2010-06-09
Dự án đường tàu cao tốc Việt Nam vẫn là đề tài sôi nổi trong phiên họp Quốc hội hôm 08/06/2010, trong đó các đại biểu nêu nhiều ý kiến khác biệt về việc nên hay không nên thực hiện.
Khi dự án đường cao tốc Bắc Nam được Cchính phủ đưa ra Quốc hội để xem xét, thảo luận, những người bảo vệ dự án đã ra sức thuyết phục Quốc hội và dư luận bằng những lập luận đầy lạc quan, nhưng lại thiếu cơ sở khoa học, thiếu tính thực tế, thậm chí liều lĩnh và vô trách nhiệm đến mức không thể hiểu nổi. Tờ Tuần Việt Nam vừa qua trong bài viết về những phát ngôn ấn tượng trong tuần, đã điểm lại những câu nói của các vị Bộ trưởng, các Đại biểu ủng hộ siêu dự án này. Bài viết có tựa đề “Phát ngôn ấn tượng: Vay nợ ư? Lo gì, con cháu tài giỏi hơn sẽ trả” lấy ý từ câu phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”. Nhiều bloggers đã bức xúc lên tiếng về lời phát biểu này.
Ai sẽ trả nợ?
Thử xem thế hệ mai sau đang sống như thế nào, để từ đó suy ra liệu chúng có khả năng trả nợ cho chúng ta.
Nguyễn Quang Lập
Với cái tựa: “Ai sẽ trả nợ cho chúng ta?” nhà văn Nguyễn Quang Lập nhắc lại câu nói của ông Trần Đình Long và cho rằng: “…Từ trong ý tứ mà suy có thể yên tâm những món nợ khổng lồ sẽ được các thế hệ mai sau thanh toán ngon lành. Ok. Nếu được vậy thì quá mừng. Nhưng thử xem thế hệ mai sau đang sống như thế nào, để từ đó suy ra liệu chúng có khả năng trả nợ cho chúng ta…”. Nhà văn đưa ra những bức ảnh sống động, có sức biểu hiện hơn ngàn lời nói, đã cho người xem thấy cuộc sống của trẻ em VN hiện nay “Trong khi một số các em sống trong nhung lụa thì đa phần các em đang sống dưới chân những khu rừng trụi…”, “Đang sống bên những dòng sông ô nhiễm”, “Đang sống nơi hạn hán triền miên, nguồn nước đang dần khô kiệt”, “Và chúng phải lao động vô cùng cực nhọc”, “Thậm chí phải bới rác kiếm ăn”, “Thậm chí phải ăn thứ chó mèo chê”, “Bị đánh đập dã man”, “Muốn đến trường phải đánh đu trên cáp treo như thế này”, “Đến được trường rồi thì phải nhúng mình trong một nền giáo dục nhiều tiêu cực và bất cập”… Câu trả lời từ đó là rất rõ ràng: “Không tạo được môi trường sống tốt đẹp cho các em thì đừng mơ có một thế hệ tương lai trả nợ giùm. 6 tỉ đô đầu tư môi trường sống cho thế hệ tương lai hay 56 tỉ đô làm tàu cao tốc chỉ để chở người và hành lý xách tay, cái nào lợi hơn, không nói mọi người cũng đã rõ”.
Không chỉ là thói chơi sang, căn bệnh thích làm cái gì cũng to, cũng hoành tráng, mà thật ra, cái lý do thật sự mà ai cũng ngầm hiểu trong việc tại sao càng ngày các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam từ trên xuống dưới cứ muốn “chạy” dự án, “đẻ” ra những công trình vĩ đại, chính là để ăn bớt ăn xén vào đó, công trình càng to, dự án càng lớn thì tiền hoa hồng, tiền ăn bớt càng nhiều. Lòng tham cộng với kiểu tư duy nhiệm kỳ chỉ thấy cái lợi trước mắt, chỉ biết vơ vét về phần mình còn mọi sự ra sao, sau này hãy tính đã khiến các vị bất chấp mọi lời phản biện có lý có tình của người dân, bất chấp mọi sự thua lỗ, thiệt hại đã thấy ngay từ đầu để quyết làm cho bằng được.
Như trong dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam này có vô số những cái phi lý, bất lợi đã được vạch ra. Dùng một ví dụ về chuyện xây nhà cho cháu nội để so sánh với chuyện xây đường sắt mấy chục năm nữa mới hoàn thành, trong bài “Đường sắt cao tốc: xây nhà cho cháu nội tương lai”, tác giả Trần Trung Chính vạch ra một trong những cái phi lý rành rành của việc tại sao phải thực hiện dự án này ngay từ bây giờ: “Tôi năm nay 47 tuổi. Vì có vợ muộn nên con tôi mới 5 tuổi. Dự kiến 20 năm nữa thì tôi có cháu nội. Hiện nay tôi đã gom góp tiền mua được một miếng đất be bé. Tôi sẽ bắt đầu xây nhà cho cháu nội tôi từ bây giờ. Xây theo kiểu nhà nghèo, gom được đồng nào xây đồng đó. Ba mươi năm sau, tôi sẽ có được ngôi nhà cho cháu nội tôi ở.
Bài toán của tôi ở trên chính là bài toán làm đường sắt cao tốc của Việt Nam. Một bài toán trời ơi đất hỡi! Ông nội xây ba mươi năm mới xong ngôi nhà cho cháu ở. Đến lúc xây xong thì đứa cháu nội nó chê nhà xây kiểu lạc hậu, nó không thèm ở. Nó bèn đập đi một cách không thương tiếc. Nó xây lại một ngôi nhà hiện đại hơn thế chỉ trong vòng nửa năm…
Ơi ông Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, người vừa trả lời rùm beng trên báo, ông có thể trả lời câu hỏi này của tôi không: Nếu bắt đầu xây dựng từ bây giờ để đến năm 2035 hoàn thành, tại sao không để đến năm 2030 xây dựng để 5 năm sau, là năm 2035 hoàn thành?
Trước đây tôi cứ ngỡ, một tuyến đường sắt cao tốc luôn bắt buộc phải xây dựng trên 20 năm mới xong, nên phải bắt đầu từ bây giờ mới kịp. Nhưng khi ông nói tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thiên Tân xây dựng có 1 năm đã xong thì tôi mới ngã ngửa ra. Tôi xin ‘bó tay chấm com’ với ông rồi ông ơi”.
Phi lý là thế nhưng người ta vẫn cứ làm. Đưa ra Quốc hội bàn chỉ là để hợp thức hóa chứ ai cũng biết, như rất nhiều dự án đã từng bị người dân phản đối dữ dội trước kia, dự án đường sắt này rồi cũng sẽ được thông qua thôi!
Học đi mà trả nợ
Xót xa cho các thế hệ tương lai chưa gì đã phải mang vác một gánh nặng nợ nần quốc gia ngày càng chồng chất do thói tham lam, ích kỷ, vô trách nhiệm của các thế hệ cha ông, blogger Người Buôn Gió viết bài thơ “Trẻ con ăn học làm gì?” với những con chữ như máu nhỏ từ trái tim mình:
Không tạo được môi trường sống tốt đẹp cho các em thì đừng mơ có một thế hệ tương lai trả nợ giùm.
Nguyễn Quang Lập
“Học đi con
Học kéo cày trả nợ
Quê hương ta một dải
Chúng nó bán hết rồi
Còn gì chưa bán được
Đã mang đặt cho người
Học đi mà khôn lớn
Kéo cày chuộc quê hương
Lớn đi con
Lớn đi làm nô lệ
Trên đất nước của mình…”
Cũng một ý “Học đi mà… trả nợ”, blogger Thanh Chung sau khi phân tích tất cả những cái thiệt hơn xung quanh việc tiến hành xây dựng đường sắt cao tốc trong thời điểm hiện tại, những sự nghi ngại từ một thực tế lâu nay VN vẫn là một nước nghèo, chưa có minh bạch và kỷ cương trong mọi việc, nên“càng xây càng nát, càng dự án to càng thất thoát. Tham nhũng đến cạn kiệt lòng dân rồi”, cuối cùng tác giả kết luận: “Hôm Chủ nhật vừa rồi, trong bữa ăn trưa, mình đã cập nhật tình hình trong nước cho hai đứa con: Nếu Quốc hội thông qua các siêu dự án như hệ thống cảng biển 5 tỷ USD, điện hạt nhân hơn 10 tỷ USD, sân bay Long Thành 12 tỷ USD, 18 tuyến đường cao tốc 48 tỷ USD, đường sắt cao tốc 56 tỷ USD, đồ án quy hoạch Thủ đô 90 tỷ USD… thì các con cứ việc… “học đi mà trả nợ”.
Trong bài “Phát ngôn ấn tượng: Vay nợ ư? Lo gì, con cháu tài giỏi hơn sẽ trả” nói trên, tác giả Khánh Linh viết: “Lại phải trích phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long: “Mai sau thế hệ con cháu tài giỏi hơn chúng ta sẽ làm thay”. Nói dại, lỡ thế hệ con cháu không tài giỏi hơn thì phải làm sao nhỉ? Sao các bác, các chú cứ bắt con cháu phải là thiên tài như thế? Không chỉ phải tài cỡ đoạt giải Nobel mà phải có tài trả nợ thay cho các bác các cô các chú mà các bác các cô các chú lại chẳng cần biết con cháu có muốn hưởng thụ những gì các bác, các chú để lại không?
Hình như, đã muốn ủng hộ thì không khó khăn gì để đưa ra rất nhiều lập luận “tô hồng”, toàn những nhận định về tương lai xa thật là xa, đến lúc đó chẳng may có sai thì cứ xuống suối vàng mà tìm các bác các chú để trách cứ thoải mái.
Như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn gọi dự án đường sắt cao tốc là “xa xỉ, ăn chơi”, rằng “Đời cha ăn mặn đời con khát nước. Không cha mẹ nào lại ăn vào phần con cháu. Không thể quyết một dự án lớn mà không biết bao giờ mới trả nợ được”.
Còn gì ở tương lai?
Kỳ vọng trẻ em sẽ biến đất nước thành rồng, thành hổ nhưng đã vô tình đeo đá vào đôi cánh mỏng manh của các em bằng một thứ tội tổ tông truyền.
Khương Duy
Trong khi các thế hệ hôm nay cứ thoải mái chi xài để nợ cho con cháu thì ngược lại họ có quan tâm chăm sóc đầu tư gì cho các thế hệ tương lai không? Trẻ em Việt Nam hiện nay và trong vòng vài chục năm nữa đang sống và sẽ sống như thế nào? Chất lượng giáo dục thì yếu kém, chương trình học nặng nề, quá tải, đã vậy lại còn phải học thêm, học hè, suốt ngày học, quanh năm học, chẳng có thời gian giải trí, chẳng có tuổi thơ. Khi muốn vui chơi giải trí thì những nơi có thể dành cho trẻ em vừa ít ỏi vừa nghèo nàn, đơn điệu. Trên báo Tiền phong, tác giả Hoàng Tuân đã phải kêu lên “Người lớn quá thừa, trẻ em quá thiếu”: “Hà Nội hiện nay tràn ngập những khu vui chơi, giải trí cho người lớn, từ nhà nghỉ, quán bia, khách sạn, vũ trường… cho đến sân tennis, golf. Nhưng để tìm được một chỗ vui chơi hấp dẫn cho trẻ, phụ huynh phải đỏ mắt, đau đầu, chưa kể những trò chơi đó thường quá cũ, đơn điệu và nhàm chán…”. Đó là ở những thành phố lớn. Còn với trẻ em con nhà nghèo hoặc ở nông thôn thì đa phần vẫn còn sống trong những điều kiện hết sức kham khổ, không được đến trường hoặc vừa đi học vừa lao động phụ giúp gia đình từ khi còn tấm bé…
Thế nhưng những người đang nắm quyền quyết định mọi chuyện của đất nước, thay vì biết tính toán, tiết kiệm, đầu tư đúng việc đúng chỗ, đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu để các thế hệ mai sau sung sướng hơn thì họ lại chỉ biết thu lợi cho mình, tham nhũng, làm thất thoát tài sản, tài nguyên, làm nghèo thêm đất nước và thiệt thòi cho các thế hệ tương lai.
Nhân ngày 1.6 là ngày Tết thiếu nhi, tác giả Khương Duy đã viết những lời day dứt trong bài “Người lớn ơi, xin một lần lắng nghe trẻ em nói” đăng trên Tuần Việt Nam, về những gì mà người lớn đang làm, đang gây ra cho các em: “Người lớn chẳng những không cho trẻ em cuộc sống an toàn, không cho chúng niềm tin, không cho trẻ em một tuổi thơ theo đúng nghĩa mà còn “ăn vèn” cả vào tương lai của trẻ em. Khi những đứa trẻ lớn lên, chúng ta sẽ trả lời các em ra sao về hàng triệu, hàng tỷ tấn khoáng sản đã bị thế hệ trước khai thác, sử dụng hoang phí và bán với giá rẻ mạt cho nước ngoài để thỏa mãn những nhu cầu không đáy?
Cuốn sách địa lý của thế hệ tương lai sẽ viết về nguồn tài nguyên của đất nước ra sao khi những mỏ vàng, bạc, dầu thô, than đá chẳng còn gì ngoài những hố sâu thăm thẳm và môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề?
Hãy tự hỏi chúng ta chia cho trẻ thơ được bao nhiêu từ món tiền thu được từ việc bán tống bán tháo tài nguyên, khoáng sản hôm nay?”.
Những câu hỏi thật nhức nhối, liệu có ai trong số những người đang chịu trách nhiệm điều hành mọi lĩnh vực của đất nước hôm nay có một lần nghĩ lại và biết giật mình?
“Và chao ôi, những gì chúng ta dành cho chúng liệu có xứng đáng với những món nợ hàng trăm tỷ đô-la chúng ta đang vay nợ nước ngoài để đầu tư cho những dự án trên trời dưới biển. Chúng ta hỉ hả khi năm sau vay được nhiều hơn năm trước, chúng ta giận lẫy vài hôm khi có vị quan chức nọ xà xẻo vốn ODA nhưng rồi cũng tặc lưỡi bỏ qua. Chúng ta an ủi nhau rằng trẻ em ngày sau sẽ tài giỏi hơn thế hệ hôm nay và sẽ trả hết những gì chúng ta đang vay mượn để vung tay quá trán và thả sức cho rơi rớt dọc đường…”. Tác giả kết luận: “Chúng ta kỳ vọng trẻ em sẽ biến đất nước thành rồng, thành hổ nhưng đã vô tình đeo đá vào đôi cánh mỏng manh của các em bằng một thứ tội tổ tông truyền.
Vậy đấy, hành trang cho trẻ em vào tương lai tưởng như rất đầy mà thực ra lại rất vơi. Chúng ta chẳng cho trẻ em được bao nhiêu so với những gì chúng ta lấy đi của trẻ em”.
Khi cha ông chỉ biết vay nợ, tiêu xài, bán rẻ mọi thứ từ tài nguyên rừng vàng biển bạc cho đến sức lao động của con người, thì chỉ vài thập niên nữa thôi, lúc đó cháu con của chúng ta cho dù có tài ba đến đâu nhưng đất nước này liệu có còn lại gì để mà khai thác, mà bán, mà hòng trả nợ?
NH