Trung Quốc đang thua cuộc chiến tranh lạnh mới?

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân)
Phạm Nguyên Trường dịch

Khác với Liên Xô, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng thành tích kinh tế là điều kiện cần cho tính chính danh. Tuy nhiên, tương tự như Liên Xô, Trung Quốc đang chi quá nhiều tiền cho một vài người bạn, mà chẳng thu được bao nhiêu, trong khi ngày càng lún sâu vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ.

Khi Liên bang Xô viết nổ tung, năm 1991, tìm hiểu lý do của việc này trở thành nỗi ám ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ được giao phó nhiệm vụ này đổ nhiều tội lỗi lên đầu Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo theo đường lối cải cách không tàn nhẫn đến mức có thể giữ được Liên Xô. Nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng làm rõ được những yếu tố quan trọng khác, mà dường như không phải tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đều để tâm tới.

Chắc chắn là, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành hết tâm trí cho bài học quan trọng đầu tiên: Thành tích kinh tế cao là điều cần cho tính chính danh. Và, việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung toàn lực vào việc thúc đẩy tăng trưởng GDP trong mấy thập kỷ qua đã mang lại “phép màu kinh tế”, với thu nhập bình quân đầu người nhảy vọt từ 333 USD, năm 1991, lên 7.329 USD vào năm ngoái. Đây là lý do quan trọng duy nhất giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục nắm được quyền lực.

https://2.bp.blogspot.com/-ehyIDHbkCxU/W5E-XjgLyvI/AAAAAAAABEI/mOzdQdkspYAS3eCeDkojr4qXXMAmoAXGwCLcBGAs/s640/08c185228ff4cb581b6ecf6af8503bb3.2-1-super.1.jpg

Lực lượng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc

Nhưng việc giám sát nền kinh tế đang trì trệ hầu như không phải là sai lầm duy nhất mà các nhà lãnh đạo Liên Xô đã mắc phải. Họ cũng bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và không thể thắng được với Mỹ, và trở thành nạn nhân của việc vươn bàn tay đế quốc chủ nghĩa ra quá xa, họ ném tiền và nguồn lực cho các chế độ chẳng có mấy giá trị về mặt chiến lược và được coi là thường xuyên kém cỏi trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Vào lúc Trung Quốc tham gia “Chiến tranh lạnh” mới với Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như đang lặp lại những sai lầm thảm khốc tương tự như Liên Xô đã từng mắc.

Mới nhìn, dường như Trung Quốc không thực sự tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Nói cho cùng, ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc trong năm nay – khoảng 175 tỷ USD – chỉ bằng một phần tư ngân sách 700 tỷ USD, đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Nhưng người ta tính rằng chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc cao hơn hẳn ngân sách chính thức: Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm International Peace Research Institute), năm ngoái Trung Quốc chi cho quân đội khoảng 228 tỷ USD, tức khoảng 150% con số chính thức là 151 tỷ USD.

Dù sao mặc lòng, vấn đề không phải là số tiền Trung Quốc chi cho súng đạn, mà là sự gia tăng liên tục các khoản chi tiêu cho quân đội, có nghĩa là đất nước này sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến tranh tiêu hao lâu dài với Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc không thể tạo ra những nguồn lực đủ sức chịu đựng được khoản chi cần thiết để giành chiến thắng trên mặt trận này.

Nếu Trung Quốc có mô hình tăng trưởng bền vững, tức là có nền tảng của nền kinh tế hiệu quả cao, thì nước này có thể đủ khả năng theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang có mức độ với Mỹ. Nhưng họ cũng không có mô hình như thế.

Ở cấp độ vĩ mô, tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục giảm, đấy là do dân số già đi nhanh chóng, nợ cao, rủi ro về thanh khoản và cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động đang leo thang. Tất cả những điều vừa nói sẽ làm cạn kiệt nguồn lực có giới hạn của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, khi tỷ lệ người già, sống phụ thuộc vào con cái và xã hội gia tăng thì chi phí y tế và lương hưu cũng sẽ tăng.

Hơn nữa, trong khi kinh tế Trung Quốc có thể hiệu quả hơn hẳn kinh tế Liên Xô, nhưng không thể hiệu quả như Mỹ. Lý do chính là ảnh hưởng lâu dài của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, chiếm một nửa tổng tín dụng ngân hàng nhà nước, nhưng chỉ đóng góp 20% giá trị gia tăng và việc làm mà thôi.

Vấn đề của Đảng Cộng sản Trung Quốc là doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc duy trì chính quyền độc đảng, vì những doanh nghiệp này được sử dụng vừa như biện pháp tưởng thưởng cho những người trung thành vừa tạo điều kiện cho chính phủ can thiệp nhân danh các mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước. Loại bỏ những công ty cồng kềnh và không hiệu quả này là tự sát về chính trị. Nhưng, bảo vệ những công ty này có thể chỉ làm chậm lại cái không thể tránh khỏi, vì càng cho phép các công ty này bòn rút những nguồn tài nguyên khan hiếm ra khỏi nền kinh tế, thì cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ sẽ càng trở thành gánh nặng – và thách thức đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ càng lớn thêm.

https://2.bp.blogspot.com/-WPGVqOZxflk/W5E-koDztbI/AAAAAAAABEM/H2gnFbW-5AwBc6QLOq4ZFsZEtV_bv0N1gCLcBGAs/s640/TBTHANHUU.jpg

Cuốn sách về Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Trung Quốc (tác giả Minxin Pei) do NXB Hội nhà văn ấn hành.

Bài học thứ hai là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không đánh giá một cách thỏa đáng là: cần phải tránh, không được vươn bàn tay đế quốc ra quá xa. Khoảng một thập kỷ trước, với thặng dư thương mại quá lớn, dư thừa quá nhiều tiền mặt, chính phủ Trung Quốc bắt đầu có những cam kết rất tốn kém với nước ngoài và trợ cấp cho các “đồng minh” chỉ biết ăn mà không biết làm.

Hành động phô trương đầu tiên là sáng kiến Một Vành Đai và Một Con Đường (BRI), chương trình trị giá 1 nghìn tỷ USD, tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển do Trung Quốc tài trợ. Mặc dù đã có những dấu hiệu là sẽ có rắc rối, – cái này, cùng với kinh nghiệm của Liên Xô, đáng lẽ Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải tạm dừng – nhưng dường như Trung Quốc quyết tâm đẩy nhanh chương trình Một Vành Đai, Một Con Đường, các nhà lãnh đạo coi đây là một trong những trụ cột của “chiến lược vĩ đại” mới của mình.

Ví dụ thậm chí còn nghiêm trọng hơn về bàn tay đế quốc vươn ra quá xa là những khoản trợ giúp hào phóng của Trung Quốc cho các nước – từ Campuchia, tới Venezuela, rồi Nga – mang lại quá ít lợi lộc. Theo số liệu của AidData ở Đại học William và Mary (College of William and Mary), từ năm 2000 đến năm 2014, Campuchia, Cameroon, Côte d’Ivoire, Cuba, Ethiopia và Zimbabwe đã được Trung Quốc tài trợ hoặc cho vay với lãi suất thấp tổng cộng 24,4 tỷ USD. Cũng trong giai đoạn này, Angola, Lào, Pakistan, Nga, Turkmenistan và Venezuela đã nhận được 98,2 tỷ USD.

Hiện nay, Trung Quốc đã cam kết sẽ cung cấp 62 tỷ USD các khoản vay cho dự án “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan”. Chương trình này sẽ giúp Pakistan đối đầu với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán đang hiện ra ở phía trước; nhưng nó cũng sẽ làm cạn kiệt kho bạc của chính phủ Trung Quốc đúng vào lúc chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể dẫn tới nguy cơ là họ không thể có tiền bổ sung vào ngân quỹ.

Tương tự như Liên Xô, Trung Quốc đang chi quá nhiều tiền cho một vài người bạn, mà chẳng thu được bao nhiêu, trong khi ngày càng lún sâu vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ. Chiến tranh Lạnh Trung-Mỹ chỉ vừa mới được khởi sự, nhưng Trung Quốc đã đi theo hướng thua.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là Giáo sư về quản trị tại Claremont McKenna College và là tác giả cuốn Tư bản thân hữu Trung Quốc.

P.N.T.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.