Luật Tiếp cận thông tin và quyền tự do ngôn luận của công dân

Thảo Vy

Thời gian gần đây, nhiều tài khoản facebook bị xóa bài, bị khóa/ tạm khóa tài khoản mà không rõ lý do, vì các nội dung bài viết không vi phạm chính sách “Tiêu chuẩn cộng đồng [*] mà chính facebook đưa ra.

Người viết cho rằng với sự tùy tiện của facebook, căn cứ vào quyền tự do ngôn luận được bảo hộ tại Điều 25, Hiến pháp 2013, và các luật liên quan như Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật Tiếp cận thông tin 2016 (hiệu lực từ ngày 1-7-2018), chính phủ Việt Nam cần có các biện pháp bảo hộ cho người dân Việt Nam trong sử dụng dịch vụ mạng xã hội facebook.

Phải chăng đây là ‘cú bắt tay’ khóa miệng công dân?

Với việc Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 tới đây, cho thấy việc ‘xóa bài’, ‘khóa tài khoản’ của facebook đang diễn ra là bước đầu của việc đội ngũ quản trị người Việt Nam đang làm việc ở facebook, tuân thủ các ràng buộc của Luật An ninh mạng mà không phải chờ đến đầu tháng 1-2019.

Sở dĩ có thể đưa ra nhận định như trên vì hầu hết các bài viết trên trang facebook của nhiều cá nhân, đều là tuyến bài nóng về tình hình thời sự đang diễn ra tại Việt Nam, trong đó có việc nhiều công dân đã bị công an TP.HCM vô cớ bắt và đánh đập dã man hôm Chủ nhật 17-6-2018.

Nhà hoạt động nhân quyền Lê Văn Dũng (bên phải) thực hiện livestream Facebook tại một quán cà phê ở Hà Nội, Việt Nam ngày 15 tháng 5 năm 2018. Ảnh: REUTERS / Kham

Tài khoản của cô cựu sinh viên trường luật Trương Thị Hà vừa được facebook [https://www.facebook.com/htruongtoiyeuluat] mở lại vào chiều Chủ nhật 1-7 là một ví dụ. Trước đó, hôm 29-6, Trương Thị Hà có bài viết kể lại tình cảnh lúc cô bị công an đánh tại nơi giam giữ ở sân banh Tao Đàn vào chiều Chủ nhật 17-6. Người thầy của Hà chứng kiến cảnh đó nhưng đã làm thinh, và từ chối lời van xin của cô sinh viên về việc nhờ người thầy này liên hệ dùm các luật sư để bảo vệ cô.

Bài viết nhanh chóng được chia sẻ và… những nhà quản trị người Việt của facebook lập tức xóa bài và tạm khóa tài khoản của cô sinh viên này. Lê Diệp Kiều Trang – Giám đốc Facebook Việt Nam, được cộng đồng mạng cho rằng đây chính là người đã nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của Luật An ninh mạng ngay khi luật này chưa có hiệu lực.

Quá nguy hiểm khi facebook ‘bán đứng’ khách hàng

Thời gian gần đây cộng đồng facebook Việt Nam đón nhận những đợt đóng tài khoản rất lạ. Hễ cứ viết bài đụng chạm đến một số doanh nghiệp, một số nhóm lợi ích trong chính phủ là bị đóng tài khoản.

Nếu như trước đây facebook luôn đưa ra lý do đóng tài khoản là “bạn đã bị ai đó báo cáo rằng tài khoản của bạn là giả mạo”. Rất khó khăn, tốn nhiều thời gian và bằng nhiều cách những anh chị này mới lấy lại được tài khoản. Thì nay không cần lý do gì cả, vẫn đóng.

Nhà báo Hoàng Linh (báo Tuổi Trẻ) kể: “Tôi tham gia mạng xã hội facebook với tư cách chính chủ, sử dụng họ tên thật, ngày tháng năm sinh thật, cơ quan công tác thật, trường đại học thật, địa chỉ email thật, số điện thoại thật, ảnh chân dung và sinh hoạt gia đình thật… Nhưng khi tôi viết những dòng trạng thái để bảo vệ cộng đồng trước sự xâm hại của các nhóm lợi ích thì ngay lập tức bị report. Facebook thông báo tôi bị ai đó báo cáo là mạo danh Hoàng Linh. Thể theo yêu cầu của facebook tôi đã gửi những giấy tờ, hình ảnh để chứng minh tôi là chính tôi, gửi đến 9 lần nhưng vẫn chưa nhận được sự phản hồi tích cực của facebook. Tôi cũng nhờ người liên lạc với cô Lê Diệp Kiều Trang, giám đốc Facebook Việt Nam thường trú tại Singapore nhưng vẫn không có phản hồi gì”.

Facebook đóng vai trò quan trọng trong mở rộng quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Hôm 26-6, TS.BS Đinh Đức Long đã viết một lá thư song ngữ Việt – Anh, gửi tới văn phòng Facebook Việt Nam tại Singapore. Nội dung như sau: “Chào lãnh đạo Facebook và bà Lê Diệp Kiều Trang.

Sau khi trang facebook cá nhân của tôi đột ngột bị khoá với lý do có kẻ mạo danh, thì tôi đã làm theo hướng dẫn của người quản trị để chứng minh tôi là chủ nhân đích thực không thể tranh cãi được về pháp lý. Thế nhưng trái với kỳ vọng được khôi phục ngay lập tức trang facebook của mình, thì người quản trị lại tiếp tục đòi hỏi tôi cung cấp những thông tin cá nhân vô lý khác. Tôi cho rằng đây là ứng xử không chuyên nghiệp, thiếu khách quan của đại diện facebook phụ trách thị trường Việt Nam. Bằng phản hồi này tôi bày tỏ sự không hài lòng của minh về cách xử trí của đại diện facebook với tôi. Tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các chuyên gia, luật sư, nhà báo… để đòi hỏi được đối xử bình đẳng, và phục hồi trang facebook của mình”.

TS.BS Đinh Đức Long là người được cộng đồng biết đến là một cựu quân nhân đã từ bỏ Đảng CSVN, và ông có tiếng nói phản biện mạnh mẽ về các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực…

Với việc facebook có thể ‘bán đứng’ khách hàng, thì một khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành, xem ra bất kỳ công dân nào lên tiếng phản biện các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trên trang cá nhân facebook, dễ đối mặt với quy chụp về tội ‘chống Nhà nước’ được quy định tại Điều 117, Bộ Luật Hình sự 2015.

Ở Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có một điều rất vô lý là chỉ cần ‘mới suy nghĩ’, đã có thể phải chịu mức án tù từ 1 đến 5 năm.

Hành vi sau đây được coi là ‘chống Nhà nước’, buộc phải đi tù với mức cao nhất là 20 năm: “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”.

Các nhà lập pháp Việt Nam đã nhấn nút thông qua Luật an ninh mạng, thắt chặt các quy tắc trên Google, Facebook.

Không cần chờ phiên tòa phúc thẩm, Luật An ninh mạng trao cho “lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông”, có quyền yêu cầu chặn “share/ chia sẻ”, xoá các thông tin mà “lực lượng” này cho rằng là “tuyên tuyền chống nhà nước” và “yêu cầu các nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet cho người có các bài viết đó”.

Như vậy, nếu tôn trọng Hiến pháp 2013, Điều 2.1 “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, thì chỉ có toà án mới có quyền tuyên bố hành vi nào là “tuyên truyền chống nhà nước”. Nếu Việt Nam có tính tới yêu cầu buộc gỡ các “fake news/ tin giả” trên mạng xã hội, thì cũng chỉ nên tiến hành sau khi có phán quyết của Toà. Nếu để cho các quan chức của Bộ Công an và Bộ Thông tin đưa ra các phán quyết đó thì trong thời gian vừa qua thì những sai phạm ở Bộ Thông tin và Truyền thông (trong vụ MobiFone-AVG), ở Bộ Công an (trong vụ Vũ “Nhôm”, vụ các tướng chủ mưu đánh bạc…), Bộ Quốc phòng (bán đất sân bay Tân Sơn Nhất…) liệu nhân dân có cơ hội mà bàn đến?.

Quyền tự do cá nhân, quyền riêng tư chỉ có thể bị can thiệp khi có trát của toà. Không có một đất nước có luật pháp nào, cảnh sát lại được trao cho quyền đó. Ở đây, trong khi Luật An ninh mạng chưa hiệu lực, mà Facebook Việt Nam đã cho mình cái quyền ‘công an mạng’ là một hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

Ai sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tiếp cận thông tin, quyền được tôn trọng thông tin cá nhân của người Việt Nam?

Chú thích

[*] https://www.facebook.com/communitystandards/introduction/

VNTB gửi BVN

This entry was posted in an ninh mạng, Tự do báo chí. Bookmark the permalink.