Phạm Chí Dũng/Người Việt
Bên cạnh cái lò bát quái của cụ Tổng khi bùng lên lại khi liu hiu chợt tắt, rõ ràng còn một cái lò khác ở quy mô lớn hơn nhiều đã lộ diện trước mắt dân chúng – cái lò lửa nội bộ ĐCS Việt Nam từ lâu như đống trấu âm ỉ bên trong nay không còn cách nào che giấu được ngọn lửa đang hừng hực bốc cháy, mà dẫu người có tài “hô phong hoán vũ” cũng đã biết trước tình thế bó tay chịu chết nếu cứ ôm khư khư siêu quyền lực vào mình.
Bauxite Việt Nam
Quy luật nửa đầu và nửa cuối năm
Vào mùa Hè năm 2015 khi chiến dịch chạy đua vào Bộ Chính trị Đảng cầm quyền khóa 12 ở Việt Nam chính thức lao vào giai đoạn căng biến, chính trường quốc gia này thình lình phát hiện sự biến mất của một Ủy viên Bộ Chính trị có khuynh hướng hướng “thân Trung”: Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Trong suốt mùa Hè đó, cái tên “tướng chữa bệnh” đã bắt chết với một Phùng Quang Thanh còn sống sờ sờ và gây ra một làn sóng hiếu kỳ, ngờ vực cùng dự cảm nguy biến về một âm mưu kinh khủng nào đó đã hình thành – một thứ “đảo chính cung đình” – ngay trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền.
Ba năm sau đó, mùa Hè năm 2018 bất chợt “đỏ lửa” bởi cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn, cùng một cuộc biểu tình với tính chất tương tự nhưng đã đóng đinh bằng trận bạo loạn bởi những kẻ bịt mặt không phải người Bình Thuận ngay tại thành phố Phan Thiết.
Lịch sử đương đại của triều chính Việt Nam đã hình thành một sự vận động nối tiếp và logic như thể có tính quy luật: trong BA năm, từ 2012 đến 2015, cứ nửa đầu năm chính trị tương đối bình lặng thì nửa cuối mỗi năm đó lại sôi trào đấu đá nội bộ trong đảng. Nhưng vào giai đoạn 2015-2018, tính chất căng thẳng của xung đột nội bộ đã không còn cho phép cái nửa đầu năm êm dịu nữa, mà thay vào đó là sự chuẩn bị âm thầm, và sắt máu hơn nữa là xảy ra một số sự biến chính trị ngay vào nửa đầu năm.
Mùa Hè năm 2012
Vào mùa Hè năm 2012, trên mạng xã hội chợt hiện ra một cái tên lạ hoắc: Quan làm báo. Nhưng khác hẳn với trang mạng Dân làm báo bị chính quyền mặc định là “phản động,” Quan làm báo lại mang đặc thù của những bàn tay bí mật từ nội bộ đảng, ngồn ngộn dữ liệu và bí mật cung đình trong nội bộ và mang mục tiêu triệt hạ những nhân vật cao cấp này kia trong nội bộ.
Mùa Hè năm 2012 cũng là thời điểm bắt đầu manh nha cuộc chiến của hai phe nhóm trong nội bộ đảng: cặp bài trùng Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư – Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước với Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng.
Sự hiện hình của trang Quan làm báo, với phạm vi công kích nhắm đến phe Nguyễn Tấn Dũng – thật giống như một tiền đề hết sức quan yếu để “toàn đảng, toàn quân tiến đến Hội nghị Trung ương 6”. Chỉ bốn tháng sau khi xuất hiện, Quan làm báo đã gây bão không chỉ trên mạng xã hội, trong dư luận đời thực mà cả trong chính trường giới quan chức trung cao cấp đang nhấp nhổm hồi hộp và mắt trước mắt sau tính toán chọn lựa phe cánh chính trị, Hội nghị Trung ương 6 đã mở màn với kịch bản “kỷ luật đồng chí X”.
Tuy thế, những giọt nước mắt nhòe cặp kính của Nguyễn Phú Trọng lại là câu trả lời cay đắng dành cho phe đảng. Không những vượt qua mối nguy hiểm bị kỷ luật và để không bị loại khỏi Bộ Chính trị, “đồng chí X” còn lần đầu tiên thu thập được đến 75% phiếu của các Ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương, đặt tiền đề cho cuộc chinh phạt đỉnh cao nhất của “ứng cử viên số một cho chức Tổng bí thư” – trong một cuộc bỏ phiếu thăm dò kín tại Hội nghị Trung ương 10 vào đầu năm 2015 và trùng với cái chết đầy “ma quái” của nhân vật Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh.
Thực ra, Nguyễn Bá Thanh cũng bắt đầu bi kịch của ông ta vào một mùa Hè – Hè năm 2014. Sau khi từ bỏ cái ghế Bí thư Đà Nẵng mà được xem là “vua không ngai” ở thủ phủ miền Trung, Nguyễn Bá Thanh đã được Tổng bí thư Trọng kỳ vọng sẽ bổ sung vào Bộ Chính trị và trở thành một tay kiếm lạnh lùng cho cuộc chiến “chống tham nhũng”. Nhưng do cái chết đọng lại quá nhiều nghi vấn của ông Thanh, khi đó ông Trọng đã chưa thể tiến hành được kế hoạch “đốt lò” mà chỉ có thể hoạt náo từ giữa năm 2016 cho đến nay.
Những mùa Hè sau đó
Trong sáu năm qua, chính trường Việt Nam chỉ tạm êm ả vào mùa Hè năm 2013, trong khi những mùa Hè sau đó đều hoặc âm ỉ, hoặc nóng rẫy cái lò bát quái giữa các phe phái.
“Phe cánh chính trị” đã từ lâu trở thành một thuật ngữ không thể thiếu trong các báo cáo đặc biệt của các cơ quan đặc biệt như tình báo, an ninh thuộc công an, quân đội và khối nội chính đảng. Kể từ vụ Phùng Quang Thanh từ một bệnh viện Pháp trở về Hà Nội vào mùa Hè năm 2015 và sau đó bị xem là “cấm cố” ở một nơi nào đó trong “Thành”, “phe cánh chính trị” đã trở nên một thứ ma túy đê mê thấm vào đến tận tủy sống một số chính khách này nhưng cũng là nỗi run sợ đến mất ngủ mất ăn của một số chính khách khác.
Chính vào lúc đã tạm loại được Nguyễn Tấn Dũng khỏi Bộ Chính trị để buộc nhân vật này phải toát lộ tương lai “trở về làm người tử tế”, Nguyễn Phú Trọng đã khởi động “lò” của mình vào mùa Hè năm 2016 với tiêu lệnh “việc cần làm ngay” – một cụm từ mà ngay lập tức khiến người ta nhớ lại mồn một khẩu lệnh “Những việc cần làm ngay” của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm trước đó.
Tham vọng chỉnh đảng và tôn bật hình ảnh cá nhân của Nguyễn Phú Trọng là không cần bàn cãi: cái chí khí ngút trời ấy đã biến ông Trọng chỉ trong vòng một năm rưỡi từ biệt danh “giáo làng” nhu nhược thành “Sỹ phu Bắc Hà,” “Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo,” thậm chí “Minh quân” hay gần đây nhất là “Người đốt lò vĩ đại”.
Hẳn đó phải là nền tảng hết sức biện chứng lịch sử và biện chứng duy vật để vào mùa Hè năm 2017, Giáo sư kinh tế – chính trị học Mác – Lê Nguyễn Phú Trọng tiến đến việc “trảm” Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị Kiêm Bí thư Thành ủy TP.HCM – một chính khách sống bằng rượu Chivas vài chục triệu đồng một chai và dường như từng cười nhạo ông Trọng về chủ nghĩa Mác – Lê lẫn thất bại cay đắng của ông ta trước “đồng chí X”.
Nhưng mùa Hè năm 2017 còn bất ngờ nồng nàn một hương vị ngoại giao lẫn “tình báo” lạ lùng: vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.” Không biết vô tình hay hữu ý, vụ việc chấn động toàn châu Âu này lại khiến nhân vật Chủ tịch nước Trần Đại Quang “biến mất” trong một tháng sau đó, tiếp biến cơn địa chấn ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Về thực chất, mùa Hè năm 2017 đã trở nên vô cùng đáng nhớ đối với Nguyễn Phú Trọng khi tên ông được ghi vào lịch sử như Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị người Đức trừng phạt bằng quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược Đức – Việt do vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
Còn bây giờ đang là mùa Hè năm 2018…
Mùa Hè 2018 và vài lá bài tẩy đã lật ngửa
Khác hẳn với bầu không khí kìm nén, hoặc giả vờ kìm nén của giai đoạn 2012-2015, nửa đầu năm 2018 đã khởi đi với chiến dịch “đốt lò” rúng động toàn chính trường Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ là phạm trù cá nhân Đinh La Thăng gắn với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà “lò” đã cháy trên diện rộng, từ vụ Thượng tá Tình báo Công an Phan Văn Anh Vũ mà rất nhiều khả năng dắt dây đến nhiều quan chức cao cấp của ngành Công an và còn có thể cao hơn thế, đến hai tướng cảnh sát Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh và cả tướng tình báo Phan Hữu Tuấn bị tống giam, hàng loạt đồn đoán trong dư luận xã hội lẫn dự đoán của giới chuyên gia chính trị về số phận không hề ngọt ngào của Trần Đại Quang trước Hội nghị Trung ương 7 vào tháng Năm, 2018, rồi Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành bị giáng chức…
Nhưng ngay sau Hội nghị Trung ương 7 với thái độ “xui xị” thật khó hiểu của Nguyễn Phú Trọng, ở phía Nam Việt Nam đã bất thần nổ ra cuộc biểu tình cực lớn phản đối Luật Đặc khu. Lòng dân phẫn uất là lý do quá dễ hiểu trong một chế độ đang lao thẳng vào bóng đêm.
Nhưng vẫn còn một lý do khác: Sau cuộc biểu tình trên và đặc biệt sau trận bạo loạn ở Phan Thiết, ngày càng nhiều dư luận cho rằng đã có một bàn tay bí ẩn nào đó, của một thế lực bí ẩn nào đó trong nội bộ đảng, hậu thuẫn cho cuộc biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn và bảo kê cho những kẻ bịt mặt đốt phá ở Phan Thiết.
Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn “mượn” người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình “áo đỏ – áo vàng” ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức…
Dường như Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải chế độ của ông ta, đang bị thách thức quyền lực một cách công khai. Hình như vài lá bài tẩy đã được lật ngửa.
Và dường như mùa Hè năm 2015, khi bầu không khí “toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12” đang có bề tái hiện vào mùa Hè năm 2018. Những gì đã được khởi đi từ vụ Phùng Quang Thanh mang mùi vị “đảo chính” vào mùa Hè năm 2015 có vẻ đang trở lại cái hương vị ngất người của nó vào mùa Hè năm nay. Và nếu đúng là thế mà không thể sai khác, nửa cuối năm 2018 sẽ phải chứng kiến một trận tương tàn trong chính trường Việt Nam, nhưng không chỉ là sự xung đột giữa một số cá nhân như trước Đại Hội 12, mà sẽ “bão trên diện rộng” và quyết định số phận chính trị của nhiều chủ thể quan chức khác.
P. C.D.
Tác giả gửi BVN