Từ chối bạo lực khi xuống đường vào tháng 9?(*)

Ánh Liên

Xã hội dân sự sẽ bị bóp chết khi chúng ta lên án ‘bạo lực’ từ phía nhân viên công quyền, mà bỏ quên sự phê phán những trạng thái kích động bạo lực từ cá nhân, hay tổ chức người Việt?

Xuống đường = xăng, đá và dao?

Hiện nay, có không ít fanpage hoặc Facebook cá nhân đang cổ động, thậm chí kích động những hành vi bạo lực trong lời kêu gọi xuống đường vào đầu tháng 9 tới.

https://2.bp.blogspot.com/-byd14Y71_-I/W32lfiUcKrI/AAAAAAAAAr0/KoXiJSI6r9kqSh2m7Hh-b2pd3hdwWiOmwCLcBGAs/s640/1.jpg

Mục tiêu và phương pháp đầy tính chất bạo lực của cái gọi là ‘Phong trào Dân trị’.

Không dừng ở việc đưa ra những hướng dẫn liên quan đến mục đích cuộc xuống đường như đòi hỏi ‘lật đổ chế độ cộng sản’, mà các trang Facebook như Phong trào Dân trị [facebook.com/309331943161716] còn hướng dẫn sử dụng nón bảo hiểm, gạch đá, xăng, dao, gậy để tham gia cuộc biểu tình lần này. Thậm chí, Facebooker Lisa Pham còn đưa hình ảnh một chai nước đóng chai (xăng, cồn?) có kẹp que diêm sinh ở bên ngoài với mục tiêu ‘đốt sạch giặc ngoại xâm’. Tương tự là Facebooker Tan Thai, trong một video trực tiếp với mục đích ‘tuyên truyền – chiêu binh – hiến kế cho ngày tổng biểu tình 4-9-2018’ phần 2 kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, nhưng trong quá trình ‘tuyên truyền’, facebooker này đã có sử dụng một bình nhựa (chứa xăng, cồn?) với lời gửi gắm bạo lực (dùng búa, dao dùng để ‘chơi nó’ [an ninh – 1h41 phút] – [facebook.com/100004483337392]. Trước đấy – facebooker này cũng nhấn mạnh yếu tố ‘vật nhọn’ và xăng cồn [facebook.com/100004483337392].

Đó là sự thoả mãn bạo lực cá nhân?

Những hành vi và lời lẽ nêu trên là hết sức nguy hiểm, bởi mọi sự chia sẻ, sự kích động bạo lực hay hướng dẫn người dân Việt Nam đi đến bạo lực, hay thậm chí đặt mục tiêu của cuộc biểu tình là ‘lật đổ chế độ’ vô tình đẩy những người nghe và tin theo lời kêu gọi phải đối diện với tù đày. Biến cuộc xuống đường theo quyền Hiến định trở thành một cuộc xuống đường bạo lực, làm sai lệch bản chất thực thi quyền con người trong nhân dân.

Mục đích của những Facebooker này là gì? Liệu rằng những Facebooker này thực sự có tấm lòng ‘thao thức’ vì dân, vì nước. Hay chỉ là những cá nhân, nhóm hoặc tổ chức chỉ muốn hiến người biểu tình nhằm thoả mãn mục đích và nhu cầu bạo lực của chính bản thân? Nói đúng hơn, không có lý do nào để bầu chữa cho một hướng dẫn sử dụng ‘xăng, gạch, đá, gậy, dao’ trong cuộc biểu tình, nó phản ánh đúng tính chất ‘nối giáo cho giặc’ trong vụ việc này, giúp phía an ninh – cảnh sát hoàn thành tốt công việc trấn áp của mình, bởi suy cho cùng một cuộc biểu tình ôn hoà sẽ tạo được sự chính danh trong đòi hỏi quyền con người, nhưng khi bùng phát bạo lực thì nó lại tạo sự ‘chính đáng, hợp pháp hoá’ trong ngăn cản quyền con người từ phía chính quyền.

Đi sâu hơn, khi những ai lên tiếng biểu tình nhưng khuyến khích bạo lực, thì nó đều không hợp lý về đạo đức và một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng. Bởi kết quả của bất kỳ cuộc đấu tranh giữa những người xuống đường và Chính phủ sẽ được quyết định phần lớn bởi ý kiến người dân: nếu người biểu tình bắt đầu bạo lực, điều đó sẽ nâng cao giá trị của chính quyền và những người ủng hộ nó. Và tệ hơn nữa, như đề cập trên, nó cũng có thể giúp hợp pháp hóa các phương pháp khắc nghiệt hơn đối với nhóm người biểu tình đến từ các lực lượng an ninh.

Từ chối bạo lực chính là sự văn minh

Một số quan điểm cho rằng, bạo lực là hợp lý, với luận cứ được diễn giải trong tác phẩm Khảo luận thứ 2 về chính quyền của John Locke [1689]. Trong đó, Locke lập luận rằng nếu những người cai trị vượt quá quyền hạn hiến pháp của họ, sẽ hợp lý nếu dùng đến cuộc nổi loạn vũ trang. Và khi soạn thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Thomas Jefferson coi ý tưởng này là ‘hiển nhiên’.

Nhưng quan điểm tiếp nhận này là sai lệch, bởi bản chất Hiến pháp [hay giá trị pháp luật được khởi thảo] giữa người dân Việt và Mỹ là khác nhau. Người Mỹ được bảo hộ đặc quyền dùng súng và vũ khí trong Tu chính án thứ hai, và đi kèm đó là đạo luật kiểm soát tội phạm và bảo luật. Người dân được phép thay thế chính quyền nếu như chính quyền đó không còn tuân thủ Hiến pháp, thiết lập tính độc tài. Tức Hiến pháp Mỹ ghi nhận đặc quyền này, trong khi Hiến pháp Việt Nam không hề có như vậy. Và tính ‘hiển nhiên’ kia chỉ xảy ra, khi và chỉ khi tính độc tài nổi dậy, cơ chế dân chủ không còn hiệu lực để kiềm soát.

Và tính ‘hiển nhiên’ được đặt ra, nhưng ngay cả luận điểm ‘bạo lực’, nước Mỹ cũng không hề khuyến khích hay sự hiện diện của bạo lực trong biểu tình, đặc biệt là bom xăng hay súng đạn. Bởi lúc này, hành vi sẽ được chuyển sang giai đoạn ‘nổi loạn’ hơn là ‘biểu đạt quyền tự do, quan điểm nhân dân’.

https://1.bp.blogspot.com/-iSFutkJQ_6I/W32lwH0CelI/AAAAAAAAAr8/rM2AYssynE4_CBn49mEA5AsN2fNCb40-gCLcBGAs/s400/2.JPG

Cần lên án những hành vi kêu gọi, hướng dẫn, kích động bạo lực trong mọi tình huống như trang Lisa Pham đang tiến hành.

Đối với những người chuyển sang bạo lực để chống lại bất công xã hội, thì đúng như Mục sư James Lawson, một trong những cố vấn thân cận của Tiến sĩ Martin Luther King trong Phong trào Dân quyền đã nhấn mạnh quan điểm bất diệt về sự xuống đường:

‘Sự thật là, bạo lực có thể phá hủy một tòa nhà, nhưng bạo lực không thể xây một trường đại học hoặc nhà ở gia đình, hay nhà thờ, trang trại hoặc một doanh nghiệp… Nó không thể tạo ra một thành phố nơi mọi người có thể sống tốt trong ôn hoà và có ý thức về giá trị của cuộc sống riêng của họ’. Và vì thế, mỗi phong trào phi bạo lực là một cam kết sống trong tự do và công lý, một khi quyền lực được chia sẻ công bằng bởi tất cả mọi người. Hành động bạo lực phá hoại cam kết đó, tạo ra sự hỗn loạn trên đường phố, hợp pháp hoá sự đàn áp. Sự thành công và tính lâu dài phong trào dân sự luôn phụ thuộc vào sự đa dạng của phong trào, và đặc tính bất bạo động.

Đừng xuống đường nếu ưa thích bạo lực

Từ chối sử dụng bạo lực, kiềm chế nhu cầu bạo lực khi xuống đường là một hành xử cực kỳ văn minh, trong đó đảm bảo các giá trị cốt lỗi nhất của biểu tình chính là hình thức đối thoại với Chính phủ, yêu cầu Chính phủ lắng nghe tiếng nói người dân bằng tập hợp số đông.

Từ chối biểu tình bạo lực cũng chính là sự hỗ trợ tốt nhất cho một không gian xã hội dân sự phát triển lành mạnh, đảm bảo một nhu cầu hài hoà, bền vững và cùng hướng tới giá trị đối thoại trong hoà bình. Bản chất cũng xuống đường phi bạo lực cũng tạo cơ hội cho sự lôi cuốn mọi người bằng hệ giá trị giá trị ôn hoà.

Quan trọng hơn, khi những người biểu tình tố cáo chính quyền hay một lực lượng hắc ám nào đó là ‘hèn hạ khi sử dụng bạo lực hoặc kích động bạo lực’ thì cũng đồng thời, chúng ta không cho phép mình biến thành họ.

Hãy xây dựng biểu tình ở Việt Nam bằng hoa, vẫy tay, và các phương pháp ‘ôn hoà’ khác. Thậm chí, cần không khuyến khích tiến hành các hoạt động hay phương pháp ‘phá hoại’ gián tiếp khác như chặn đường xá trên các tuyến đường quan trọng như QL1A hay cao tốc.

Hãy trở thành những người dẫn đường thay vì chỉ xuống đường.

Hãy hét lên ‘đây là một cuộc biểu tình ôn hoà’ và xây dựng tính ôn hoà ngay cả khi đối diện với dùi cui, đạn cao su, bình xịt hơi cay và nước mắt.

Phản đối ngày hôm nay, trước các chính sách, chủ trương sai của Chính phủ, nhưng cần nhất vẫn là ôn hoà.

A.L.

__________

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Bạo lực. Bookmark the permalink.