyện đô la hóa hay vàng hóa, và sắp tới có thể nhân dân tệ hóa.
Tôi rất nghi ngờ khả năng chính phủ VN có thể kiểm soát, vì thông tư 19 đã mở rộng cho hoạt động xuất nhập khẩu, tất nhiên là của cả nước, qua biên giới chứ không chỉ áp dụng cho trao đổi hàng ở chợ biên giới. Như tôi đã nêu ngay doanh nghiệp biên giới đã có thể hiểu là doanh nghiệp ở nơi khác nhưng có chi nhánh ở biên giới. Còn ngân hàng tất nhiên không thể chỉ là ngân hàng biên giới, mà rõ ràng là nó chỉ là chi nhánh của ngân hàng nơi khác. Vậy thử hỏi khi nhận được Yuan không lẽ nó chỉ giữ ở chi nhánh biên giới?
Không thể kiểm soát được là đương nhiên, vì chính hiện nay chính quyền cũng đã không kiểm soát nổi thương mại tiểu ngạch ở biên giới rồi (chuyển hàng lậu, không chứng từ, không khai báo với hải quan và không đóng thuế).
Đã không kiểm soát được như thế, bây giờ với chính sách cho phép chính thức thì làm sao bịt được các nguồn hàng từ trong nội địa và từ biên giới vào nội địa. Như ta biết, tiền có thể mua được tất cả quan chức hiện nay.
Do đó mà tôi thấy cần có quan điểm rõ ràng, và quan điểm của tôi là cấm trao đổi mua bán dùng tiền mặt nước ngoài. Trao đổi bằng tiền nội thì cần trả phí chuyển đổi từ ngoại tệ ra nội tệ hoặc ngược lại, nhưng đó là chuyện bình thường mà mọi nước chấp nhận.
V.Q.V.
Nguồn: http://viet-studies.net/kinhte/VuQuangViet_ChiDungNoiTe.html