Cái chết của anh Hứa Hoàng Anh khiến dư luận không thể không liên tưởng đến hàng trăm cái chết oan khiên của những công dân vô tội ở Việt Nam những năm gần đây khi chẳng may dây vào công an. Dù rằng, mấy ngày sau, có những kẻ lên Facebook nói rằng anh chết vì ham đá gà, bị thua nên uất quá mà tự tử; lại có kẻ thắc mắc: nếu anh chết oan vì công an, tại sao gia đình anh không lên tiếng, không kêu kiện… Những luận điệu chạy tội cho công an như thế nghe quá quen, và chẳng ai còn tin được. Và thực tế đã có người lên Facebook nói rõ rằng anh đã bị công an đến giết ngay tại nhà, ngay khi vợ anh đang đi lấy nước để đun mời “khách”. Sau khi anh mất, chính quyền và công an địa phương còn tìm cách hành hạ thi thể anh, còn cấm đoán người dân địa phương đến dự đám tang anh, còn cấm gia đình anh lên tiếng kêu oan cho anh… Thật là tột cùng độc ác và hèn hạ khi họ có chính quyền trong tay mà hành xử như vậy.
Tổ chức Ân xá Quốc tế không thể bỏ qua sự việc cực kỳ đáng lên án này.
Bauxite Việt Nam
Ngày 3/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) công bố văn thư hối thúc Việt Nam mở ngay cuộc điều tra về cái chết của một người biểu tình tên Hứa Hoàng Anh.
Ông Hứa Hoàng Anh. Ảnh: FB Hứa Hoàng Anh
Trích lời bà Clare Algar, Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu của Ân xá Quốc tế, văn thư nói về phản ứng của AI trước những báo cáo về cái chết của Hứa Hoàng Anh, người nông dân đã tham gia các cuộc biểu tình quy mô lớn gần đây tại Việt Nam:
“Ân xá Quốc tế hối thúc chính quyền các cấp ở Việt Nam ngay lập tức mở một cuộc điều tra sâu rộng và công minh về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và làm chết Hứa Hoàng Anh, một người nông dân ở tỉnh Kiên Giang, Việt Nam, người đã tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10 tháng 6.
AI, qua văn thư nói trên cho biết tổ chức nhân quyền Defend the Defenders báo cáo rằng Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện là đã tử vong sau khi một vài cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà anh vào ngày 02 tháng 08. Phía công an sau đó cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết là do tự sát. Tuy nhiên, các vết thương trên đầu, cổ và bụng được tìm thấy tạo ra nghi vấn rằng ông Hoàng Anh có thể đã bị tra tấn đến chết.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định:
“Quyền tự do hội họp ôn hòa được quy định trọng điều 21 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị, chính quyền Việt Nam cần phải tôn trọng và bảo vệ quyền hợp pháp này bởi nó được quy định tại điều 25 trong hiến pháp Việt Nam. Chính quyền cũng cần phải bảo vệ mọi lúc các quyền tuyệt đối như quyền được sống và quyền không bị tra tấn và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác, điều này cũng có nghĩa cần phải triển khai ngay lập tức các cuộc điều tra hiệu quả, độc lập đối với các trường hợp nạn nhân bị chết khi đang giam giữ trong đồn công an.”
Và vạch ra:
“Quyền được sống và được bảo vệ bởi luật pháp đồng thời cũng được ghi tại điều số 6 của Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị và Công ước chống Tra tấn của Liên hiệp quốc mà Việt Nam là một thành viên từ năm 2013.”
Yêu cầu chính phủ Việt Nam lập tức điều tra về nghi vấn các sĩ quan cảnh sát đã tra tấn và gây ra cái chết Hứa Hoàng Anh của AI được đưa ra trước bối cảnh cộng đồng dân mạng đang ồn ào bàn tán về cái chết bất thường của ông.
Được biết ông Hứa Hoàng Anh sinh năm 1984, ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ông Hoàng Anh bất ngờ “đột tử” vào trưa ngày 2/8, trên đường được đưa về nhà, và đêm trước đó, đã bị Công an huyện Châu Thành mời lên “làm việc” về việc ông tham gia biểu tình phản đối những dự luật Đặc khu, An ninh Mạng, vào ngày 10/6/2018 tại Sài Gòn.
Hiện gia đình ông Hứa Hoàng Anh hoàn toàn giữ im lặng về cái chết của người thân và không tiếp xúc với báo giới.
A.L.
Theo BBC Việt ngữ
VNTB gửi BVN