Đinh Minh Đạo
Tin nhà báo Bùi Tín từ trần gây xúc động mạnh đối với tôi. Đành rằng sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường đối với mỗi con người trên cõi đời này, nhưng sự ra đi của ông đã để lại niềm thương tiếc vô hạn. Ông là một trí thức đích thực, luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, một người cộng sản đã thức tỉnh một cách dứt khoát, công khai phê phán, kêu gọi Đảng CSVN thay đổi để đưa đất nước phát triển, ra khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế, chính trị, giáo dục…, đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho Dân, cho Nước.
Được thừa kế truyền thống trí thức và yêu nước trong một gia đình gia giáo, cha ông là cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế và nguyên chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 18 tuổi ông đã đi theo tiếng gọi của lòng yêu nước, vào bộ đội tham gia cuộc chiến đấu giành độc lập tự do như Đảng đã tuyên truyền kêu gọi.
Là một nhà báo tài năng, ông được Đảng trọng dụng. Được đi nhiều, viết nhiều, ông có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu, so sánh tình hình đất nước với các quốc gia trên thế giới, nhìn nhận ra những yếu kém toàn diện của đất nước. Xa hơn và sâu sắc hơn , ông nhận ra nguyên nhân dẫn đến các yếu kém, đó là sự lãnh đạo độc tài toàn trị của Đảng CSVN. Là một người trong cơ chế của Đảng, ông muốn Đảng phải đổi mới để lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Điều này được biểu hiện rất rõ khi ông chuyển từ quân đội ra giữ chức phó tổng biên tập báo Nhân dân. Tôi còn nhớ, những số báo Nhân dân Chủ nhật do ông chủ biên đã đổi mới từ hình thức đến nội dung, thu hút người đọc, khác hẳn những số báo buồn tẻ, ế ẩm trước đó. Tờ báo còn đăng nhiều đề tài bị cấm kỵ như ngày chết và di chúc thật của ông Hồ Chí Minh.
Nhưng những mong muốn của ông không thể thực hiện trong cơ chế mà Đảng đã bị tha hóa đến không thể cứu vãn. Tôi tin rằng đi tỵ nạn chính trị là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Ở tuổi 60 ông đã để lại quê hương, vợ con, gia đình, bè bạn để bắt đầu một cuộc sống tha hương, để được nói, được viết được đọc những gì mình suy nghĩ, để đưa ra công chúng bộ „Mặt thật” của một thể chế luôn sử dụng bạo lực và dối trá, góp phần vào việc đấu tranh đem lại tự do dân chủ và bảo vệ đất nước trước hiểm họa xâm lược của Trung Quốc.
Tôi có một kỷ niệm khó quên về nhà báo Bùi Tín.
Tháng 06 năm 2007, cuộc Họp Mặt Dân Chủ do giáo sư Đoàn Viết Hoạt chủ trương được tổ chức tại ngoại ô Warsaw, ở một khách sạn trong rừng thông, trên bờ một hồ nước lớn. Trong các buổi thảo luận tại hội trường, nhà báo Bùi Tín ngồi nghe, trông ông có vẻ mệt mỏi của tuổi già. Nhưng mỗi khi thảo luận về tình hình ở Việt Nam, ông đứng lên phát biểu, những nét già nua của tuổi tác đã biến mất, ông trở thành một diễn giả thu hút người nghe, trông ông sinh động hẳn lên và ông trình bày các vấn đề một cách rõ ràng, khúc triết với những số liệu cụ thể từ trong trí nhớ của tuổi 70.
Buổi tối trước khi chia tay, ban tổ chức liên hoan văn nghệ „cây nhà lá vườn”. Nhà báo Bùi tín tham gia rất tích cực. Trong tiếng ghi ta gỗ bập bùng, ông ngâm bài thơ „Nhà tôi” của nhà thơ Yên Thao :
„ Tôi đứng bên này sông
Bên kia đồn địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ướt mơ sương
………………..
Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
……………..
Tôi còn người mẹ
Tóc đã ngả màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ buổi tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon
…………….
Này anh chiến sỹ
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ
Mà tôi nghe như trại giặc đã tan tành
Anh rót cho khéo nhé!
Kẻo nhầm vào nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý
Có người tôi yêu.
Đôi mắt ông như có ngấn lệ, trông ông rất xúc động. Chắc bài thơ đã đưa ông trở với những hồi ức của đời lính, hồi ức của nhưng tháng năm tuổi trẻ, ôm ấp lý tưởng của lòng yêu nước, thương dân.
Nhà báo Bùi Tín luôn theo sát tình hình chính trị, kinh tế … của đất nước, ông đã viết hàng ngàn bài báo về các vấn đề cấp thiết của Việt Nam, cảnh báo giới lãnh đạo của Đảng CSVN trước nguy cơ nội xâm và ngoại xâm. Ông đã không ngại tiếp xúc với những người dân của „bên thua cuộc”, đôi khi ông gặp những người quá khích, họ đả kích và gán ghép cho ông những tội lỗi mà ông không có, ông vẫn điềm tĩnh trả lời các câu hỏi. Ông thông cảm với những đau khổ, mất mát của những người dân, người lính của „bên thua cuộc” đã phải chịu đựng. Những tội lỗi này do „bên thắng cuộc”, trong đó có ông đã gây ra.
Cám ơn nhà báo Bùi Tín, một nhân chứng sống của lịch sử thăng trầm của dân tộc Việt Nam, đã kể cho chúng ta nghe nhiều sự thật trong những năm tháng mà Đảng đã bưng bít, định hướng mọi thông tin để bảo vệ lợi ích của Đảng.
Cám ơn nhà báo Bùi Tín, trong gần 30 năm của cuộc sống tỵ nạn đã luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, đấu tranh không mệt mỏi, cổ vũ tự do dân chủ cho Việt Nam.
Vĩnh biệt ông, cầu mong cho linh hồn ông an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng!
Bài viết này như một nén hương thắp trước bàn thờ ông.
Warsaw 12-08-2018
Đ.M.Đ.
Tác giả gửi BVN