Nhật Bình/Người Việt
Nhiều người dân xúc động trong giây phút di quan nhạc sĩ Tô Hải. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều người thân, bạn bè và những người ái mộ nhạc sỹ Tô Hải, đã tới nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, thuộc dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, dự tang lễ tiễn đưa tác giả ‘Hồi ký của một thằng hèn,’ vào chiều 13 Tháng Tám 2018
Lễ tang nhạc sĩ Tô Hải được cử hành trang trọng theo nghi thức công giáo do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh cùng tám linh mục dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đồng tế, với khoảng một trăm người tham dự.
Tô Hải (tên đầy đủ Tô Đình Hải) sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927 tại Hà Nội. Trước 1975 ông tham gia Việt Minh, có nhiều sáng tác thuộc thể loại ‘nhạc cách mạng’. Ông từng có những tác phẩm khá nổi tiếng như ‘Nụ cười sơn cước’, ‘Trường lục quân đang cần lính đánh Tây’, ‘Tiếng hát người chiến sĩ biên phòng’…
Kể từ sau năm 1990, ông sống ẩn dật trong căn nhà nhỏ ở quận Phú Nhuận, Sài Gòn, viết hồi ký và blog mang tính ‘phản tỉnh’ chỉ trích chính mình đã ‘lạc lối’ khi theo đảng CSVN và gọi thứ nhạc do mình sáng tác là “nhạc nô”.
Không chỉ viết bài công kích chế độ mà ông đã đi theo, Tô Hải còn tham gia các cuộc biểu tình xuống đường chống bá quyền Trung Quốc ở Sài Gòn trong những năm gần đây.
Di quan ra khỏi nhà thờ. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Nhạc sĩ Tô Hải qua đời ngày 11 tháng 8 năm 2018 sau thời gian dài lâm trọng bệnh, hưởng thọ 91 tuổi. Linh cữu của ông được quàn tại nhà riêng ở khu chung cư Miếu Nổi, Phú Nhuận. Đến sáng ngày 13 tháng 8, được di quan lên nhà nguyện nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, số 38 đường Kỳ Đồng, Quận 3, cho những người mến mộ ông thăm viếng.
Tại thánh lễ an táng, vị chủ tế là Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh xúc động nói: “Hôm nay chúng ta ở đây để đưa tiễn một người anh em, một ‘thằng hèn’ mà không hèn. Sự phản tỉnh của ông là một tấm gương sáng cho những con người trong đội ngũ cộng sản đã nhận ra ánh sáng chân lý tự do để quay về nhân dân”.
Tham dự thánh lễ, nhà hoạt động Hoàng Huy Vũ cho biết: “Tôi biết đến ông qua cuốn ‘Hồi ký của một thằng hèn’. Ông đã rất dũng cảm khi mô tả khá chi tiết về những điều thâm cung bí sử của Đảng Cộng sản qua cuốn hồi ký này. Tôi cảm phục ông ở điều đó”.
‘Tôi không phải là người công giáo, tuy nhiên hôm nay tôi đến tham dự thánh lễ, để tiễn đưa ông lần cuối. Ông là đại diện cho thế hệ đi trước đã dũng cảm nói lên sự thật, một điều rất đáng kính trọng. Tôi hi vọng nhiều người trong hàng ngũ những người Cộng sản sẽ dũng cảm vạch trần những sự thật đã được bưng bít bao lâu nay’.
Chủ tế thánh lễ an táng là Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Nhà thơ Hoàng Hưng, một thành viên của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chia sẻ trên facebook: “Tô Hải là một nhân vật tiêu biểu cho những trí thức, văn nghệ sĩ trong giới ‘tiểu tư sản thành thị’ có lòng yêu nước, trung thực và tự trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại”.
“Do yêu nước mà ông hăm hở đi theo Việt Minh, vì chỉ biết Việt Minh đánh Tây giành độc lập, rồi tiếp tục hăng hái phục vụ công cuộc ‘giải phóng miền Nam’ cũng chỉ vì bị bưng bít thông tin. Nhưng đến những năm đầu thập niên 90, ông đã có bước chuyển biến đột ngột, nhờ intenet và trước thực tế hiện tình đất nước. Ông đã từ bỏ đảng cộng sản và công bố cuốn ‘Hồi ký của một thằng hèn’ vào năm 2007”.
“Đó là một hành động dũng cảm vào thời điểm ấy. Ông đã mở con đường công khai từ bỏ đảng và sau này nhiều người đã làm theo và mở đường công bố bản thảo ở nước ngoài cho nhiều cây bút ‘phản tỉnh’ như Trần Đĩnh, Lê Phú Khải…” – vẫn theo nhà thơ Hoàng Hưng.
Di ảnh nhạc sĩ Tô Hải. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Có mặt ở buổi tang lễ, nhà văn Lê Phú Khải cho biết: “Trường hợp Tô Hải làm tôi vững tin sẽ có nhiều người trong hàng ngũ CSVN ‘giác ngộ’ sự thật, dũng cảm với chính mình để tham gia chuyển hóa đất nước theo con đường văn minh tiến bộ’.
Sau thánh lễ an táng, linh cữu nhạc sĩ Tô Hải được đưa về trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) để hỏa táng.
Ghi nhận bên lề buổi lễ là có rất nhiều an ninh, công an, cảnh sát khu vực chốt chặn ở dưới chung cư Miếu Nổi, nơi có tư gia nhạc sĩ Tô Hải. Họ quay phim, chụp hình những người đến viếng, nhưng không can thiệp thô bạo vào đám tang. Khi di quan từ nhà riêng lên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nhà cầm quyền đã cho xe cảnh sát dẫn đường, để đoàn đưa tang nhanh chóng tới nhà thờ.
N.B.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/nguoi-sai-gon-tien-dua-tac-gia-hoi-ky-cua-mot-thang-hen/