BBC Tiếng Việt
Bản quyền hình ảnh: HRW
Các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án chính quyền Hà Nội ‘hành hung tàn ác’ giới hoạt động – những người được coi là ‘không chốn dung thân’ ở Việt Nam.
“Điều đáng lo ngại là những cuộc tấn công bà Phạm Đoan Trang cùng cộng sự của bà cho thấy sự leo thang về mức độ bạo lực của giới chức và những kẻ côn đồ được họ thuê mướn”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HWR) nói với BBC như thế hôm 23/8.
“Dựa trên mức độ nghiêm trọng của các vụ đánh đập, rõ ràng rằng những kẻ tấn công bà Trang có ý định khiến bà bị thương và tàn tật suốt đời. Điều này chỉ ra rằng chính quyền đang gia tăng sự trừng phạt bằng bạo hành thể chất trong khi tăng cường đàn áp những người bất đồng chính kiến,” ông Phil Robertson nhận định.
Trước đó một ngày, thông cáo báo chí của HWR phổ biến hôm 22/8, trích lời ông Phil Robertson phát biểu:
“Qua việc không điều tra và truy cứu trách nhiệm những người thực hiện các hành vi côn đồ như thế, nhà cầm quyền đang phát tín hiệu rằng tấn công những người bất đồng chính kiến sẽ không bị trừng phạt”.
“Kiểu thức hành hung tàn ác và gây sốc nhằm vào các nhà hoạt động nhân quyền, blogger và nghệ sĩ đang nhanh chóng biến thành một thông lệ mới ở Việt Nam”.
HWR kêu gọi chính quyền Việt Nam mở một cuộc điều tra “vô tư, minh bạch và thấu đấu đáo” vụ tấn công ca sỹ Nguyễn Tín, blogger Phạm Đoan Trang cùng một số nhà hoạt động khác ngày 15/8.
Trước đó nữa, hôm 16/8, Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) hôm cũng phổ biến thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam phải điều tra ngay cáo buộc công an hành hung các nhà hoạt động đến xem đêm diễn nhạc tiền chiến của ca sỹ Nguyễn Tín.
“Chính quyền Việt Nam vẫn còn rất nhạy cảm với những di sản văn hóa miền Nam Việt Nam sau năm 1975”, thông cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế viết. Blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang là người bị hành hung nặng nhất sau đêm nhạc của ca sỹ Nguyễn Tín ở Sài Gòn hôm 15/8, nơi anh hát các ca khúc trước năm 1975, theo HRW.
Theo sự việc được những người trong cuộc thuật lại, gần cuối đêm diễn, một nhóm người mặc sắc phục an ninh và thường phục, trong đó nhiều người đeo khẩu trang, xông vào quán, quay phim ca sỹ, khán giả, sau đó đánh đập nhiều người.
Sau khi bị bắt lên xe đưa đi, bà Trang cho hay bị thả xuống một con đường vắng, sau đó bị một nhóm khác xông vào đánh đập lần hai. Họ dùng mũ bảo hiểm đập lên đầu bà Trang khiến chiếc mũ vỡ tan.
Sau khi cấp cứu tại bệnh viện, hiện bà Trang trở về nhà với sức khỏe suy giảm. Ngoài ra bà đã phải thay đổi chỗ ở tới bốn lần chỉ trong một tuần vì bị chính quyền ‘lùng sục theo kiểu xã hội đen’, theo thông tin từ nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm.
Ca sỹ Nguyễn Tín, nhà hoạt động Nguyễn Đại cũng báo buộc công an đánh đập họ, ‘bắt cóc’ lên xe trong tình trạng bị trói và bịt mắt, rồi thả xuống mương giữa đêm khuya.
Bạo lực cũng xảy ra trong tù?
Các nhà hoạt động dân chủ VN hiện đang chịu tù đày. Bản quyền hình ảnh: HRW
Trong khi một số nhà hoạt động bị hành hung bên ngoài thì nhiều tù nhân chính trị cũng liên tiếp phản ánh việc bị áp bức trong tù. Tiếp xúc với BBC hôm 20/8, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức cho biết:
“Tới hôm nay, anh Thức tuyệt thực từ 14-23/8 để phản đối chính sách hà khắc của trại giam. Anh nói họ muốn anh ký vào bản nhận tội để đổi lại được thả tự do, đi tỵ nạn ở nước ngoài. Nhưng anh Thức khẳng định có rục xương trong tù anh cũng không nhận tội, vì anh không có tội”.
Theo lời kể của ông Tân, ngoài ra, từ tháng 6/2018, trại giam có đội trưởng giáo dục mới, tên Trần Duy Phong. Người này rất hà khắc với ông Thức, đặc biệt trong việc gửi thư tín ra ngoài.
Ông Phong chỉ cho phép ông Thức gửi hai lá thư ra ngoài mỗi tháng, mỗi lá thư chỉ được gửi đến một người. Ông Thức cũng không được phép gửi người thân, bạn bè các tác phẩm nhạc, thơ, văn của ông như trước nữa.
“Lần mới đây vào thăm, anh Thức xanh xao, đi không vững. Nhiều lần anh ôm bụng vì những cơn đau. Gia đình tôi rất đau lòng và lo lắng,” ông Tân nói.
Thân nhân tù nhân lương tâm Thúy Nga cũng cho hay bà bị đánh và dọa giết trong tù.
Ông Lương Dân Lý, chồng bà Nga, nói với BBC hôm 20/8 rằng bà Nga gọi điện thoại về gia đình, báo tin bà bị nhốt chung phòng với một tù nhân khác nổi tiếng cồn đồ. Người này thường xuyên hành hung bà Nga và dọa giết bà.
“Tôi mới gửi đơn thư lên các cơ quan chức năng để báo cáo về vụ việc,” ông Lý nói.
Người nhà của tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cũng cho hay không được gặp ông sau khi ông Dũng phản cung những lời khai trước đây đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng.
Cha của Dũng, ông Nguyễn Viết Hùng, cho đài RFA biết hôm 21/8 rằng ông đi thăm con sau phiên phúc thẩm tại trại giam Nghi Kim, Nghệ An thì được thông báo không được phép gặp.
Trước đó, hôm 16/8, tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Viết Dũng được đưa đến tòa làm nhân chứng chính tại phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng. Tại tòa, cả ông Hóa và Dũng đều phản cung, cho hay những lời khai trước đây của họ về ông Lượng là do bị đánh đập và ép cung.
Ông Nguyễn Viết Dũng, chỉ trước đó một ngày, hôm 15/8, bị tuyên 6 năm tù, 5 năm quản chế với tội danh tuyên truyền chống nhà nước.
Hôm 20/8, Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo (CPJ) cũng ra thông cáo lên án việc nhà tù hành hung ông Nguyễn Văn Hóa, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam dừng đánh đập và sách nhiễu các nhà báo bị bỏ tù.
‘Không chốn dung thân’
Vụ tấn công đêm nhạc Nguyễn Tín ở quán Café Casanova không phải là vụ việc đơn lẻ, theo báo cáo của HRW.
Theo danh sách của HRW, vụ việc nói trên nằm trong ‘một chuỗi’ các vụ hành hung nhà hoạt động đang bị công an theo dõi thời gian gần đây.
Tháng 6/2018, ông Hứa Phi, một nhà vận động cho đạo Cao Đài, sống tại Lâm Đồng, bị một nhóm mặc thường phục xông vào tư gia đánh đập, cắt râu ông.
Tháng 6-7/2018, cựu tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh bị một nhóm lạ mặt khủng bố, ném đá và vật liệu nổ tự tạo vào tư gia trong nhiều ngày. Bạn bè bà tới thăm cũng bị hành hung, trong đó ông Đinh Văn Hải bị đánh gáy xương sườn, phải nhập viện.
Từ 1/2015 – 4/2017: 36 trường hợp khác bị đánh đập, gây thương tích nghiêm trọng. “Nhiều nạn nhân cho biết việc đánh đập xảy ra ngay trước mặt cảnh sát mặc sắc phục mà họ không làm gì để can thiệp”, theo phúc trình “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền: Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung” của HWR, công bố tháng 6/2017.
“Kiểu thức hành hung cơ thể tàn bạo với bàn tay của côn đồ giấu mặt, rõ ràng có biểu hiện phối hợp với công an, là sự gia tăng đàn áp của chính quyền đối với các nhà hoạt động nhân quyền,” ông Robertson nói. “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên án việc sử dụng vũ lực và thúc đẩy chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt kiểu hành xử côn đồ”.
Phản bác lại ‘các luận điệu sai trái’
Truyền thông chính thức ở Việt Nam cho rằng nhiều hoạt động của xã hội dân sự có mục tiêu “gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền”.
Trang Tạp chí Cộng sản (31/07/2018) có bài viết, nói rằng:
“Trong giới trẻ hiện nay đã xuất hiện không ít những hội, nhóm lập ra các group, diễn đàn, trang web, câu kết với nhau tuyên truyền, phát tán tài liệu có nội dung xấu, lợi dụng đặc điểm tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích tự do, khẳng định mình…”.
“Đồng thời, các thế lực thù địch cũng lợi dụng những sơ hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh niên đua đòi theo trào lưu để lôi kéo, kích động, tập hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền ở địa phương”.
BBC