Vay nợ Trung Quốc rất nguy hiểm, nhưng Việt Nam nợ bao nhiêu?

Kính Hòa (RFA)

Biểu tình phản đối dự luật ba đặc khu. 10/6/2018.

Biểu tình phản đối Dự luật ba đặc khu. 10/6/2018.

Việc Malaysia quyết định hủy hai đại dự án có vay tiền Trung Quốc là tin mới nhất về những nguy hại đối với các quốc gia phải mang nợ Trung Quốc.

Trường hợp thảm hại nhất là Sri Lanka phải giao cảng nước sâu cho Trung Quốc để gán nợ.

Còn Việt Nam thì sao?

Một cơ quan của Chính phủ Việt Nam là Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng đã ra tuyên bố chính thức, cảnh báo những bất lợi khi vay tiền của Trung Quốc.

Ngày 15/8/2018, cơ quan này ra một báo cáo cho Thủ tướng, mang tựa đề “Thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 – 2020, tầm nhìn 2025”.

Báo cáo này nói rằng lãi suất Việt Nam phải trả khi vay tiền của Trung Quốc, cao hơn vay của các quốc gia khác, thời gian phải trả cũng ngắn hơn.

Bên cạnh đó báo cáo cũng đề cập đến chất lượng của các dự án vay tiền Trung Quốc, dùng kỹ thuật của Trung Quốc, có chất lượng thấp. Báo cáo kết luận rằng cần thận trọng khi vay tiền Trung Quốc.

Nhưng hiện nay Việt Nam nợ Trung Quốc bao nhiêu tiền thì không thấy báo cáo này ghi rõ.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên gia kinh tế hiện sống tại Mỹ cũng đặt ra câu hỏi này, và theo như kết quả nghiên cứu của ông gửi cho chúng tôi, dựa trên những con số công khai thì Việt Nam đang nợ Trung Quốc số tiền trị giá hơn 4 tỉ đô la Mỹ tính cho đến năm 2013. Theo ông con số này có thể thấp hơn nhiều so với thực tế, vì chỉ riêng khoản tiền phát sinh khi thực hiện dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông đã là hơn 300 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn sau năm 2013.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói rằng Việt Nam đã không còn công bố nợ của Việt Nam đối với từng nước từ năm 2011, nhưng đáng lẽ đó là điều cần phải làm:

“Cho đến bây giờ thông tin về việc vay của Trung Quốc gần như là bí mật. Họ không công bố thông tin, mà đáng lẽ họ phải công bố”.

Một điều nữa mà báo cáo về vay vốn phát triển từ Trung Quốc của Bộ kế hoạch và đầu tư không đề cập là vấn đề nhà thầu.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt nói tiếp:

“Nếu mà vay của Trung Quốc thì phải dùng nhà thầu của Trung Quốc. Mà dùng nhà thầu Trung Quốc thì họ lại đòi hỏi đem công nhân của họ sang để xây dựng”.

Ông nêu ra ví dụ về kỹ thuật kém của nhà thầu Trung Quốc trong dự án Cát Linh Hà Đông đã đưa đến những thiệt hại vô cùng lớn mà Việt Nam đang gánh chịu.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từ Hà Nội, cũng chia sẻ nhận định này, ông nói rằng nhà thầu làm dự án Cát Linh Hà Đông chưa bao giờ thực hiện công việc đó. Và điều này là một bài học rất đắt giá.

Một bài học khác khi vay tiền Trung Quốc nữa là vấn đề tham nhũng.

Các dự án vay nợ Trung Quốc đến năm 2013.

Các dự án vay nợ Trung Quốc đến năm 2013. Tiến sĩ Vũ Quang Việt.

Ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng đương nhiệm của Malaysia đã công khai nói rằng dự án đường sắt Bờ Đông mà Trung Quốc tài trợ cho nước này đã làm thất thoát một số tiền lớn do tham nhũng.

Ông Nguyễn Huy Vũ, chuyên gia kinh tế, từ Na Uy cho chúng tôi sự so sánh giữa vay tiền các định chế quốc tế và vay tiền Trung Quốc:

“Đối với các định chế quốc tế như Quĩ tiền tệ quốc tế, hay Ngân hàng thế giới, thì họ có những tiêu chuẩn rõ ràng khi xét cho vay, sử dụng nguồn vốn vay, họ đòi hỏi có sự minh bạch và giải trình. Tiền đó là tiền thuế của người dân của họ đóng vào, nên họ muốn giúp các nước khác phát triển hiệu quả nhất, hạn chế thất thoát và tham nhũng.

Còn Trung Quốc thì khác, các điều kiện của họ rất là dễ dàng. Họ không đòi hỏi giải trình minh bạch, mà chỉ cần cam kết riêng tư giữa lãnh đạo. Khi Trung Quốc cho vay thì muốn đạt được những mục đích kinh tế và địa chính trị của họ”.

Chính vì sự ràng buộc của các định chế quốc tế khi cho vay đã làm cho một số quốc gia kém phát triển không thấy thoãi mái, mà theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu chính trị tại Singapore, các nước đó xem những ràng buộc đó là một kiểu dạy đời về kinh tế.

Việt Nam có lẽ cũng không là một ngoại lệ khi không còn vay tiền từ Quĩ tiền tệ quốc tế.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:

“Hiện nay Việt Nam không còn có tín dụng gì với Quĩ tiền tệ quốc tế nữa. Việt Nam không chấp nhận những điều kiện của họ. Còn vay của Trung Quốc thì Việt Nam cũng thận trọng, chưa vay nhiều, trừ Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”.

Tuy nhiên do sự thiếu thông tin, nên sự thận trọng này, cũng như lời cảnh báo của Bộ kế hoạch đầu tư vẫn không làm tan đi những nghi ngờ về những quyết định kinh tế của chính phủ Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ:

“Tôi có những cuộc nói chuyện riêng tư với một số quan chức trong chính quyền, nhiều người họ ý thức được chuyện Việt Nam nợ Trung Quốc nhiều, có vấn đề về phát triển. Nhưng có lẽ họ là thiểu số không có quyền quyết định”.

Những nghi ngờ này càng tăng sau khi nhà nước Việt Nam cho công bố dự án ba đặc khu, Vân Đồn, Phú Quốc và Vân Phong, với khả năng là Trung Quốc sẽ đầu tư phát triển rất nhiều vào các đặc khu này.

Bên cạnh việc vay vốn đầu tư phát triển từ Trung Quốc, Việt Nam còn tham gia vào một ngân hàng do Trung Quốc thành lập mang tên Ngân hàng Đầu tư phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á.

Theo những nhà quan sát thì ngân hàng này nằm trong một tham vọng chính trị của Trung Quốc mang tên Vành đai con đường, đưa ảnh hưởng của Trung Quốc xuống Ấn Độ Dương, sang châu Phi, xuyên vùng Trung Á, sang châu Âu, tạo lập nên một trật tự mới, trong đó cường quốc Trung Hoa là trung tâm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói với chúng tôi:

“Việt Nam góp 670 triệu đô la Mỹ cho Ngân hàng Đầu tư phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á. Cho đến nay chưa thấy thu xếp một khoản tín dụng nào cả, ít nhất là tôi không biết. Có lẽ điều đó không bình thường đối với Việt Nam, đâu có sẳn vốn sẳn tiền để đưa vào một cái quĩ như thế, mà cho đến bây giờ mình chưa được xu nào, trong khi mình rất cần tiền”.

Tuy nhiên hành động góp vốn này của Việt Nam lại được Tiến sĩ Vũ Quang Việt và Nguyễn Huy Vũ cho rằng chỉ là một việc tượng trưng. Ông Nguyễn Huy Vũ nói:

“Việt Nam đang đi dây ngoại giao giữa phương Tây và Trung Quốc, giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cho nên đó là cái cách Việt Nam làm ngoại giao. Tham gia góp vốn vào ngân hàng đó là để làm hài lòng Trung Quốc là chính”.

Như vậy về mặt ngoại giao và địa chính trị thế giới Việt Nam có lẽ ý thức được sự đe dọa của trật tự mới mà Trung Quốc đang rắp tâm xây dựng.

Nhưng còn những áp lực và nguy hại trong quan hệ kinh tế, trong đó có vay vốn từ Trung Quốc thì sao?

Theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, việc cho ra đời ba đặc khu, và có thể sắp tới đây là khu vực phi thuế quan ở biên giới đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước thỏa thuận, đã vấp phải sự phản đối từ chính nhiều người trong Đảng Cộng sản, của giới trí thức, và dân chúng, sự phản đối lớn đến mức mà dự án ba đặc khu hiện thời đang được đình lại chờ xem xét.

K.H.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-loan-dangerous-08222018123936.html

This entry was posted in Nợ Trung Quốc. Bookmark the permalink.